Cảnh báo nguy cơ cúm gia cầm lây sang người
Trước tình trạng liên tiếp xuất hiện dịch cúm trên gia cầm ở các tỉnh phía Nam, ngày 12-2 phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Trần Như Dương cho rằng: Với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ không hợp vệ sinh như ở VN, thông thường khi có dịch trên gia cầm thì dễ xuất hiện bệnh cúm trên người.
Cảnh báo nguy cơ cúm gia cầm lây sang người
Bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (Khánh Hòa) được chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly – Ảnh: V.T. |
Việc hai bệnh nhân cúm H5N1 tử vong vào tháng 1 vừa qua cũng có căn nguyên từ tiếp xúc và sử dụng thịt gia cầm ốm chết. Việc liên tiếp xuất hiện các ổ dịch cúm trên gia cầm tại các tỉnh phía Nam gần đây cũng cảnh báo nguy cơ dẫn đến dịch cúm gia cầm trên người.
Theo ông Dương, giám sát bệnh cúm tháng 1-2014 cho thấy chủng cúm H3N2 chiếm ưu thế, với gần 50% bệnh nhân cúm trên toàn quốc là mắc chủng cúm B, nhưng trong tuần vừa qua thì cúm A/H1N1 chủng đại dịch (xuất hiện lần đầu năm 2009) đang xuất hiện mạnh mẽ. Điều này khá giống với biểu hiện đầu năm 2013 khi cúm A/H1N1 xuất hiện khá dày đặc, có lúc chiếm đến 70% bệnh nhân cúm và gây khá nhiều ca tử vong.
* Bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn (30 tuổi, trú Vĩnh Thạnh, Nha Trang, Khánh Hòa) đang được điều trị cách ly đặc biệt tại khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Ngày 12-2, bác sĩ trưởng khoa Phạm Đình Chi cho biết anh Tuấn nhập viện trưa 5-2 trong tình trạng ho, khó thở, diễn biến nặng lên, với suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng.
Theo khai bệnh của gia đình, trước khi nhập viện năm ngày, anh Tuấn khởi bệnh với các triệu chứng sốt, ho, mệt. Nghi anh Tuấn bị viêm phổi do tác nhân virút, khoa đã điều trị tác nhân gây bệnh theo phác đồ của Bộ Y tế và đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh Tuấn bị nhiễm virút cúm A/H1N1 (một dạng cúm xuất hiện theo mùa, thường có ở heo, người cũng mắc và dễ lây từ người sang người). Do diễn biến nặng, anh Tuấn phải thở máy và lọc máu liên tục. Ngoài các biến chứng và dấu hiệu thông thường của cúm mùa, anh Tuấn còn bị suy tuyến giáp. Hiện bệnh tình anh Tuấn đang nguy kịch, tiên lượng rất xấu.
Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Văn Hải – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa – xác nhận các kết quả xét nghiệm ở Viện Pasteur Nha Trang (ngày 8-2) và Viện Pasteur TP.HCM (ngày 10-2) đều cho thấy anh Tuấn dương tính với virút cúm A/H1N1. Ngoài trường hợp anh Tuấn, trung tâm đang theo dõi năm bệnh nhân khác nghi cúm do virút, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm bệnh phẩm.
* Ngày 12-2, chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi Nguyễn Văn Thuận cho biết trong đàn vịt 2.000 con của ông Nguyễn Hoàng Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh đã xuất hiện tình trạng chết hàng loạt. Chi cục đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan thú y vùng 4 tại Đà Nẵng xét nghiệm. Như vậy, tình trạng gia cầm (vịt, gà) chết không còn ở huyện Đức Phổ mà đã lan đến huyện Sơn Tịnh, lân cận TP Quảng Ngãi. Trước đó, tại huyện Đức Phổ đã xác định được hai ổ dịch cúm A/H5N1 là đàn gà của ông Lê Văn Huệ ở xã Phổ Hòa và đàn vịt của ông Trần Ngọc Liền ở xã Phổ Cường với tổng số 1.850 con bị chết hoặc tiêu hủy.
Dự kiến hôm nay 13-2, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để phòng chống dịch cúm trên gia cầm.
L.ANH – V.T. – V.Q.CẦU