23/01/2025

Chúa Nhật III Mùa Vọng – A: Nền tảng của cuộc đổi mới

Nền tảng cuộc đổi mới của chúng ta dựa trên chính Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó chúng ta mới thấy cuộc đời mình biến đổi một cách kỳ diệu, mới thấy mình đi trên con đường thật sự dẫn chúng ta về được với Thiên Chúa và tiếp xúc được với muôn loài.

 

Nền tảng của cuộc đổi mới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu các điều kiện để thực hiện cuộc đổi mới con người: thinh lặngtội lỗiThánh Thần. Tuần này Giáo Hội mời gọi chúng ta tìm hiểu việc đổi mới đặt nền tảng ở đâu, hay nói đúng hơn nền tảng đạo đức của chúng ta dựa vào đâu.

Ta có thể nói ngay rằng nền tảng cuộc đổi mới của chúng ta dựa trên chính Đức Giêsu Kitô. Có đặt nền tảng vào Đức Giêsu Kitô chúng ta mới thấy cuộc đời mình biến đổi một cách kỳ diệu, mới thấy mình đi trên con đường thật sự dẫn chúng ta về được với Thiên Chúa và tiếp xúc được với muôn loài.

1. Hành trình đi tìm nền tảng cho cuộc đổi mới

Quả thực, nền tảng này không phải dễ dàng khám phá.

Vài thế kỷ đầu tiên khi những người theo đạo Công giáo bị bách hại, phải trốn tránh trong những hang toại đạo ở các nghĩa trang, chưa có nhà thờ, phụng tự, bí tích, sách kinh… các tín hữu chỉ biết đến Đức Giêsu và sống theo giáo huấn của Người. Đời sống đạo đặt nền tảng nơi Đức Giêsu nên người tín hữu gắn bó mật thiết với Chúa. Vì thế, các tông đồ làm rất nhiều phép lạ để chứng minh sự hiện diện của Đức Kitô trong đời sống của mình (x. Cv 2,42-43; 4,33; 5,12-16).

Từ năm 313 trở đi, khi hoàng đế Constanstinô ở Roma trở lại đạo Công giáo và công khai ủng hộ đạo, người Công giáo bắt đầu xây nhiều nhà thờ, cơ sở tôn giáo, phân chia cộng đồng tín hữu thành các giáo phận, giáo xứ, xây dựng nền phụng tự với nghi lễ rất trang trọng và người ta theo đạo rất đông. Từ đó, đạo tập trung vào những nghi bên ngoài. Trong hàng chục thế kỷ người ta đặt nền tảng đạo trên đời sống phụng tự và các bí tích.

Từ thế kỷ XVII đến XIX, do ảnh hưởng của anh em Tin Lành, tín hữu công giáo bắt đầu tập trung vào việc học hỏi và nghiên cứu Thánh Kinh. Khoa Thánh Kinh học phát triển nhanh. Thánh lễ và những bài học giáo lý tập trung vào Lời Chúa hiểu theo nghĩa là nội dung trong sách Thánh Kinh. Nền tảng đời sống đạo đức dựa trên Lời Chúa. Nhưng vì không nối kết với Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa sống động mà những phép lạ và dấu chỉ sự hiện diện sống động của Thiên Chúa càng ngày càng hoạ hiếm.

Từ thế kỷ XX đến nay, người ta tổng hợp hai quan điểm trước đó để cho rằng nền tảng đạo đức dựa trên hai điểm cơ bản là Lời Chúa và đời sống phụng tự bí tích. Những nền tảng ấy quả thật tốt đẹp để người tín hữu gắn bó với bí tích, với Thánh Kinh và cảm thấy an toàn trong con đường đạo đức của mình.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã thấy trước con đường này sẽ dẫn đến ngõ cụt và ngài kêu gọi mọi người phải “xuất phát lại từ Đức Kitô và đặt nền tảng đời sống đạo đức trên chính Chúa Giêsu Kitô” qua các thông điệp, tông huấn, tông thư của ngài. Lời Chúa và bí tích không phải là nền tảng nhưng chỉ là những phương tiện giúp ta gặp gỡ Đức Kitô và hoà nhập thành một với Người.

