27/01/2025

Chúa nhật I Mùa Vọng – A: Hy vọng từ cuộc đổi mới chính mình

Năm Phụng vụ mới dẫn ta đến niềm hy vọng lớn lao: Chúa sẽ đến quy tụ muôn dân và cho hưởng hoà bình vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, muốn đạt được niềm hy vọng này, mỗi người chúng ta cần phải đổi mới đời sống của mình, vì từ sự đổi mới cá nhân sẽ dẫn đến đổi mới cộng đồng xã hội.

 

Hy vọng từ cuộc đổi mới chính mình

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Năm Phụng vụ mới dẫn ta đến niềm hy vọng lớn lao: Chúa sẽ đến quy tụ muôn dân và cho hưởng hoà bình vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, muốn đạt được niềm hy vọng này, mỗi người chúng ta cần phải đổi mới đời sống của mình, vì từ sự đổi mới cá nhân sẽ dẫn đến đổi mới cộng đồng xã hội.

Trong ít phút này chúng ta cùng tìm hiểu về niềm hy vọng để biết mình nên đổi mới như thế nào.

1. Mùa hy vọng

Mùa Vọng khởi đầu năm Phụng vụ để mỗi người chúng ta hy vọng, bởi vì Chúa sẽ đến để mang lại bình an, hạnh phúc, phát triển, thịnh vượng cho từng người cũng như cho cả dân tộc.

Một vận hội mới cho dân tộc cũng mở ra khi chúng ta loan báo những giá trị mới của Tin Mừng cho đồng bào như chúng ta đã suy niệm nhiều lần về cuộc sống của các thánh tử vì đạo ở Việt Nam. Theo Tổng Điều tra Dân số, dân tộc chúng ta hiện có khoảng 90 triệu người, trong đó có hơn 6 triệu người Công giáo, chiếm 7% dân số; anh em Phật giáo có hơn 7 triệu người, chiếm khoảng 8% dân số; cộng thêm các tôn giáo nhỏ khác thì tất cả có khoảng hơn 18% dân số theo tôn giáo. Còn khoảng 81% không theo hoặc chưa theo một tôn giáo nào nhưng đa số vẫn tin rằng “ Trời cao có mắt”, “lưới Trời lồng lộng”, “Thiên bất dung gian”. Niền tín ngưỡng sâu xa đó là điều kiện thuận lợi cho người tín hữu chúng ta để giới thiệu Đức Kitô cho đồng bào mình. Từ đó chúng ta đạt được niềm hy vọng cho đất nước và cho thế giới.

Isaia trong bài đọc I mời gọi chúng ta hãy hy vọng: các dân tộc sẽ sống hoà thuận với nhau, vượt qua các xung đột vì người ta sẽ “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” “nếu người ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacob” (Is 2,1-5).

Tuy nhiên, nếu theo dõi thời sự, chúng ta sẽ thấy cả khu vực châu Á đang có những nguy cơ xung đột nặng nề: ở biển Đông, người Trung Quốc mang tàu thuyền đến chiếm những hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, bãi cạn Scarborough của Philippines. Vài ngày qua Trung Quốc cũng thiết lập “vùng nhận diện Phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông gây căng thẳng cho cả Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác. Ngày 28/11/2013 Hàn Quốc và Nhật Bản đã lần lượt điều máy bay xâm nhập vùng này do Trung Quốc đơn phương thiết lập. Tình hình chính trị rất căng thẳng và chúng ta được mời gọi để trở thành những chứng nhân hoà bình. Chúng ta được quyền hy vọng về các điều đó.

2. Đổi mới để đạt được niềm hy vọng

Nhưng muốn đạt được niềm hy vọng ấy, chúng ta phải làm gì?

Giáo Hội và Chúa dạy chúng ta hãy đổi mới: đổi mới chính con người của mình, bỏ đi những tranh chấp, căng thẳng, xung đột để dẫn đến sự bình an cho gia đình, xã hội và hoà bình cho thế giới. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay mời gọi chúng ta hãy bỏ đi nếp sống cũ tối tăm để bước vào ánh sáng của Thiên Chúa: “Hãy loại bỏ những việc làm đen tối để cầm lấy vũ khí của sự sáng và chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở như những người đang sống giữa ban ngày, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tuông” (Rm 13,11-14). Chúng ta được mời gọi để mặc lấy Chúa Giêsu Kitô với những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm tốn, yêu thương như Người.

Đức Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay cũng mời gọi chúng ta đổi mới từ nhận thức đến cách sống, đừng giống như dân chúng thời ông Noe: người ta cứ tiếp tục ăn uống, vui chơi, lấy vợ gả chồng cho đến ngày Noe vào tàu họ cũng không cần biết đến để rồi nước đại hồng thuỷ ập đến và cuốn trôi tất cả (x. Mt 24,37-39).

Sự đổi mới ấy cần bắt đầu ngay từ mỗi người chúng ta, rồi lan toả trong cộng đồng và biến thành những kết quả tốt đẹp trong dân tộc cũng như trong thế giới.

3. Đổi mới như thế nào?

Tuy nhiên, đổi mới không phải là một khẩu hiệu để hô hào!

