15/01/2025

Những người tốt bụng

Nhiều người nhặt được vàng, tiền đã tìm mọi cách trả lại cho người mất. Đó là những người tốt bụng không tham của rơi, vì họ cho rằng: “Tiền không phải của mình mần ra thì lấy coi sao đặng”.

Những người tốt bụng

Nhiều người nhặt được vàng, tiền đã tìm mọi cách trả lại cho người mất. Đó là những người tốt bụng không tham của rơi, vì họ cho rằng: “Tiền không phải của mình mần ra thì lấy coi sao đặng”.

Chị Nguyễn Thị Út dù nghèo nhưng không tham số tiền lớn mà mình nhặt được - Ảnh: Duy Minh 

Chẳng khó khăn gì khi đi tìm những “người tốt bụng” nơi vùng đất Tây Nam bộ này. Mới đây, giữa tháng 1-2014, lãnh đạo UBND huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) quyết định khen thưởng anh Trần Văn Hiệp (32 tuổi, ngụ xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn) đã nhặt và trả lại cho người bị mất số tiền 21 triệu đồng.

Đừng lấy tiền không phải của mình

Tối 28-12-2013, anh Hiệp chở vợ con đi chơi chợ đêm. Trên đường đi anh nhặt được một giỏ xách nhỏ. Khi đi qua chợ, nghe bà con kháo nhau có người bị mất tiền, giấy tờ, đang vừa khóc vừa đi tìm, anh Hiệp liền bắn tin cho người mất của đến trụ sở Công an thị trấn Trà Ôn để nhận lại của rơi. Anh mở giỏ kiểm tra giấy tờ tùy thân của người đánh mất và thấy trong đó có rất nhiều tiền, liền vội vã đem đến trụ sở Công an thị trấn Trà Ôn. Khi đến nơi, chủ nhân của cái giỏ xách cũng đã có mặt. Qua xác minh, Công an thị trấn Trà Ôn đã trả lại cho bà Hồ Thị Mười tất cả giấy tờ cùng số tiền 21 triệu đồng. Nhận lại của đã mất, bà Mười xúc động và có ý định hậu tạ một số tiền nhưng anh Hiệp đã từ chối.

Anh Hiệp hiện đang buôn bán rau quả ở chợ Trà Ôn. Hằng ngày anh phải thức từ 1g sáng để chuẩn bị hàng hóa ra chợ bán. Anh nói: “Lúc đó tui không nghĩ gì nhiều. Chỉ tự hỏi nếu mình cũng bị mất số tiền lớn thế này thì sao? Số tiền này đối với chủ nhân của nó có thể là cả gia tài. Nghĩ vậy tui mới nhanh chóng đem tới công an đặng trả lại người mất. Giữ càng lâu càng tội cho người ta”.

Giống như anh Hiệp nhưng anh Tùng lại là người “có duyên” hơn với việc nhặt được của rơi. Anh Tùng làm ở cây xăng trên quốc lộ 57 (xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), người nhặt được nửa lượng vàng đã trả lại người bị mất.

Nhiều lần nhặt được của rơi nhưng anh Tùng nói lần nhặt được nhiều nhất là hồi cuối năm 2012. Anh kể bữa đó chỉ có mình anh ở cây xăng, thấy có cái túi màu trắng nhỏ ai bỏ quên bèn nhặt lên mở ra thì thấy một sợi dây chuyền vàng. Anh tức tốc chạy đi tìm người đã đánh rơi. Đi vòng quanh trong xóm dò hỏi từng người nhưng không tìm được người đã mất của, trở lại cây xăng anh viết một tấm bảng rao: “Ai có đánh rơi vàng xin liên hệ tại đây”.

