15/01/2025

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh -A-2014: Bước đi trong niềm vui Tin Mừng

Ngày lễ Hiển Linh luôn luôn mời gọi chúng ta tìm về được với Đức Giêsu là nguồn của sự sống vĩnh hằng, của hạnh phúc vô tận, của tình yêu vô biên, của chân thiện mỹ. Nếu chúng ta cố gắng bước đi trong đêm tối như các vị đạo sĩ, chúng ta sẽ tìm được Người và cảm nghiệm được niềm vui vô tận.

             

Bước đi trong niềm vui Tin Mừng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày lễ Hiển Linh luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào các vị đạo sĩ Đông Phương để tìm về được với Đức Giêsu là nguồn của sự sống vĩnh hằng, nguồn của hạnh phúc vô tận, nguồn của tình yêu vô biên, nguồn của chân thiện mỹ. Vì Thiên Chúa là nguồn của sự sống, hạnh phúc, tình yêu và chân thiện mỹ ấy “đã làm người và đang ở giữa chúng ta”. Nếu chúng ta cố gắng bước đi trong đêm tối như các vị đạo sĩ, chúng ta sẽ tìm được Người và cảm nghiệm được niềm vui vô tận giống như các vị đạo sĩ đã “hết sức vui mừng khi nhìn thấy ngôi sao” (Mt 2,10). Rồi khi gặp được Người, chúng ta sẽ cảm nghiệm được mình nối kết với nguồn để thay đổi đời sống như các vị đạo sĩ đã “đi con đường khác mà trở về xứ sở mình” (Mt 2,12).

Nhưng chúng ta phải tìm gặp Đức Giêsu như thế nào vì đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Đức Giêsu?

1. Thái độ lãnh đạm của con người đối với Đức Giêsu

Bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta thái độ lãnh đạm của con người trong xã hội Do Thái giống như xã hội hiện nay.

Nơi dân tộc Do Thái, có những con người bằng lòng với nhà cửa, ruộng vườn, với chăn êm nệm ấm, với vợ đẹp con khôn, bằng lòng với ánh đèn trong nhà của mình để ở mãi trong căn nhà của họ, để ngủ mãi trong đêm tối của đời họ mà không chịu ra đi như các đạo sĩ. Có những con người như các luật sĩ được gọi là trí thức, biết rõ vị vua vinh quang cai trị dân tộc mình sẽ  sinh ở Bêlem, nhưng họ vẫn bám vào những cái mình đang có, vào những công việc đang làm mà không dám ra ngoài. Có những vị tư tế, thầy Lêvi bằng lòng với đền thờ Giêrusalem nguy nga, tự mãn với những nghi lễ trang nghiêm, đông đảo, hãnh diện với những lễ vật lớn lao, chấp nhận sống cuộc đời an nhàn, dư dật để rồi không dám bước đi trong đêm tối mà tìm cho được ý nghĩa của đời mình như các đạo sĩ. đến từ phương Đông.

ĐTC Phanxicô, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – mới công bố cách đây hơn một tháng (ngày 24/11/2013) – nhắc nhở chúng ta rằng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh: tôi muốn có một Giáo Hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Giáo Hội bị bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn của riêng mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục…” (số 49). Có ý thức được nỗi bất hạnh của đời mình và đời người, có mơ ước thay đổi cho nó tốt đẹp và bền vững ta mới dám bước ra khỏi cái vỏ ốc bó chặt đời mình để dấn thân đi tìm Đức Giêsu trong đêm tối khác với nhiều người trong cộng đồng xã hội quanh ta.

2. Những điều kiện cơ bản để tìm được Đức Giêsu

Đêm tối của cuộc đời mang nhiều ý nghĩa tượng trưng.

Trước hết, bước đi trong đêm tối thanh vắng như các vị đạo sĩ là chúng ta cần tạo nên cho mình bầu khí thinh lặng nội tâm để lắng nghe được tiếng lương tâm ngay chính của mình, giống như nhìn được ánh sao le lói trên bầu trời đêm.

Thời nay người ta thích bầu khí ồn ào, náo nhiệt của thành thị hơn là khung cảnh thinh lặng, thanh vắng của nông thôn. Người ta sợ yên lặng. Đi làm về là bật tivi lên ngay, đi ra đường cũng nhét ống tai nghe nhạc. Về nhà sợ yên lặng lại lao ra ngoài với bạn bè, đi nhậu hết quán này đến quán khác. Sống trong khung cảnh luôn náo động với những lời mời gọi để thoả mãn những tham vọng và dục vọng, chúng ta thường không nghe được tiếng lương tâm, cũng không nhìn thấy được ánh sao mời gọi.

Bước đi trong đêm tối của hoang mạc đòi hỏi chúng ta một yếu tố thứ hai đó là lòng can đảm. Vì không có ánh sáng soi bước, chúng ta phải dò dẫm đi trên những con đường mới lạ và có thể vấp ngã. Bạn bè có thể chê trách: sao không ngủ yên mà lại mơ ước viễn vông, đi tìm những thứ hão huyền như kẻ mộng du. Giêsu là gì! Hạnh phúc vĩnh cửu, cuộc sống vô tận là gì!… Những lời chê bai đó có thể làm chúng ta chao đảo, bất động, muốn quay trở về lại căn nhà của mình để ngủ yên trong bóng tối. Do đó, muốn tìm được Giêsu như các vị đạo sĩ, đòi hỏi chúng ta phải có lòng can đảm, dám chấp nhận những vấp ngã, tổn thương, nhục mạ và tiếp tục tiến bước.

