11/01/2025

Những người chăm sóc mùa xuân

Khi nhà nhà quây quần bên mâm cỗ giao thừa chào năm mới, khi người người nô nức xem bắn pháo hoa, dạo chơi trên đường hoa Nguyễn Huệ hay đi chúc tết nhau ngày đầu xuân… họ vẫn miệt mài bên xe rác, bên xe hàng, bên bàn trực điện thoại…

Những người chăm sóc mùa xuân

Khi nhà nhà quây quần bên mâm cỗ giao thừa chào năm mới, khi người người nô nức xem bắn pháo hoa, dạo chơi trên đường hoa Nguyễn Huệ hay đi chúc tết nhau ngày đầu xuân… họ vẫn miệt mài bên xe rác, bên xe hàng, bên bàn trực điện thoại…

Anh Nguyễn Duy Khánh, công nhân vệ sinh, làm việc trong đêm giao thừa – Ảnh: Bảo Hà 

Hiểu theo cách nào đó họ chính là những người góp phần chăm sóc mùa xuân cho quê hương.

 

Hai cô công nhân vệ sinh ngồi nghỉ mệt sau ca làm việc trong tết – Ảnh: Bảo Hà

 

18g chiều 30 tết, rác vẫn ngồn ngộn trên nhiều ngả đường TP.HCM. Nhưng đến 22g, ngay trước thềm năm mới, trong sự mải miết thu gom của các anh chị em công nhân vệ sinh, rác đã biến sạch khỏi các cung đường.

7 năm đón giao thừa bên xe rác

Nghỉ tay sau tám tiếng gom rác liên tục từ 14g chiều trên khắp tuyến chợ Tân Kỳ Tân Quý – Lê Trọng Tấn, anh Nguyễn Duy Khánh tháo khẩu trang, ngồi bên vỉa hè cười rạng rỡ trò chuyện với chúng tôi. 28 tuổi, năm nay là năm thứ bảy anh Khánh làm việc tại Xí nghiệp 2, Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, cũng là lần thứ bảy anh đón giao thừa cùng anh chị em bên những xe rác chất cao quá đầu.

“Mình đã quen rồi. Công việc này bố mẹ mình làm mấy chục năm mới về nghỉ hưu. Hồi nhỏ mình cũng buồn và tự hỏi sao ba mẹ mình không đưa mình đi chơi giao thừa như ba mẹ của các bạn. Nhưng lớn lên vào làm ở công ty mình đã hiểu. Mình nghĩ rất đơn giản, mỗi người mỗi việc. Có nhiều người như bác sĩ, bộ đội, công an…nếu không làm việc đêm giao thừa giống mình thì cũng trực vào sáng mồng 1 tết. Mỗi người góp sức một chút cho tết bình yên” – anh Khánh tâm sự.

Năm nào cũng vậy, khoảng 24g đúng giao thừa, giao ca xong đến 1g sáng mồng 1 tết là anh Khánh chở vợ cùng về nhà ở Long An. “Chạy xe hơn 20km cũng rất mệt nhưng nghĩ mình vẫn thật may mắn, luôn có vợ bên cạnh thấu hiểu công việc. Hai vợ chồng trở về nhà còn có hai con nhỏ đang ngủ rất bình yên. Tắm rửa, ăn xong cũng 3g-4g sáng, tụi mình chỉ kịp ngủ một mạch đến gần trưa mồng 1 cho lại sức, để đến 13g lại vào ca mới” – anh Khánh vừa kể vừa hướng ánh mắt về phía đường Cộng Hòa, nơi bà xã anh cũng đang làm công việc giống như anh.

Đồng hồ đã điểm 23 giờ trước giao thừa, thấp thoáng dọc đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú – Q.Bình Tân), hàng chục anh chị em công nhân cùng xí nghiệp anh Khánh vẫn đang chờ xe chở rác lớn đến để chuyển rác từ các xe nhỏ lên chở về nơi xử lý.

