Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi chống biến đổi khí hậu
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế đối phó với biến đổi khí hậu. Ông Kerry khẳng định có bằng chứng khoa học về việc biến đổi khí hậu không chỉ đe doạ tới môi trường mà còn cả nền kinh tế toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi chống biến đổi khí hậu
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm một ngôi đền Hồi giáo ở Jakarta chiều 16-2 Ảnh: Reuters
Nhưng dư âm chuyến đi hai ngày tới Trung Quốc của ông Kerry vẫn còn khi South China Morning Post hôm qua đánh giá ngoại trưởng Mỹ “không tạo được tiến triển” để giúp giải quyết các tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông. Trang blog Sinosphere về Trung Quốc của New York Times cũng đánh giá căng thẳng trên biển chỉ là câu chuyện phụ của chuyến đi khi vấn đề quan hệ song phương Mỹ – Trung và vấn đề bán đảo Triều Tiên được quan tâm hơn.
Đây cũng là điều dễ hiểu vì chuyến thăm là để cả Bắc Kinh và Washington tiền trạm cho cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama tại The Hague của Hà Lan vào tháng tới trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân. Ngoài ra, dù căng thẳng, các quan chức Mỹ vẫn khẳng định tầm quan trọng bậc nhất của mối quan hệ Mỹ – Trung. Điều này giải thích vì sao nội dung lớn nhất của bản tuyên bố chung hai nước hôm 15-2 là tăng cường hợp tác về chống biến đổi khí hậu.
Giáo sư Jin Canrong (ĐH Nhân Dân) nói việc không đạt được gì là điều đã được dự đoán. “Trong chuyến thăm này, ông Kerry nhắc lại lời mời hải quân Trung Quốc tham dự cuộc tập trận Rimpac ở Hawaii vào cuối năm nay. Mỹ hi vọng Trung Quốc gửi hai tàu dự tập trận nhưng Bắc Kinh vẫn chưa trả lời” – ông Jin nói. Rimpac là cuộc tập trận trên biển lớn nhất hằng năm do hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chủ trì.
Những kỳ vọng vào ông Kerry xuất hiện vì một tuần trước đó, trợ lý ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á Danny Russel đã gây sức ép lên Bắc Kinh khi yêu cầu Trung Quốc đưa ra các căn cứ “điểm đất, đảo, đá” cụ thể cho đường chín đoạn mà nước này vẫn tuyên bố. Theo ông Russel, các tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc tạo ra sự “không rõ ràng, thiếu an ninh và bất ổn” đối với các nước láng giềng. Nhưng những chất vấn của ông Kerry với Bắc Kinh về vấn đề này đã được nhường cho các chủ đề về CHDCND Triều Tiên cũng như quan hệ song phương Mỹ – Trung.
Ở Jakarta, theo BBC, thông điệp của ngoại trưởng Mỹ là kêu gọi cộng đồng quốc tế đối phó với biến đổi khí hậu. Ông Kerry khẳng định có bằng chứng khoa học về việc biến đổi khí hậu không chỉ đe doạ tới môi trường mà còn cả nền kinh tế toàn cầu. Ông Kerry cảnh báo Trái đất đang bị đẩy tới điểm “không thể trở lại” về khí hậu, đặc biệt là đối với nhiều nước gần mực nước biển ở châu Á. Trong bài phát biểu này, ông Kerry cũng nhấn mạnh những hậu quả của biến đổi khí hậu với các nước châu Á. Hiện Mỹ và Trung Quốc là những nước thải khí CO2 nhiều nhất thế giới. Hôm 15-2, hai nước ra tuyên bố chung sẽ nỗ lực giảm lượng CO2 thải ra này.
TPP vẫn xa vời Triển vọng của việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn xa vời, sau khi cả Mỹ và Nhật không đạt được bất cứ thỏa thuận nào trong cuộc gặp tại Washington giữa quốc vụ khanh phụ trách đàm phán TPP Akira Amari với đại diện thương mại Mỹ Michael Froman liên quan tới các thỏa thuận về nông nghiệp cũng như vấn đề thuế đối với mặt hàng ôtô giữa hai nước. Ông Amari thừa nhận với Jiji Press việc TPP có đạt được thỏa thuận tại Singapore trong cuộc họp từ ngày 22 đến 25-2 hay không phụ thuộc rất nhiều vào cuộc đàm phán tại Washington này. Theo New York Times, triển vọng TPP hiện nay khá u ám khi Quốc hội từ chối trao quyền đàm phán nhanh (fast-track authority hay TPA) cho chính quyền ông Obama, một trong những yếu tố mấu chốt để Nhật, Singapore và các nước đang đàm phán chịu nhượng bộ với Mỹ. Với việc có TPA thì những gì chính quyền Mỹ cam kết tại bàn đàm phán sẽ không bị Quốc hội Mỹ sửa đổi sau khi đưa ra bỏ phiếu. Bản thân ông Obama hiện gặp sự phản đối của chính các nghị sĩ Đảng Dân chủ đối với TPP do chịu sức ép của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay. Các nghị sĩ Dân chủ, chịu sức ép từ các nghiệp đoàn và các nhóm bảo vệ môi trường, thường không ủng hộ các hiệp định thương mại tự do vì sợ làm mất việc làm ở Mỹ cũng như gây thêm ô nhiễm môi trường. |
THANH TUẤN