11/01/2025

3 hộ thoát nghèo, 1 hộ tái nghèo

Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh trên cả nước nhưng tỉ lệ tái nghèo cũng khá cao, đặc biệt ở những vùng có thiên tai, dịch bệnh.

3 hộ thoát nghèo, 1 hộ tái nghèo

Ngày 11-2, đại diện đoàn giám sát của U ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo Bộ Lao động – thương binh và xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong giai đoạn 2005-2012. 

Một trong những vấn đề đáng chú ý được lãnh đạo bộ báo cáo là tuy tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh trên cả nước nhưng tỉ lệ tái nghèo cũng khá cao, đặc biệt ở những vùng có thiên tai, dịch bệnh. “Do hậu quả của thiên tai, bão lũ, tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo chiếm 25-30% so với hộ thoát nghèo” – báo cáo viết. Tức là cứ có ba hộ thoát nghèo lại có một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo.

Một vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm là sự chênh lệch giàu nghèo và tỉ lệ hộ nghèo giữa các vùng miền khá lớn, ngày càng có xu hướng mở rộng. Tại một số vùng khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc ở Tây Bắc, Tây nguyên và khu vực miền núi ở một số tỉnh miền Trung có những huyện, xã vẫn còn trên 50% hộ nghèo, thậm chí có địa phương tỉ lệ hộ nghèo đến 70%. Số lượng hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc ít người chiếm khoảng 50% tổng số hộ nghèo của cả nước.

Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho rằng để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn cần thiết phải sửa đổi các quy định, chương trình mục tiêu theo hướng lồng ghép các nguồn lực, giảm hỗ trợ trực tiếp mà tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm…

Ông Đỗ Mạnh Hùng – phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đại diện đoàn giám sát – đề nghị bộ rà soát lại các chính sách, chương trình giảm nghèo hiện có, từ đó nghiên cứu để không chỉ lồng ghép các chương trình mà còn kết nối các chương trình với nhau để tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo, đặc biệt chú trọng đến các chính sách nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động để người dân thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, theo ông, Chính phủ cũng cần xem xét lại để đề xuất mức chuẩn nghèo mới phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội hiện nay và những năm tới. Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành trung ương trước khi làm việc với Chính phủ vào đầu tháng 3 để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội vào kỳ họp giữa năm.

TÚ AN – L.KIÊN