2. Câu hỏi hóc búa

Ông Gioan Tẩy Giả đã nghe nhiều chuyện về Đức Giêsu như là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu độ trần gian – Đấng Mêsia. Ông có chung niềm hy vọng với dân tộc mình nên đã sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không hay chúng tôi phải đợi ai khác?” (Mt 12,2).

Đây cũng là câu hỏi hóc búa được đặt ra cho mỗi người tín hữu chúng ta khi rao giảng về Đức Kitô cho những người ngoài Kitô giáo. Họ nói với chúng ta rằng: “Đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, cũng có những nghi lễ, lời kinh, giáo lý. Vậy Đức Kitô mà các bạn rao giảng có thật sự là Đấng phải đến để cứu độ con người hay chúng tôi phải đợi ai khác?” Chúng ta sẽ trả lời thế nào?

Nhiều người đã trình bày đủ loại chứng cứ về thần học, thậm chí cả những tranh cãi để chứng minh Đức Giêsu là Đấng phải đến, nhưng không dẫn đến kết quả tốt đẹp vì không thu phục được lòng người. Tỷ lệ người tín hữu Công giáo trên thế giới mỗi năm một giảm.

Thí dụ bây giờ có một người Công giáo bị tà ma ám ảnh, người thân dẫn họ đến linh mục để xin cầu nguyện chữa lành. Vị linh mục từ chối và đề nghị nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ tâm lý hay tâm thần để trị liệu thì đúng hơn. Cuối cùng, gia đình người bệnh đến gặp một tu sĩ Phật giáo và vị này đã chữa lành bệnh nhân. Như thế thử hỏi người Công giáo ấy sẽ theo ai, tin vào ai sau khi thấy bằng chứng chữa lành?

3. Câu trả lời rõ ràng của Đức Giêsu

Đức Giêsu thấu hiểu lòng dạ của Gioan Tẩy Giả cũng như niềm hy vọng vào ơn cứu độ của loài người chúng ta khi đặt ra câu hỏi cho Người. Vì thế, Người trả lời một cách rõ ràng và rất thực tế: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù xem thấy, người què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, người nghèo khó được nghe rao giảng Tin Mừng” (Mt 11, 4-6).

Trước đây các tông đồ, các tín hữu thời Giáo hội sơ khai đi đến đâu là làm phép lạ đến đó bởi vì Chúa Giêsu đã trao quyền năng cho họ: “Anh em hãy đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, nếu uống phải chất độc cũng không bị hại… Các tông đồ đã đi khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo” (x.Mc 16,15-20). Bây giờ chúng ta không làm phép lạ thì làm sao minh chứng được rằng Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến! Ta không làm được như các tín hữu thời Giáo hội sơ khai chỉ vì chúng ta không kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu để Người chuyển thông cho chúng ta quyền năng cứu độ.

Trong Thông điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Bác ái), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã giới thiệu cho chúng ta con đường tổng hợp để nhắc nhở rằng nền tảng đạo đức của chúng ta, cũng là bản chất của Giáo hội Công giáo, đặt trên Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, chứ không đặt ở bất cứ nơi nào khác vì Thiên Chúa là Tình yêu. Bản chất đó gồm 3 yếu tố sau đây: đời sống phụng tự bí tích – hoạt động bác ái xã hội – hoạt động truyền giáo. Ba yếu tố này gắn bó mật thiết với nhau, hội tụ vào một điểm duy nhất là Thiên Chúa Tình Yêu mà Đức Giêsu Kitô là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa.

Khi gắn kết với Thiên Chúa cụ thể là Chúa Giêsu bằng một tình yêu mãnh liệt, trong sáng, quảng đại, chắc chắn Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh, ân sủng, quyền năng và thiên tính cao cả của Người nhờ đời sống phụng tự, nhờ việc đón nhận các bí tích, suy niệm Lời Chúa. Rồi chúng ta diễn tả tình yêu thành những hành động bác ái cụ thể trong đời sống xã hội giống như Chúa Giêsu đã làm, để qua những hành động đó người ta nhận ra Chúa Giêsu đang hoạt động trong chúng ta và đi theo Chúa Giêsu thì đó là kết quả của hoạt động rao giảng Tin Mừng.

ĐTC Phanxicô, trong tông huấn Niềm vui Phúc Âm mới công bố ngày 24/11/2013 vừa qua, yêu cầu chúng ta nhìn lại đời sống của mình, đặt lại nền tảng đời sống đạo đức trên Đức Giêsu Kitô vì Người thật sự là nền tảng cho công cuộc đổi mới của từng người và cả thế giới.

4. Nền tảng của cuộc đổi mới

Đức Giêsu Kitô thật sự là nền tảng của đời sống đạo cũng như cuộc đổi mới trước hết vì Ngài là Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban ơn cứu độ nghĩa là đổi mới vô tận cho vạn vật và con người như tiên tri Isaia tiên báo trong bài đọc I: “Hoang mạc nở hoa, bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, đầu gối bủn rủn được vững vàng, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được…” (x. Is 35,1-6) Vì thế, Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại để nhắc nhở chúng ta Người chính là Thiên Chúa cứu độ.

Hơn nữa, Người là Thiên Chúa Tạo Hoá đã dựng nên tất cả, biết rõ từng người chúng ta cần gì cho cuộc đổi mới chính mình để soi sáng và ban ơn đổi mới. Người còn là Thiên Chúa làm người, chia sẻ thân phận con người, hoà nhập vào đời sống, cảm thông nỗi buồn vui, sướng khổ của con người nên có thể dẫn đưa chúng ta đến sự đổi mới toàn diện. Mầu nhiệm Giáng Sinh như muốn nhắc nhở cho ta điều đó.

Cuối cùng qua cái chết và cuộc sống lại của Đức Giêsu, Người trở thành nguyên mẫu và đồng thời cũng là đích điểm cho cuộc đổi mới của con người để chúng ta biết mình phải đổi mới đến độ nào và giống như ai. Người chính là con người mới trong một trời mới và đất mới (x. CĐ Vat. II, HC Vui mừng và hy vọng, số 22).

5. Kết quả của sự đổi mới

Hôm nay chúng ta được mời gọi để suy nghĩ và tìm lại nền tảng đạo đức của mình là chính Đức Giêsu Kitô. Khi gắn bó với Người, lời của chúng ta thành lời của Thiên Chúa. Nhờ đó, khi chúng ta nói cho ai, tiếp xúc với ai thì người đó được bình an, hạnh phúc, niềm vui; chúng ta chạm đến ai thì người đó được chữa lành, được giải thoát, được sống lại.

Lời nói tự nhiên chỉ mang lại niềm vui bình thường, nhưng khi ta thở được Thần Khí của Chúa Giêsu thì những lời nói của chúng ta có thể soi sáng cho tâm trí mù tối của con người, vực họ dậy khỏi tình trạng tê liệt, bất động, thậm chí chết chóc, của tâm hồn. Hơn nữa, Chúa Giêsu sẵn sàng ban cả những ơn chữa bệnh thể xác cho tất cả những ai muốn làm tông đồ, làm chứng nhân cho Người. Chúng tôi xin làm chứng về điều này.

Kết luận

Như thế, chúng ta không phải giống như Gioan Tẩy Giả chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu bên ngoài nhưng được nối kết mật thiết với Chúa Giêsu nhờ Thánh Thần Tình yêu bên trong và trở thành một với Người. Vì thế, chúng ta cao trọng gấp bội so với Gioan Tẩy Giả, dù chúng ta chỉ là một con người tầm thường, yếu đuối, tội lỗi vì Chúa Giêsu muốn xác định hôm nay với chúng ta rằng: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy  nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (x. MT 11,11).

Đó là niềm mong ước mà chúng ta thực hiện trong Mùa Vọng này.