10/01/2025

“Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn” lần thứ 100

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ anh chị em di cư tị nạn đừng mất niềm hy vọng nơi một thế giới tốt lành hơn, và ngài cũng cám ơn những ai bảo vệ họ khỏi các “kẻ buôn thịt người”.

“Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn” lần thứ 100
 
Chúa Nhật 19-1-2014 là “Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn” lần thứ 100.

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ anh chị em di cư tị nạn đừng mất niềm hy vọng nơi một thế giới tốt lành hơn, và ngài cũng cám ơn những ai bảo vệ họ khỏi các “kẻ buôn thịt người”. 

Ngài nói: “Hôm nay chúng ta cử hành “Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn” với đề tài “Di dân và tị nạn. Hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn”, mà tôi đã khai triển trong sứ điệp được công bố cách đây mấy tháng. Tôi muốn gửi lời chào đặc biệt đến đại diện các cộng đoàn sắc tộc hiện diện tại đây, đặc biệt là cộng đoàn Công giáo ở Roma. Các bạn thân mến, các bạn ở rất gần con tim của Giáo Hội, vì Giáo Hội là một dân tiến bước về Nước Chúa, mà Đức Giêsu Kitô đã mang đến giữa chúng ta. Đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng nơi một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi xin chúc các bạn được sống trong hoà bình nơi các quốc gia mà các bạn được tiếp đón, và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các bạn. Tôi cũng cám ơn những ai làm việc cho người di cư để tiếp đón họ và đồng hành với họ trong những lúc khó khăn và bảo vệ họ khỏi những người, mà chân phước Scalabrini định nhĩa là “những kẻ buôn bán thịt người”, muốn biến các người di dân thành nô lệ. Tôi cũng xin cám ơn Dòng Thừa sai Thánh Carlo, các linh mục tu sĩ Scalabrini phục vụ Giáo Hội và trở thành người di cư với những người di cư. Trong lúc này đây, chúng ta nghĩ tới biết bao người di cư, biết bao nhiêu người tị nạn, nghĩ đến các khó khăn của họ, cuộc sống của họ, biết bao lần không có công ăn việc làm, không có giấy tờ, biết bao đớn đau, và tất cả chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện cho những người tị nạn và di dân đang sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và khó khăn.”

Đức Thánh Cha đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu cho các người di cư tị nạn.

Theo ước lượng của tổ chức Liên Hiệp Quốc có hơn 45 triệu người di cư và 230 triệu người tị nạn. Họ là một đạo binh khổng lồ liên tục di chuyển. Và năm 2013 là năm có con số các nạn nhân bị chết hay mất tích cao nhất. Thật ra, không ai biết rõ đã có bao nhiệu người di cư tị nạn bị chết trên biển cả hay trong các sa mạc, trên đường tìm một cuộc sống và một tương lai tốt đẹp hơn. Hồi tháng 10-2013, Liên Hiệp Quốc cho biết số người di cư đã chiếm 3,2% tổng số dân toàn cầu, khoảng hơn 78 triệu so với năm 1990, tức cách đây 23 năm. Trong số này có 46% là phụ nữ. Trong các năm qua, các lý do của phong trào di cư cũng thay đổi. Chúng không chỉ giản lược vào loại lý do kinh tế, nhưng cũng còn vì các tai ương thiên nhiên, các xung khắc chiến tranh tàn phá, như trong trường hợp các người di cư tị nạn Syria.

Trong sứ điệp cho Ngày Quốc tế Di dân và Tị nạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các người di cư tị nạn, ở những nơi mà niềm hy vọng, sự tôn trọng và tiếp đón đối lập với sự khước từ, kỳ thị, các buôn bán khai thác, nỗi khổ đau vá cái chết.

Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo ra các điều kiện sống xứng đáng hơn với phẩm giá cho tất cả mọi người, từ một nền “văn hoá loại bỏ” bước sang nền “văn hoá gặp gỡ”. Tuy nhiên, sứ điệp của Đức Thánh Cha khó lọt tai các xã hội giàu, là các cảng cập bến của nhiều người di cư tị nạn, và nói chung cũng là các quốc gia gây ra các tình trang chênh lệch giàu nghèo, các cuộc chiến hay các xung đột vũ trang tại các nước nghèo, khiến cho người dân các nước này phải di cư tị nạn.

Mọi quốc gia trên thế giới đều chiến đấu chống lại nạn di cư tị nạn, trồi sụt tuỳ theo thời điểm lịch sử. Dĩ nhiên, các nước giàu như Hoa Kỳ, Canada, Đức và Australia là các nước người di cư tị nạn mơ ước nhất. Italia là nước đón tiếp nhiều người di cư tị nạn nhất, đứng hàng thứ 5 trong cố các nước Âu châu và hàng thứ 11 trên thế giới.

Để đương đầu với nạn thiếu nhân công ngay từ thập niên 1970 Canada đã lựa chọn đường lối chính trị mềm dẻo và rộng mở, tiếp đón người di cư tị nạn, đặc biệt các chuyên viên mọi ngành nghề. Chính sách lựa lọc người tị nạn theo tiêu chuẩn vụ lợi này đã khiến cho nhiều thuyền nhân Việt Nam không được sang Canada, vì không có các bằng biếu nghề nghiệp chuyên môn và đủ tiêu chuẩn đòi hỏi. Theo các thống kê mới nhất năm 2010, có khoảng 21,3% tổng số dân Canada là người di cư. Tháng 4 năm 2013, chính quyền Toronto lại còn tỏ ra mềm dẻo hơn nữa đối với các người di cư vì lý do học hành hay làm việc có bằng kỹ sư, kiến trúc, hay thợ mộc và cả đầu bếp nữa, nhằm lôi cuốn họ đầu tư và ở lại sinh sống bên Canada. Tất cả những người di cư nhận được trợ giúp từ các hãng xưởng hay nhóm đầu tư Canada để bắt đầu làm ăn có thể xin giấy phép thường trù ngay lập tức, mà không cần phải chờ đợi lâu như trước. Nếu không may thua lỗ, họ cũng không mất giấy phép thường trú và lại có thể bắt đầu một nghề làm ăn mới. Hồi tháng 8 năm 2013, chính quyền Canada lại còn khích lệ các người đồng tính luyến ái Nga sang xin tị nạn tại Canada để khỏi bị luật lệ Liên bang Nga truy tố.

Nếu Canada là một loại “Thiên đàng cho người di cư”, thì Australia lại là “hoả ngục của người di cư”. Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc trong năm 2013, Austrtalia đã nhận khoảng 15.800 đơn xin tị nạn, tức gia tăng 37% so với năm trước đó. Luật di cư năm 1958 của chính phủ Australia cho phép cảnh sát bắt giữ và nhốt trong các trại tù ở Auatralia hay Papua Tân Guinea tất cả những ai không phải là công dân Australia hay cư ngụ bất hợp pháp, kể cả trẻ em. Và những người này phải sống tại đây nhiều tháng, có khi nhiều năm mà vẫn không được cấp quy chiếu tị nạn. Hải quân biên phòng Australia canh gác và kiểm soát các bờ biển rất nghiêm ngặt. Một khi có chiếu khán, nếu không tuân theo một số tiêu chuẩn, người tị nạn cũng có thể bị bắt nhốt. Tuy nhiên, những ai có từ 1 triệu mỹ kim trở lên gửi sang đầu tư bên Australia đều được giấy phép di cư rất dễ dàng.

Trong vùng Á châu, Nhật Bản là quốc gia vẫn có đường lối chính trị cô lập hoá, do đó rất hạn chế việc nhận người di cư tị nạn. Thống kê năm 2010 cho biết người di cư tị nạn chiếm 1,7% trên tổng số 128 triệu dân Nhật. Cũng giống như Canada, tỷ số sinh tại Nhật rất thấp, và từ nay tới năm 2060, số người Nhật sẽ giảm 1 phần 3 so với hiện nay. Để sửa chữa tình trạng này, chính quyền Tokyo quyết định mở cửa tiếp đón người di cư tị nạn, nhưng có một bảng điểm làm tiêu chuẩn dựa trên khả năng và kinh nghiệm làm ăn của các đương sự. Các bác sĩ, kỹ sư, giáo sư và thương gia được ưu tiên có phép thường trú và làm việc. Tiêu chuẩn này không nhằm mục đích nhân đạo nên gạt bỏ tất cả các thanh phần di cư tị nạn khác.

Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới có luật di cư tị nạn ban hành năm 1790. Nhưng trong 2 thế kỷ qua có thêm một số luật lệ mới ấn định số người di cư tị nạn. Hiện nay, hằng năm chính quyền Hoa Kỳ cấp giấy thường trú cho hơn 1 triệu người di cư tị nạn theo nhiều loại khác nhau. Trước hết là giấy thường trú hợp lệ cho tất cả những ai muốn sống tại Hoa Kỳ một thời gian. Họ không được coi như người di cư, vì thế họ không thuộc số di dân được thu nhận hằng năm từ khắp nơi trên thế giới. Thế rồi còn có những người muốn làm việc tại Hoa Kỳ, họ phải trình diện một công việc tìm được tại Hoa Kỳ với giấy của văn phòng di cư chứng nhận là không có công nhân Mỹ nào có thể nắm giữ vai trò này. Bên cạnh đó có các giấy nhập cảnh cấp cho các sinh viên, các gia đình và các du khách thuộc diện riêng với thời gian hạn chế.

Năm 2013, Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu chấp thuận luật cải tổ di dân nhằm hợp thức hoá và cấp quốc tịch cho hàng triệu người di cư bất hợp pháp đang sống và làm việc tại Mỹ, đa số họ là người gốc châu Mỹ Latinh. Ngoài ra, chính quyền Hoa Kỳ cũng gia tăng kiểm soát dọc biên giới với Mexico để ngăn chặn nạn di cư lén lút, bằng cách dùng cả máy bay trinh sát không người lái.

Bước sang châu Âu, Thuỵ Điển là nước đứng đầu danh sách các nước có đường lối chính trị tiếp đón người di cư đến từ các vùng có chiến tranh như Somalia, Irak và Syria; nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế và số người nước ngoài thất nghiệp hiện lên tới 16%, và các người di cư bị tố cáo ăn cắp việc làm của người Thuỵ Điển. Do đó, chính quyền đang duyệt xét lại luật di cư. Trong năm 2012, số người xin tị nạn lên tới 44.000 người, tức gia tăng 50% so với năm trước đó.

Tại Tây Ban Nha, thập niên phát triển kinh tế khiến cho số người di cư từ 2 tăng lên 12%. Vào cuối năm 2010, Tây Ban Nha có 5,6 triệu người di cư nhờ đường lối mở cửa của chính quyền xã hội José Luis Rodriguez Zapatero. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế trầm trọng đã khiến cho chính quyền đảng Nhân dân của Thủ tướng Mariano Rajoy hạn chế việc tiếp nhận người di cư. Tuy nhiên, nếu muốn có chiếu khán thường trú, người di cư có thể mua bất động sản từ 500.000 Euros trở lên. Vì thế, các người giàu gốc Ảrập, Nga và cả Pháp đang tính chuyện mua nhà bên Tây Ban Nha để có giấy thường trú.

Pháp là một trong các nước Âu châu có nhiều người di cư nhất: khoảng 7,2 triệu, tức chiếm hơn 11% tổng số dân. Hồi tháng Giêng năm 2013, Quốc hội Pháp đã thay đổi luật do Tổng thống Nicolas Sarkozy ban hành, giam tù từ 24 tới 48 giờ những người di cư bất hợp pháp, phạt tù 5 năm và 30.000 Euros những ai giúp người di cư bất hợp pháp. Nhưng các biện pháp mới chỉ giam người di cư bất hợp pháp 16 giờ và không phạt những ai giúp họ vì lý do nhân đạo hay không khai thác lao động. Tổng thống Hollande cũng đã hứa cải cách luật tị nạn chính trị, nhưng Đảng Quốc gia của bà Marine Le Pen yêu cầu giảm số người di cư tị nạn vào Pháp. Trong khối Âu châu, Pháp là quốc gia thứ hai có nhiều người xin tị nạn chính trị nhất, 61.000 vào cuối năm 2012.

Đức là quốc gia mà người di cư tị nạn ưa thích nhất, vì có nền kinh tế vững vàng và có nhiều công ăn việc làm. Trong các năm từ 1955 tới 1973, Tây Đức đã tuyển lựa khoảng 14 triệu nhân công khách, nhưng đã không có quy chế rõ ràng, nên con cái của họ tuy thuộc đời thứ ba, sinh ra và lớn lên tại Đức nhưng vẫn bị gọi là “con của những nhân công khách”, và khi lớn lên chúng phải đợi chờ lâu, có khi nhiều năm, mới có quốc tịch Đức. Theo luật ban hành năm 2007, để có quốc tịch Đức, một công nhân ngoài Liên hiệp Âu châu phải chứng minh có lương bổng ít nhất 85.000 Euros mỗi năm và phải có sổ thông hành. Như thế, những người xin tị nạn chính trị bị loại bỏ vì không hội đủ điều kiện.

Đan Mạch là quốc gia nhận người di cư tị nạn nhưng khuyến khích họ về nước nếu không thể hội nhập nền văn hoá Đan Mạch. Đây là ảnh hưởng của Đảng Nhân dân có khuynh hướng bài người nước ngoài và không chấp nhận một xã hội đa chủng tộc. “Luật 24 tuổi” khẳng định một người chồng hay vợ ngoại quốc hoặc gốc Đan Mạch chỉ có thể xin quốc tịch khi được 24 tuổi. Nếu là một người tị nạn hay có con sinh tại Đan Mạch hoặc đau nặng hay bị tàn tật, thì không được hưởng luật này.

Anh quốc là nước trong 10 năm qua đã có đông người di cư, từ 4,5 triệu hồi năm 2001 lên 7,5 triệu vào cuối năm 2011. Quốc hội Anh sẽ thảo luận một dự luật hạn chế số người di cư tị nạn trong tương lai. Tất cả những ai có tiền án hay phạm tội trên đất Anh đều bị trục xuất và gửi trả về nguyên quán. Các lý do xin tị nạn chính trị từ 17 giảm xuống còn 4.

Liên bang Nga và Trung Quốc là hai thiên đường mới của người di cư. Theo luật mới ban hành năm 2002, người di cư phải có giấy thông hành có giá trị khi tới biên giới Nga. Ai muốn xin phép ở lại làm việc phải có giấy chứng nhận có việc làm của hãng xưởng. Nội trong 90 ngày mà giấy xin phép không được chấp nhận vì các bàn giấy rườm rà, đương sự phải ra khỏi nước Nga, nếu không sẽ bị bắt và bị đi đày. Nhưng cũng có những trường hợp trừ như nghệ sĩ Gerard Depardieu, bạn của Tổng thống Putin, được cấp quốc tịch tuy không ở Nga. Tuy nhiên, tình hình xem ra khó khăn hơn vì các nhóm bài người nước ngoài hoạt động mạnh tai Nga.

Riêng tại Trung Quốc, hồi tháng 7 năm 2013, nhà nước Bắc Kinh đã ban hành luật mới về di dân. Các người di cư bất hợp pháp sống hay làm việc bị phạt nặng hơn, nếu bị bắt, có thể bi giam từ 5 tới 15 ngày. Trong các năm qua, thường có người Myanmar, Việt Nam và Bắc Hàn bị bắt. Người di cư bất hợp pháp bị phạt 5.000 tới 20.000 nhân dân tệ, tức từ 604 đến 2.400 Euros, trước khi bị tù. Người cho việc bị phạt 100.000 nhân dân tệ, tức 12.000 Euros. Theo thống kê của Bộ An ninh, năm 2012 có 47.000 người di cư lén lút bị bắt. Chính quyền Bắc Kinh cũng cải tổ luật liên quan tới Thẻ Xanh cho phép người di cư nước ngoài được thường trú và làm việc. Trong năm 2011, chỉ có 4.752 người được Nhà nước Trung Quốc cấp Thẻ Xanh.

(RG 19-1-2014)