Những mảnh đời trôi dạt: Phận người dưới chân cầu
Giữa phố thị Sài Gòn có không ít phận người trôi dạt từ khắp nơi về lặn lội mưu sinh, trú ngụ lề đường, gầm cầu hàng chục năm trời hoặc nương nhờ trung tâm bảo trợ xã hội. Có những người không biết quê quán gốc gác của mình ở đâu để về mỗi dịp năm hết tết đến…
Những mảnh đời trôi dạt: Phận người dưới chân cầu
Giữa phố thị Sài Gòn có không ít phận người trôi dạt từ khắp nơi về lặn lội mưu sinh, trú ngụ lề đường, gầm cầu hàng chục năm trời hoặc nương nhờ trung tâm bảo trợ xã hội. Có những người không biết quê quán gốc gác của mình ở đâu để về mỗi dịp năm hết tết đến…
“Ngôi nhà” của Nguyễn Minh Tuấn và vợ con ở gầm cầu Ông Lãnh - Ảnh: Đình Phú |
Cầu Ông Lãnh nối liền trung tâm Q.1 và Q.4 (TP.HCM) ban ngày xe cộ nườm nượp. Mỗi khi đêm xuống luôn lung linh sắc màu tỏa sáng từ những tòa cao ốc sang trọng, nhưng ít ai biết rằng phía bên dưới gầm cây cầu này là những phận người sống đời trôi dạt, tứ cố vô thân năm này qua năm khác.
Biết hoàn cảnh của Nguyễn Minh Tuấn (30 tuổi) nhiều năm sống ở gầm cầu, tôi tìm cách liên lạc qua điện thoại thì được cuộc hẹn 8 giờ tối sẽ gặp, nhưng mãi đến hơn 10 giờ Tuấn mới có mặt “vì em bận chạy xuống chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tranh thủ lựa hàng chở về để sáng sớm mai cho vợ bán”. Có thể gọi Tuấn là “thổ địa”, vì anh đã tá túc nơi đây từ năm 2004 cho đến nay, sau nhiều năm lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở các khu vực lân cận cầu Ông Lãnh.
Một thời lầm lỗi
Tuy lần đầu tiên tiếp xúc nhưng Tuấn không hề che giấu về quá khứ lầm lỗi và nay đây mai đó của mình. Tuấn kể mình không biết quê quán ở đâu, lớn lên không biết mặt cha. Nhà có 2 anh em, em gái lấy chồng đang ở tỉnh Tây Ninh. Sống cảnh lang thang từ nhỏ đến năm 16 tuổi, Tuấn gặp Trần Thị Sửu (29 tuổi) thấy “hợp cạ” rồi lấy nhau và ở chung, không cưới xin gì. Tuấn từng nghiện ngập, tham gia bán ma túy chừng 2 tháng thì bị bắt, đi ở tù 3 năm. Sửu cũng dính đến ma túy, bị bắt trong một vụ án khác, cũng ở tù gần 3 năm. “Trước đây em không bình thường đâu, làm ma làm quỷ ghê lắm, cũng quậy dữ lắm”, Tuấn thú nhận. Như để minh chứng, Tuấn cởi tấm áo để lộ cơ thể với nhiều hình xăm cả trước lẫn sau. Tuấn chia sẻ: “Mình vướng vô con đường phạm tội, lầm lỡ nên mình biết rồi, hiểu rồi. Được cải tạo sớm là một cơ hội cho cuộc đời mình được cứu, cho mình làm lại công dân lương thiện, sống hòa nhập cộng đồng”.
Những tháng ngày tù tội đã giúp Tuấn có dịp nghĩ suy về đời mình, rằng dẫu có lăn lóc, khổ cực bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng phải làm một con người lương thiện. Khát khao sống lương thiện trỗi dậy trong tâm trí chàng thanh niên từng “quậy dữ lắm” này. “Suy nghĩ ra rồi mới biết là mình ngu”, Tuấn bộc bạch và kể: “Hồi em ở Trại giam Châu Bình (tỉnh Bến Tre) có cán bộ Hoàng biết hoàn cảnh em côi cút, không ai thăm nuôi nên ổng thương và hay giúp đỡ, khuyên đoạn tuyệt với ma túy rồi có thời gian, sức khỏe lo cho vợ con. Giờ không biết ổng còn làm ở đó nữa không, nhiều lúc cũng muốn đi thăm vị ân nhân của mình mà không có tiền anh ơi”.
