17/01/2025

Được dìm trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu

Hành động của Đức Giêsu khi đến xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa thể hiện trước Thánh giá, chấp nhận cái chết để đền tội thay cho con người. Hành động hạ mình này, một hành động mà qua đó Đức Giêsu muốn hoàn toàn tuân theo chương trình tình yêu của Chúa Cha, biểu lộ sự hài hoà trọn vẹn về ý chí và ý hướng giữa các Ngôi vị trong Ba Ngôi Cực Thánh.

 Được dìm trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu

Ban Bí tích Thánh Tẩy cho 21 em nhỏ
Nhà nguyện Sixtine 
Chúa Nhật Lễ Chúa chịu Phép rửa, 9/1/2011

Anh chị em thân mến,

Tôi vui sướng được chào đón anh chị em, đặc biệt anh chị em là cha mẹ, vú bõ đỡ đầu của 21 em nhỏ mà lát nữa đây tôi sẽ vui mừng ban Bí tích Thánh Tẩy. Năm nay cũng thế, vẫn theo thói quen, chúng ta cử hành trong Thánh lễ Chúa chịu Phép rửa. Ngày lễ này được cử hành trong Chúa Nhật I sau lễ Hiển Linh kết thúc mùa Giáng Sinh bằng cuộc tỏ mình của Chúa trên sông Giođan.

Theo Thánh sử Matthêu kể lại (3,13-17), Đức Giêsu từ Galilê đến sông Giođan để xin Gioan làm phép rửa cho mình; thật thế, từ khắp đất nước Palestine, người ta lũ lượt kéo đến để nghe vị đại tiên tri này rao giảng, loan báo Nước Chúa đã đến, và để lãnh nhận phép rửa, nghĩa là đón nhận dấu hiệu thống hối kêu gọi họ từ bỏ tội lỗi. Dầu tên gọi là «phép rửa», nhưng nó không có giá trị bí tích của nghi lễ chúng ta cử hành hôm nay; như anh chị em đã biết, vì chưng nhờ cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu đã thiết lập các bí tích và đã khai sinh Giáo Hội. Phép rửa của Gioan đúng hơn là một hành động thống hối, một cử chỉ mời gọi sống khiêm nhường trước tôn nhan Thiên Chúa, để có một sự bắt đầu mới: khi dìm mình trong nước, hối nhân nhìn nhận mình đã phạm tội, nài van Thiên Chúa thanh luyện mình khỏi tội và được mời gọi thay đổi những cách xử sự sai trái khi chết đi trong nước, nếu ta có thể nói được như thế, và sống lại để sống một đời sống mới.

Chính vì thế, khi Gioan Tẩy Giả thấy Đức Giêsu trong hàng những tội nhân tiến đến xin ông làm phép rửa, thì ông hết sức ngạc nhiên; khi nhận ra trong Đức Giêsu Đấng Thiên Sai, Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng không hề mắc tội, thì Gioan hết sức do dự: chính ông là Gioan Tẩy Giả, ông lại muốn xin Đức Giêsu rửa tội cho mình. Nhưng Đức Giêsu hối thúc ông đừng khăng khăng từ chối nữa, hối thúc ông bằng lòng thực hiện động tác này, làm những gì cần thiết để «giữ trọn đức công chính». Qua câu nói này, Đức Giêsu chứng tỏ rằng Người đã đến trần gian để thi hành Thánh ý của Đấng đã sai Người, để chu toàn tất cả những gì Cha yêu cầu Người; đó là vâng lời Cha chấp nhận làm người. Cử chỉ này tiên vàn mạc khải Đức Giêsu là ai: Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật như Chúa Cha; Người là Đấng «đã tự hạ» để làm một con người như chúng ta; Đấng đã làm người và đã chấp nhận tự hạ cho đến chết và chết trên Thập tự (x. Pl 2,7). Phép rửa của Đức Giêsu mà chúng ta cử hành hôm nay được định vị trong luận lý của sự khiêm nhường: đó là cử chỉ của Đấng đã muốn trở nên một con người như chúng ta mọi đàng và đang đặt mình trong hàng ngũ những tội nhân; Người là Đấng không hề mắc tội, đã để cho mọi người đối xử với mình như một tội nhân (x. 2Cr 5,21), để mang lấy trên đôi vai mình gánh nặng của toàn thể nhân loại. Người là «Tôi tớ của Chúa» mà Tiên tri Isaia đã nói với chúng ta trong Bài đọc I (x. 42,1). Người muốn sống khiêm nhường để thiết lập một sự hiệp thông trọn vẹn với nhân loại, để thực hiện một sự liên đới đích thực với con người và với kiếp người.

