26/11/2024

Một gia đình nhân loại duy nhất

Công đồng chung Vatican II khẳng định: «Thật vậy, mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu»

 Một gia đình nhân loại duy nhất

Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô 
Chúa Nhật II TN, 16/1/2011

Anh chị em thân mến!

Chúa Nhật hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Di dân và Người tị nạn, ngày mà mỗi năm đều mời gọi chúng ta suy nghĩ về kinh nghiệm của biết bao người đàn ông và phụ nữ, của biết bao gia đình phải rời bỏ quê hương để đi tìm những điều kiện sống tốt đẹp hơn. Di cư đôi khi là tự ý, nhưng đáng buồn thay nhiều khi lại bị bó buộc do chiến tranh hay bị bách hại, và thường xảy ra – như chúng ta đã biết – trong những điều kiện bi thảm. Chính vì thế, cách đây 60 năm, Cao uỷ Liên Hiệp Quốc phụ trách người tị nạn đã được thiết lập. Trong ngày lễ kính Thánh gia sau lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nhắc lại cha mẹ của Đức Giêsu cũng bị bó buộc phải rời bỏ quê hương, nhà cửa, lánh nạn sang Ai Cập để giữ tròn mạng sống cho con mình: Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, đã là một người tị nạn. Từ lâu Giáo Hội vẫn trải nghiệm trong lòng mình cảnh di dân. Đáng buồn thay, các Kitô hữu vẫn thường bị bó buộc phải đau khổ rời bỏ mảnh đất thân yêu của mình, và như thế, đã làm cho vùng đất nơi tổ tiên mình sinh sống trở nên nghèo nàn. Mặt khác, những cuộc di cư tự ý của những Kitô hữu, vì nhiều lý do khác nhau, từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ lục địa này đến lục địa kia, là một cơ hội để làm tăng triển năng động truyền giáo của Lời Chúa, và làm cho chứng tá đức tin được luân chuyển nhiều hơn trong Nhiệm thể của Đức Kitô, băng qua các dân tộc và các nền văn hoá, đạt đến những biên giới mới, những môi trường mới.

«Một gia đình nhân loại duy nhất»: đó là đề tài của Sứ điệp mà tôi gửi đi nhân Ngày Thế giới Di dân. Một đề tài chỉ cho ta thấy mục tiêu, đích điểm của cuộc hành trình vĩ đại của nhân loại xuyên qua dòng thời gian: tạo nên một gia đình duy nhất, dĩ nhiên với tất cả những khác biệt phong phú hoá gia đình nhân loại, nhưng không hề có những rào cản, khi chúng ta nhìn nhận tất cả là anh em với nhau. Công đồng chung Vatican II khẳng định: «Thật vậy, mọi dân tộc đều thuộc về một cộng đoàn, cùng chung một nguồn gốc, vì Thiên Chúa đã cho toàn thể nhân loại sinh sống trên khắp mặt địa cầu» (Nostra aetate – Tuyên ngôn về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo -, 1). Giáo Hội – Công đồng nói tiếp – «ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại» (Hiến chế Lumen gentium, 1). Chính vì thế, điều cơ bản là các Kitô hữu, ngay khi họ sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới, và do đó, khác nhau về văn hoá và truyền thống của họ, phải trở nên một như Chúa hằng mong muốn. Đó là mục đích của «Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất», sẽ diễn ra trong những ngày tới, từ 18-25/1. Năm nay, Tuần lễ này rút cảm hứng từ một đoạn trong sách Công vụ: «Cùng hợp nhất trong giáo huấn của các Tông đồ, hiệp thông huynh đệ, bẻ bánh và cầu nguyện» (Cv 2,42). Tuần tám ngày cầu cho các Kitô hữu hợp nhất được bắt đầu vào ngày mai bằng Ngày đối thoại Do Thái giáo và Kitô giáo: một cuộc xích lại gần nhau mang nhiều ý nghĩa, nhắc lại tầm quan trọng có được những nguồn gốc chung liên kết những người Do Thái và Kitô hữu.

 

Khi ngỏ lời với Đức Trinh Nữ Maria qua lời kinh Truyền Tin, chúng ta hãy phó dâng xin Mẹ phù hộ tất cả những di dân và những ai dấn thân làm việc mục vụ di dân. Ngoài ra, ước gì Đức Maria, là Mẹ của Giáo Hội, cầu cùng Chúa cho chúng ta tiến bước trên con đường hiệp thông trọn vẹn với mọi môn đệ của Đức Kitô.