 

Hai vợ chồng anh Nguyễn Phạm Minh Trí phục vụ cho các khách hàng “nhí” vào đêm giao thừa Tết Giáp Ngọ – Ảnh: Yến Trinh

 

Vợ chồng bong bóng

Hòa vào dòng người tấp nập rộn ràng đón xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ, không khó để nhận ra hai vợ chồng anh Nguyễn Phạm Minh Trí (27 tuổi) đang hóa trang thành chú hề và cô hề thổi bong bóng tạo hình đủ thứ con vật cho các em nhỏ đi chơi xuân. Xuất thân từ dân cán bộ Đoàn và rất mê con nít nên anh Trí đã quyết tâm đi học làm bong bóng để “tụi nhỏ có cái lạ lạ chơi, rẻ tiền mà vui”.

Thành nghề rồi, hai năm nay, cứ đến dịp tết, anh lại ra đường hoa Nguyễn Huệ thổi bong bóng phục vụ các em. Năm ngoái, không có thời gian đi chơi cùng bạn gái, anh rủ chị ra đường hoa xem anh thổi bong bóng, không ngờ chị xắn tay vào phụ anh luôn, cùng thổi, cùng làm bong bóng không thua kém gì anh. Năm nay, bạn gái đã trở thành vợ. Dù đã mang thai đến tháng thứ 6, chị Nguyễn Hà Thanh Nguyên vẫn đi cùng anh ra đường hoa, thoăn thoắt lấy bóng và làm những con vật đơn giản phụ chồng. “Quen rồi, với lại tết ra đây cũng rất vui” – chị vui vẻ cho biết. Và thế là trong khoảng hơn chục chú hề đang làm việc trên đường hoa này, không khó để người ta nhận ra một chú hề rực rỡ áo đỏ, giày đỏ và một cô hề bụng bầu đang ríu rít trò chuyện cùng nhau, giúp nhau làm từng món quà xuân cho các em nhỏ. Đường hoa mở cửa bao lâu thì hai anh chị cũng bám trụ ở đó bấy lâu, bất kể đêm 30 hay mồng 1, mồng 2 tết.

Năm nay năm Ngọ nên anh Trí ưu tiên tạo hình con ngựa, tuy nhiên thỉnh thoảng anh vẫn bị các bé cắc cớ hỏi: “Chú có biết làm con bạch tuộc không?”, “Làm con rồng được không chú?”, toàn những con vật không có trong “bài”. Vậy là hai anh chị lại toát mồ hôi suy nghĩ, sáng tạo đủ kiểu để đáp ứng yêu cầu của các cô bé, cậu bé dịp đầu năm mới này.

Anh Trí cho biết: “Tết vui nhất là ở đường hoa Nguyễn Huệ này nên dù tụi mình không về nhà ăn tết, cũng không có thời gian dạo quanh đường hoa, chỉ cần đứng ở đây, nghe tụi nhỏ hỏi han, chờ đón bong bóng thì vợ chồng tôi cũng đã thấy tết về rồi!”. Vừa nói, anh vừa thu xếp dọn dẹp bong bóng ở đây, tất tả chuẩn bị cho buổi biểu diễn bong bóng, ảo thuật miễn phí cho các em nhỏ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không có điều kiện về quê ăn tết…

 

Thượng úy Hàn Đức Vinh với nhiệm vụ trực thông tin trong những ngày tết – Ảnh: Yến Trinh

 

“Ngày nào con về, ngày đó là tết”