Bước đi trong đêm tối còn cần đến yếu tố thứ ba, đó là chúng ta dám chấp nhận sự thiếu thốn. Đi trong hoang mạc đêm tối không có những hàng quán là chúng ta sẽ thấy thiếu nhiều thứ đối với những nhu cầu của đời sống hằng ngày, mặc dù chúng ta cũng đã tự lo liệu nhưng không thể mua được những thứ cần thiết. Chấp nhận sự thiếu thốn đồng nghĩa với việc tự nguyện sống theo tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu. Trong một thời đại mà người ta đánh giá và xếp hạng con người theo tiêu chuẩn vật chất như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, bằng cấp… chúng ta để bị lôi cuốn phải mang rất nhiều hành trang trong những chuyến đi của đời mình.

Tuy nhiên, nếu mang nhiều hành trang như thế chúng ta không thể đi lâu, đi xa, càng không thể gặp được một hài nhi Giêsu nghèo khó nằm trên máng cỏ, trong một túp lều tồi tàn nào đó trong khi rất nhiều người tưởng rằng cần phải tìm được vị vua mới sinh nơi một cung điện lộng lẫy, nguy nga.

Đó là những điều kiện cơ bản để tìm gặp được Giêsu.

3. Niềm vui Tin Mừng

Khi chúng ta gặp được hài nhi Giêsu trong căn nhà tồi tàn, có những người nghèo khó, bệnh tật, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề xã hội như các mục đồng thuở xưa, chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui giống như các đạo sĩ Đông Phương, vì đã tìm được nguồn sống của đời mình. Lúc đó, lòng chúng ta bị thu hút để hướng trọn về Người và cảm nghiệm được Người chính là ánh sáng thần linh soi chiếu tâm trí chúng ta, giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả những tiền của, vật chất, danh lợi kia chỉ là những cái thoáng qua, chỉ là những phương tiện giúp ta sống chứ không phải là mục đích của đời ta.

Niềm vui và hạnh phúc đời ta chính là Đức Giêsu. Người sẽ chuyển thông cho chúng ta sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô biên, hạnh phúc vô tận để ta cảm nghiệm được mình cũng là con cái của Thiên Chúa như Người. Từ đó chúng ta mới dâng lên Người tất cả những gì quý giá nhất của đời mình, để chúng ta nói lên rằng Người là Thiên Chúa, là vị vua, là người yêu của ta, qua nhũ hương, vàng và mộc dược mà các vị đạo sĩ dâng lên. Người thật sự là Thiên Chúa đáng để ta tôn thờ. Người thật sự là vua để ta phụng sự hết mình. Người cũng thật sự là người đã yêu ta đến cùng, cho đến chết trên thập giá, để mời gọi ta từ nay không còn sống cho mình nhưng chỉ sống cho Người.

Niềm vui này còn trải rộng cho con người khi chúng ta cảm nghiệm được tình bạn, tình yêu, tình huynh đệ, tình đồng bào giữa những người cùng đi với mình trên đường tìm gặp Chúa Giêsu, như ba đạo sĩ và đoàn tuỳ tùng chia sẻ với nhau, để xây dựng một cộng đồng nhân loại thật sự hoà bình, hạnh phúc và phát triển bền vững. Cộng đoàn ấy chắc chắn khác hẳn với những gì chúng ta đang thấy trong xã hội hiện nay: con giết cha, vợ đốt chồng, người yêu giết người tình rồi tự sát, bạn bè lừa dối, anh chị em bất nhân, bất nghĩa với nhau.

Niềm vui đó còn lan toả trong vũ trụ vạn vật khiến ngôi sao, dù xa tắp tít, cũng trở thành đứa em gần gũi dẫn dường cho những anh chị lớn tìm gặp được người anh cả Giêsu. Rồi sau này khi gắn bó với Giêsu hơn, ta có thể nói với đàn em trong vũ trụ vật chất để chúng nghe lời cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều thay vì khai thác cạn kiệt, huỷ hoại mội trường sinh thái khiến cho bão to, biển động, giá lạnh làm tê liệt cả một nửa nước Mỹ như đang xảy ra trong mấy ngày qua.

Khi thực hiện những điều đó, chúng ta sẽ thấy đời mình và đời người thay đổi. Chúng ta sẽ vui hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn – dù chúng ta vẫn gặp những thử thách, đau khổ, thất bại trong cuộc đời.

Lời kết

Hôm nay, bước theo chân các vị đạo sĩ, chúng ta hãy tìm gặp Chúa Giêsu. Người ở đâu đó trong cuộc đời của ta, trong con người nào đó mà chúng ta gặp hằng ngày. Khi chúng ta tìm đến Người qua sự thinh lặng, can đảm, hy sinh, chúng ta sẽ thấy đời mình đổi thay. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu chính là Tin Mừng sống động, tạo nên niềm vui, hạnh phúc và sự sống kỳ diệu cho mọi người.