26/11/2024

Khi con gái có bầu

Tại một hội thảo mới đây về mang thai tuổi vị thành niên VN, ông Mai Xuân Phương, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết số ca nạo phá thai ở người vị thành niên chiếm tới 20%/tổng số ca sinh hằng năm ở VN, tức lên tới 300.000 trường hợp/năm.

 

Khi con gái có bầu

Tại một hội thảo mới đây về mang thai tuổi vị thành niên VN, ông Mai Xuân Phương, phó vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết số ca nạo phá thai ở người vị thành niên chiếm tới 20%/tổng số ca sinh hằng năm ở VN, tức lên tới 300.000 trường hợp/năm.

Đáng buồn là trong khi nạo phá thai nói chung đang giảm dần thì ông Phương cho biết tỉ lệ này lại gia tăng ở trẻ vị thành niên.

Cha mẹ ở đâu?

Nhà giáo Nguyễn Tường Lan, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội, kể bà từng gặp những nữ sinh mang thai và phải nạo phá thai tới hai lần trong một năm học. “Điều rất lạ là khi tôi tâm sự với các em mới hay cha mẹ các em hoàn toàn không biết chuyện này. Dường như bận rộn công việc nên họ thiếu sự quan tâm đầy đủ với trẻ, trong khi trẻ lại đang ở lứa tuổi ưa trải nghiệm, thích cái mới…” – bà Lan chia sẻ.

Ông Nguyên Đình Cử, chuyên gia về dân số của ĐH Kinh tế quốc dân, cũng cho hay đang có tình trạng “2 ít 1 nhiều” trong các gia đình khá giả ở thành thị (và cả ở nông thôn) hiện nay. Đó là ít con, ít thời gian và nhiều tiền. Ở những gia đình này, cha mẹ luôn nghĩ kiếm tiền và lo cho con một cuộc sống sung sướng, đầy đủ, được chăm sóc tận răng là rất thương con. Ngược lại, những gia đình khó khăn thì có tình trạng “3 ít” – ít con, ít thời gian và ít cả tiền. “Tôi đã gặp những bà mẹ nông dân chắt chiu từng đồng đưa con đi học, đến khi con bị đuổi học vì nghiện game và thường xuyên bỏ học thì mẹ mới biết. Với các em gái, lo ngại nhất là các em có thai và phá thai ở tuổi vị thành niên” – ông Cử nói.

Theo ông Mai Xuân Phương, mỗi năm VN có khoảng 300.000 ca nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ phá thai ở người vị thành niên cao nhất thế giới. Tuy nhiên do e ngại, xấu hổ nên nhiều bạn gái trẻ không đến các bệnh viện. Thống kê ở Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho thấy năm năm từ 2008-2012, mỗi năm ở đây chỉ có 80-100 ca sinh hoặc nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, tỉ lệ mang thai vị thành niên chiếm 1-3% trong tổng số ca sinh, nạo phá thai. Tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, hai năm 2011-2012 tỉ lệ ca đẻ, nạo phá thai ở người vị thành niên có tăng đột biến lên 6,6-6,8%, nhưng so với tỉ lệ nạo phá thai nói chung ở người vị thành niên thì còn thấp hơn nhiều. “Khoảng chênh lệch này có thể phản ánh mảng tối trong việc phá thai không an toàn hiện nay”- ông Phương nói.

Cái nôi gia đình

Bà Đinh Thị Tuyết Nhung (T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ VN) cho biết qua điều tra quốc gia về thanh niên, trẻ vị thành niên có đến 80,2% thanh thiếu niên nhận thông tin về sức khỏe sinh sản từ giáo viên, nhân viên y tế, cộng tác viên dân số. Trong khi ở góc độ gia đình, bà Nhung cho rằng người gần gũi, có thể hướng dẫn, cung cấp cho các em kiến thức về sức khỏe sinh sản là cha mẹ. “Nhưng do điều kiện kinh tế, nhiều phụ nữ phải di cư đi làm ăn xa gia đình, vai trò của người mẹ trong giáo dục con cái, đặc biệt về sức khỏe sinh sản, bị gián đoạn, nếu không nói là bị mất đi” – bà Nhung đánh giá.

Khảo sát ở những trường hợp người vị thành niên có thai ngoài ý muốn, nhiều gia đình chỉ biết con gái có thai khi cháu… sắp sinh, thậm chí có trường hợp sinh rồi gia đình mới biết. Theo bà Nhung, đảm bảo sinh kế cho phụ nữ tăng thu nhập cho gia đình, tăng cơ hội cho trẻ em gái vị thành niên được tiếp cận giáo dục ít nhất hết cấp II sẽ giúp trẻ có thông tin về sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó là vai trò của cái nôi gia đình. Nếu không, việc có thai hay sinh con ở tuổi vị thành niên sẽ là một vết sẹo suốt cuộc đời dài của trẻ.

 

 

Làm cha mẹ tốt

T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ đang thực hiện đề án giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt, nhằm hỗ trợ 5 triệu bà mẹ có con dưới 16 tuổi có kỹ năng và kiến thức nuôi dạy con. Tham gia những CLB bà mẹ nuôi dạy con tốt này, một số địa phương có cả các ông bố tham gia. Anh Cam Văn Vũ (37 tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Con trai tôi 13 tuổi. Mỗi tối tôi thường hỏi thăm cháu xem khi con ngủ thì có vấn đề gì xảy ra không? Nếu có gì xảy ra thì con cứ đi tắm và thay quần áo sạch rồi đi ngủ. Đây là hiện tượng bình thường của cơ thể khi con lớn dần lên. Theo tôi, ngoài việc lo tiền cho con ăn học, chúng ta hãy làm bạn của con, hiểu được con”.

 

LAN ANH