25/11/2024

Đầu độc chim cò

Trên những cánh đồng một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những “thiên la địa võng” do con người giăng ra để tận diệt chim cò.

Đầu độc chim cò

Trên những cánh đồng một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những “thiên la địa võng” do con người giăng ra để tận diệt chim cò.

Kéo lưới bắt chim cò và cồng cộc bị trúng độc (ảnh nhỏ) ở Bắc Hòa – Ảnh: Sơn Bình 

Những giàn dây câu với lủng lẳng, chi chít lưỡi được giăng ngang trời, những tấm lưới trùm lên cả đám ruộng, thậm chí người dân dùng cả thuốc độc để giết chim rồi đem về các chợ bán cho dân nhậu.

Từ các loại bẫy đến thuốc độc

 

“Những lúc chim cò đi kiếm ăn chính là thời điểm dễ bị săn bắt nhất. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi hoàn toàn không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn được”

 

Tại cánh đồng rộng hơn 30ha ở xã Bắc Hòa (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), Liêm và Tửng mang ra bao lưới dài khoảng 100m, chiều ngang 5m với mắt lưới loại 7cm để chuẩn bị săn chim cò. Hai thanh niên giăng lưới. Lưới trùm lên đám ruộng. Liêm chỉ tay xuống ruộng nói: “Cò đang kiếm ăn dưới ruộng, khi kéo lưới động, lập tức nó sẽ bay lên dính vào lưới thôi”. Vừa dứt lời, một con cò đỏ bay lên dính lưới, Tửng kêu lên rồi chạy ào tới gỡ lưới bắt cò. Tiện tay Tửng bẻ luôn hai cánh cò đề phòng bay mất khiến con cò kêu lên giữa đồng vắng.

Khoảng một giờ sau, bao đựng chim cò đã được hơn chục con, Tửng và Liêm mang vào căn chòi lá cột lại thành từng xâu (ba con một xâu khoảng 1kg) để giao cho người đặt hàng. Hai bên bờ ruộng, chúng tôi còn thấy hàng loạt bẫy cò ke đặt san sát. “Nông dân nào cũng tự làm các loại bẫy cò như lưới, bẫy cò ke. Đêm đến bố trí đập chim cuốc sáng đêm để kiếm sống. Mỗi ngày bắt chừng 3-4kg chim cò, bán kiếm được 400.000-500.000 đồng” – Liêm nói.

Cũng trên cánh đồng khác tại xã Bắc Hòa, Năm Lượm lại đánh bắt chim cò bằng cách tận diệt hơn: mua loại thuốc sát trùng tím dạng hạt nhuyễn với giá 50.000 đồng/kg để thuốc độc chim cò. Năm Lượm tẩm thuốc vào cá rô, cá sặt rồi rải cặp đường nước quanh ruộng của ông rộng hơn 40ha. Khoảng hai tiếng sau, Năm Lượm mang theo cái bao đi “thu hoạch” chim. Chỉ hơn 30 phút, Năm Lượm gom hàng chục con cò trắng và chim cồng cộc. Nhiều con cò, cuốc do ăn nhiều, trúng độc mạnh đã chết cứng trước đó nên Năm Lượm nhặt lên rồi vứt bỏ.

“Chết cỡ đó là thuốc ngấm da thịt rồi, ăn vô có mà chết” – nói đoạn Năm Lượm vác bao chim cò nặng trĩu trở lại căn chòi lá và lựa những con đang ngắc ngoải chưa chết để bán cho nhiều hộ dân lân cận. Chúng tôi hỏi chim trúng thuốc còn lại thì sao, Năm Lượm trả lời gọn lỏn: “Để đó tí thương lái vào thu gom. Mình ăn chết à”. Quan sát trên đường trở lại căn chòi lá, chúng tôi thấy cá chết nổi lềnh bềnh nhiều nơi trên mặt nước.

Trên một số cánh đồng huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng là điểm nóng về nạn săn bắt chim trời. Ngoài việc bắt lai rai tự phát, rất nhiều hộ dân ở xã Phương Thịnh còn tổ chức giăng bẫy chuyên nghiệp để tận diệt chim trời. Theo một số nông dân săn bắt chim cò, ngày cũng như đêm, những cánh đồng ruộng dày đặc dây câu, lưới giăng, sau đó họ sử dụng một bình điện nối với một loa phát ra tiếng chim kêu mà người dân còn gọi là “máy túc”. Máy túc được phát từ chiều tối đến sáng hôm sau dụ chim cò bay về. Mỗi sáng sớm người giăng câu chỉ cần đi dọc bờ ruộng gỡ chim, bẻ cánh, bỏ vào bao, giao cho mối lái bán vào các nhà hàng.

