Biết xin phép, cám ơn và xin lỗi là các thái độ sống đem lại an bình và niềm vui trong cuộc sống gia đình
Muốn có bình an và niềm vui trong gia đình, chúng ta hãy biết sống ba từ chìa khoá sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn nhau, nhưng biết xin phép; khi trong một gia đình người ta không ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn; khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có bình an và niềm vui.
Biết xin phép, cám ơn và xin lỗi là các thái độ sống đem lại an bình và niềm vui trong cuộc sống gia đình
Kính thưa quý vị thưa các bạn, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 100.000 tín hữu và du khàch hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 29-12 tại Quảng trường Thánh Phêrô.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức thánh Cha nói phụng vụ Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta cử hành lễ Thánh Gia Nazareth. Thật thế, mọi hang đá đều cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse trong hang đá Bếtlêhem. Thiên Chúa đã muốn sinh ra trong một gia đình nhân loại, đã muốn có một người mẹ và một người cha. Tin Mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta Thánh Gia trên đường đầy ải đau đớn kiếm tìm nơi trú ẩn bên Ai Cập. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu đã sống kinh nghiệm điều kiện thê thảm của những người tị nạn, ghi dấu bởi sự sợ hãi, bất an và các khó khăn (x. Mt 2,13-15.19-23).
Áp dụng vào thảm cảnh của người di cư tị nạn ngày nay, Đức Thánh Cha nói: Rất tiếc ngày nay có hàng triệu gia đình có thể nhận ra mình trong thực tại buồn thương này. Hầu như mỗi ngày đài truyền hình và báo chí đưa tin các người di cư trốn chạy đói khát, chiến tranh và các hiểm nguy trầm trọng khác để tìm an ninh và một cuộc sống xứng đáng hơn cho mình và cho gia đình mình.
Trong các vùng đất xa xôi, cả khi tìm thấy công ăn việc làm, các người tị nạn và di cư không luôn luôn gặp được sự tiếp đón đích thực, sự tôn trọng và việc đánh gia cao các giá trị họ đem theo. Các chờ mong hợp pháp của họ thường gặp các tình trạng phức tạp và các khó khăn xem ra không thể vượt thắng được. Tuy nhiên, trong khi gắn chặt cái nhìn vào Thánh Gia Nazareth phải bó buộc tị nạn, chúng ta nghĩ tới thảm cảnh của các người di cư ti nạn, nạn nhân của khước từ và khai thác bóc lột. Nhưng chúng ta cũng nghĩ tới “những người bị đày ải” trong chính các gia đình: chẳng hạn các người già cả đôi khi bị đối xử như là những sự hiện diện kềnh càng ngăn cản. Rất nhiều lần tôi nghĩ đến một dấu chỉ giúp nhận biết một gia đình, đó là nhìn xem trong đó các trẻ em và người già được đối xử như thế nào.
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cuộc trốn chạy sang Ai Cập của Thánh Gia như sau:
Việc chay trốn sang Ai Cập vì các đe doạ của vua Hêrôđê cho thấy Thiên Chúa ở nơi đâu con người gặp nguy hiểm, ở nơi đâu con người khổ đau, ở nơi đâu con người trốn chạy, ở nơi đâu họ sống kinh nghiệm sự khước từ và bị bỏ rơi. Nhưng Thiên Chúa cũng hiện diện ở nơi đâu con người mơ ước, hy vọng trở về quê hương trong tự do, dự phóng và lựa chọn cho sự sống và phẩm giá của mình và của nhưng người trong gia đình mình.
Hôm nay, cái nhìn của chúng ta trên Thánh Gia cũng được lôi kéo bởi sự đơn sơ của cuộc sống tại Nazareth. Đó là một ví dụ ích lợi cho các gia đình chúng ta, giúp chúng luôn ngày càng trở thành cộng đoàn hiệp thông của tình yêu và sự hoà giải, trong đó người ta sống kinh nghiệm sự hiền dịu, tương trợ lẫn nhau, tha thứ cho nhau.
Muốn có bình an và niềm vui trong gia đình, chúng ta phải biết sống 3 từ chìa khoá sau đây: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không xâm lấn nhau, nhưng biết xin phép; khi trong một gia đình người ta không sống ích kỷ, nhưng tập nói tiếng cám ơn; khi trong một gia đình một người nhận ra mình đã làm điều xấu và biết xin lỗi, thì trong gia đình ấy có bình an và niềm vui.
Tôi cũng muốn khích lệ các gia đình ý thức được tầm quan trọng của mình trong Giáo Hội và xã hội. Thật thế, lời loan báo Tin Mừng trước hết đi qua các gia đình, rồi tới với các môi trường khác nhau của cuộc sống thường ngày.
Chúng ta hãy sốt sắng khẩn nài Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, hướng dẫn từng gia đình trên thế giới, để nó có thể chu toàn sứ mệnh mà Thiên Chúa đã giao phó với phẩm giá và sự thanh thản.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nhắc cho mọi người biết Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới sắp tới sẽ thảo luận về đề tài Gia đình, và giai đoạn chuẩn bị đã bắt đầu. Vì thế, Đức Thánh Cha nói: Hôm nay, lễ Thánh Gia, tôi muốn phó thác cho Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse công việc của Thượng Hội đồng Giám mục này, bằng cách cầu xin cho các gia đình trên toàn thế giới. Tôi xin mời anh chị em hiệp nhất với tôi trong tinh thần trong lời cầu mà tôi đọc bây giờ:
“Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, nơi các Ngài, chúng con chiêm ngưỡng ánh quang của tình yêu đích thực, chúng con hướng lên các Ngài với lòng tin tưởng.
Hỡi Thánh Gia Nazareth, xin cũng hãy làm cho các gia đình chúng con trở thành nơi hiệp thông và nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường đích thực của Phúc Âm và các Giáo Hội tại gia nhỏ.
Lạy Thánh Gia Nazareth, xin đừng bao giờ để xảy ra kinh nghiệm bạo lực, khép kín và chia rẽ trong các gia đình nữa: xin cho bất cứ ai đã bị thương tích hay gương mù gương xấu mau biết đến hoà giải và chữa lành.
Lạy Thánh Gia Nazareth, ước chi Thượng Hội đồng tới đây của các giám mục có thể tái lập nơi tất cả mọi người ý thức về tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình và vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, xin hãy lắng nghe và nhận lời khẩn nài của chúng con. Amen.”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đặc biệt gửi lời chào tới các tín hữu theo dõi buổi đọc Kinh Truyền Tin trên kênh truyền hình nối với Nazareth, trong Vương cung Thánh đường Truyền Tin, nơi có sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục; với Vương cung Thánh đường Thánh Gia ở Barcelona, Tây Ban Nha, nơi có sự hiện diện của Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Gia đình; với Vương cung Thánh đường Nhà Thánh của Đức Mẹ tại Loreto. Ngài cũng gửi lời chào tín hữu các nơi cử hành Lễ các Gia đình như tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Ngoài ra, ngài cũng chào các bạn trẻ thuộc nhiều giáo phận Italia, cách riêng các thành viên Phong trào Tổ Ấm từ nhiều nước trên thế giới hành hương Roma.