22/01/2025

Sống đẹp như Thảo

Thảo bị khuyết tật, đôi chân nhỏ xíu chưa một lần nâng được cơ thể đứng lên, lại thêm chứng bệnh xương thủy tinh hay trở chứng đau nhức. Thế nhưng cô gái này vừa là chủ một thư viện cá nhân có gần 3.000 đầu sách dành cho thiếu nhi

Sống đẹp như Thảo

Ở tuổi 27, Huỳnh Thanh Thảo đã làm được những việc to lớn gấp nhiều lần vóc dáng nhỏ bé của cô.

Thảo giúp độc giả nhí của mình chọn sách tại thư viện – Ảnh: Ngọc Trường 

Thảo bị khuyết tật, đôi chân nhỏ xíu chưa một lần nâng được cơ thể đứng lên, lại thêm chứng bệnh xương thủy tinh hay trở chứng đau nhức. Thế nhưng cô gái này vừa là chủ một thư viện cá nhân có gần 3.000 đầu sách dành cho thiếu nhi, vừa là cô giáo dạy kèm cho trẻ lớp 1, lớp 2. Thảo còn là đầu mối kêu gọi nhiều chương trình hoạt động thiện nguyện tại nơi mình đang sống (Củ Chi, TP.HCM) như tặng quà người già neo đơn hay trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học…

Thư viện sách tại gia

Đến nhà Thảo, 3.000 đầu sách gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện, thơ, tiểu thuyết văn học, sách tiếng Anh, từ điển… được xếp gọn gàng trên 12 kệ sách. Có kệ sách làm bằng mica, đóng nhôm sáng bóng, cũng có kệ làm bằng gỗ đã ngả màu cũ kỹ. Mỗi kệ sách là cột mốc cho một chặng đường phát triển thư viện.

“Thư viện ban đầu chỉ có 20 cuốn sách của mình. Lúc đó nghĩ sách chỉ giữ cho mình đọc thôi thì uổng quá, nên tìm cách để mọi người đọc cùng” – Thảo kể lý do đơn giản mà thư viện ra đời. Rồi xin được chiếc kệ bán hàng từ một tiệm tạp hóa cũ, Thảo trưng bày sách ngay cửa ra vào nhà để em học sinh nào trong xóm đi qua cũng thấy và mượn được.

Từ chiếc kệ duy nhất với số sách ít ỏi đó, thư viện giờ rộng rãi, sáng sủa, tươm tất hơn. Độc giả quen thuộc của thư viện là các em thiếu nhi trong xóm giờ lên gần trăm người.

“Chừng một tháng sau khi mở thư viện, mình nghĩ ngay tới cảnh thư viện đóng cửa, còn sách thì hư hỏng, rách nát vì quá ít, không có gì cho các em đọc nữa. Vậy là thông qua mạng xã hội, mình kêu gọi các bạn khác góp sách xây dựng thư viện” – Thảo kể. Thư viện bắt đầu tăng lên vài chục cuốn rồi gần cả trăm cuốn khi nhiều người ủng hộ ý tưởng của Thảo. Có nơi tặng Thảo những chiếc kệ sách mới. Và may mắn đến khi Thảo được một người bạn hảo tâm vận động cộng đồng giúp đỡ, xây dựng nên thư viện tươm tất như bây giờ. “Chị ấy là Elizabeth, người Mỹ. Những chiếc kệ sách mica bọc nhôm này là do chị ấy mang đến” – Thảo xúc động.

Đến nay thư viện đã hoạt động được năm năm. Cứ sau giờ tan trường các em nhỏ lại ghé vào đây, kiếm cho mình cuốn sách yêu thích. Hồng Thắm (lớp 7) tươi tỉnh hẳn lên khi tìm được quyển thơ viết về tình thầy trò, tư liệu quan trọng em được phân công thu thập để làm bài tập nhóm. Thắm cười tươi tắn: “Em thích thư viện của cô Thảo vì nhiều sách em thích đọc, mượn cũng rất dễ dàng”.

Thảo cho biết mỗi lần mượn sách các em sẽ góp vào heo đất 500 đồng. “Tiền đó để tổ chức sinh nhật cho chính các em hay đến mượn sách và giúp những em có hoàn cảnh khó khăn khác cây viết, cuốn tập…” – Thảo giải thích.

Cô giáo của 150 trò

Đến nay Thảo đã có gần 150 học trò. Dù cô giáo Thảo chỉ vừa học qua lớp 3, phần kiến thức còn lại tự học ở nhà vì khuyết tật không cho phép Thảo đến trường. “Mình chỉ dạy lớp 1 và lớp 2 trong khả năng mình biết” – Thảo tâm sự. Hết năm nay cũng đã 13 năm Thảo làm cô giáo. “Lúc đầu mình kèm cho cậu em họ vì em hay sang chơi với mình, ai ngờ cuối năm em được học sinh xuất sắc. Năm sau mình lại kèm một em nhỏ khác, em cũng được học sinh xuất sắc. Vậy là tiếng lành đồn xa, những gia đình có con em khó khăn, không ai chăm nom vì bận bịu công việc lại đến nhờ mình chỉ chữ cho các em” – Thảo nhớ lại. Thảo dạy miễn phí cho trẻ nghèo, từ chối dạy cho trẻ những gia đình có điều kiện dù gia đình có đề nghị được trả công. Học trò của Thảo ngày nào giờ có người đã vào đại học. “Cũng có em đi theo ngành sư phạm. Nghe em nói ước mơ làm cô giáo mà mình thấy vui lắm. Tưởng như chính các em đang nối tiếp giấc mơ của mình vậy”, Thảo xúc động.

Thảo đã thành lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, mỗi suất 500.000 đồng để động viên các em đến trường. Thảo cũng thường tổ chức những buổi đi thăm các em nhỏ mồ côi, các cụ già neo đơn… “Tiền thực hiện tất cả chương trình là đóng góp của các mạnh thường quân. Mình chỉ góp một phần rất nhỏ kêu gọi mọi người chia sẻ ước mong được giúp đỡ cộng đồng mà thôi”, Thảo tâm sự. Đồng cảm với cô gái nhỏ này, nhiều người trong nhiều năm qua đã trở thành đôi cánh để Thảo chạm tới mong muốn được giúp đỡ cộng đồng và sống có ích hơn.

Mấy tháng nay, Thảo lên trung tâm TP.HCM để điều trị bệnh. Cô tính trong mấy tháng xa nhà này sẽ đến chùa Lá – nơi có vị sư thầy dạy tiếng Anh miễn phí cho cộng đồng – để học. “Mình muốn khi trở lại nhà không chỉ khỏe hơn mà còn học hỏi và hiểu biết nhiều hơn để có thể thực hiện tiếp những gì mà cuộc sống đang đợi mình. Mình nhất định sẽ làm được”, Thảo quyết tâm. Với Thảo ngày mai ngắn ngủi lắm, nên Thảo chọn cách sống đơn giản nhất là hết sức mình cho những việc có thể làm hôm nay.

NGỌC TRƯỜNG