25/11/2024

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho phép chúng ta chạm đến lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người

Ngay từ thời các Tông đồ, Giáo Hội đã có thói quen ban Bí tích Xức Dầu và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Vị linh mục và các người có mặt đại diện cho toàn cộng đoàn Kitô tụ tập chung quanh người bệnh và các thân nhân của họ để cầu nguyện cho họ, dưỡng nuôi đức tin và đức cậy của họ trong tình huynh đệ liên đới. Và chính Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng cả sự dữ và cái chết cũng không bao giờ có thể tách rời chúng ta ra khỏi Ngài.

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho phép chúng ta chạm đến lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người
 
Ngay từ thời các Tông đồ, Giáo Hội đã có thói quen ban Bí tích Xức Dầu và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Vị linh mục và các người có mặt đại diện cho toàn cộng đoàn Kitô tụ tập chung quanh người bệnh và các thân nhân của họ để cầu nguyện cho họ, dưỡng nuôi đức tin và đức cậy của họ trong tình huynh đệ liên đới. Và chính Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và nhắc nhở chúng ta rằng cả sự dữ và cái chết cũng không bao giờ có thể tách rời chúng ta ra khỏi Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu sáng thứ tư 26-2-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Chào mọi người ngài ca ngợi tín hữu can đảm, vì tuy tiên báo thời tiết cho biết trời mưa, nhưng họ vẫn đến tham dự buổi tiếp kiến đông đảo. Thật ra, sáng thứ tư trời tạnh ráo và có chút nắng ấm.


Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chi em thân mến, hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, là bí tích cho phép tay chúng ta chạm đến lòng xót thương của Thiên Chúa đối với con người. Trong quá khứ, nó được gọi là “Phép xức dầu tột cùng”, vì nó được hiểu như sự củng cố tinh thần trong giờ chết cận kề. Nhưng nói tới Bí tích “Xức Dầu Bệnh Nhân” giúp chúng ta trải rộng cái nhìn trên kinh nghiệm của tật bệnh và khổ đau, trong chân trời lòng xót thương của Thiên Chúa.

Có một hình ảnh Kinh Thánh diễn tả tất cả mầu nhiệm toả thoát ra từ Bí tích Xức Dầu cho các bệnh nhân sự sâu thẳm của nó: đó là dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, trong Phúc Âm Thánh Luca (Lc 10,30-35).

Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích này, chính Chúa Giêsu, trong con người của vị linh mục, tới gần người khổ đau, người bệnh nặng hay người già cả. Dụ ngôn nói rằng người Samaritanô nhân hậu săn sóc người khổ đau bằng cách đổ dầu và rượu trên các vết thương của ông. Dầu khiến chúng ta nghĩ tới dầu được giám mục làm phép hằng năm trong Lễ Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh, để xức cho các bệnh nhân. Trái lại, rượu là dấu chỉ của tình yêu thương và ơn thánh của Chúa Kitô, nảy sinh từ ơn sự sống Người ban cho chúng ta, và diễn tả tất cả sự phong phú của chúng trong cuộc sống bí tích của Giáo Hội.

Sau cùng, người khổ đau được tín thác cho chủ quán trọ, để ông có thể tiếp tục săn sóc cho mgười đó, mà không chú ý gì tới các chi phí. Vậy ai là chủ quản trọ? Đó là Giáo Hội, là cộng đoàn Kitô, là chúng ta, trong thân xác và trong tinh thần, để chúng ta có thể tiếp tục đổ trên họ tất cả lòng xót thương và ơn cứu độ của Chúa một cách vô chừng mực.

Tiếp tục bài huấn dụ về Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Đức Thánh Cha nói: lệnh truyền ấy được nêu bật một cách rõ rằng và chính xác trong thư của Thánh Giacôbê, trong đó người dặn dò các tín hữu: “Ai đau yếu thì hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Và lời cầu nguyện được làm với lòng tin sẽ cứu người bệnh: Chúa sẽ nâng người ấy dậy; và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.” (Gc 5,14-15). 

