23/01/2025

Phục vụ đức tin

Việc phục vụ đầu tiên của người Kế vị Phêrô là phục vụ đức tin. Trong Tân Ước, Phêrô trở nên «đá» của Giáo Hội, với tư cách là người mang Đức tin: từ «chúng ta» của Giáo Hội bắt đầu bằng tên của người đầu tiên tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, nó bắt đầu bằng đức tin của Phêrô; một đức tin lúc đầu còn non nớt và còn «quá con người»…

 Phục vụ đức tin

Cắt đặt các vị Tân Hồng y trong kỳ họp Hồng y đoàn thường lệ  - Thánh lễ đồng tế với các vị tân Hồng y và trao nhẫn Hồng y – Vương cung Thánh đường Vatican – Chúa Nhật XXXIV TN lễ Chúa Kitô Vua Vũ trụ, 21/11/2010

Kính thưa các Đức Hồng y,

Chư huynh đáng kính trong Giám mục đoàn và Linh mục đoàn,

Anh chị em thân mến!

Trong ngày Lễ trọng kính Đức Kitô Vua Vũ trụ, chúng ta vui mừng quy tụ chung quanh Bàn thờ Chúa với hai mươi bốn vị tân Hồng y mà hôm qua tôi đã cho thêm vào con số Hồng y đoàn. Trước tiên, tôi xin gửi đến họ những lời chào thân ái, và sau đó, xin được chào các Hồng y khác và tất cả những chức sắc đang hiện diện; cũng như các cấp Chính quyền, các ngài Đại sứ, các linh mục, tu sĩ và mọi người giáo dân, đang từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về đây nhân dịp hạnh phúc này, dịp mang một đặc tính đặc biệt phổ quát.

Nhiều người trong anh chị em ghi nhận rằng kỳ họp công khai Hồng y đoàn lần trước để cắt đặt các Hồng y, được diễn ra vào tháng 11/2007, cũng được cử hành vào ngày áp Lễ trọng kính Đức Kitô Vua. Ba năm trôi qua, và như thế, dựa vào chu kỳ phụng vụ Chúa Nhật, Lời Chúa được trình bày qua cùng một bài đọc Sách Thánh được dành cho ngày lễ quan trọng này. Ngày lễ này được xếp vào Chúa nhật cuối trong năm phụng vụ, vào cuối cuộc hành trình đức tin, trình bày cho chúng ta gương mặt hoàng vương của Đức Kitô, như Pantocrator trong hậu cung của một Vương cung Thánh đường cổ xưa. Sự trùng hợp này mời gọi chúng ta suy niệm cách sâu xa về thừa tác vụ của Giám mục Rôma, và thừa tác vụ của các Hồng y được gắn liền với thừa tác vụ của Giám mục Rôma, dưới ánh sáng của vương quyền đặc biệt của Đức Giêsu, Chúa chúng ta.

Việc phục vụ đầu tiên của người Kế vị Phêrô là phục vụ đức tin. Trong Tân Ước, Phêrô trở nên «đá» của Giáo Hội, với tư cách là người mang Đức tin: từ «chúng ta» của Giáo Hội bắt đầu bằng tên của người đầu tiên tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, nó bắt đầu bằng đức tin của Phêrô; một đức tin lúc đầu còn non nớt và còn «quá con người», nhưng sau đó, sau biến cố Phục sinh, đã chín muồi và có thể đi theo Đức Kitô cho đến hành động trao ban chính bản thân mình; chín muồi khi tin rằng Đức Giêsu thực sự là Vua; Người đúng thực là vua, bởi vì Người đã ở trên cây Thánh giá, và theo cách này, Người đã thí mạng sống cho tội nhân.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ai cũng yêu cầu Đức Giêsu xuống khỏi cây Thập giá. Họ chế nhạo Người, nhưng đó cũng chỉ là cách chạy tội, như thể nói rằng: chúng tôi chẳng có lỗi gì khi ông phải ở trên Thánh giá; đó chỉ là lỗi của ông, bởi vì nếu ông thực sự là Con Thiên Chúa, là Vua người Do Thái, thì ông đâu có phải ở trên đó, nhưng ông sẽ cứu lấy mình bằng cách xuống khỏi đoạn đầu đài ô nhục này.

