22/01/2025

Đức Tổng Giám mục Parolin tiếp Ngoại giao đoàn

Sáng thứ Sáu 13-12 tại Dinh Tông Toà, Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã tiếp Đoàn Ngoại giao cạnh Toà Thánh, chào các vị đại sứ mà ngài đã gặp trong thời gian ngài phục vụ tại Phủ Quốc vụ khanh, và tự giới thiệu với những người mà ngài chưa gặp.

 Đức Tổng Giám mục Parolin tiếp Ngoại giao đoàn

 
WHĐ (14.12.2013) – Sáng thứ Sáu 13-12 tại Dinh Tông Toà, Đức Tổng Giám mục Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, đã tiếp Đoàn Ngoại giao cạnh Toà Thánh, chào các vị đại sứ mà ngài đã gặp trong thời gian ngài phục vụ tại Phủ Quốc vụ khanh, và tự giới thiệu với những người mà ngài chưa gặp.

Sau khi cảm ơn Đoàn Ngoại giao đã chúc mừng nhân dịp ngài được bổ nhiệm vào chức vụ Quốc vụ khanh Toà Thánh, cùng với lời chúc Giáng Sinh và Năm Mới, Đức Tổng Giám mục Parolin đã có bài phát biểu bằng tiếng Pháp.

Sau đây là vài đoạn trích:

***


Trong giai đoạn nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều hình thức bạo lực và tình trạng bất bình đẳng xã hội, tôi muốn lặp lại với quý vị rằng tôi sẵn sàng hợp tác trong việc tìm kiếm hoà bình và tôn trọng phẩm giá của mỗi con người.

Chúng ta phải chứng tỏ rằng hoà bình là điều có thể, chứ không phải là điều không tưởng… hoà bình là một giá trị thực sự từ Thiên Chúa mà đến, và chúng ta có thể góp phần xây dựng bằng sự dấn thân của cá nhân cũng như hợp tác… Để được như vậy, cần phải cùng nhau xây dựng một nền văn hoá thực sự của hoà bình, can đảm đối phó với những thách đố gây nguy hại cho việc chung sống đích thực của mọi người và mọi dân tộc. Làm được điều này là chúng ta đáp lại một trong những khát vọng sâu xa của con người, khát vọng sống hạnh phúc. Chẳng phải nhiệm vụ của các nhà ngoại giao là làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng cách xây dựng và củng cố các mối tương quan ngày càng trở nên huynh đệ hơn hay sao?

Như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ, con người – mỗi người nam cũng như nữ trên thế giới – được tạo dựng để hưởng niềm vui và tìm kiếm niềm vui đích thực. Chắc chắn, nhiều lúc trên hành trình ấy, niềm vui thường bị che khuất. Không phải lúc nào cũng thấy được niềm vui. Tuy nhiên, niềm vui hiện diện nơi những điều tốt đẹp hằng ngày chúng ta thực hiện, trong vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người, của các sự kiện… Niềm vui cũng có ở nơi các tiến trình hướng tới hoà bình, hướng tới sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, dù xem ra chỉ là mong manh và giới hạn. Đó là niềm vui của gặp gỡ và trao đổi, niềm vui của đối thoại và hoà giải.

Đây là nhân loại mà chúng ta tìm cách cùng nhau xây dựng: Một nhân loại là một gia đình thực sự, một nhân loại trong đó các bất đồng được giải quyết bằng đối thoại hơn là chiến tranh, một nhân loại trong đó sức mạnh của kẻ mạnh bù đắp cho sự yếu đuối của người yếu, và sức mạnh của kẻ yếu bổ khuyết cho sự yếu kém của kẻ mạnh.

Chúng ta biết rằng ngày nay có nhiều người – trên hành trình của mình – có nhu cầu gặp gỡ những con người đầy tình huynh đệ và nhân đạo, có thể đem đến cho họ hy vọng về tương lai. Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn các Kitô hữu là những con người ấy, và hy vọng rằng Giáo hội sẽ loan báo, làm chứng và mang lại niềm vui, như ngài lặp đi lặp lại trong Tông huấn Evangelii Gaudium. Tốt nhất là chúng ta hãy đọc Tông huấn này cùng với bức thư ngài gửi cho các tín hữu của ngài khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, vào dịp khai mạc Năm Đức Tin. Ngay từ đầu, Tông huấn nói đến một Giáo hội mở rộng cửa, một biểu tượng của ánh sáng, tình bằng hữu, niềm vui, sự tự do và niềm tin tưởng. Khi kết thúc Năm Đức Tin, trong một bức thư gửi cho Giáo hội hoàn vũ, Đức Giáo hoàng Phanxicô lặp lại mong muốn của ngài rằng Giáo hội sẽ ít bận tâm đến việc củng cố các biên cương của mình, nhưng tìm kiếm sự gặp gỡ và thông truyền niềm vui Phúc Âm.

Đối với các Kitô hữu, niềm vui này đặt nền tảng nơi con người của Chúa Giêsu, mà chúng ta sắp mừng Lễ Giáng Sinh của Người trong ít ngày nữa. Nguyện xin niềm vui và bình an giúp cho dân tộc của quý vị được phát triển và tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn!

(Theo VIS)