27/11/2024

Luật không rắn, khó bảo vệ môi trường

Tiến sĩ Brigitte von Danwitz: “Có một thực tế là hình phạt càng thấp, càng không đủ sức răn đe thì khả năng tái phạm của doanh nghiệp càng cao. Vì vậy nếu Luật bảo vệ môi trường ở VN chưa đủ sức răn đe thì cần điều chỉnh nhanh chóng để bảo vệ thiên nhiên và người dân”

Luật không rắn, khó bảo vệ môi trường

Thông qua báo chí, tôi biết đến việc có những doanh nghiệp tại Việt Nam xả thải làm ô nhiễm sông.

Tàu Max Prüss chạy dọc sông Rhine để giám sát chất lượng nguồn nước Ảnh: – Trung Uyên 

Trường hợp gần đây nhất khiến cộng đồng bức xúc là Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương (Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM) nhiều năm nay thường xuyên xả chất thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông Đồng Điền làm ô nhiễm dòng sông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, sức khỏe người dân hai bên bờ sông.

 

 

Tiến sĩ Brigitte von Danwitz (phòng phân tích môi trường, Chi cục Bảo vệ thiên nhiên, môi trường và người tiêu dùng bang North Rhine – Westphalia, Đức) – Ảnh: T.Uyên

 

Tôi cũng được biết mức phạt cao nhất đối với Công ty Hào Dương là 340 triệu đồng, còn mức phạt cao nhất theo luật pháp VN hiện hành là 500 triệu đồng (theo tuoitre.vn).

Theo tôi, phạt như vậy là quá thấp. Nếu cùng hành vi xả thải gây ô nhiễm như vậy xảy ra tại nước Đức chắc chắn doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt gấp rất nhiều lần, thậm chí bị đóng cửa ngay lập tức trong những lần đầu bị phát hiện gây ô nhiễm.

Chúng tôi có nhiều tổ chức đảm nhận trách nhiệm giám sát các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện những doanh nghiệp nào đang gây ô nhiễm môi trường. Khi phát hiện một trường hợp doanh nghiệp nào đó vi phạm, các tổ chức này sẽ lập tức thu thập dữ liệu chứng cứ và gửi đến các đơn vị truyền thông.

Sau đó, thông tin về những việc làm chưa tốt này sẽ xuất hiện rộng rãi và người tiêu dùng sẽ tẩy chay các sản phẩm của doanh nghiệp đó. Bị người tiêu dùng tẩy chay là nỗi sợ lớn nhất của các doanh nghiệp tại Đức (doanh nghiệp tại các quốc gia khác cũng không ngoại lệ). Doanh nghiệp bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm tương đương với việc đứng bên bờ vực phá sản, khiến nhiều nhân công mất việc làm…

Đối với những người dân bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp xả thải ra sông, theo tôi, các cơ quan chức năng nên giúp họ làm hồ sơ, thủ tục đòi bồi thường theo mức độ họ bị ảnh hưởng. Tất nhiên cần có những cơ quan giám sát chặt chẽ, minh bạch việc này.

 

“Có một thực tế là hình phạt càng thấp, càng không đủ sức răn đe thì khả năng tái phạm của doanh nghiệp càng cao. Vì vậy nếu Luật bảo vệ môi trường ở VN chưa đủ sức răn đe thì cần điều chỉnh nhanh chóng để bảo vệ thiên nhiên và người dân”

Tiến sĩ Brigitte von Danwitz

 

Trong xử phạt doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không nên chỉ trông chờ vào sự tự nguyện, tinh thần trách nhiệm. Vì có một thực tế ở các nước đang phát triển là nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt chứ không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải…

Thật ra việc doanh nghiệp chọn cách nộp phạt  chứ không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng mà còn là sự yếu kém trong  quản lý và xây dựng doanh nghiệp. Bởi khi chủ doanh nghiệp làm thế  không khác nào đẩy chính mình và các nhân viên vào con đường mất việc không sớm thì muộn.

Bang North Rhine – Westphalia có rất nhiều sông suối. Chúng tôi đã xây dựng một hệ thống nghiêm ngặt các tiêu chí kiểm tra nước thải và áp dụng trên toàn nước Đức như kiểm tra độ độc hại, cấu trúc hóa lý, những thông số sau khi được lọc trong, những thông số cần phải đạt được theo quy định…Các công ty của Đức khi hoạt động tại các nước khác sẽ tuân thủ theo quy định về vấn đề môi trường của nước sở tại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Đức thường áp dụng các chuẩn bảo vệ môi trường của Đức và chuẩn này thường cao hơn chuẩn của nước mà doanh nghiệp đang hoạt động.

TRUNG UYÊN