27/12/2024

Toạ đàm “Sống chân thật”

Buổi toạ đàm “Sống chân thật” đã được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo phận Vinh – khai mạc lúc 08g30 ngày 28/12/2013, tại hội trường G.B. Phạm Minh Mẫn, thuộc Trung tâm Mục vụ TGP. TP.HCM (TTMV). Cùng đến tham dự có Đức Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Cha Tổng Đại diện Gioan B. Huỳnh Công Minh, Cha Giám đốc TTMV Phêrô Nguyễn Văn Hiền, nhiều linh mục, tu sĩ, thành viên CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình và những người quan tâm, đã ngồi gần kín hội trường.

Toạ đàm “Sống chân thật”

 

Buổi toạ đàm “Sống chân thật” đã được Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo phận Vinh – khai mạc lúc 08g30 ngày 28/12/2013, tại hội trường G.B. Phạm Minh Mẫn, thuộc Trung tâm Mục vụ TGP. TP.HCM (TTMV).

 

Cùng đến tham dự có Đức Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Cha Tổng Đại diện Gioan B. Huỳnh Công Minh, Cha Giám đốc TTMV Phêrô Nguyễn Văn Hiền, nhiều linh mục, tu sĩ, thành viên CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình và những người quan tâm, đã ngồi gần kín hội trường.

 

Đề tài 1: Thật thật, giả giả… khó lường
 
Với cách trình bày bằng power point sinh động, nữ tu Maria Thécla Trần Thị Giồng, Dòng Đức Bà, đã nêu lên một thực trạng hiện nay trong xã hội qua đề tài: “thật thật, giả giả… khó lường”. nữ tu Maria đã nhắc đến một số hiện tượng gian dối hiện nay như: làm hàng giả – bằng giả nhưng chức vụ thật, làm chơi nhưng lãnh lương thật, hành vi lừa đảo của nhà ngoại cảm, quan nói dối, dân nói dối, người lớn nói dối, trẻ nhỏ nói dối… Từ đó, nữ tu Maria đưa ra một vài nguyên nhân cụ thể do: bệnh thành tích, ma lực đồng tiền, thiếu trách nhiệm, đổ thừa, pháp luật chưa nghiêm minh… nhưng quan trọng hơn cả là nền giáo dục hiện nay không quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh, và con người dần dần mất cái tâm!
 
Nữ tu Maria quảng diễn thêm: “Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối. Giả dối là mối nhục lớn” (GS Hoàng Tuỵ). Thế nhưng, hiện nay “gian lận” đang tồn tại ngay trong giáo dục: chợ bằng cấp, mua bằng giả để làm giảng viên thật, học sinh gian dối trong thi cử… để đưa đến những hệ lụy khó lường, bởi lẽ “bằng giả thật” chỉ phản ánh sự hư hỏng của một cá nhân, nhưng “bằng thật giả” thì còn phản ánh cả sự có vấn đề của một hệ thống quản lý. Vì thế, việc giáo dục đạo đức và tôn trọng sự thật trong nhà trường là điều cần được quan tâm đối với học sinh, bởi lẽ: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”.
 
Kết luận, nữ tu Maria mời gọi mọi người hãy chấp nhận thua thiệt để sống Tin Mừng của Chúa, để minh chứng sự thật là chân lý, chân lý là con đường dẫn tới sự sáng như lời Chúa đã phán: “Chính thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), “kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3,21).
 
Đề tài 2: Giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo hội về sống chân thật
 
Nối tiếp đề tài 1, cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng – chánh xứ Gx. Phú Trung kiêm Thư ký UBCLHB – hướng dẫn tham dự viên đi vào chiều sâu của nội tâm qua đề tài “Giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo hội về sống chân thật và ngay chính”. Ngài diễn giải:
 
Đức Kitô là sự thật (Ga 14,6). Khi Đức Giêsu xưng mình là sự thật thì Ngài muốn nói rằng: Tôi là sự trung tín của Thiên Chúa trong tình yêu. Do đó, Lời Chúa Giêsu nói: “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta”, có nghĩa là “sự trung tín trong tình yêu sẽ biến đổi cuộc đời chúng ta”. Sự thật không phải là cái gì đó mà người ta làm chủ, nhưng là ai đó làm chủ ta. Đó chính là Thiên Chúa.
 