12g ngày 30 tết ở phòng hồi sức cấp cứu Bệnh viện 175, thiếu úy Phan Trung Kiên công tác ở hải đội 511, Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân, đang nóng ruột ngóng chờ tin tức của đồng đội – trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Mạnh Trường, đang được theo dõi trong phòng hồi sức. Thiếu úy Kiên cùng gia đình anh Trường vừa đáp trực thăng từ đảo Phú Quốc xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi tức tốc về Bệnh viện 175. Anh Kiên kể: “Chiều hôm trước, anh Trường nói đau đầu, rồi đau nặng sau gáy, co giật. Chúng tôi chuyển ra bệnh xá, rồi báo về Bệnh viện 175 để chuyển vào đây điều trị”. Tình trạng ban đầu của anh Trường được chẩn đoán là đột quỵ não do tăng huyết áp. Anh Kiên nói không màng đến tết nhất gì nữa, chỉ cố làm sao cùng gia đình chăm lo thật tốt cho anh Trường nhanh chóng hồi phục.

Tết với các chiến sĩ ở Bệnh viện 175 là túc trực 24/24 giờ. Một bên là 3-4 chiếc điện thoại bàn, một bên là quyển sổ dày, thượng úy Hàn Đức Vinh (35 tuổi) vừa nghe vừa ghi lại thông tin báo về từ các cấp chỉ huy, các phòng ban của Bệnh viện 175 – Bộ Quốc phòng, thông tin cấp cứu… rồi lập tức liên hệ với các phòng ban của bệnh viện để kịp xử lý tình hình. Anh Vinh công tác ở Bệnh viện 175 từ năm 2009, đã trải qua mấy mùa xuân vừa làm nhiệm vụ vừa đón tết trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Vinh cho biết Tết Giáp Ngọ này anh trực từ 28 đến mồng 5, cùng với 3-4 anh em khác thay phiên nhau trực 24/24 giờ để đảm bảo thông tin liên tục giữa các đơn vị phòng ban. “Ngày 29, 30 tết là thông tin dồn dập nhất, chúng tôi phải tăng cường người trực, không để xảy ra tình trạng mất thông tin liên lạc, đồng thời thông tin cho các phòng ban bệnh viện để kịp thời xử lý các ca cấp cứu cho người dân” – anh Vinh nói. Nếu các bộ phận như dây, loa… gắn ở các khu vực trong bệnh viện bị hư hỏng, không truyền thông tin được, anh Vinh lập tức chạy xe máy chở theo thang, dây, túi đồ nghề để trèo lên sửa nhanh chóng. Ngày tết mà anh Vinh và các đồng đội luôn trong tư thế sẵn sàng, xe máy dựng sẵn gần phòng trực để “tác chiến” kịp thời.

Đêm 30, các anh em cùng nhau tổ chức đón giao thừa. Việc chuẩn bị, chăm lo tết cho các chiến sĩ ở Bệnh viện 175 được thực hiện chu đáo, thế nên phần nào cũng giúp các anh vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Anh Vinh cùng các đồng đội bày bánh chưng, nước ngọt, kẹo mứt để đón tết, được chỉ huy động viên cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự trong bệnh viện những ngày tết. Anh Vinh xúc động: “Chúng tôi công tác ở đây đã lâu nên coi việc đón giao thừa ở đơn vị như ở nhà mình. Các anh em cùng ngồi ăn bánh chưng, chia sẻ với nhau những nỗi niềm. Có nhớ gia đình, nhớ vợ nhớ con cũng nén lại vì nhiệm vụ chung”.

Mẹ anh Vinh ở quê nhà Hưng Yên đã gần 80 tuổi, ba anh mất đã lâu. Đêm 30 anh điện về cho mẹ. Ở nhà mẹ cũng đang lụi cụi đón giao thừa. Anh nói anh nhớ nhất là món bánh chưng ở quê, nhớ không khí se sắt lạnh và cái đầm ấm của nơi chôn nhau cắt rốn. Mẹ anh biết con mình làm nhiệm vụ, thế nên run run nói: “Con cứ cố gắng làm tốt công việc, rồi nghỉ phép thì về với mẹ. Ngày nào con về, đối với mẹ ngày đó là ngày tết”.

 

BẢO HÀ – YẾN TRINH – BẢO CHÂU