Miền Trung tan hoang trong lũ
Mưa lớn cộng với các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi đồng loạt xả lũ khiến khúc ruột miền Trung tan hoang.
Mưa lớn cộng với các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi đồng loạt xả lũ khiến khúc ruột miền Trung tan hoang.
|
Quảng Ngãi: Vượt đỉnh lũ năm 1999
Tại Quảng Ngãi, tối 15.11, lượng mưa từ thượng nguồn đổ về quá lớn làm mực nước sông Trà Khúc, sông Vệ vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1 – 0,4 m nhấn chìm nhiều ngôi nhà của người dân ở ven sông. Càng về khuya, mực nước sông Vệ càng lên nhanh, nhiều ngôi nhà của người dân ở các xã Hành Thiện, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (H.Nghĩa Hành) nước lũ gần chạm tới nóc nhà.
Cũng tối 15.11, nước sông Trà Khúc vượt qua đê bao sông Trà Khúc tấn công vào TP.Quảng Ngãi. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại một số xã ở H.Ba Tơ xuất hiện lũ quét khiến nhiều gia đình không kịp trở tay, bỏ nhà cửa chạy thoát thân. Chưa dừng lại ở đó, tại H.Ba Tơ còn xảy ra nhiều vụ sạt lở núi kinh hoàng khiến QL24 bị sạt lở nghiêm trọng tại 3 điểm thuộc địa phận xã Ba Động, gây ách tắc giao thông hoàn toàn, đến chiều 16.11 mới được thông tuyến tạm thời. Tại điểm sạt lở ở địa bàn thôn Tân Long, xã Ba Động, hàng chục ngàn mét khối đất đá từ trên núi cao đổ sập xuống mặt đường.
Tỉnh Quảng Ngãi đã cử nhiều đoàn công tác sử dụng ca nô tiếp cận các vùng bị lũ cô lập để cứu trợ khẩn cấp mì tôm và nước uống cho người dân. Tính đến tối 16.11, mưa lũ tại Quảng Ngãi làm 9 người chết, 4 người mất tích và 15 người bị thương.
Bình Định: Trắng đêm cứu dân trong lũ
Số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN H.Tây Sơn reo liên tục trong đêm 15.11, khắp nơi người dân gọi điện cầu cứu. Dù đã có chuẩn bị nhưng do lũ lớn quá bất thường khiến nhiều người dân và chính quyền không kịp trở tay. Tại cầu Bàu Sen (thị trấn Phú Phong) có 2 người ngồi trên cabin xe tải gọi điện thông báo sắp bị cuốn trôi, nhiều hộ dân ở thôn Tả Giảng 2 (xã Tây Giang) sống ven sông Côn gọi điện yêu cầu được di dời khẩn cấp; ông Dương Đông Phong (ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong) cùng nhiều người khác đang ngồi trên nóc trụ sở khối Phú Xuân liên tục gọi điện hối thúc; 4 người ngồi trên xe cẩu ở xã Bình Nghi thông báo nước ngập đến chân… Gần 22 giờ đêm, khu vực xóm Đông, xã Tây Giang có 30 người dân đang leo lên nóc nhà để kêu cứu…
Vào rạng sáng 16.11, công tác sơ tán dân tại H.Tây Sơn mới hoàn thành. Cùng lúc đó, hàng ngàn người dân ở TX.An Nhơn (Bình Định) ở vùng hạ lưu sông Côn lại đang leo lên nóc nhà, gọi điện đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Phường Nhơn Hòa, xã Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phong… đều có người gọi điện yêu cầu cứu hộ khẩn cấp. Đến chiều tối qua, toàn bộ lực lượng này được tăng cường xuống các xã phía đông H.Tuy Phước để tiếp tục sơ tán khẩn cấp dân trong đêm. Ngay trong tối 16.11, các cơ quan chức năng cũng đã sơ tán khoảng 300 hộ dân các xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn (H.Tuy Phước) về nơi an toàn.
Trong khi đó, sáng 16.11, mố cầu Bình Định (còn gọi là cầu Liêm Trực, ở P.Bình Định, TX.An Nhơn) bị xói lở nặng và đứt một đoạn đường đầu cầu 50 m; mố cầu Huỳnh Kim (P.Nhơn Hòa, TX.An Nhơn) bị sạt lở nặng và nhiều nơi bị ngập sâu hơn 1 m khiến giao thông trên QL1 bị ách tắc hoàn toàn. Đến chiều 16.11, nước lũ đã rút, mố cầu Huỳnh Kim đã được gia cố, việc lưu thông trên QL1 đoạn qua tỉnh Bình Định đã được giải tỏa bằng cách cho các xe đi vào QL1A cũ nằm trong địa bàn P.Bình Định. Tuy nhiên, đến gần 19 giờ, việc lưu thông trên QL1 đoạn từ thị trấn Diêu Trì (H.Tuy Phước) đến TX.An Nhơn vẫn rất khó khăn, lượng xe bị ách tắc vẫn còn nhiều.