Hành động của Đức Giêsu ở đây thể hiện trước Thánh giá, chấp nhận cái chết để đền tội thay cho con người. Hành động hạ mình này, một hành động mà qua đó Đức Giêsu muốn hoàn toàn tuân theo chương trình tình yêu của Chúa Cha, biểu lộ sự hài hoà trọn vẹn về ý chí và ý hướng giữa các Ngôi vị trong Ba Ngôi Cực Thánh. Qua hành động tình yêu này, Thần Khí Thiên Chúa tỏ hiện như chim câu đậu trên đầu Đức Giêsu, và vào lúc đó, tình yêu liên kết Đức Giêsu với Chúa Cha được biểu lộ cho tất cả những người chịu phép rửa bằng một giọng nói từ trời phán xuống mà ai cũng đều nghe được. Chúa Cha tỏ cho con người thấy được sự hiệp thông sâu xa liên kết Ngài với Chúa Con: giọng nói từ trời cao vang vọng chứng thực Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha trong hết mọi sự, và sự vâng lời này là cách diễn tả tình yêu liên kết các Ngôi vị với nhau. Chính vì thế, Chúa Cha đã hoàn toàn hài lòng về Đức Giêsu, bởi vì Chúa Cha nhận ra trong hành động của Chúa Con ước muốn tuân theo Thánh ý Ngài trong hết mọi sự: «Này là Con yêu dấu của Ta; Ta hài lòng về Người» (Mt 3,17). Và lời Chúa Cha phán ở đây cũng ám chỉ trước sự chiến thắng phục sinh, và nói với chúng ta phải sống như thế nào để đẹp lòng Chúa Cha, bằng cách sống như Đức Giêsu.

Các bậc làm cha làm mẹ thân mến, Bí tích Thánh Tẩy mà anh chị em hôm nay xin cho con cái mình đem các em vào trong cuộc trao đổi tình yêu hỗ tương hiện có giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; qua cử chỉ mà tôi sẵn lòng thực hiện, tình yêu Thiên Chúa được đổ tràn trên các em và ban tràn đầy ơn Chúa cho các em. Nhờ nước, con cái anh chị em được dìm vào trong chính sự sống của Đức Giêsu, Đấng đã chết trên Thánh giá để giải thoát chúng ta khỏi tội, và khi phục sinh đã chiến thắng tội lỗi. Chính vì thế, được dìm cách thiêng liêng trong cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, các em được giải thoát khỏi nguyên tội, và đời sống ân sủng là sự sống của Đức Giêsu Phục Sinh được bắt đầu trong các em. «Người đã tự hiến vì chúng ta, Thánh Phaolô khẳng định, để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều bất chính và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân tộc hăng say làm việc thiện» (Tt 2,14).

