25/11/2024

Tư liệu Hoàng Sa trong tu viện ở Torino

Ngày 16-5-2010, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 19 có in bài viết “Đi tìm Hoàng Sa trong… tu viện cổ Ý” của Lê Đức Dục, kể về một Việt kiều ở Ý phát hiện một cuốn sách cổ có viết về Hoàng Sa trong một tu viện ở thành phố Torino.

Tư liệu Hoàng Sa trong tu viện ở Torino

Ngày 16-5-2010, báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 19 có in bài viết “Đi tìm Hoàng Sa trong… tu viện cổ Ý” của Lê Đức Dục, kể về một Việt kiều ở Ý phát hiện một cuốn sách cổ có viết về Hoàng Sa trong một tu viện ở thành phố Torino.

TS Trần Đức Anh Sơn trao đổi với nữ lãnh sự người Ý Sandra Scagliotti – Ảnh: P.X.N.

 

Đây là thông tin đầu tiên chúng tôi có được về tư liệu Hoàng Sa ở Ý. Về sau, trong quá trình thực hiện “font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, chúng tôi cũng thu thập được 11 tư liệu liên quan viết bằng tiếng Ý.

Tuy nhiên, đó chỉ là những bản e-file, còn các tư liệu gốc đang lưu trữ trong các thư viện ở Ý và châu Âu. Do vậy mà ước nguyện đi đến nước Ý để “tận mục sở thị” các tư liệu này luôn là niềm mơ ước của chúng tôi. Và điều đó đã trở thành hiện thực vào tháng 9-2013…

Bà lãnh sự người Ý trong tòa Lãnh sự Việt Nam

Chiều 26-9-2013, sau mấy ngày tìm kiếm tư liệu ở Rome, nhóm nghiên cứu chúng tôi “bắt” tàu tốc hành đi Torino. Thành phố này là thủ phủ của vùng Piedmont ở miền bắc nước Ý và là quê hương của Hãng xe hơi Fiat nổi tiếng.

Trước khi đến Ý, tôi đã liên lạc nhiều lần với bà Sandra Scagliotti – lãnh sự danh dự của Lãnh sự quán Việt Nam tại Torino – để tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi tôi hỏi về tu viện Santa Maria al Monte, nơi đang lưu giữ một cuốn sách cổ có viết về Hoàng Sa của Việt Nam, bà Sandra cho biết tu viện ấy nằm trên một ngọn núi ở ngoại ô thành phố Torino. Bà viết: “Tôi có biết cuốn sách ấy và cũng quen biết ông Trần Doãn Trang, người đã phát hiện cuốn sách này và kể về nó trên báo chí Việt Nam”. Rồi bà gửi cho tôi số điện thoại và địa chỉ email của ông Trang để tôi liên lạc. Tuy nhiên, vào thời điểm chúng tôi đến Torino thì ông Trần Doãn Trang bận việc riêng nên không thể đưa đoàn làm phim đến tu viện Santa Maria al Monte.

Đến Torino vào lúc chiều muộn, tôi gọi cho bà Sandra. Bà hẹn sẽ đón đoàn vào lúc 9g ngày 27-9-2013 tại Lãnh sự quán và sẽ bố trí người đưa chúng tôi đến Monte dei Cappuccini, nơi tu viện Santa Maria al Monte tọa lạc. Khi chúng tôi đến tòa lãnh sự quán, Sandra đón từ ngoài cửa. Trên ngực bà lấp lánh tấm Huân chương Hữu nghị do Nhà nước Việt Nam trao tặng. “Xin chào những người bạn Việt Nam. Tôi là Sandra Scagliotti, lãnh sự danh dự của Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino” – bà Sandra chào chúng tôi bằng tiếng Việt.

Tuy chỉ là lãnh sự danh dự nhưng bà Sandra Scagliotty làm việc như là một lãnh sự thực thụ, điều hành mọi hoạt động của Lãnh sự quán Việt Nam ở Torino, kể cả việc làm thủ tục cấp visa vào Việt Nam cho những người nộp đơn ở Torino (ngoại trừ việc ký phê chuẩn visa là do đại sứ Việt Nam ở Rome thực hiện).

Sau khi mời trà, bà Sandra nói: “Bây giờ các bạn đến tu viện Santa Maria al Monte để tìm tư liệu ngay trong sáng nay. Tôi đã liên hệ với tu viện trưởng để nhờ tìm kiếm tư liệu theo yêu cầu của các bạn. Vanni, nhân viên lãnh sự quán, và Hạnh, cộng tác viên của lãnh sự quán, sẽ đi cùng các bạn để hỗ trợ. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đây vào buổi chiều”.

Bà Sandra còn chuẩn bị sẵn những tài liệu về mối quan hệ giữa Ý với Việt Nam trong lịch sử và những tư liệu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa do người Ý biên soạn để chúng tôi tham khảo.

