25/11/2024

Những thầy cô của học trò nghèo

Có những thầy cô giáo đã trở thành sợi dây vững chắc để giữ học trò nghèo khó của mình ở lại với trường lớp.

Những thầy cô của học trò nghèo

 

Có những thầy cô giáo đã trở thành sợi dây vững chắc để giữ học trò nghèo khó của mình ở lại với trường lớp.

 

Cô Giao tâm tình với học sinh trong giờ nghỉ trưa – Ảnh: Ngọc Trường

 

Sợi dây đó được bện bằng sự quan tâm, sẵn lòng giúp đỡ các em khi gặp khó khăn.
Không để học trò bỏ lớp
Chuyện bắt đầu khi cô Vũ Thị Thức chuyển từ một trường ở Q.9 về dạy tại Trường THCS Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi, TP.HCM) cách đây tám năm. Trường mới nằm ở vùng nghèo khó nhất của thành phố.
“Học sinh trong vùng đa số là nhà nghèo, cha mẹ lại ít quan tâm vì bận mưu sinh kiếm sống. Nhiều em cha mẹ ly thân, ly dị. Các em đến trường thiếu thốn mọi thứ. Có lẽ vì vậy mà mình thương nên gần các em”, cô tâm sự.
Sự gần gũi đó khiến cô kịp thời giúp cậu học trò nghèo đôi giày xăngđan đến lớp để em không còn bị lên phòng giám thị vì vi phạm nội quy nhà trường. Đó cũng là khi cô Thức đóng tiền cho học trò đi dã ngoại cùng lớp để em khỏi tủi thân vì gia cảnh nghèo túng. Những tập sách, vở trắng… cô Thức gửi đến những học trò khó khăn bao giờ cũng kèm lời động viên bám trường bám lớp.
“Đầu năm học, phụ huynh đến trường họp, nhiều người nhìn học phí đã khóc rồi. Tiền trường có khi chỉ chừng mấy trăm ngàn nhưng số tiền đó đối với nhiều gia đình vẫn lớn quá”, cô nói xót xa. Không ít học trò đã được cô giúp đỡ học phí lúc chông chênh trước nguy cơ bỏ học.
“Tôi không có con cái, chi tiêu gia đình cũng không bao nhiêu. Mấy trăm ngàn tiền trường mình dành dụm một chút là có dư, còn nếu không giúp thì các em dang dở học hành tội lắm”, cô Thức nói.
Còn cô Nguyễn Thị Uyên Bình – giáo viên Trường THCS Tân Thới (Thuận An, Bình Dương), đến giờ vẫn còn xúc động khi nhớ lại lúc cậu học trò ngỗ nghịch khóc trước mặt mình. “Quy đến lớp lúc nào cũng nằm dài ra bàn, không chịu học hành, thái độ bất cần lắm. Hỏi ra mới biết cha mẹ em ly dị, em sống với người chú đã lập gia đình. Tôi gọi em ra hỏi han riêng một hồi em mới nói trong nhà chẳng ai hiểu được mình, rồi khóc”, cô Bình kể. Sau đó, Quy đi học hết năm học, cũng ngoan hơn với sự động viên thường xuyên của cô Bình.
Hay như lần cậu học trò tên Thành định bỏ học hẳn vì phải đi làm phụ giúp cha mẹ, cô Bình phải xuống tận nhà thuyết phục đến mấy lần.
“Cha mẹ Thành đi làm hoài nên tôi phải canh đúng những bữa cơm xuống nhà mới gặp được. Cả nhà nhất quyết muốn em phụ giúp làm trong nhà máy giấy cả đêm để có thêm thu nhập”, cô Bình nhớ lại. Cuối cùng cô cũng kéo được Thành quay lại trường. “Lúc đó Thành mới học lớp 6…”, cô kể.
Thường xuống nhà học trò, đôi khi cô Bình còn phải an ủi chính phụ huynh, vì đói nghèo cùng quẫn khiến họ không biết cách nào để con mình khỏi thất học. Có lần sau khi an ủi gia đình xong, cô phải nhờ hiệu trưởng tìm kiếm mạnh thường quân giúp đỡ thêm để cô học trò được tiếp tục đến lớp.
Mỗi thầy cô đến với học trò bằng những cách khác nhau. Nhưng sự quan tâm, yêu thương của họ đều giống nhau đã nâng đỡ những học trò nghèo, giúp các em cảm thấy ấm áp hơn, tiếp thêm cho các em sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh.
Cô giáo thay mẹ hiền
Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) có hơn 500 học sinh, gồm 12 dân tộc khác nhau. Hầu hết thời gian trong năm học các em học tập sinh hoạt ở ngay trường, ít khi về nhà.
“Cô Giao giống như mẹ em vậy. Cô hỏi em đủ thứ từ chuyện học hành, gia đình đến chuyện ăn uống làm sao” – Giao Sinl (dân tộc Chăm, lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc nội trú) chia sẻ. Cô Phạm Thị Huỳnh Giao là giáo viên chủ nhiệm của Giao Sinl năm nay. Sinl nói vậy bởi chính sự quan tâm của cô Giao đã làm em cảm thấy cô như người thân của mình.
Hơn 20 năm trong nghề đã cho cô Giao cái nhìn dễ dàng nhận ra những học trò cần được tiếp sức. Cô biết được hoàn cảnh của các em qua bản khai lý lịch, nhưng đôi khi chỉ là chiếc áo đã sờn vai hay là đôi mắt buồn buồn. Khi đã nhắm đến ai rồi, cô hỏi thăm bạn bè trong lớp để biết thêm về cô, cậu học trò ấy.
Những giờ ra chơi, cô Giao thường nán lại lớp, tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi ấy để hiểu thêm học trò của mình. Để rồi, cô động viên học trò bằng những món quà nhỏ như cuốn tập, cây viết, có khi là những lời khuyên răn đúng lúc.
“Năm đó em là học sinh ngỗ nghịch cá biệt nhất trong lớp. Xuống gặp gia đình, cha mẹ nói nếu em muốn nghỉ học thì cứ cho em nghỉ đi. Không cam tâm, tôi gặp em nói nhỏ nói to hoài, cuối cùng em đến lớp hết năm học, học lực cũng khá hơn. Năm sau, em sang tặng tôi một cây cảnh em tự uốn nhân ngày 20-11”, cô Giao cười tự hào kể lại về một học trò cũ.
Cô Giao thường thông qua giáo viên bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của học trò. Cô cũng thường hay xuống ký túc xá để xem các em ăn ngủ như thế nào. Học trò kể với cô chuyện bữa cơm nấu lạ vị không quen đến chuyện kỳ kiểm tra vừa rồi có bạn quay cóp bài. Học trò cũng chẳng giấu cô chuyện rung động đầu đời, chuyện sáng nắng chiều mưa của tuổi ô mai…
“Hơn 20 năm trong nghề, thành tựu lớn nhất đời của tôi là cảm thấy được học trò yêu thương. Có em nay đã kết hôn, có con, vậy mà Ngày nhà giáo nào vẫn gọi điện chúc mừng”, cô Giao cười hạnh phúc.
Yêu thương trao đi sẽ được nhận lại yêu thương, những thầy cô tận tụy với nghề, hết lòng với học sinh đã nhận lại được món quà lớn nhất trong nghề đó chính là sự kính yêu của con trẻ.

NGỌC TRƯỜNG