Vì sợ nhiều người mạo nhận là “khổ chủ” nên anh Tùng chỉ cho biết là có nhặt vàng chứ không nói rõ chi tiết. Mấy hôm sau có người đến nhận của, anh ghi lại chi tiết số vàng mà người này khai mất để so sánh với vàng mình nhặt được. Sau khi hẹn người nhận mất vàng đến vài lần, anh quan sát thật kỹ và nhiều lần dò hỏi cho thật chắc. Sau cùng anh mời công an xã đến chứng nhận việc anh trả lại vàng cho người mất. “Có chi tiết này tui mới dám chắc là mình không trả nhầm. Cô đó kể trên sợi dây chuyền có một sợi chỉ nhỏ cột ở phần móc khóa vì cô sợ bị tuột ra. Dây chuyền vàng đúng 5 chỉ. Những chi tiết ấy hoàn toàn trùng khớp với vật chứng – Tùng kể rồi nói thêm – Có người nói tui ngu vì năm chỉ vàng đó bằng tiền lương nửa năm, nhưng thú thiệt khi lượm được của rơi tui chỉ nghĩ đến chuyện phải tìm trả lại cho người bị mất. Không suy tính thiệt hơn làm gì vì tiền không phải của mình thì tìm cách chiếm lấy coi sao đặng”.

Bài học đạo đức

Con đường vào nhà chị Nguyễn Thị Út (ấp 5, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) uốn lượn qua những đám tre làng. Những căn nhà ở đây đều hao hao giống nhau với mái tôn vách lá. Chị Út là người nhặt được 80 triệu đồng và trả lại cho người bị mất.

Ấn tượng đầu tiên về chị Út khi chúng tôi gặp là hai hàm răng chỉ còn đôi ba cái lành lặn. Chị móm mém chẳng kém so với mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Mật, 79 tuổi. Chị nói: “Nhà tui bóc hạt điều thuê. Bữa đó tui chạy xe đạp chở bao hạt điều qua xã An Thạnh giao. Dọc đường thấy một bọc nilông đen rớt từ xe của một chú nọ chạy phía trước. Tui dừng xe nhặt. Mở bọc ra thấy nhiều tiền quá tui bủn rủn cả chân tay. Từ đó tới giờ tui có cầm trên tay số tiền nhiều đến vậy đâu. Tui bắt đầu run và nghĩ phải đi trả liền cho người ta”.

Sau khi chị rượt kịp và trả tiền cho khổ chủ, người đàn ông mất của rút trong bọc tiền ra 5 triệu đồng để đền ơn nhưng chị đã từ chối. Người đó biết chị ngại nên nài nỉ chị nhận 1 triệu đồng cho họ vui nhưng chị gạt phăng. UBND huyện Giồng Trôm hay chuyện đã đến tận nhà tặng chị bằng khen và số tiền thưởng 500.000 đồng. Lúc ấy chị mới dám nhận.

Trường hợp nhặt được vàng của thầy Trần Công Viên (35 tuổi, giáo viên Trường THCS Thới Hòa, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đã mở ra cả một bài học đạo đức cho học sinh toàn trường. Cuối năm, trên đường cùng ba học sinh lớp 9 đi thăm các gia đình chính sách về, thầy Viên nhặt được một cái bóp, trong đó có 8,5 chỉ vàng. Thầy Viên cùng học trò mang về nhờ ban giám hiệu nhà trường liên hệ với cơ quan chức năng để tìm người đánh mất.

Trên đường về, thầy Viên vừa đi vừa giải thích cho học trò hiểu vì sao phải mang về cho ban giám hiệu xử lý, vì sao phải giữ nguyên bóp tiền và vì sao phải liên hệ để tìm chủ nhân của cái bóp. “Số tiền này nhiều khi cứu cả một sinh mạng chứ không phải chỉ đơn thuần là số vốn làm ăn hay số tiền tiết kiệm. Phải đặt mình vào trường hợp của người đánh rơi số tiền mới thấy nó quan trọng thế nào” – thầy Viên kể lại việc mình đã nói với các học trò. Mới đây, ngay sau khi tìm được chủ nhân để trả lại cái bóp cùng 8,5 chỉ vàng, ban giám hiệu Trường THCS Thới Hòa đã tuyên dương thầy Viên cùng ba học sinh trước toàn trường trong buổi chào cờ. Bài học về đạo đức “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” đã được lãnh đạo nhà trường nêu ra như tấm gương cho tất cả học sinh trong trường noi theo.

NGỌC TÀI – THÚY HẰNG