Sự thật: Một giá trị nền tảng để xây dựng con người và xã hội (Tóm lược GHXHCG số 198). Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng cho sự thật một cách có trách nhiệm. Đặc biệt, trong thời đại nền khoa học kỹ thuật và hệ thống thông tin đang phát triển như vũ bão, việc truyền thông phải: công bố đúng sự thật, nói đúng sự thật, loan truyền đúng sự thật để thúc đẩy Giáo hội và xã hội ngày càng thăng tiến. Tuy nhiên, khi nói sự thật, chúng ta cần phải quan tâm đến đức ái và tôn trọng phẩm giá con người.
 
Kitô hữu: Chứng nhân của sự thật. Để kết luận, cha Giuse Maria nhắc nhở: Là người Kitô hữu, chúng ta có trách nhiệm đón nhận sự thật, tin vào sự thật, sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật, nghĩa là một lối sống trung tín không giả dối. Một lối sống thể hiện sự tin tưởng phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa, vì Chúa là Đấng tín trung không giả dối. Nếu loại trừ Thiên Chúa thì có nguy cơ đi vào trong lối sống giả dối.
 
Đề tài 3: Thử tìm nguyên nhân của gian dối
 
Sau giờ giải lao, tham dự viên đã lắng nghe Tiến sĩ Phêrô Nguyễn Anh Thường – Giảng viên ĐH KHXH&NV – trình bày nội dung “Tìm nguyên nhân của gian dối”. Tiến sĩ đã đưa ra 5 nguyên nhân:
 
– Thiếu trung thực là do di truyền. Adong và Eva đã che dấu sự thật, đổ lỗi cho nhau và cho con rắn khi ăn trái cấm.
 
– Bản tính người Việt Nam hay cả nể và quan niệm: “Xấu che tốt khoe”, “Đừng vạch áo cho người xem lưng”… nên vô tình, sự nói dối đã trở thành bình thường.
 
– Hệ thống ý thức chủ đạo của Việt Nam đang thiếu phạm trù là đạo đức, chỉ quan tâm đến phạm trù kinh tế và chính trị. Từ đó, con người ngày càng quên khái niệm về lương tâm.
 
– Chủ trương thi đua và chạy theo thành tích đã khiến cá nhân và tập thể chấp nhận gian dối để đưa ra những thành tích ảo, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế xã hội và khiến lương tâm ngày càng chai lì.
 
– Hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay chỉ quan tâm đến giáo dục văn hoá, chưa quan tâm đến giáo dục đạo đức cho học sinh. Vì thế, việc giáo dục đạo đức cần giao cho những đoàn thể, tôn giáo, những nhà chuyên về giáo dục đảm trách.
 
Kết luận, tiến sĩ đưa ra một vài đề nghị:
 
– Bản chất của thi đua là tốt. Nhưng cần loại trừ căn bệnh thành tích.
 
– Cần điều chỉnh hệ thống giáo dục và đưa giáo dục đạo đức vào trong từng cấp ở nhà trường.
 
– Đọc, suy niệm và sống theo Tin Mừng, bởi lẽ “Thần Khí sự thật… sẽ hướng dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
 
Trao đổi và kết luận
 
Qua trao đổi, các tham dự viên đã đưa ra nhận định:
 
– Thay đổi một hệ thống là điều chưa thể. Tuy nhiên, mỗi người và các đoàn thể hãy chung tay góp sức, thắp lên những ngọn nến xua tan bóng đêm của sự gian dối.
 
– Để sống chân thật, chúng ta thật sự cần: “Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất.” (Walter Scott).
 
– Bên cạnh đó, việc huấn luyện và đào tạo các nhà giáo dục đạo đức là điều cấp bách, để mọi người luôn sống chân thật: “Cái gì biết: nói biết. Cái không biết: nói không biết. Ấy là biết đấy!”
 
Đồng thời, mọi người luôn can đảm đứng về phía sự thật như lời Chúa đã phán: “Nếu các ông ở lại trong Tôi, các ông là môn đệ đích thực của Tôi, và các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” (Ga 8,31-32).
 
Buổi toạ đàm kết thúc lúc 11g30. Mọi người ra về và hẹn gặp lại nhau trong năm 2014 với những chuyên đề liên qua đến sự thật, hầu góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội ngày càng tốt đẹp như lòng Chúa ước mong.