Như thế, nếu ông vẫn ở trên đó, điều đó có nghĩa là ông đã sai, và chúng tôi có lý. Thảm kịch diễn ra dưới chân Thập giá của Đức Giêsu là một thảm kịch có tính phổ quát; nó liên quan đến tất cả mọi dân tộc khi đối diện với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải mình là Tình yêu.

Trong Đức Giêsu chịu đóng đinh, thần tính đã bị biến thể, bị tước hết mọi vinh quang hữu hình, nhưng vẫn thực sự hiện diện. Chỉ có đức tin mới nhận ra được vinh quang này: đức tin của Đức Maria, Mẹ cũng đã đặt trong tâm hồn mình cảnh tượng cuối cùng của bức tranh ghép nói về cuộc đời Con của Mẹ; Mẹ chưa thấy được toàn bộ, nhưng Mẹ vẫn tin vào Thiên Chúa, Mẹ vẫn nói lại lần nữa câu nói sau đây với cùng một tâm tình phó thác: «Này tôi là tôi tớ Chúa» (Lc 1,38).

Và rồi, còn có đức tin của người trộm lành: một đức tin vừa chớm nở, nhưng cũng đủ để bảo đảm cho anh ơn cứu độ: «Ngay hôm nay đây anh sẽ ở trên Thiên đàng với Ta». Từ «với Ta» mang tính quyết định. Phải, chính điều đó đã cứu thoát anh. Chắc chắn người trộm lành ở trên thập giá như Đức Giêsu, nhưng nhất là anh đã ở trên thập giá cùng với Đức Giêsu. Và khác xa với tên gian phi kia, cũng như khác xa với tất cả những người khác nhạo cười Đức Giêsu, anh không hề yêu cầu Người xuống khỏi Thánh giá, cũng như không xin Người cho mình được xuống khỏi thập giá. Trái lại, anh nói: «Khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi cùng!».

Anh thấy Người trên Thánh giá, bị biến thể, không thể nào nhận ra được, thế nhưng, anh lại tín thác vào Người như một ông vua, và còn hơn thế nữa, như một vị Vua. Người trộm lành tin vào dòng chữ được viết trên tấm bảng đặt trên đầu Đức Giêsu: «vua dân Do Thái»: anh đã tin, và anh đã phó thác. Chính vì thế, ngay lập tức, anh đã ở trong cái «ngay hôm nay» của Thiên Chúa, ở trên Thiên đàng, bởi vì Thiên đàng là thế đó: là ở với Đức Giêsu, là ở với Thiên Chúa.

Như thế, anh em thân mến, sứ điệp cơ bản mà Lời Chúa nói với chúng ta hôm nay đã xuất hiện một cách rõ ràng: cho tôi là người Kế vị Phêrô, và cho anh em là những Hồng y.

Lời Chúa kêu gọi chúng ta ở lại với Đức Giêsu, như Đức Maria, chứ không phải xin Người xuống khỏi Thánh giá, nhưng cùng ở trên đó với Người. Và như thế là do thừa tác vụ của chúng ta, chúng ta phải thi hành thừa tác vụ không phải chỉ cho chúng ta, mà còn cho cả toàn thể Giáo Hội, cho toàn thể Dân Chúa.

Từ các Tin Mừng, chúng ta biết được rằng Thánh giá là điểm khó chấp nhận cho đức tin của Simon Phêrô, cũng như cho đức tin của các Tông đồ khác. Điều này là rõ ràng và không thể khác đi được: họ là những con người và họ suy nghĩ «như những con người»; họ không thể chấp nhận được ý tưởng về một Đấng Thiên Sai chịu đóng đinh.

Sự «hối cải» của Phêrô chỉ được thể hiện một cách trọn vẹn khi Phêrô từ bỏ ý định muốn «cứu thoát» Đức Giêsu, và chấp nhận để cho Người cứu thoát mình. Phêrô từ bỏ ý định cứu Đức Giêsu khỏi Thánh giá, và chấp nhận để cho Đức Giêsu cứu thoát mình bằng Khổ giá của Người.

