10/01/2025

Chúa Nhật V TN A – 2014: Ánh sáng cho trần gian

Để có thể phản chiếu được trọn vẹn ánh sáng của Thiên Chúa nơi mình như Chúa Giêsu, chúng ta được giới thiệu làm 2 công việc sau đây: một là gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chiếu ánh sáng của Người trên ta. Hai là lau sạch con người mình khỏi mọi thứ bụi bẩn để không làm phát tán ánh sáng đó.

 

Ánh sáng cho trần gian

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật tuần IV TN vừa qua, Giáo Hội đã giới thiệu cho chúng ta Tám Mối Phúc Thật để khi chúng ta sống theo tinh thần tích cực của Bát Phúc, người môn đệ Chúa Giêsu sẽ trở thành “muối cho đời”, thành “ánh sáng cho trần gian” như Chúa nhật V hôm nay xác định. Vì Chúa Nhật vừa rồi là Mùng Ba Tết nên chúng ta đã suy niệm về việc thánh hoá công ăn việc làm. Chúng ta có thể nhớ lại những bài suy niệm Chúa Nhật về Tám Mối Phúc Thật của các năm trước đây.

Giáo Hội mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng giống như Thiên Chúa là ánh sáng, giống như Chúa Giêsu là “ánh sáng bởi ánh sáng”. Trong câu đáp All. chúng ta nghe Chúa Gies6su xác định: “Tôi là ánh sáng trần gian, ai theo Tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống (Ga 8,12). Trong ít phút này chúng ta tìm hiểu ánh sáng mà chúng ta phải trở thành là gì và toả sáng như thế nào?.

1. Ánh sáng vật chất

Ánh sáng là thứ có lẽ chúng ta thấy hằng ngày nhưng nhiều khi lại chưa biết bản chất của nó. Ánh sáng là một dạng vật chất do vật phát ra hoặc phản chiếu trên vật, nhờ nó mắt có thể cảm thụ và nhìn thấy được vật ấy. Ví dụ như mặt trời phát ra ánh sáng, hoặc mặt trăng phản chiếu lại ánh sáng mặt trời nên tạo nên ánh trăng. Ví dụ như mắt chúng ta đang mở để nhìn thấy những vật thể trong nhà thờ, những vật này hầu như không phát ra ánh sáng, nhưng nhờ ánh sáng đèn điện chiếu vào nên chúng ta thấy được chúng.

Xét theo khoa học, ánh sáng là từ phổ thông để chỉ các bức xạ điện t có bước sóng ngắn, nằm trong vùng quang phổ mà ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường (tức là khoảng từ 380 nanomét [ánh sáng tím] đến 740 nm [ánh sáng đỏ].. Giống như mọi bức xạ điện t, ánh sáng có thể được mô tả như những đợt sóng của những hạt chuyển động mà người ta gọi là photon. Chúng ta đang nhìn thấy ánh sáng mặt trời màu trắng, nhưng thật sự ánh sáng này bao gồm nhiều ánh sáng đơn sắc liên tục thay đổi, ta gọi là bảy sắc cầu vng: đỏ, cam, vàng, xanh lam, chàm, tím). Còn ánh sáng trong nhà thờ này là do các bóng đèn tạo ra. Có những loại ánh sáng mà mắt thường chúng ta không thấy, chẳng hạn những tia hồng ngoại, tia tử ngoại có thể giúp ích nhưng cũng có thể gây hại kinh khủng. Nhiều người bị ung thư da do các loại ánh sáng đó tác động, ví dụ như thường xuyên đi tắm biển vào giữa trưa nắng gắt mà không bôi thuốc bảo vệ da.

Vào tháng 9 năm 2012, khi tôi đi sang Đức cùng với 2 chuyên viên của Khoa Tâm lý thuộc Đại học Tổng hợp TP.HCM để nghiên cứu việc điều trị tâm lý tại 9 cơ sở ở bên Đức. Sau gần 3 tuần làm việc, người ta mời chúng tôi sang Thuỵ Sĩ leo núi Alpes 3 ngày. Vì ở độ cao 2.800 mét nên tia sáng tử ngoại và hồng ngoại của mặt trời rất mạnh, có thể làm tổn thương da nên ông viện trưởng người Đức có đưa cho chúng tôi 1 hộp kem để bôi lên mặt. Tôi đã nhường kem bôi chng nắng cho 2 chị thành viên của đoàn cùng đi. Do không có lớp kem chống nắng nên da mặt tôi thâm đen vì đã bị ánh sáng làm tổn thương các tế bào ở sâu trong cấu trúc da và chữa không được.. Tôi muốn chia sẻ với anh chị em điều đó để chúng ta hiểu rằng có nhiều vấn đề về ánh sáng, đó chỉ là ánh sáng tự nhiên.

2. Ánh sáng siêu nhiên

Chúng ta biết rằng chỉ có Thiên Chúa là ánh sáng. Lời kinh Tin Kính nhắc cho chúng ta điều đó. Điều này có nghĩa là chỉ có Thiên Chúa mới là nguồn phát ra ánh sáng soi chiếu mọi người, mọi vật trong vũ trụ này, còn tất cả mọi loài thụ tạo chỉ là vật thể phản chiếu ánh sáng đó.