Viện đủ “khó khăn” chưa xử lý được

Trước tình trạng săn bắt chim trời diễn ra thời gian qua, ông Dương Tấn Tài – chủ tịch UBND xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) – cho biết lãnh đạo huyện chỉ đạo xuống tận các ấp để tuyên truyền giáo dục cho người dân nên nhiều bẫy giăng đã bị tháo dỡ. “Chúng tôi truy tìm những mối lái thu mua chim cò giá cao để giám sát, bắt họ cam kết không thu mua. Khi không ai mua thì nông dân không thể đánh bắt với số lượng lớn để bán được” – ông Tài chia sẻ.

Ông Trần Thành Công, trưởng Ban quản lý rừng tràm Gáo Giồng – Khu du lịch Gáo Giồng (tỉnh Đồng Tháp), cho rằng có cái khó trong việc ngăn chặn tình trạng săn bắt tận diệt các loài chim là do chưa có cơ quan chức năng nào toàn quyền xử lý. “Những lúc chim cò đi kiếm ăn chính là thời điểm dễ bị săn bắt nhất. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi hoàn toàn không thể kiểm soát hoặc ngăn chặn được. Ngay cả khi chúng tôi biết (hoặc thấy) người dân săn bắt cũng không có quyền bắt hay xử phạt được, bởi người dân bắt chim cò ngay trên phần đất thuộc quyền sở hữu của họ” – ông Công nói.

Trong khi đó, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Tấn Phát cho rằng nếu căn cứ quyết định của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm săn bắt động vật hoang dã ở mọi nơi thì có thể xử lý được hành vi này, miễn người dân thừa nhận. Tuy nhiên hiện nay đa số người săn bắt chim, cò hoang dã đều nghèo, bắt một số chim cò để bán kiếm tiền nên rất khó xử lý. Chỉ những người thu mua, gom thành số nhiều và đi bán kiếm lời là có thể xử lý được, song những người này thường né tránh cơ quan chức năng và đem bán ở tỉnh khác bởi tỉnh khác không có quyết định như UBND tỉnh Đồng Tháp.

Cũng viện dẫn những khó khăn, ông Đỗ Văn La, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, cho biết hiện phía kiểm lâm gặp khó trong các biện pháp xử lý người tham gia săn bắt chim cò, bởi trách nhiệm chính liên quan đến bảo vệ rừng và các loài động vật trong rừng. Đối với các loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ thì việc xử phạt khá rõ ràng, riêng chim cò hiện quy định còn mập mờ. “Chúng ta chỉ có thể xử phạt đối với những người nào thâm nhập các khu rừng để săn bắt. Còn chim cò bay ra đồng tìm thức ăn thì làm sao nặng tay xử phạt người dân được. Cho nên chủ yếu áp dụng biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở, viết cam kết đối với người dân và khuyến cáo họ về nguy cơ tận diệt chim cò sẽ ảnh hưởng đến việc cân bằng sinh thái, mùa màng” – ông La nói.

SƠN BÌNH – THANH TÚ

 

 

Nguy hiểm tính mạng

Nói về việc sử dụng thuốc sát trùng tím đánh bắt chim, cò, ông Nguyễn Văn Lân – phòng kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Long An – cho biết loại thuốc này có tên là Puradance với công dụng diệt trừ mầm sâu hại trong lòng đất, thường chỉ sử dụng thuốc đối với những loại cây công nghiệp dài hạn do độc tố cao cần thời gian phân hủy, khuyến cáo hạn chế sử dụng trên đất trồng lúa. Nếu người dân sử dụng loại thuốc này bẫy chim cò sẽ rất nguy hiểm, chim cò ăn sẽ bị nhiễm độc và dĩ nhiên cũng tích tụ chất độc trong cơ thể người ăn phải. Do độc tố thuốc sát trùng tím chưa thuộc loại cực độc, đồng thời cơ thể người bị nhiễm qua trung gian nên thường ít biểu hiện co giật, nôn ói, ngộ độc gây tử vong ngay. Nhưng nếu ăn nhiều chim cò bị bẫy bằng loại thuốc này sẽ gây hại cho sức khỏe, bởi độc tố tích tụ nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng.