26/11/2024

Giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô về phá thai

Tại Hoa Kỳ, hằng năm, có hàng trăm ngàn người biểu tình phò sự sống tham gia cuộc Tuần hành vì Sự sống, tổ chức vào ngày 22-1 (hoặc gần ngày này), để không quên một sự kiện đen tối vào năm 1973 là năm Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ quyết định hợp pháp hoá phá thai trên toàn quốc.

 Giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô về phá thai

 
WHĐ (23.01.2014) – Tại Hoa Kỳ, hằng năm, có hàng trăm ngàn người biểu tình phò sự sống tham gia cuộc Tuần hành vì Sự sống, tổ chức vào ngày 22-1 (hoặc gần ngày này), để không quên một sự kiện đen tối vào năm 1973 là năm Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ quyết định hợp pháp hoá phá thai trên toàn quốc.

Cũng như mọi năm, ngày 22-1 năm nay có rất đông người trẻ từ khắp nơi trên nước Mỹ đã vượt qua hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dặm, trong điều kiện thời tiết mùa đông lạnh bất thường để tham dự cuộc Tuần hành vì Sự sống và mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các thai nhi.

Trước đó, ngày 19-1 tại Paris, Pháp, cũng đã diễn ra cuộc Tuần hành vì sự sống, do 10 Hiệp hội Trợ giúp các Bà mẹ gặp nguy khốn và Bảo vệ Sự sống tổ chức. Theo Ban tổ chức, đã có khoảng 40.000 người tham gia cuộc Tuần hành, đông nhất kể từ khi sáng kiến tổ chức Tuần hành này bắt đầu cách nay 10 năm. Người tham gia đến từ khắp nơi trong nước Pháp, nhưng cũng có các cá nhân và các đoàn thể từ các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Hungary, Ireland, Bồ Đào Nha, Đức…

Cuộc Tuần hành vì Sự sống năm nay tại Pháp được tổ chức trước ngày diễn ra phiên họp của Quốc hội Pháp (từ 22-1), trong đó có thể thông qua những thay đổi về luật phá thai theo hướng nới rộng luật này.

Nhân dịp này, xin điểm lại giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề phá thai.

Nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm về vấn đề phá thai, thông thường là khi ngài đưa ra một suy tư rộng hơn về việc bảo vệ những người yếu đuối nhất, cũng như những người già và các nạn nhân của nạn buôn người. “Việc bảo vệ sự sống sắp sinh ra có liên quan chặt chẽ đến việc bảo vệ các quyền của con người”, điều này cho thấy tính “nhất quán nội tại” của sứ điệp của Giáo hội Công giáo. Không nhân nhượng, và cũng không khiến người nghe nghĩ rằng một ngày nào đó Giáo hội có thể thay đổi quan điểm về vấn đề này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến lòng thương xót – đòi hỏi các Kitô hữu không ở trong tư thế kết án, nếu không, “lâu đài luân lý” của Hội Thánh không chỉ có thể bị hiểu lầm, mà còn có nguy cơ “sụp đổ như một lâu đài bằng giấy”.

– Trong sứ điệp gửi đến các nhà tổ chức Tuần hành vì Sự sống, diễn ra vào ngày 19-1-2014 tại Paris, Đức Tổng Giám mục Luigi Ventura – Sứ thần Toà Thánh tại Pháp, đã viết: “Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nghe biết về sáng kiến ủng hộ việc tôn trọng sự sống con người. Ngài hoan nghênh những người tham gia cuộc tuần hành và mời gọi họ luôn quan tâm sâu sắc đến vấn đề quan trọng này.”

– Ngày 13-1-2014, trong diễn văn với các đại sứ bên cạnh Toà Thánh, Đức Thánh Cha đề cập đến “nền văn hoá loại bỏ”: “Tiếc thay không chỉ có lương thực hay những của cải dư thừa mới bị loại bỏ, nhưng cả đến chính con người cũng thường bị loại bỏ như thể họ là những món đồ không cần thiết. Chẳng hạn, chỉ cần nghĩ đến những trẻ em không bao giờ được chào đời, những nạn nhân của phá thai; hoặc những trẻ em bị buộc phải cầm súng, bị xâm hại hoặc bị giết trong các cuộc xung đột võ trang hoặc trở thành hàng hoá trong hình thức nô lệ tàn bạo mới là nạn buôn người – một tội ác chống lại nhân loại; những điều ấy làm chúng ta thấy kinh hoàng.”