Tính đến cuối ngày 16.11, Bình Định có 12 người chết, 2 người bị mất tích, 1 người bị thương do mưa lũ; gần 100.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, nhiều phòng học bị hư hỏng nặng, hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng với tổng thiệt hại trên 1.336 tỉ đồng.
|
Các xã Đông Trường Sơn bị cô lập
Tại Kon Tum, đến chiều 16.11, tuyến QL24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum đã tắc nghẽn bởi một đoạn đường khoảng 20 m đã bị đứt gãy. Giám đốc Sở GTVT Kon Tum Huỳnh Tấn Phục cho biết ít nhất đến chiều 17.11, QL24 mới thông được. Với nhiều ô tô khách, ô tô tải đang bị kẹt trên QL24, chính quyền H.Kon Plong đã tổ chức cấp phát lương thực và nước uống. Do nhiều tuyến tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng, cầu bị lũ cuốn trôi nên nhiều vùng phía đông Trường Sơn thuộc tỉnh Kon Tum bị cô lập hoàn toàn. Hệ thống điện lưới tại 4 xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Măng Bút và Đăk Nên thuộc H.Kon Plong bị hư hỏng, mất điện hoàn toàn.
Thiệt hại do lũ gây ra đợt này ở Kon Tum một phần là do thủy điện Plei Krông xả lũ với lưu lượng 602 m3/giây và thủy điện Yaly xả lũ 2.000 m3/giây; tổng thiệt hại ước tính trên địa bàn Kon Tum gần 60 tỉ đồng.
Trong khi đó tại Gia Lai, mưa lớn và lũ thượng nguồn từ các sông suối đổ về khiến nước sông Ba lên nhanh; đã vậy hồ An Khê xả nước với hơn 2.100 m3/giây, hồ Kanak xả trên 700 m3/giây nên đã gây ngập lụt trên diện rộng ở TX.An Khê và các huyện: Kbang, Đăk Pơ. Hàng ngàn héc ta cây trồng, nhiều tuyến đường ở khu vực này bị ngập sâu trong nước. Nhiều hộ dân phải di tản đồ đạc, nhà cửa.
|
Quảng Nam: 5 người chết do lũ cuốn
Ngày 16.11, nước lũ trên sông Vu Gia (H.Đại Lộc) đã đạt đỉnh 10 m, gây ngập 80% các khu dân cư ở huyện này. Suốt ngày hôm qua, PV Thanh Niên đã cố gắng tiếp cận những vùng bị cô lập phía bắc tỉnh Quảng Nam, nhưng khi vào đến thị trấn Vĩnh Điện (H.Điện Bàn) thì bị mắc kẹt do nước lũ quá lớn. Tại thị trấn Vĩnh Điện, khoảng 8 giờ sáng, nước từ thượng nguồn đổ về với tốc độ khủng khiếp. Nhiều người dân cho biết chỉ trong 2 giờ đồng hồ, mực nước đã dâng lên 0,6 m. Cụ Lê Thị Thua (95 tuổi, trú tại khối 4, thị trấn Vĩnh Điện) cho biết: “Nước lên nhanh quá, tôi phát hoảng nên lên gác xép để tránh. Còn lại nhờ con cháu kê giường, bàn lên cao. Phải 4 năm rồi, tôi mới chứng kiến trận lũ to như trận này”.
Ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, cho biết có khoảng 34.000 hộ dân có nhà cửa ngập sâu trong nước lũ. Đặc biệt, có khoảng 1.200 căn nhà ngập từ 2 m trở lên. Trong đó, xã Đại Lãnh là địa phương ngập sâu nhất, có nơi ngập đến 3 m. Nhiều địa phương khác như: Nông Sơn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Hội An… nước lũ đã chia cắt nhiều xã, người dân phải dùng ghe thuyền mới đi lại được.
Ngày 16.11, nước lũ dâng cao đã khiến tuyến QL1 qua Quảng Nam ngập sâu trong nước. Đặc biệt, đoạn qua thị trấn Nam Phước (H.Duy Xuyên) nước dâng hơn 0,6 m khiến giao thông bị ách tắc. Đến 18 giờ cùng ngày, nước lũ rút chậm và còn ở mức khoảng 0,4 m.