Đức Thánh Cha giải thích thêm:

Như vậy, đây là một thực hành đã có từ thời các Tông đồ. Thật thế, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đặc biệt có lòng yêu thương các bệnh nhân và những người đau khổ như Ngài, và đã thông truyền cho họ khả năng và nhiệm vụ tiếp tục ban phát nhân danh Ngài và theo con tim của Ngài, sự xoa dịu và bình an, qua ơn thánh đặc biệt của Bí tích này. Tuy nhiên, điều này không được khiến cho chúng ta rơi vào chỗ tìm kiếm phép lạ một cách ám ảnh, hay rơi vào yêu sách có thể luôn luôn được chữa lành. Nhưng nó là sự gần gũi chắc chắn của Chúa Giêsu đối với người bệnh, cả đối với người già, bởi vì mỗi người già, mỗi người quá 65 tuổi đều có thể nhận bí tích này: đó chính là Chúa Giêsu đến gần chúng ta. Nhưng khi một người bệnh nghĩ: “Mình hãy mời linh mục đến”, thì người ta bàn lui bàn tới: – “Không, không, đừng, vì ổng đem đến cái không may, thôi đừng gọi nữa”, hay “như thế người bệnh sẽ hoảng sợ”. Tại sao vây? Tại vì người ta nghĩ rằng, khi có người đau và linh mục đến thì sau linh mục là nhà hòm đến: đâu có thật như vậy!

Vị linh mục đến để trợ giúp bệnh nhân hay người già: vì thế, thật là quan trọng việc linh mục thăm viếng các bệnh nhân. Gọi linh mục đến để ngài xức dầu và chúc lành cho người bệnh chứ. Bởi vì Chúa Giêsu đến gần để nâng bệnh nhân dậy, ban cho họ sức mạnh, niềm hy vọng và trợ giúp họ. Và cũng để tha tội cho họ nữa. Đây là điều rất đẹp! Và xin anh chị em đừng nghĩ đó là điều cấm kị.

Bởi vì vấn đề đó là càng ngày người ta càng ít xin có thể cử hành Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân hơn. Lý do chính là ở chỗ trong biết bao gia đình Kitô, do ảnh hưởng của nền văn hoá và sự nhạy cảm ngày nay, người ta đi tới chỗ coi sự khổ đau và chính cái chết như là một điều cấm kị, như cái gì cần phải che dấu và nói đến càng ít càng tốt. Có đúng thật là sự khổ đau, bệnh tật và chính cái chết vẫn là một mầu nhiệm trong nhiều khía cạnh của chúng; nó vượt cao hơn chúng ta và trước nó các lời nói giảm đi. Đó cũng là điều cảm nhận được trong Lễ nghi Xức dầu, trong đó với một kiểu rất đơn giản và kính trọng người ta nói: “Vị linh mục đặt tay trên thân thể người bệnh, mà không nói gì.”

Anh chị em thân mến, thật là đẹp khi biết rằng trong lúc khổ đau và bệnh tật, chúng ta không cô đơn: thật ra, vị linh mục và những người hiện diện trong Lễ nghi Xức dầu, đại diện cho toàn cộng đoàn Kitô, như là một thân mình duy nhất, quây quần chung quanh người đau khổ và các thân nhân của họ, dưỡng nuôi trong họ đức tin và đức cây, bằng cách nâng đỡ họ với lời cầu nguyện và hơi ấm huynh đệ. Nhưng sự ủi an lớn lao nhất đến từ sự kiện chính Chúa Giêsu hiện diện trong bí tích cầm tay chúng ta, vuốt ve chúng ta như Người đã làm với các bệnh nhân xưa kia. Người nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta thuộc về Người và không gì, kể cả sự dữ và cái chết – sẽ có thể tách rời chúng ta ra khỏi Người.

Chúng ta hãy có thói quen mời linh mục đến xức dầu cho các bệnh nhân – tôi không nói tới người bị cảm cúm 3-4 ngày là hết – nhưng khi có bệnh nặng – và cho cả các người già nữa, xin linh mục đến ban bí tích này cho họ, ban cho họ sự củng cố và sức mạnh của Chúa Giêsu để họ tiến bước.

Chào tín hữu các đoàn hành hương đến từ nhiều nước tây âu, bắc Mỹ và châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha khuyến khích họ đừng bao giờ sợ hãi mời các linh mục đến ban Bí tích Xức Dầu cho các thân nhân bị bệnh, vì đó là phương thế Thiên Chúa dùng để ban ơn thánh cho các bệnh nhân.

Cũng như thường lệ, Đức Thánh Cha đã dành thời giờ chào và vuốt ve an ủi hàng chục bệnh nhân lớn nhỏ ngồi trên xe lăn, trước khi bắt tay và nói chuyện với những người được đừng hai bên khán đài và các cặp vợ chồng mới cưới. Ngài thường nói chuyện và trao đổi lâu với họ. Cặp nào cũng muốn ôm hôn Đức Thánh Cha, và dĩ nhiên là họ có nhiều hình ảnh rất đẹp với ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thức với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.