25/11/2024

Chúa Nhật VI TN A – 2014: Nền tảng luật sống của Kitô giáo

Luật của Chúa đặt nền tảng trên tình yêu nên con người được tự do, tự nguyện tuân giữ. Càng cẩn thận sống theo luật Chúa bao nhiêu, ta càng phát huy sự sống kỳ điệu, quyền năng vô hạn nơi mình, càng cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc nơi mình bấy nhiêu.

 

Nền tảng luật sống của Kitô giáo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật VI tuần này tiếp tục khai triển “Bài giảng trên núi” về Tám mối phúc thật và những luật sống căn bản của Kitô hữu. Hôm nay chúng ta được mời gọi tìm hiểu luật sống Kitô hữu dựa trên nền tảng nào và thể hiện luật đó ra sao.

1. Đức Giêsu xác định nền tảng luật mới trong tư cách là Thiên Chúa

1.1. Chúa Giêsu ban luật mới

Chúng ta hãy nhớ lại vào chúa nhật IV, Chúa Giêsu được thánh sử Matthêu giới thiệu như một vị Thiên Chúa đến ban luật cho dân chúng tương tự như Thiên Chúa đã ban 10 điều răn trên núi Sinai khi trao cho ông Moisê 2 bia đá ghi luật Chúa truyền (x. Xh 24,13.15.18). Ngài viết: “Chúa Giêsu lên núi, Người ngồi xuống và đám đông dân chúng đến với Người” với tư cách giống của một vị quan toà ngồi ban phán quyết.

Hôm nay, Chúa Giêsu công bố Tám mối Phúc thật như 1 bản hiến pháp hay hiến chương Nước Trời và bộ luật mới quy định những gì liên quan đến Nước đó mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mửng (x. Mt 5,17-37). Vì thế, chúng ta nghe Người nhắc đi nhắc lại: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng… ”, và Chúa Giêsu, trong tư cách là Thiên Chúa, công bố luật mới: “Còn Ta, Ta bảo anh em rằng”. Tuy nhiên, Người xác định rằng: mình đến “không phải để bãi bỏ luật cũ nhưng để kiện toàn” (x. Mt 5,17) nghĩa là Người dẫn con người tới nguồn gốc, tới nền tảng của luật pháp để họ có thể  tuân giữ trọn vẹn luật đó.

1.2. Luật mới kiện toàn luật cũ

Quả thật, nhiều người Công giáo chúng ta chưa hiểu ý nghĩa “kiện toàn” của Chúa Giêsu, chưa hiểu được sự phối hợp giữa luật cũ và luật mới, giữa Cựu Ước và Tân Uớc. Họ vẫn sống theo Mười Điều Răn, xét mình xưng tội theo đó nhưng lại quên sống theo Tám mối Phúc thật và bộ luật mới của Nước Trời. Họ vẫn thuộc về thời đại của Cựu Ước!

Chúng ta nên nhớ rằng Mười Điều Răn và luật cũ như giới hạn hay cột mốc nằm phía dưới mà tín hữu không được vượt qua, nhắc nhở những điều không được phép làm, vì nếu vượt qua là chúng ta cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa. Do đó, người ta “không được làm các ngẫu tượng, không được lấy danh Chúa ra thề, không được lỗi luật ngày Sabbat (hay Chúa Nhật), không được giết người, không được dâm ô, không được trộm cắp…”. Còn luật pháp mới mở ra cho chúng ta một hướng vô biên với biết bao điều tốt đẹp, tích cực: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, hiền hoà, biết than khóc vì tội lỗi, có lòng trong sạch, lòng thương xót, biết xây dựng hoà bình, đói khát sự công chính, dám chịu bách hại vì công lý…”  

1.3. Nền tảng luật mới và tấm bia sống động

Hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta nền tảng của luật mới: luật đó xây dựng trên nền tảng là tình yêu đối với Thiên Chúa là người cha sinh thành nên vạn vật để đối xử với nhau như là anh chị em vì tất cả đều là con cái của Người Cha Trên Trời. Có nhận nhau là anh chị em của mình thì ta mới không giận dữ, mắng chửi, chứ không phải chỉ tránh giết hại người khác; ta mới không nhìn người phụ nữ bằng đôi mắt cháy lửa dục vọng chứ không phải chỉ tránh tội ngoại tình với họ; ta mới nói năng đúng đắn chứ không phải chỉ tránh thề gian, thề dối như bài Tin Mừng  diễn tả. Vì thế, Chúa Giêsu mới nhắc lại nhiều lần từ “anh em”: “Bất cứ ai giận anh em mình, ai chửi anh em mình, ai bất bình với anh em mình…”.

Khi công bố luật mới trong tư cách là Thiên Chúa, Đức Giêsu không đưa ra cho chúng ta bia đá như Thiên Chúa đã giao cho ông Môsê vì “Lời của Thiên Chúa bây giờ đã trở thành người”, giới răn của Thiên Chúa được ghi khắc trên một con người sống động. Chúa Giêsu chính là bia đá sống động mà mỗi người chúng ta phải nhìn vào đó để học bài học yêu thương và diễn tả tình yêu thương đó cho muôn loài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Khi giữ được luật sống yêu thương như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui, bình an, sự sống và quyền năng kỳ diệu của Thiên Chúa để biến đổi chúng ta thành con cái thật sự của Cha Trên Trời.

Bây giờ chúng ta muốn dành ít phút nói về tâm trạng người giữ luật để biết mình cần có nhận thức và tình cảm nào khi giữ luật Chúa.