Đến 16 giờ cùng ngày, Ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam cho biết để ứng phó với trận “đại hồng thủy” này, các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Duy Xuyên, TP.Hội An đã sơ tán được gần 17.000 người dân (gần 4.300 hộ) đến nơi tránh lũ an toàn. Đến cuối giờ chiều qua, tại Quảng Nam đã ghi nhận 5 người chết do nước lũ.
|
Thừa Thiên-Huế: Giao thông bị chia cắt
Ngày 16.11, dù lượng mưa đã giảm nhẹ so với đêm hôm trước nhưng nhiều vùng miền tại Thừa Thiên-Huế vẫn còn bị cô lập, nhiều nhà dân vẫn còn sống chung với lũ.
Theo ghi nhận PV Thanh Niên tại xã Thủy Phù (TX.Hương Thủy) – địa phương nằm hạ nguồn hồ chứa nước Phù Bài 2 đã bị ngập lũ nặng sau khi nước lũ vượt tràn hồ 1,2 m kể từ 21 giờ 30 ngày 15.11. Đến sáng 16.11, có 6/12 thôn gồm 8B, 8A, 9, 6, 7 và 4 với khoảng 1.600 hộ dân vẫn còn bị ngập lũ. Phần lớn các thôn này đều bị cô lập do lũ với mức độ ngập từ 0,3 – 0,5 m (tính đến 17 giờ hôm qua). Đáng chú ý, dù nước dâng nhanh và gây ngập sâu trong đêm nhưng không gây thiệt hại về người do người dân xã Thủy Phù chủ động trong việc phòng tránh lũ.
Còn tại H.Phong Điền, đến sáng 16.11 vẫn còn 1.240 ngôi nhà bị ngập. Các địa phương của huyện này đã tổ chức di dời 84 hộ dân sống dọc sông Bồ và sông Ô Lâu đi tránh lũ trong đêm. Đến chiều qua 16.11, các tuyến quốc lộ 49B, tuyến đường xã Phong An đi Phong Xuân, tuyến đường xã Phong Thu đi Phong Chương, đoạn qua Khúc Lý ngập sâu từ 0,5 đến 1 m gây chia cắt giao thông.
Trong khi đó tại H.Quảng Điền, đến chiều qua phần lớn các tuyến giao thông về trung tâm huyện và các xã vùng thấp trũng còn bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn, trong đó có nơi ngập sâu 1,5 m.
Đà Nẵng: Ngập 2 – 3 m nước
Lũ thượng nguồn đổ về đã làm 9/11 xã của H.Hòa Vang ngập lụt. Trong đó, các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến ngập nặng 2 – 3 m nước, mưa lớn cũng gây ngập 10 phường ở quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn. Tổng cộng đã có 4.500 hộ và 16.000 dân phải di dời tránh lũ. Ngoài ra, một số tuyến đường chính ở trung tâm thành phố như Hàm Nghi, Quang Trung, khu vực Đầm Rong, Huỳnh Ngọc Huệ cũng đã biến thành sông sau trận mưa lớn kéo dài.
Vẫn tổ chức liên hoan, ăn nhậu Tại P.Thủy Châu (TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế), một cảnh tượng rất phản cảm diễn ra trong thời điểm cả thị xã oằn mình chống chọi với lũ lụt. Cụ thể, vào ngày 16.11, phường lại tổ chức liên hoan ăn nhậu, hát hò với lý do là “ngày hội đại đoàn kết”. Khi PV Thanh Niên đề nghị được làm việc với lãnh đạo phường hoặc ban chỉ huy PCLB phường thì một số người mặc comple, áo quần lịch sự không cho gặp và “mời” ra khỏi trụ sở phường với lý do ngày thứ bảy không làm việc ?!. Đình Toàn – Tuyết Khoa
|
15 thủy điện xả lũ Theo Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung – Tây nguyên, trong ngày 16.11 đã có 15 thủy điện xả lũ. Mưa lớn trên diện rộng kèm nước lũ đổ về nhiều khiến nhiều thủy điện xả lũ lưu lượng lớn trong đó 9 hồ xả lũ với lưu lượng lớn hơn 400 m3/giây. Có 22/59 hồ chứa thủy lợi khác ở miền Trung – Tây nguyên cũng đã xả tràn.
Nguyễn Tú
|
Thanh Niên