Đổi mới bao gồm nhiều bước để thực hiện: bắt đầu từ nhận thức đúng về con người và sự vật, tiếp theo là tìm ra những nguyên nhân gây nên tình trạng hiện nay, rồi đưa ra phương thức hành động hiệu quả để đổi mới tình trạng đó. Xã hội học và tâm lý học dạy chúng ta rằng con người hiện tại của chúng ta gồm 3 yếu tố: di truyền, tự thân rèn luyện, và ảnh hưởng của cộng đồng xã hội. Ba yếu tố này tác động đến sự đổi mới của con người.

Nhìn lại mình, chúng ta đang có những yếu tố di truyền do cha mẹ, ông bà, tổ tiên để lại. Yếu tố di truyền đó bao gồm những đặc tính của thể xác như da vàng, tóc đen, gò má cao… và của tinh thần như các tính tốt và tật xấu để tạo nên bản sắc của người Việt Nam.

Chúng ta biết rằng mỗi người đều có cá tính. Cá tính bắt nguồn từ sự nhận thức, từ nhận thức dẫn đến những tình cảm, thái độ; từ thái độ dẫn đến hành động; hành động lặp đi lặp lại nhiều lần biến thành thói quen; thói quen ăn sâu vào cấu trúc tâm lý tạo nên cá tính. Cá tính của nhiều người giống nhau trong cộng đồng xã hội tạo nên đặc tính của dân tộc; đặc tính này ăn sâu vào cấu trúc tâm lý xã hội qua nhiều thế hệ trở thành bản sắc của dân tộc đó.

Tâm lý xã hội học đã giải thích cho chúng ta hiểu rằng: tại sao người Việt Nam hay nói dối; tại sao chỉ nói vui vẻ ngoài miệng mà sau lưng lại nói xấu nhau; tại sao trước mặt người chủ thì làm đàng hoàng, chủ quay lưng đi là lười biếng, bỏ việc; tại sao hay ăn cắp… Tất cả bắt nguồn từ cấu trúc tâm lý xã hội của người Việt Nam, nghĩa là từ yếu tố di truyền của cha ông xưa để lại. Vì người Việt Nam chúng ta trải qua 11 thế kỷ sống dưới chế độ bóc lột của người Trung Hoa: trước mặt kẻ thù chúng ta chỉ vui vẻ ngoài mặt, sau lưng là chúng ta tuyên truyền phản đối, nói xấu họ; trước mặt những kẻ áp bức, chúng ta vui vẻ, làm việc hăng hái nhưng khi họ quay lưng đi là chúng ta ngưng không làm vì tội gì làm lợi cho kẻ thù! Hơn nữa, chúng ta còn phá hoại, lấy cắp càng nhiều bao nhiêu càng tốt vì tất cả tài vật đó là do công sức của chúng ta làm ra.

Từ thế hệ này đến thế hệ khác cứ lặp đi lặp lại các hành động đó nên chúng trở thành thói quen và trở thành bản sắc của người Việt Nam. Vào thời đó làm như thế là đúng, nhưng khi hết kẻ thù rồi mà chúng ta vẫn hành động, đối xử với nhau như thế thì đó lại là những điểm tai hại cần sửa đổi. Muốn cho dân tộc mình tốt đẹp, phát triển bền vững, chúng ta phải đổi mới từ việc nhận thức về con người mình cũng như bản sắc của dân tộc mình.

4. Đổi mới nhờ ơn Chúa

Ngoài 3 yếu tố do khoa học khám phá, còn yếu tố thứ 4 không được xã hội học và tâm lý học nói đến, đó là ơn Chúa. Ơn Chúa có thể tác động vào trong nội tâm của chúng ta, soi thấu tầng ý thức, tiềm thức và vô thức của ta để thay đổi vì Chúa là Đấng Tạo Hoá đã dựng nên ta. Nhiều cha mẹ thất vọng vì đứa con ngỗ nghịch, hư hỏng hay kém thông minh mà quên rằng Chúa có thể thay đổi lòng dạ và tâm trí con người. Nhiều người thất vọng, buông xuôi vì thấy lòng người gian trá mà quên rằng bất cứ hành động tích cực nào ta làm cho con người đều có giá trị vĩnh hằng và kéo ơn Chúa xuống để thay đổi lòng người.

Một thí dụ cụ thể: người Công giáo chúng ta cần ý thức mình là hình ảnh của Ngôi Lời Thiên Chúa nên lời nói của chúng ta phải là lời tích cực, xây dựng, mang lại ơn cứu độ. Dù người khác không biết, ta vẫn nói đúng, nói thật, nói tốt, nói đẹp cho mọi người bởi vì Chúa ở trong lòng ta và trong lòng người khác nghe được những lời nói đó. Từ sự đổi mới trong lời nói, ta sẽ đổi mới được xã hội.

Như thế, chúng ta tạo nên sự hoà bình trong lòng xã hội, từ đó tạo nên những cái tốt đẹp trong đất nước và cho thế giới. Với ơn Chúa, chúng ta sẽ thực hiện được như cha ông chúng ta đã từng làm và đã thay đổi được xã hội Việt Nam.

Kết luận

Hôm nay chúng ta tràn đầy niềm hy vọng vào ơn Chúa luôn nâng đỡ ta. Chúng ta thấy mình cần đổi mới những nhận thức về con người và vạn vật để dẫn đến những thái độ và hành động tốt đẹp bởi vì chúng ta là hình ảnh sống động của Ngôi Lời Thiên Chúa cho mọi người.

Điều quyết tâm từ nay là “chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng”.

Cầu chúc anh chị em tràn đầy ân sủng của Thánh Thần để bắt đầu cuộc đổi mới chính mình.