2. Tâm thức của con người khi đón nhận luật sống mới

2.1. Tâm trạng mất tự do khi giữ luật

Nói đến luật pháp là chúng ta cảm thấy một cái gì gò bó, có vẻ làm chúng ta mất tự do. Luật pháp quy định chúng ta phải làm cái này, không được làm cái khác, nếu vi phạm là sẽ bị kết án, bị xử phạt, phải bồi thường và nếu vi phạm nặng nề có khi bị tù khổ sai hay bị tử hình. Đối với luật sống mới của Nước Trời, hình như chúng ta cũng mang tâm thức giống như khi giữ luật pháp trong xã hội trần thế. Chúng ta cảm thấy bị đè nén, bị trói buộc, bị áp bức, không được hành động theo sự tự do làm nên giá trị cao quý của con người, dù tự do đó nhiều khi bị tham vọng và dục vọng chi phối.

Luật cấm không được mắng chửi, giận hờn nhưng đối với những người đồng nghiệp xấu tính, gian xảo, lừa bịp… không lẽ tôi cứ phải nhu nhược chịu đựng, tươi cười như cổ vũ cho lòng độc ác của họ ư? Luật cấm không được ngoại tình, không được nhìn phụ nữ với lòng thèm muốn: như vậy là làm cho tôi mất tự do trong hành động và trong các mối quan hệ xã hội. Không lẽ tôi cứ phải chịu đựng người bạn đời xấu xa, độc ác mãi sao? Không lẽ đi ra đường tôi cứ phải cúi gầm mặt xuống hay nhìn trời, nhìn đất để không bị những hình ảnh phụ nữ tôi gặp trên đường cuốn hút tôi sao? Triết gia Jean Paul Sartre, ông tổ của thuyết hiện sinh vô thần, đã cho rằng con người không thể có tự do tuyệt đối nếu tin nhận có Thiên Chúa.

2.2. Tự do của con cái Thiên Chúa

Thật ra, Chúa luôn tôn trọng tự do và giá trị cao quý của con người. Ngài nói trong bài đọc I: “Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Thiên Chúa. Trước mặt con, Người đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là của sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó” (Hc 15, 15-16). Việc ta tuân giữ luật sống của Chúa hoàn toàn do ta mong muốn và chọn lựa và vì thế, ta cũng phải hoàn toàn đón nhận hậu quả tốt xấu hay sống chết từ hành động của mình.

Luật pháp con người, vì đặt nền tảng trên quyền lợi của vua chúa hay công ích của dân tộc, của cộng đồng xã hội nên đương nhiên hạn chế tự do của con người. Thí dụ, trong chế độ quân chủ chuyên chế ở nước ta thời trước, thường dân không được mặc quấn áo mầu vàng, thêu rồng, vẽ phượng, xây nhà lầu vì đó là những đặc quyền của vua chúa. Thời nay, chẳng ai cấm chúng ta những điều đó. Nhưng ngày nay, dù được tự do nghe nhạc vào bất cứ giờ nào, ở nhà riêng, nhưng ta không được mở âm thanh quá lớn ban đêm, vì như thế là làm thiệt hại quyền được nghỉ ngơi của cộng đồng.

Luật của Chúa đặt nền tảng trên tình yêu nên con người được tự do, tự nguyện tuân giữ. Càng cẩn thận sống theo luật Chúa bao nhiêu, ta càng phát huy sự sống kỳ điệu, quyền năng vô hạn nơi mình, càng cảm nhận được niềm vui, bình an, hạnh phúc nơi mình bấy nhiêu. Thí dụ càng sống chung thuỷ trong đời hôn nhân, càng xa tránh những phim ảnh đồi truỵ, ta càng làm cho gia đình hạnh phúc, tâm trí thanh thoát để có thể tiếp nhận những tư tưởng mới, nhận thức mới, làm ra những phát minh mới, cảm nghiệm những tình cảm mới…

Chúa luôn để con người tự do trước luật sống yêu thương của Ngài. Ngài không đe doạ hay ép buộc con người phải giữ luật bằng những hình phạt hay tai hoạ. Thậm chí những người làm điều ác vẫn sống nhởn nhơ, giàu sang, thành đạt và có vẻ như Chúa dung túng cho họ.

Thật ra, Chúa yêu thương mọi con cái và muốn cứu độ tất cả nên cho họ có thời giờ để hối cải. Tuy nhiên, chính khi làm điều gian ác, bất công, con người đã gây xáo trộn trong trật tự tốt đẹp Chúa ban và họ phải gánh chịu những hậu quả đó. Thí dụ như Chúa để cho ta được tự do uống rượu, nhưng khi uống nhiều quá thành nghiện, ta phải gánh chịu bệnh tật phát sinh cho mình, cho con cái cũng như hậu quả tại hại cho gia đình và xã hội. Bất cứ một hành động xấu xa nào, dù không ai xem thấy hay bị cộng đồng lên án, cũng đều ghi một vết bẩn trên tâm hồn và buộc con người phải thanh tẩy nếu muốn hiệp thông với Thiên Chúa.

Lời kết

Hôm nay chúng ta được mời gọi để thấy rằng nền tảng luật sống của Kitô hữu chính là tình yêu thương mà chúng ta được tự do tuân giữ. Càng gắn bó với Chúa bao nhiêu để thể hiện tình yêu thương với mọi anh chị em mình thì ta càng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và bình an bấy nhiêu.