– Trong Tông huấn Evangelii Gaudium ban hành ngày 24-11-2013, Đức Thánh Cha viết: “Trong số những người yếu đuối ấy mà Hội Thánh muốn yêu thương chăm sóc, có những thai nhi (…). Người ta thường chế giễu nỗ lực của Hội Thánh nhằm bảo vệ mạng sống các thai nhi, người ta mô tả lập trường của Hội Thánh như là một loại ý thức hệ, ngu dân và bảo thủ. Nhưng việc bảo vệ sự sống chưa được sinh ra này gắn liền với việc bảo vệ tất cả các quyền của con người. (…) Chính vì đây là sự nhất quán nội tại của sứ điệp của chúng ta về giá trị của nhân vị, đừng mong Hội Thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này.”

– Trong cuộc gặp gỡ các nhà phụ khoa Công giáo ngày 20-9-2013, Đức Thánh Cha nói: “Não trạng phổ biến về cái có ích, về nền văn hoá loại bỏ, nô lệ hoá trái tim và trí tuệ của nhiều người ngày nay, đang phải trả giá đắt: nó kêu gọi loại bỏ con người, nhất là những người yếu kém hơn hết về thể chất hay về mặt xã hội. Phản ứng lại não trạng này, chúng ta dứt khoát nói ‘Có’ với sự sống mà không do dự. Không có sự sống của một con người nào thánh thiêng hơn sự sống của một con người khác. (…) Mỗi đứa trẻ không được sinh ra, nhưng bị kết án phá thai một cách bất công, đều mang khuôn mặt của Chúa, là Đấng đã cảm nghiệm bị thế gian từ khước ngay cả trước khi sinh ra cũng như khi mới sinh ra. Và mỗi người già, thậm chí người ấy đau ốm hay sắp chết, đều mang khuôn mặt của Chúa Kitô. (…) Chúng ta không được loại bỏ họ!”

– Trong cuộc trả lời phỏng vấn các tạp chí của Dòng Tên, công bố vào ngày 19-9-2013: “Tôi nghĩ đến tình trạng một phụ nữ đã đổ vỡ về hôn nhân và có lần đã phá thai; sau đó, người phụ nữ này tái hôn và hiện nay đang sống an lành với năm đứa con. Việc phá thai đã đè nặng lương tâm cô và cô thật lòng hối hận. Cô muốn tiến lên trong đời sống Kitô hữu: cha giải tội cần phải làm gì? Chúng ta không thể cứ nhấn mạnh đến những vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng giới và việc sử dụng các biện pháp ngừa thai. Không thể như thế được. Tôi đã không nói nhiều về những chuyện này, và người ta đã trách cứ tôi về điều đó. Nhưng khi chúng ta nói về những vấn đề này, chúng ta phải nói về chúng trong một bối cảnh chính xác. Chúng ta đều biết giáo huấn của Hội Thánh (…), nhưng không cần phải lúc nào cũng nói đến giáo huấn ấy. (…) Thế thì chúng ta phải tìm ra một thế quân bình mới, nếu không thì lâu đài luân lý của Hội Thánh sẽ có nguy cơ sụp đổ như một lâu đài bằng giấy”.

– Ngày 16-6-2013, trong Thánh Lễ nhân Ngày Thông điệp Evangelium Vitae của Đức Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không trực tiếp đề cập đến vấn đề phá thai, nhưng ngài lặp đi lặp lại về “Thiên Chúa hằng sống và hay thương xót”, về Mười Điều Răn, nhưng “không phải theo nghĩa tiêu cực: “Mười Điều Răn không phải là bản kinh cầu các điều cấm: không được làm điều này, không được làm điều kia, không được làm điều kia nữa…, trái lại, các điều răn là tiếng thưa “Vâng”: thưa vâng với Thiên Chúa, với Tình yêu, với sự sống”. Dựa vào Chúa Kitô, Đức Thánh Cha đã chỉ sử dụng những động từ tích cực: “Người đón nhận yêu thương, an ủi, khích lệ, tha thứ, hồi sinh và ban sức mạnh theo một cách thức mới để con người tiến bước.”