Chúa nói: «Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất lòng tin. Vì thế, một khi đã trở lại, con hãy kiên vững anh em con» (Lc 22,32). Thừa tác vụ của Phêrô hoàn toàn hệ tại đức tin của mình, một đức tin được Đức Giêsu nhìn nhận ngay từ lúc đầu là chân thành, là hồng ân của Cha trên trời, nhưng đức tin đó phải đi qua cái nhục nhã của Thánh giá, để trở nên đích thực, thực sự là «Kitô giáo», để trở nên «đá tảng» mà trên đó Đức Giêsu có thể xây dựng Hội Thánh của Người.

Việc tham dự vào quyền chủ tể của Đức Kitô chỉ được chứng thực một cách cụ thể qua việc chia sẻ sự hạ mình của Người, của Thánh giá của Người. Anh em thân mến, thừa tác vụ của tôi cũng thế, và do đó, thừa tác vụ của anh em cũng thế, hoàn toàn hệ tại đức tin. Đức Giêsu có thể xây dựng Hội Thánh của Người trên chúng ta trong mức độ Người tìm thấy trong chúng ta đức tin đích thực, đức tin Vượt qua, đức tin không hề muốn làm cho Đức Giêsu xuống khỏi Thập giá, nhưng đặt niềm tin vào Đức Giêsu trên Thánh giá. Theo nghĩa này, thì chỗ ở đích thực của vị Đại diện Đức Kitô là Thánh giá, là kiên trì vâng lời Thánh giá.

Thừa tác vụ này thực khó khăn, bởi vì nó không hợp với cách suy nghĩ của con người — không hợp với lý luận tự nhiên này, và hơn nữa, vẫn luôn chủ động trong con người chúng ta. Nhưng thừa tác vụ hiện và vẫn luôn là sự phục vụ đầu tiên của chúng ta, sự phục vụ đức tin biến đổi toàn bộ cuộc sống: tin rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người chính là Vua, bởi vì Người đã đi đến đích điểm đó, bởi vì Người đã yêu chúng ta đến cùng.

Và vương quyền ngược đời này, chúng ta phải làm chứng và loan báo như chính Người là Vua đã làm, nghĩa là bắt chước chính đời sống của Người, và cố gắng đi theo cùng một luận lý như Người, luận lý của tự hạ và phục vụ, của hạt lúa mì chết đi để sinh nhiều bông hạt.

Đức Giáo Hoàng và các Đức Hồng y được kêu mời kết hợp sâu xa trước tiên về điểm này: dưới sự hướng dẫn của người Kế vị Phêrô, họ phải cùng nhau ở lại trong vương quyền của Đức Kitô, bằng cách suy nghĩ và làm việc dựa theo luận lý của Thánh giá, — và điều đó chẳng bao giờ dễ dàng và cũng chẳng hiển nhiên.

Vì thế, chúng ta phải kết hợp với nhau, và trên thực tế, chúng ta đã kết hợp, bởi vì chúng ta không kết hợp với nhau bởi một ý tưởng, một chiến lược, nhưng bởi tình yêu của Đức Kitô và Thánh Thần của Người. Chúng ta phục vụ Giáo Hội, Hiền thê của Đức Kitô có hữu hiệu hay không đều thiết yếu lệ thuộc vào điều này, vào lòng trung thành của chúng ta đối với vương quyền thần linh của Tình yêu chịu đóng đinh.

Chính vì thế, trên chiếc nhẫn hôm nay tôi trao cho anh em, là dấu ấn giao ước hôn nhân của anh em đối với Giáo Hội, có biểu thị hình Chúa chịu đóng đinh. Và cũng vì lý do đó mà màu áo của anh em gợi lên hình ảnh về máu, là biểu tượng của sự sống và tình yêu. Máu của Đức Kitô mà dựa theo một bức ảnh cổ xưa, Đức Maria đã nhận lấy từ cạnh sườn bị đâm thâu của Con Mẹ chết trên Thập tự, và Tông đồ Gioan chiêm ngưỡng, trong khi máu cùng nước chảy ra dựa theo lời Kinh Thánh tiên báo.

