23/01/2025

Biển “ăn” đất liền, Cà Mau mất 1,5km

Sau hơn 40 năm, bờ biển phía đông Cà Mau có đoạn đã “ăn” vào đất liền khoảng 1,5km. Không chỉ ở nơi tận cùng Tổ quốc mà tại khắp ba miền đất nước, bờ biển đang lùi sâu vào đất liền.

Biển “ăn” đất liền, Cà Mau mất 1,5km

Sau hơn 40 năm, bờ biển phía đông Cà Mau có đoạn đã “ăn” vào đất liền khoảng 1,5km. Không chỉ ở nơi tận cùng Tổ quốc mà tại khắp ba miền đất nước, bờ biển đang lùi sâu vào đất liền.

 

Thông qua việc “chồng” hình ảnh vệ tinh của NASA chụp từ nhiều năm trước với ảnh do vệ tinh quan sát Trái đất của VN VNREDSat-1 chụp năm 2013, các nhà khoa học của Cục Viễn thám quốc gia – Bộ Tài nguyên và môi trường ghi nhận được tình trạng xâm thực đang diễn ra rất mạnh trên khắp cả nước.

Theo ông Nguyễn Xuân Lâm – cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, công nghệ viễn thám là công cụ thích hợp cho việc theo dõi bồi tụ và xói lở đường bờ biển. Ông Lâm phân tích: các ảnh viễn thám của NASA có được sớm nhất từ 40 năm trước (năm 1972) là ảnh vệ tinh LANDSAT-1, 2 có độ phân giải thấp so với ảnh của VNREDSAT-1, nhưng do mũi Cà Mau bị xói lở mạnh nên khi chồng lên nhau nhìn rõ đường bờ phía đông lùi vào khá sâu.

Những thông số liên tục từ ảnh vệ tinh từng năm của giai đoạn 2005-2010 cho thấy có đoạn phía đông Cà Mau bị lùi vào đến 200m trong năm năm, nghĩa là trung bình bờ biển lùi sâu vào đất liền đến 40m/năm. “Tại khu vực này, đường bờ bị biển bào mòn rất mạnh. Có trụ sở UBND xã khi thủy triều dâng, khoảng cách với mặt nước biển bị kéo lại rất gần, chỉ còn vài mét”- ông Đặng Trường Giang – Cục Viễn thám quốc gia – dẫn chứng.

Nhưng đường bờ biển xâm lấn đất liền không chỉ gói gọn ở Cà Mau. Ông Nguyễn Thành Minh, tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN (VASI) – Bộ Tài nguyên và môi trường, cho hay tổng cục đã thực hiện một nghiên cứu toàn diện về tình trạng xói lở bờ biển trên cả nước suốt hai năm qua. Báo cáo quốc gia đánh giá về xói lở bờ biển VN đã hoàn thành và sẽ được trình bày cùng những báo cáo về tình trạng xói lở bờ biển nói chung của các nước Đông Nam Á tại Bangkok (Thái Lan) vào tuần tới.

Theo đó, ở khu vực ven biển miền Bắc, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có bốn đoạn bờ bị xói lở liên tục, trong đó hai khu vực xói lở nghiêm trọng từ năm 1930 đến nay là Cát Hải và Hải Hậu. Ở miền Trung, từ năm 2005 các nghiên cứu đã chỉ ra trên 50% số đoạn bờ có chiều dài 1km bị xói lở. Thậm chí có đến 43% số đoạn xói lở 15-30m/năm, nhiều đoạn xói lở với tốc độ hơn 100m/năm. Riêng bờ biển phía Nam, trước năm 1940 bờ biển Vũng Tàu đến Hà Tiên hoàn toàn không bị sạt lở, nhưng từ năm 1960 đến nay, 38 đoạn của bờ biển phía Nam bị xói lở mạnh với nhiều đoạn ở mức trầm trọng, gây tình trạng lùi bờ rất dài như Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Trần Văn Thời (Cà Mau), Đông Hải (Trà Vinh), Cần Giờ (TP.HCM)…

NGỌC HÀ

 

 

Ám ảnh biển đuổi

Là địa phương bị ảnh hưởng lớn của tình trạng biển xâm thực, người dân ở giáo xứ Ba Làng (gồm làng Thượng Hải, Quang Minh, Xuân Tiến), xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) thấm thía cảnh bị sóng biển “đuổi” hằng ngày. Nhà cửa, cây cối, đất thổ cư, canh tác của người dân cứ theo từng cơn sóng dữ “ngoạm” kéo trôi ra biển khơi.

Ông Trần Minh Thảo (70 tuổi, trú tại làng Quang Minh) nhớ lại: “Cách đây hơn 20 năm, nhà thờ Đức Bà (được xây dựng từ năm 1627 – PV) trên địa bàn thôn nằm cách xa bãi cát, chân sóng biển khoảng 200m. Bãi cát lúc đó rất rộng, nhiều diện tích bãi cát gần khu dân cư còn trồng được rừng cây phi lao chắn sóng. Ngày đó, người dân làng Quang Minh làm nhà ở sát mép nước biển nhưng vẫn bình yên, rất ít khi sóng lớn đổ vào nhà. Từ cơn bão số 6 năm 1989 đến nay, tình trạng nước biển xâm thực đất liền bắt đầu diễn ra với mức độ ngày càng dữ dội. Hiện nay mép nước biển chỉ còn cách cổng ba nhà thờ ven biển (gồm nhà thờ giáo họ Thượng Hải, nhà thờ Đức Bà và nhà thờ giáo họ Như Xuân) khoảng 20-30m…”.

Ông Nguyễn Văn Tấn (72 tuổi, trú tại làng Thượng Hải) cho biết thêm: “Cứ mỗi năm sóng biển lại ngoạm vào đất liền 1-2m đất. Bà con ven biển cứ mất dần đất thổ cư, canh tác, hoa màu, đường sá”.

Năm 2008, thực hiện dự án “Khắc phục hậu quả thiên tai”, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng tuyến đê biển kiên cố tại xã Hải Thanh dài hơn 2km, đưa vào sử dụng năm 2009. Tuyến đê này được đổ bêtông vững chắc, giữa thân đê xây cao 1,8m (tính từ mặt đường giao thông phía trong thân đê trở lên) nhằm chắn sóng mỗi khi nước biển xâm thực, lúc triều cường.

HÀ ĐỒNG