 

Đế chế An Nam và Hoàng Sa trong cuốn sách của Adriano Balbi

Tu viện Santa Maria al Monte ở ngoại ô Torino. Con đường dẫn lên tu viện nhỏ và dốc nhưng cảnh quan rất đẹp. Mới đầu thu nhưng cây hai bên đường đã lác đác lá vàng. Cuối con đường hiện ra một ngôi nhà thờ xinh xắn với cánh cửa gỗ to nặng, áp lưng vào bức tường thâm kín của tu viện. Vanni nói với chúng tôi: “Nơi đây có hai thư viện, một do tu viện Santa Maria al Monte quản lý, một do cộng đồng dân cư ở Cappuccini quản lý. Cuốn sách các anh cần tìm nằm trong thư viện của tu viện”.

Tôi giật mạnh chiếc vòng sắt treo trước cửa tu viện. Một tiếng “keng” vang lên. Chừng vài phút sau, một vị tu sĩ trẻ xuất hiện. Vanni nói vài câu với vị tu sĩ. Cánh cửa được mở ra đưa chúng tôi đi vào một hành lang dài và hẹp, có các hàng hiên làm bằng đá cẩm thạch và những ô cửa hình vòng cung.

Vị tu sĩ trẻ mời chúng tôi vào nhà khách, mời ăn bánh ngọt do tu viện tự làm và dùng trà do tu viện tự sao, rồi đi báo với bề trên. Khoảng 15 phút sau, tu viện trưởng và nữ thủ thư của tu viện bước vào. Họ cho biết đã nhận được thông tin từ bà Sandra về lý do và mục đích của cuộc viếng thăm này. “Cuốn sách quý vị cần đã sẵn sàng trong phòng đọc, nhưng do nơi ấy có nhiều người đang đọc sách và phòng đọc lại nhỏ nên chỉ có hai người được vào đó để nghiên cứu và chụp ảnh” – cô thủ thư nói. Tôi quay sang tu viện trưởng, giải thích với ông rằng phải có bốn người vào đó mới đủ người để tra cứu, ghi chép và chụp ảnh. Chần chừ một lúc, tu viện trưởng đồng ý và dặn thêm: “Xin quý vị tuyệt đối giữ yên lặng”.

Đi qua hai lớp cửa, hai lần rẽ trái và một lần rẽ phải, chúng tôi mới đến được nơi để cuốn sách. Đó là cuốn Compendio di Geografia (Địa lý thế giới) của nhà địa lý học nổi tiếng người Ý Adriano Balbi. Cuốn sách này được viết bằng tiếng Ý, xuất bản lần đầu ở Livorno năm 1824, tái bản ở Paris năm 1838 (tiếng Pháp), ở Persth năm 1842 (tiếng Đức), London năm 1845 (tiếng Anh); tái bản có bổ sung ở Livorno năm 1850 (tiếng Ý) và Milano năm 1865 (tiếng Ý). Cuốn sách lưu trữ nơi đây là bản in năm 1850 ở Livorno. Cả nước Ý chỉ còn giữ được vài bản in cổ của sách này.

Tôi nhanh chóng lật đến các trang 437-438, nơi Adriano Balbi đã dành một trang rưỡi để viết về vị trí địa lý, địa dư, diện tích và dân số Việt Nam vào thế kỷ XVIII, mà Balbi gọi là “l’impero di An-nam” (đế chế An Nam). Sau khi cung cấp các thông tin tổng quát về Việt Nam, Balbi viết: “Appartengono pure a quest impero l’ Arcipenlago di Paracels, il gruppo dei Pirati, ed il gruppo di Pulo Condor” (Thuộc về đế chế này còn có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Hải Tặc và quần đảo Côn Sơn).

Adriano còn dành cả trang sách bên dưới để miêu tả đế chế An Nam, nói rõ đây là một nhà nước độc lập, giáp với China (Trung Quốc) ở phía bắc, với Siam (Thái Lan) ở phía tây, có những dòng sông chính như sông Mai-kong (Mekong), sông Donai (Đồng Nai), sông Sang-koi (Sài Gòn?)…; có dân số khoảng 12 triệu người và mật độ dân cư trung bình 57 người trên một dặm vuông…

Vậy là Adriano Balbi đã xác nhận Paracels (quần đảo Hoàng Sa) thuộc về Việt Nam trong một cuốn sách có tựa đề Địa lý thế giới, được xuất bản từ đầu thế kỷ XIX và tái bản nhiều lần bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức trong suốt mấy chục năm sau đó. Một thực tế được một nhà địa lý học nổi tiếng nhất châu Âu công nhận cách đây gần 200 năm và được cả châu Âu thừa nhận như một sự thật hiển nhiên.

Vĩ thanh

Sau bảy tháng “lang thang” qua chín quốc gia, chúng tôi đã tiếp cận và sao chụp khoảng 30 tư liệu thành văn và hơn 50 bản đồ các loại. Tất cả đều là những bằng chứng xác thực, góp phần chứng minh Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hơn 400 năm qua.

Chúng tôi đã tiếp xúc, tham vấn nhiều học giả quốc tế về giá trị của các bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, họ đều xác nhận Việt Nam có những chứng cứ lịch sử rõ ràng và xác thực về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng những chứng cứ này chỉ là một trong những tài liệu có giá trị tham khảo khi giải quyết tranh chấp; và để bảo vệ được chủ quyền quốc gia, Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháp khác, trong đó việc nhờ cậy các tòa án quốc tế là một việc “chẳng đặng đừng” và trước sau gì điều này cũng sẽ xảy đến.

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN