22/01/2025

Đức Thánh Cha kêu gọi hiệp lực bài trừ nạn buôn người

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 17 tân đại sứ sáng 12-12-2013, ĐTC kêu gọi các chính quyền và những người thiện chí hợp lực để chống lại nạn buôn người. Trong số 17 vị Đại sứ mới cạnh Toà Thánh đến trình uỷ nhiệm thư, có các Đại sứ Na Uy, Đan Mạch, Giordani, Pakistan, Uganda, Kuwait, Sierra Leone, Algeri và cả đại diện của chính quyền Palestine.

 Đức Thánh Cha kêu gọi hiệp lực bài trừ nạn buôn người

 

 

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến 17 tân đại sứ sáng 12-12-2013, ĐTC kêu gọi các chính quyền và những người thiện chí hợp lực để chống lại nạn buôn người.

Trong số 17 vị Đại sứ mới cạnh Toà Thánh đến trình uỷ nhiệm thư, có các Đại sứ Na Uy, Đan Mạch, Giordani, Pakistan, Uganda, Kuwait, Sierra Leone, Algeri và cả đại diện của chính quyền Palestine.

Theo thông lệ, các vị Đại sứ cạnh Toà Thánh thường trú tại Roma được ĐTC tiếp kiến riêng, còn các vị không thường trú thì được ngài tiếp kiến chung.

Trong lời chào mừng các vị tân Đại sứ, ĐTC đặc biệt chia sẻ mối quan tâm sâu đậm của ngài về nạn buôn người, “một hình thức nô lệ mới ngày càng lan tràn, có liên hệ tới mỗi nước, kể cả những nước phát triển nhất và liên quan tới những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: các phụ nữ, thiếu nữ, trẻ em nam nữ, người khuyết tật và những người nghèo nhất”.

ĐTC nói: “Nơi họ, các tín hữu Kitô đặc biệt nhận thấy tôn nhan của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng tự đồng hoá với những người bé mọn và túng thiếu nhất. Những người khác, tuy không tham chiếu một tín ngưỡng tôn giáo, nhưng nhân danh tình người chung, họ cùng cảm thương đối với những đau khổ và dân thân giải thoát cũng như xoa dịu các vết thương của các nạn nhân. Cùng nhau chúng ta có thể và phải dấn thân để các nạn nhân được giải thoát và chấm dứt việc buôn bán đáng kinh tởm này.”

ĐTC nhắc đến hàng triệu nạn nhân bị buôn bán để bị khai thác tình dục hoặc cưỡng bách lao động. Ngài nói: “Tất cả những điều ấy không thể tiếp tục. Nó là một sự vi phạm trầm trọng chống lại các nhân quyền của các nạn nhân và là một xúc phạm đến phẩm giá của họ, và là một thất bại đối với cộng đồng thế giới. Những người thiện chí, dù có tín ngưỡng tôn giáo hay không, không thể để cho các phụ nữ, những người nam, các trẻ em ấy, bị đối xử như đồ vật, bị lường gạt, bạo hành, thường bị bán đi nhiều lần, với những mục đích khác nhau, và sau cùng bị giết, hoặc bị tàn hại về thể lý và tâm trí, để rồi bị gạt bỏ và bỏ rơi. Đó thật là một điều ô nhục…”

“Nạn buôn người thực là một tội ác chống lại nhân loại. Chúng ta phải hiệp sức để giải thoát các nạn nhân và chặn đứng tội ác ngày càng mạnh mẽ, không những đe doạ cá nhân, nhưng cả những giá trị nền đảng của xã hội và an ninh, công lý quốc tế, cũng như nền kinh tế, gia đình và chính sự sống chung nữa.”

ĐTC khuyến khích các chính phủ và cộng đồng quốc tế đề ra những biện pháp để bảo vệ các nạn nhân và chống lại nạn buôn người. “Để đạt được những kết quả tốt cũng cần những hoạt động ảnh hưởng trên bình diện văn hoá và truyền thông. Ngài nói: “Về bình diện này, cần xét mình sâu rộng: Thật vậy, bao nhiêu lần chúng ta để cho một người bị coi như đồ vật, bị bày bán như một sản phẩm hoặc để thoả mãn những ước muốn vô luân? Con người không bao giờ phải chịu sự mua bán như một món hàng. Ai sử dụng và khai khác con người, dù là gián tiếp, thì đồng loã với tội ác ấy.” (SD 12-12-2013)