Các bạn thân mến, khi ban cho chúng ta đức tin, Chúa đã ban cho chúng ta điều quý giá nhất trong cuộc đời, như là lý do sống đúng đắn nhất và đẹp đẽ nhất: chính nhờ ân sủng mà chúng ta đã tin vào Thiên Chúa, mà chúng ta đã biết được tình yêu của Ngài, một tình yêu mà qua đó Ngài muốn cứu chuộc và giải thoát chúng ta khỏi điều dữ. Giờ đây, các bậc làm cha làm mẹ, các vú bõ đỡ đầu thân mến, anh chị em xin Giáo Hội đón nhận những em nhỏ này vào trong lòng Giáo Hội, ban cho các em Bí tích Thánh Tẩy; và vì hồng ân đức tin mà chính anh chị em cũng đã nhận được, anh chị em xin cho các em được rửa tội. Cùng với Tiên tri Isaia, mỗi Kitô hữu đều muốn lặp lại câu nói sau đây: «Chúa đã nhào nắn tôi từ trong dạ mẹ để làm tôi tớ cho Ngài» (x. 49,5); như thế, các bậc phụ huynh thân mến, con cái anh chị em là một hồng ân quý giá Chúa ban, Ngài đã dành trọn con tim của các em cho Ngài, để có thể ban cho các em tình yêu của Ngài. Qua Bí tích Thánh Tẩy, ngày hôm nay Chúa thánh hiến các em và kêu gọi các em đi theo Đức Giêsu, bằng cách thể hiện ơn gọi của mình dựa theo chương trình tình yêu đặc thù mà Chúa Cha đã dành cho mỗi người trong các em; mục đích của cuộc hành trình dương gian này là sự hiệp thông trọn vẹn với Ngài trong hạnh phúc vĩnh cửu.

Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, các em nhỏ này nhận được một dấu ấn thiêng liêng không thể nào phai, là «đặc tính» ghi dấu các em mãi mãi thuộc về Thiên Chúa, và làm cho các em trở thành những chi thể sống động của Nhiệm thể Đức Kitô là Giáo Hội. Khi bắt đầu là thành viên Dân Chúa, ngày hôm nay các em bắt đầu một con đường thánh thiện và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, một thực thể được đặt trong tâm hồn các em như hạt giống nẩy sinh một cây tuyệt diệu mà chúng ta phải làm cho nó lớn lên. Chính vì thế, khi hiểu được sự cao cả của hồng ân này, ngay từ những thế kỷ đầu tiên, người ta đã quan tâm ban Bí tích Thánh Tẩy cho các em ngay lúc các em vừa mới được chào đời. Dĩ nhiên chắc chắn sau này các em cần gia nhập vào trong đời sống đức tin và tình yêu một cách tự do và ý thức, và chính vì thế, sau khi chịu Bí tích Thánh Tẩy, các em cần được giáo dục trong đức tin, được dạy dỗ dựa theo sự khôn ngoan của Sách Thánh, và những giáo huấn của Giáo Hội, để cho hạt giống đức tin mà các em lãnh nhận hôm nay được lớn lên trong các em, và để cho các em có thể đạt được sự trưởng thành Kitô giáo. Giáo Hội là người đón tiếp các em vào số con cái của mình,  cùng với cha mẹ và vú bõ đỡ đầu, phải có trách nhiệm đồng hành với các em trên con đường phát triển này. Sự cộng tác giữa cộng đoàn Kitô hữu và gia đình ngày càng trở nên quan trọng hơn trong một bối cảnh xã hội như hiện nay, nơi mà cơ chế gia đình bị đe doạ từ nhiều phía, và phải đương đầu với nhiều khó khăn trong sứ mệnh giáo dục đức tin cho con cái mình. Thiếu những quy chiếu văn hoá vững chắc và sự biến đổi nhanh chóng về mặt xã hội đã thực sự làm cho nỗ lực giáo dục trở nên vô cùng khó khăn. Do đó, các giáo xứ phải luôn cố gắng hết sức mình để nâng đỡ các gia đình là những tiểu Giáo Hội tại gia trong vai trò chuyển trao đức tin cho con cái.

Các bậc phụ huynh thân mến, cùng với anh chị em, tôi cảm tạ Chúa vì hồng ân Bí tích Thánh Tẩy mà con cái anh chị em đã lãnh nhận; chúng ta cầu nguyện cho các em, xin Chúa Thánh Thần, Đấng ngày hôm nay hiến thánh các em theo hình ảnh của Đức Kitô là Tư tế, Vua và Tiên tri, ban dồi dào hồng ân của Ngài cho các em. Và bởi vì tôi đã phó dâng các em cho Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, xin Mẹ lấy tình mẹ hiền mà cầu thay nguyện giúp, nên chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho các em sự sống và sức khoẻ, để các em có thể lớn lên và trưởng thành trong đức tin, và có thể trổ sinh hoa trái thánh thiện và tình yêu trong cuộc sống các em. Amen!