23/01/2025

Sống và chết

Có phải ai đang sống mà tin vào Chúa sẽ không phải chết? Cái chết thật sự là gì? Sự sống thật sự là gì?

 Sống và chết

(Lễ giỗ của ông Antôn Nguyễn Tiến Dũng, tại nhà thờ Hoà Hưng, Q.10, Tp. HCM)

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Trong bài Phúc âm hôm nay, chúng ta vừa nghe Chúa Giêsu nói với cô Marta: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,26).

Tôi vẫn thắc mắc về đoạn cuối: “Kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”. Hôm nay, nhân ngày lễ giỗ 3 năm của cụ Antôn Nguyễn Tiến Dũng, chúng ta thử tìm hiểu đôi chút về câu nói ấy của Chúa Giêsu.

Có phải ai đang sống mà tin vào Chúa sẽ không phải chết? Cái chết thật sự là gì? Sự sống thật sự là gì?

1. Đi tìm một đnh nghĩa cho cái chết và sự sống

1.1. Định nghĩa về cái chết

Chết, theo định nghĩa của Từ điển Bách khoa Việt Nam, là ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống của một cơ thể. Người ta phân biệt 2 loại chết: chết lâm sàng và chết thật. Chết lâm sàng là cái chết mà các phương pháp khám lâm sàng cho phép xác định là chết như ngừng tim, ngừng thở, mất tri giác. Còn chết thật là khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân huỷ, đặc biệt là mô não. Điện não đồ cho thấy mất các sóng, chỉ còn lại một đường thẳng. Với các phương pháp hồi sức hiện đại, vẫn có thể duy trì hoạt động của cơ quan hô hấp, tuần hoàn trong khi chức năng não mất đi vĩnh viễn, đương sự duy trì một đời sống thực vật, vô tri giác, hôn mê kéo dài có thể vài năm. Trong trường hợp này người Công giáo chúng ta không nên tốn tiền duy trì đời sống thực vật vì không còn đúng là một con người nữa.

Trong phép lạ làm cho Ladarô chết và chôn táng trong mồ 4 ngày được sống lại, Chúa Giêsu muốn gợi ý cho chúng ta hiểu về một sự sống kỳ diệu, phi thường, vượt qua những yếu tố của vật chất, thời gian và không gian. Vật chất với thân xác đã bắt đầu phân huỷ, thời gian 4 ngày và không gian là ở Giêrusalem hay ở bất cứ nơi nào trong cõi nhân sinh này. Trong khi con người chúng ta, qua hình ảnh của Marta và Maria, chỉ nghĩ đến cái chết, đến mất mát, đau thương: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết” (Ga 11,21). Thật ra, cái chết không phải là một thực thể vì nó là mặt trái của sự sống mà triết học, thần học gọi là privatio: “chết là hết sống”. Vậy sự sống mới là giá trị thật.

 

 

1.2. Nhưng sự sống là gì?

Từ điển Bách khoa Việt Nam, với 4 cuốn gồm hơn 4.000 trang khổ lớn, vẫn không có hay không thể định nghĩa về sự sống toàn diện và kỳ diệu của con người nên đã im lặng. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, 2005, chỉ mô tả: “Sự sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết”. Nhưng câu định nghĩa này thật nghèo nàn khi ta cảm thấy mình không phải chỉ đang sống với những hoạt động được mô tả mà còn có những sáng tạo, yêu thương, suy tư, hạnh phúc, khổ đau…

Quan sát vạn vật và con người đang sống quanh mình, chúng ta cảm nhận sự sống là một cái gì lạ lùng, quý báu, thiêng liêng nhưng lại có vẻ mong manh, tạm thời, thậm chí có vẻ như vô lý, vô nghĩa.

– Lạ lùng vì dù chỉ là một con ruồi, cánh bướm, cành hoa nhưng cấu trúc kỳ diệu với hàng tỷ tế bào chuyển động không ngừng làm ngây ngất bao nhiêu nhà bác học.