Viết lại cuộc đời
Vợ chồng Tuấn hiện có 4 đứa con: Trần Hữu Lộc (13 tuổi), Trần Minh Tài (8 tuổi), Trần Minh Hậu (5 tuổi) và Trần Thị Thùy Trang (3 tuổi). Tuấn bảo trước năm 2004 thường sống ở chợ bắp đường Nguyễn Thái Học (Q.1); vợ chồng, con cái cũng ngủ tạm bợ ở chợ. Bao khổ cực, gian truân đều đã trải qua với cảnh thường xuyên không giường, không chiếu, “tối đâu cũng là nhà, ngả đâu cũng là giường”. Còn bây giờ, vợ chồng anh đang ở một góc cua dưới gầm cầu Ông Lãnh cùng cháu Lộc và Hậu (cháu Tài đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm An Toàn, Q.Gò Vấp; cháu Trang đang ở trọ với bà ngoại ở H.Củ Chi, TP.HCM). Chỗ ngả lưng cho bốn con người là 2 chiếc giường xếp cũ nát đặt cạnh nhau. Gối kê, chăn màn đều rất sơ sài mặc dù thời tiết ở Sài Gòn thời gian gần đây có những lúc lạnh căm. “Hai ghế xếp này thải ra từ công trình xây dựng, em mua với giá 70.000 đồng/cái về giặt lại để cho cả nhà nằm ngủ, chứ trước đây thường trải ni lông ngủ và bị chuột cắn chân chảy máu hoài”.
Sống đời trôi dạt nên hầu như Tuấn không hề có một tài sản gì đáng giá, ngoài chiếc xe máy do một đơn vị tặng để anh hành nghề xe ôm (thuộc Nghiệp đoàn xe ôm P.Cầu Ông Lãnh, Q.1). Cũng nhờ nghề chạy xe ôm, Tuấn nhiều lần phát hiện, truy bắt cướp trên đường và được chính quyền địa phương khen thưởng.
Tôi hỏi Tuấn một ngày làm được bao nhiêu tiền. Tuấn bảo chạy xe ôm thì thu nhập không ổn định. Vợ bán vài quả chanh, củ hành cũng ở gầm cầu bữa đắt bữa ế. “Giờ có chỗ nào để đi đâu anh, may mà còn có gầm cầu trú mưa trú nắng, rồi bán vài thứ lặt vặt qua ngày. Chuyện dư dả tiền bạc thì không bao giờ dám mơ tới nên không thể thuê trọ được vì không đủ khả năng”. Quyết tâm viết lại cuộc đời mình, khi trò chuyện trông Tuấn tỏ ra rất lạc quan nhưng đôi lúc cũng trầm buồn với những nỗi niềm không dễ gì tự Tuấn xua tan được. Vì cuộc sống quá đỗi bấp bênh, cháu Lộc dù đã 13 tuổi mà không biết đọc, biết viết. “Cháu không biết chữ gì hết anh ơi. Sắp tới em sẽ xin cho cháu đi học, ít nhất cũng biết viết được cái tên của mình, chứ đâu có muốn cháu nó dốt như mình”, Tuấn nói.
Tuấn ngậm ngùi: “Có những người đêm hôm khuya khoắt đi trên đường nhưng họ còn có chỗ để về, còn mình thì… Em ở ngoài đường hoài nên không có cục đất chọi chim nữa mà. Ước mơ giờ có một cái chòi cũng được, không cần có nhà đâu để còn có chỗ chui ra chui vào. Từ lúc cha mẹ sinh đẻ ở ngoài đường không hà, nên em thường mơ về một mái nhà”.
Gần nửa đêm, tôi mời Tuấn tạt sang quán vỉa hè bên cạnh gầm cầu Ông Lãnh ngồi lai rai, nhưng anh lắc đầu: “Em không biết uống bia anh ơi. Nhiều lần bắt được cướp, người ta rủ đi nhậu hoài mà em đâu có đi, mà có đi thì cũng ngồi tán dóc chơi thôi”.
Sống ở gầm cầu, nhưng trong Tuấn luôn nơm nớp nỗi lo một ngày nào đó sẽ không còn được ở gầm cầu nữa. “Em tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương nên phường cũng biết rõ hoàn cảnh và châm chước cho tá túc. Chứ bây giờ mà không cho ở tiếp thì không biết cả nhà sẽ trôi dạt về đâu nữa”, Tuấn nói khi chia tay tôi.
Đình Phú