Hơn nữa, ánh sáng của Thiên Chúa dù xuất hiện như một màu trắng đơn sơ nhưng thật ra bao gồm nhiều nội dung kỳ diệu như bảy sắc cầu vng và còn hơn thế nữa: màu đỏ của tình yêu, màu cam của niềm vui, màu vàng của sự sống, màu xanh của hy vọng, màu lam của hạnh phúc, màu chàm của chân lý, màu tím của cái đẹp,…Ánh sáng siêu nhiên ấy diễn tả vẻ đẹp kỳ diệu của Thiên Chúa dưới muôn hình vạn trạng vì Ngài là nguồn của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình thương và hoà bình.

Ánh sáng siêu việt và phong phú khôn lường đó đã biến thành một con người cụ thể là Đức Giêsu Kitô mà mắt chúng ta có thể thấy được, tai có thể nghe được, tay chân ta có thể ôm ấp và giữ lấy được cho mình. Người chính là “ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật“. Khi chúng ta gắn bó với Chúa, kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta nhận được ánh sáng phong phú ấy. Nhờ đó chúng ta làm cho sự sống của mình không phải chỉ kéo dài vài chục năm mà trở thành vĩnh hằng, niềm vui không phải chóng tàn, như bóng ngựa vụt qua khung cửa, nhưng biến thành niềm vui vô tận, tình yêu và hạnh phúc không phải chỉ kéo dài tương đối trong một đời người nhưng trở thành tuyệt đối và trải rộng tới vô biên….Tất cả đều biến đổi đời ta thành tràn đầy sức sống, niềm tin, hy vọng, hạnh phúc như ánh sáng mặt trời đem lại nhiều điều tốt đẹp cho muôn loài.

Muốn được như vậy, nghĩa là muốn trở thành ánh sáng cho trần gian, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và với Đức Giêsu là ánh sáng cụ thể của Ngài. Nhiều khi chúng ta nghĩ con người không cần phải cầu nguyện, dự lễ, làm việc đạo đức hay bác ái gì cả, chỉ cần cố gắng học hành, làm việc mỗi ngày để có thật nhiều kiến thức, tài năng, tiền của là đủ rồi. Nhưng nghĩ như thế là chúng ta đang muốn tự phát sáng, đang muốn tự mình biến thành nguồn sáng chứ không hiểu được rằng con người chúng ta không thể tự phát ra ánh sáng, không thể tự cho mình sự sống vĩnh hằng, hạnh phúc vô biên, nguồn chân thiện mỹ vô tận.

Chỉ có gắn bó với Chúa, qua những hoạt động cụ thể trong đời, chúng ta mới cảm nghiệm được ánh sáng Chúa soi chiếu vào ta, và chúng ta mới phản chiếu lại ánh sáng đó cho những con người và vạn vật quanh ta. Chúa Giêsu hôm nay nói với chúng ta rằng: “Anh em là ánh sáng cho trần gian”. Giống như ngọn đèn thắp lên cần phải để trên giá đèn và toả cho mọi người thấy ánh sáng, chúng ta cũng được mời gọi để toả sáng trọn vẹn ánh sáng diệu kỳ của Thiên Chúa như Đức Giêsu Kitô.

3. Muốn toả sáng trọn vẹn, chúng ta phải làm gì?

Bài đọc I giới thiệu cho chúng ta cách thức toả sáng như sau: “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân. Không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,7.10). Chúa Giêsu nói cách tổng quát hơn cho chúng ta hiểu rằng: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tuy nhiên, để có thể phản chiếu được trọn vẹn ánh sáng của Thiên Chúa nơi mình như Chúa Giêsu, chúng ta được giới thiệu làm 2 công việc sau đây:  một gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu để Người chiếu ánh sáng của Người trên ta mà không để bất cứ một sự vật hay con người nào ngăn cản ánh sáng của Người đến ta. Hai là lau sạch con người mình khỏi mọi thứ bụi bẩn để không làm phát tán ánh sáng đó, nhưng phản chiếu trọn vẹn cho muôn loài, giống như mặt gương sạch phản chiếu tia nắng mặt trời.

Vì thế, chúng ta hãy cho đi cách quảng đại tất cả những gì tốt đẹp của Thiên Chúa ban cho ta thay vì chúng ta giữ khư khư nơi mình như một thứ báu vật. Chúa ban cho chúng ta những phương tiện vật chất, kiếm được tiền của, chúng ta hãy chia sẻ cho người nghèo đói, rách rưới, túng quẫn. Chúa ban cho chúng ta niềm vui, niềm hy vọng, chúng ta hãy dùng lời nói, nụ cười chia sẻ cho những ai đang buồn sầu, thất vọng. Chúa ban cho chúng ta kiến thức, tài năng, ân sủng, chúng ta hãy chia sẻ rộng rãi những ân huệ đó cho người khác mà không đòi đáp trả, biết ơn. Tất cả những hành động ấy giúp chúng ta toả sáng và người khác sẽ nhìn vào đời sống của người Kitô hữu để nhận ra Thiên Chúa là ánh sáng và Đức Giêsu thật sự là ánh sáng cho trần gian.

Lời kết

Lúc đó, cuộc sống của người Kitô hữu chúng ta trở thành một Tin Mừng sống động toả sáng ơn cứu độ cho muôn người, đất nước chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, dân tộc chúng ta sẽ bình an, hạnh phúc và phồn vinh hơn vì chúng ta thật sự là ánh sáng cho trần gian.

Điều áp dụng Thánh Kinh trong tuần này là đôi lần trong ngày sống, khi bật đèn hay khi nhóm lửa ở bếp, ta nhắc lại lời Chúa hôm nay: “Các con là ánh sáng cho trần gian” và xin ơn toả sáng.