23/01/2025

Đức Thánh Cha tiếp kiến Uỷ ban Thần học Quốc tế

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 6-12-2013, dành cho UỶ ban Thần học Quốc tế, ĐTC tái khẳng định rằng không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa. Trong 5 ngày họp, 30 nhà thần học quốc tế tiếp tục nghiên cứu 3 đề tài quan trọng: trước tiên là độc thần giáo, tiếp đến là ý nghĩa đạo lý xã hội của Hội Thánh trong bối cảnh rộng lớn hơn của đạo lý Kitô; sau cùng là vấn đề sensus fidei, cảm thức đức tin.

 Đức Thánh Cha tiếp kiến Uỷ ban Thần học Quốc tế

 

 

VATICAN – Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 6-12-2013, dành cho UỶ ban Thần học Quốc tế, ĐTC tái khẳng định rằng không thể sử dụng bạo lực nhân danh Thiên Chúa.

30 nhà thần học quốc tế nhóm khoá họp thường niên trong tuần này tại Vatican từ ngày 2 đến 6-12-2013, dưới quyền chủ toạ của ĐHY Chủ tịch Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Điều hợp khoá họp là Linh mục Tổng Thư ký Serge-Thomas Bonino, Dòng Đaminh, người Pháp.

Trong 5 ngày họp, 30 nhà thần học quốc tế tiếp tục nghiên cứu 3 đề tài quan trọng: trước tiên là độc thần giáo, tiếp đến là ý nghĩa đạo lý xã hội của Hội Thánh trong bối cảnh rộng lớn hơn của đạo lý Kitô; sau cùng là vấn đề sensus fidei, cảm thức đức tin.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC đề cập đến đề tài thứ nhất được Uỷ ban Thần học Quốc tế bàn tới là “Tương quan giữa tôn giáo độc thần và bạo lực”, và ngài khẳng định: “Thiên Chúa không phải là một đe doạ cho con người! Niềm tin nơi Thiên Chúa duy nhất và 3 lần thánh không phải và không bao giờ có thể sinh ra bạo lực và bất bao dung. Trái lại, đặc tính hợp lý trí mang lại cho đức tin một chiều kích đại đồng, có khả năng liên kết những người thiện chí với nhau. Đàng khác, mạc khải chung kết của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô khiến cho từ nay không thể nại đến bạo lực nào ‘nhân danh Thiên Chúa’. Chính vì từ chối bạo lực và đã chiến thắng sự ác bằng sự thiện, bằng máu đổ ra trên thập giá của Ngài, nên Chúa Giêsu đã hoà giải con người với Thiên Chúa và với nhau.”

Về đề tài thứ hai của Uỷ ban Thần học là đạo lý xã hội của Hội Thánh, ĐTC nhận xét rằng đạo lý này nhắm diễn tả cụ thể trong đời sống xã hội tình thương của Thiên Chúa đối với con người được biểu lộ trong Đức Giêsu Kitô… Giáo Hội phải sống trước tiên sứ điệp xã hội mà mình mang đến cho thế giới. Các tương quan huynh đệ giữa các tín hữu, quyền bính như một công tác phục vụ, sự chia sẻ với người nghèo, tất cả những đặc điểm đó vốn có từ đầu trong đời sống Giáo Hội, có thể và phải trở thanh một mẫu gương sống động và có sức thu hút đối với các cộng đoàn khác của con người, từ gia đình cho đến xã hội dân sự.

Sau cùng, về đề tài cảm thức đức tin (sensus fidei), ĐTC nhắc nhở đừng lẫn lộn cảm thức này với thực tại xã hội học là ý kiến của đa số. Ngài nói: “Anh em có nghĩa vụ quan trọng là phải đề ra những tiêu chuẩn giúp phân định những sự diễn tả đích thực cảm thức của các tín hữu.”

ĐTC không quên cảnh giác các nhà thần học trước những cám dỗ: tâm hồn trở nên khô cằn, kiêu ngạo và thậm chí cả tham vọng nữa. Ngài nói: “Thánh Phanxicô Assisi có lần đã gửi một thư ngắn cho thầy Antonio thành Padova, trong đó ngài viết: “Tôi muốn thầy dạy thánh khoa thần học cho anh em, miễn là trong việc nghiên cứu, thầy không dập tắt tinh thần nguyện gẫm và sùng mộ.” (SD 6-12-2013)