– Quý báu vì giá trị sự sống vượt lên trên các giá trị khác. Người ta sẵn sàng đánh đổi mọi sự để bảo vệ mạng sống của mình hay của người thân.

– Thiêng liêng vì dù hiểu được cấu trúc của các chất hữu cơ, vô cơ nhưng cho đến nay các nhà bác học vẫn chưa tự mình làm nên một con người, một cành hoa sống động. Điều đó cho ta suy luận rằng: sự sống bắt nguồn từ đâu đó, từ một ai đó, một Đấng nào đó đòi hỏi ta phải khám phá nếu ta muốn sống dồi dào và trọn vẹn.

– Mong manh, vì chỉ cần một vài thay đổi nhỏ của những chất liệu cũng dẫn đến nguy cơ đánh mất sự sống.

– Tạm thời, vì dù có muốn kéo dài đời sống nhưng những bông hoa kia vẫn héo tàn, những con người tài giỏi, xinh đẹp, quyền thế, giàu sang vẫn chết như mọi loài, mọi vật.

– Phi lý vì có nhiều người muốn tìm ra ý nghĩa của đời sống nhưng họ không tìm được nếu chỉ căn cứ vào những gì thấy được hay cảm nhận được trong kiếp nhân sinh.

Chính vì không nhận thức được giá trị hay ý nghĩa của đời sống mà con người có những thái sống khác nhau: có người trân trọng bảo vệ, ngưỡng mộ, nhưng có người lại hững hờ, phung phí, thậm chí tàn phá, huỷ diệt sự sống của mình hay của người khác. Hai bài thơ của cụ Phan Bội Châu mô tả những thái độ sống đó:

 


Sống

Sống tủi làm chi đứng chật trời!

Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?

Sống làm nô lệ cho người khiến,

Sống chịu ngu si để chúng cười.

Sống tưởng công danh, không tưởng nước,

Sống lo phú quý, chẳng lo đời.

Sống mà như thế đừng nên sống!

Sống tủi làm chi đứng chật trời!

Chết

Chết mà vì nước, chết vì dân!

Chết đấng nam nhi trả nợ trần.

Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,

Chết như Tây Hán lúc tam phân.

Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh,

Chết tựa Trưng Vương, phách hoá thần.

Chết cụ Tây Hồ, danh chẳng chết

Chết mà vì nước, chết vì dân.

Phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết như muốn mời gọi ta nhìn lại thái độ sống của mình và khám phá ra ý nghĩa của từng giây phút sống thì chúng ta sẽ tìm ra được người chủ của sự sống là Đức Giêsu: “Ta là sự sống lại và là sự sống”.

2. Con đường sống của Đức Giêsu

2.1. Đức Giêsu không dài lời giải thích sự sống bằng những ý niệm trừu tượng, nhưng Người dạy ta tôn trọng và bảo vệ sự sống của muôn loài quanh ta vì tất cả đều là con cái của Thiên Chúa hằng sống.

Người mời gọi ta hãy nhìn xem hoa huệ ngoài đồng, những chú chim sẻ riu ríu quanh ta để nhận ra quyền năng và tình của của Cha Trên Trời đối với tất cả (Mt 6,26-32).

Người quý trọng sự sống thể lý của con người nên đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Mc 1,32-33; 3, 10-12). Người cổ vũ sự sống tâm lý khi nhắc nhở con người giữ tinh thần cho trong sáng, quảng đại vì không phải những đồ ăn đưa vào bụng con người làm cho họ ra nhơ uế, nhưng những gì là tham lam, ghen tuông, giận dữ, dối trá… từ lòng con người xuất ra mới làm cho họ ra bẩn thỉu, nhuốc nhơ (x. Mt 14,10-20). Người đề cao sự sống tâm linh khi nhắc nhở “con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh mà còn sống bằng những lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4). Người chia sẻ sự sống kỳ diệu phi thường của chính Thiên Chúa cho tất cả những ai tin vào Người (x. Ga 11,26). Người xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người để cho họ được sống an lành (Mc 1,21-28`).

Người làm nhiều phép lạ cho người chết sống lại để chứng tỏ rằng sự sống ở đời này chỉ là một giai đoạn vô cùng ngắn ngủi so với đời sống vĩnh hằng. Người cho con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô và Lazarô chết để chứng tỏ Người là chủ sự sống. Người là sự sống toàn diện, siêu việt, hoàn hảo, vĩnh hằng: “Ai tin vào tôi sẽ được sống đời đời” (Ga 3,15).

Chính Người đã chết và sống lại để chứng tỏ con người có thể tham gia vào sự sống của Thiên Chúa: thân thể phục sinh của Người hiện ra trong căn phòng đóng kín (x. Ga 20,19), ở bất cứ nơi nào (bên mộ, ở phòng Tiệc Ly, trên đường Emmaus), bất cứ lúc nào (buổi sáng, buổi tối, 2000 năm trước và chúng ta bây giờ).

Chính Người còn cho các tông đồ, các môn đệ tin vào Người được chia sẻ sự sống kỳ diệu đó: Philipphê di chuyển lạ lùng, Phêrô cho chị Tabitha sống lại, Phaolô cho cậu bé Euricho sống lại…

Như thế, kết hợp với Đức Giêsu Phục Sinh, cái chết không còn ý nghĩa thật sự, nó chỉ là một ngưỡng cửa mà chúng ta cần bước qua khi đến thời điểm Chúa định. Còn bây giờ, nếu ta tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm nhận được sự sống kỳ diệu, vĩnh hằng của Thiên Chúa luân chuyển trong ta. Như thế, “ai tin vào Người sẽ không chết bao giờ”.

2.2. Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ: thứ Tư ngày 22/11 vừa qua, khi tôi họp ở Toà Giám mục Xuân Lộc, nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Caritas Việt Nam, một nữ tu mời tôi đến chữa bệnh cho một phụ nữ có gia đình, nhưng có nhiều biểu hiện lạ lùng: la hét, quậy phá. Trong lúc hỏi chuyện, chị vui vẻ trả lời về gia đình: mình có một con trai… Nhưng đột nhiên thái độ chị đổi khác: chị im lặng, ánh mắt sắc lạnh, dữ dằn. Tôi cảm nhận một người khác đã hiển hiện trong chị. Tôi hỏi chị là ai. Chị xưng một tên lạ là “Tr” và nói rằng mình sinh năm 1939, là một cô gái 12 tuổi, bị Tây bắn chết, đang ở trong ngôi nhà này. Chị cần phải bắt cái xác của chị Đ.T.H. nếu không sẽ luôn bị hành hạ và không thể đầu thai. Chị nói mình phạm tội ăn trộm gạo nên chưa được tha. Tôi giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho chị, mời gọi chị tin vào Người vì Người yêu chị, đã chết để đền tội cho chị. Chị tin vào Người thì sẽ được sống vĩnh hằng, tràn đầy hạnh phúc, không ai có thể hành hạ chị nữa. Sau khi chị tuyên xưng lòng tin theo công thức trước khi xức dầu trừ tà, chị cười rất tươi và phủ phục xuống nền nhà lạy nhiều lần. Tôi nhắc chị bây giờ được an lành rồi, thì hãy ra khỏi chị Đ.T.H. Chị vui vẻ chào, đưa hai bàn tay lên cao nói với tôi rằng: “Để bà dắt con đi” – sau khi tôi nói chị đọc chung một kinh Kính Mừng dâng mình cho Đức Mẹ Maria.

Lời kết

Nhân dịp lễ giỗ cụ Antôn hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa Giêsu sự sống của mỗi người để xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta, người sống cũng như người chết. Trong niềm vui và bình an, chúng ta tích cực hành động để làm chứng về một sự sống toàn diện, vĩnh hằng, kỳ diệu trong ta vì Đức Giêsu chính là sự sống và là sự sống lại của ta.