Anh em thân mến, sự khôn ngoan của chúng ta phát sinh từ đây: sapientia Crucis – Sự khôn ngoan của Thánh giá  - . Đây là điều Thánh Phaolô suy nghĩ thực sâu xa. Thánh nhân là người đầu tiên đưa ra một tư tưởng Kitô giáo có hệ thống, đặt trọng tâm trên nghịch lý của Thánh giá (x. 1Co 1,18 – 25; 2,1 – 8).

Trong Thư gửi tín hữu Côlôxê, — mà phụng vụ hôm nay rút ra bài thánh ca Kitô học — chúng ta thấy rằng nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Thánh Phaolô đã suy tư và đạt được một trình độ tổng hợp đáng làm cho chúng ta phải ngạc nhiên, khi Thánh nhân đưa ra một quan niệm Kitô giáo đích thực về Thiên Chúa và thế giới, về ơn cứu độ cá nhân và phổ quát; và tất cả những điều này đều đặt trọng tâm trên Đức Kitô, Chúa của các tâm hồn, Chúa của lịch sử và của vũ trụ: «Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự Viên mãn hiện diện ở nơi Người, và nhờ Người mà làm cho muôn vật được giao hoà với mình, Thiên Chúa đã đem lại bình an nhờ máu Người đã đổ ra trên Thánh giá cho mọi loài ở dưới đất cũng như trên trời» (Cl 1,19 – 20).

Anh em thân mến, đó là điều chúng ta luôn được Chúa kêu mời loan báo cho trần gian: Đức Kitô là «hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, Đức Kitô là «Trưởng tử của mọi loài tạo vật» và «Trưởng tử giữa những kẻ chết», bởi vì — như Thánh Tông đồ đã viết, — «để trong mọi sự Người đứng hàng đầu» (Cl 1,15.18). Tối thượng quyền của Phêrô và của những người Kế vị là hoàn toàn được sử dụng để phục vụ tối thượng quyền của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất; để phục vụ Vương quốc của Người, nghĩa là để phục vụ quyền Chúa tể tình yêu của Người, để cho quyền Chúa tể tình yêu của Người ngự đến và lan rộng, canh tân mọi người và mọi sự, biến đổi trần gian và làm cho hoà bình và công lý xuất hiện trên trần gian.

Chính trong chương trình siêu việt lịch sử, và đồng thời, lại được biểu lộ và kiện toàn trong lịch sử, mà Giáo Hội là «thân thể» của Đức Kitô là «đầu» có được chỗ đứng của mình (x. Cl 1,18).

Trong Thư gửi cho tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô minh nhiên nói về quyền chúa tể của Đức Kitô, và đặt quyền chúa tể này trong tương giao với Giáo Hội. Thánh nhân đã cất cao lời kinh ca ngợi «sự cao cả diệu kỳ của quyền năng» Thiên Chúa đã phục sinh Đức Kitô, và đặt Người làm Chúa vũ hoàn, và Thánh nhân kết luận: «Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô, và đặt Người làm đầu toàn thể Giáo Hội là Thân thể Đức Kitô, là sự Viên mãn của Đấng làm cho tất cả được viên mãn» (Ep 1,22 – 23).

Cùng một từ «sung mãn» được quy chiếu về Đức Kitô, mà ở đây, Thánh Phaolô cũng gán cho Giáo Hội, nhờ động tác tham dự: thực thế, thân mình cũng tham dự vào sự viên mãn của Đầu. Chư huynh Hồng y đáng kính, — giờ đây tôi cũng muốn nói với tất cả anh em, là những người đang chia sẻ với chúng tôi ơn làm Kitô hữu — đây là niềm vui của chúng ta; niềm vui trong Giáo Hội được tham dự vào sự viên mãn của Đức Kitô qua sự vâng lời Thánh giá, «chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng», niềm vui được «chuyển» vào trong vương quốc của Con Thiên Chúa (x. Cl 1,12 – 13).

Chính vì thế, chúng ta luôn sống trong tâm tình tạ ơn, và ngay trong những thử thách, vẫn không hề thiếu niềm vui và bình an mà Đức Kitô đã để lại cho chúng ta, như một sự tham dự trước vào Vương quốc của Người, một Vương quốc đang hiện diện giữa chúng ta, một Vương quốc chúng ta đang mong đợi với đức tin và đức cậy, và chúng ta đang thưởng nếm trước trong đức ái.