23/01/2025

Tết của người nghèo

Hiếm có năm nào giá hàng hoá, dịch vụ vào dịp tết cổ truyền của dân tộc lại chiều lòng người nghèo như tết này. Đối với người nghèo, do thu nhập, sức mua thấp, nên cái được họ quan tâm nhất đối với Tết Nguyên đán là giá cả.

 

Tết của người nghèo

Hiếm có năm nào giá hàng hoá, dịch vụ vào dịp tết cổ truyền của dân tộc lại chiều lòng người nghèo như tết này. Đối với người nghèo, do thu nhập, sức mua thấp, nên cái được họ quan tâm nhất đối với Tết Nguyên đán là giá cả.

Và giá cả đối với họ cũng chủ yếu liên quan đến ăn tết chứ không phải là chơi tết. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1 – tháng cận tết – chỉ tăng 0,69%, thấp nhất trong 5 năm qua, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng bình quân tháng 1 của 12 năm trước đó (trên 1,2%). Tín hiệu này tiếp tục kéo đến sát tết, cả trong và sau tết, thậm chí có nhiều loại hàng giá còn giảm giá, ngay cả những thứ có liên quan đến tết, như rau xanh, thịt gà, thịt lợn, một số loại hoa cây cảnh… Chỉ có một số loại quả là giá tăng khá cao, nhất là liên quan đến mâm ngũ quả, như chuối chẳng hạn…

Việc đi lại, do thời gian nghỉ tết sớm hơn, những người có thu nhập trung bình trở lên có nhiều phương tiện cá nhân, nên phương tiện vận tải công cộng, những phương tiện có giá cả thấp hơn mà những người nghèo, người thu nhập thấp thường lựa chọn không còn bị áp lực lớn. Do vậy giá cước cũng không bị tăng quá cao, dù cuối tháng 12 nằm trong chu kỳ tính CPI tháng 1.2014 giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng.

Diễn biến trên do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân chủ yếu do yếu tố tổng cầu vẫn còn quá yếu. Tổng cầu gồm 3 bộ phận: đầu tư, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tuy tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn thói quen là triển khai thực hiện chậm, mới đạt 7% kế hoạch cả năm. Trong đó, một số bộ, ngành và địa phương tỷ lệ thực hiện còn thấp hơn (như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Tài nguyên – Môi trường; TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh…). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) tính theo giá thực tế tăng 13%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 7,2%, cao hơn trước một chút, chủ yếu do Tết Nguyên đán đến sớm hơn. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1 ước đạt 10,3 tỉ USD, vừa giảm so với tháng trước (giảm 11,5%), vừa giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 10,8%); giảm ở hầu hết các mặt hàng chủ lực; khu vực trong nước giảm sâu hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch nhập khẩu cũng có tình hình tương tự. Có nguyên nhân do nhiều địa phương đã chuẩn bị hàng hóa bình ổn giá so với năm trước có khối lượng nhiều hơn, nhiều loại hàng hơn và mở rộng ra nhiều địa điểm hơn.

Diễn biến của CPI trong thời gian qua cũng cảnh báo về hai vấn đề về CPI trong năm 2014 này. Vấn đề đầu tiên, CPI sẽ lặp lại diễn biến của hai năm trước: sẽ tăng thấp, thậm chí có dấu hiệu thiểu phát từ tháng 3 đến tháng 7, tăng cao trở lại vào tháng 8, tháng 9. Vấn đề thứ hai là giá một số hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá sẽ được các tập đoàn, doanh nghiệp “tranh thủ” đề nghị tăng giá, trong khi các hàng hóa dịch vụ này chưa có điều kiện để cạnh tranh bình đẳng, thường chưa được minh bạch công khai, chưa được kiểm tra kiểm soát chặt chẽ…

Cùng một lượng tiền, nếu giá hàng này tăng thì lượng tiêu thụ hoặc giá mặt hàng khác sẽ giảm, nên tổng cầu vốn đã yếu sẽ lại càng yếu. Đây là một cảnh báo cần thiết.

Ngọc Minh