16/01/2025

Hàng trăm ngàn lao động không có thưởng tết

Năm 2013, do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn nên vẫn còn hơn 10.000 người lao động bị nợ lương và hàng trăm nghìn người không có thưởng tết.

 

Hàng trăm ngàn lao động không có thưởng tết

Năm 2013, do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn nên vẫn còn hơn 10.000 người lao động bị nợ lương và hàng trăm nghìn người không có thưởng tết.

Hàng trăm ngàn lao động không có thưởng tết

Mức thưởng tăng chủ yếu do tiền lương của người lao động tăng – Ảnh: N.Thắng

Thông tin trên được Bộ LĐ-TB-XH công bố tại cuộc họp báo chiều qua, 17.1. Theo ông Tống Văn Lai, Phó vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho biết vẫn còn 22 địa phương có 79 doanh nghiệp (DN) nợ 75,7 tỉ đồng tiền lương của 10.168 người lao động (NLĐ). Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới lương thưởng tết của NLĐ bị sụt giảm.

 

 
 

Hỗ trợ 12.322 tấn gạo cứu đói

Ông Thái Phúc Thành, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết Bộ đã nhận được văn bản của 16 tỉnh đề xuất hỗ trợ khoảng 30.000 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và giáp hạt năm 2014, gồm: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Ninh Bình, Thanh Hóa, Kon Tum, Khánh Hòa, Sơn La, Hà Nam và Đắk Lắk. Bộ LĐ-TB-XH đã tổng hợp nhu cầu và trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ cho các địa phương tổng số 12.322 tấn gạo. Ngoài ra có hơn 20 tỉnh thành trích ngân sách hỗ trợ người nghèo.

 

 

Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm nay có gần 2.000 DN (khoảng 2,5 triệu lao động) thuộc 4 loại hình DN: Công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu; DN có cổ phần vốn góp của nhà nước; DN, DN tư nhân, tổng công ty cổ phần không có vốn nhà nước và DN vốn nước ngoài (FDI) của 63 tỉnh thành gửi báo cáo lương thưởng tết 2014. Hầu hết các DN báo cáo đều có thưởng cho NLĐ với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 4,4 triệu đồng/người, tăng 20% so với mức thưởng tết năm 2013). Mức thưởng tăng chủ yếu do tiền lương của NLĐ tăng. Người có mức thưởng Tết âm lịch cao nhất khoảng 709 triệu đồng thuộc một DN FDI ở TP.HCM. Tiếp đến là khối DN tư nhân có mức thưởng cao nhất là 450 triệu đồng. Khối DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước xếp thứ 3 với 299 triệu đồng. Người được thưởng cao nhất khối công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu là 87 triệu đồng.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH còn công bố mức thưởng Tết dương lịch bình quân khoảng 1,1 triệu đồng người (bằng 90% so với mức bình quân năm 2013). Mức cao nhất cũng thuộc về DN FDI của TP.HCM với mức 463 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, năm nay có hơn 256.000 NLĐ của 595 DN (chủ yếu là DN tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước) thuộc 8 tỉnh thành: Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Dương, Thái Bình, Kon Tum, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Trị không được thưởng Tết dương lịch. Hơn 420 DN với hơn 118.000 NLĐ của 4 tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ và Thanh Hóa không có thưởng Tết âm lịch.

Về thông tin một số DN trả thưởng tết cho NLĐ bằng sản phẩm như tương ớt, gạch, giấy vệ sinh, quần đùi…, ông Tống Văn Lai cho biết do trong luật chỉ quy định tiền lương trả cho NLĐ bằng tiền mặt, còn các khoản thưởng khác không nêu rõ gồm những gì nên “chế tài xử lý vấn đề này đúng hay không là rất khó”. “Chúng tôi khuyến khích DN thưởng cho NLĐ bằng tiền mặt, thay vì trả bằng hiện vật. Trong điều kiện DN khó quá, có thể thỏa thuận với NLĐ”, ông Lai nói.

Thu Hằng