Lời khẩn cầu từ tâm bão
Tình cảnh của những nạn nhân siêu bão Haiyan tại Philippines ngày càng bi đát… Người dân ở đây không còn nước mắt để khóc nữa. Nhiều xác người chết vẫn còn đó. Trên phố, trong bệnh viện dù ở một số điểm, lực lượng cứu hộ đã bắt đầu đào các hố chôn tập thể. Chưa kịp cho công việc nhận diện nhưng thời gian không cho phép nữa. Nguy cơ khủng hoảng y tế lơ lửng từng giờ, từng phút.
Lời khẩn cầu từ tâm bão
Chúng tôi vào tâm bão trong khổ đau và tuyệt vọng. Người dân ở đây không còn nước mắt để khóc nữa.
Nhiều xác người chết vẫn còn đó. Trên phố, trong bệnh viện dù ở một số điểm, lực lượng cứu hộ đã bắt đầu đào các hố chôn tập thể. Chưa kịp cho công việc nhận diện nhưng thời gian không cho phép nữa. Nguy cơ khủng hoảng y tế lơ lửng từng giờ, từng phút.
Giờ cũng là cuộc chạy đua với thời gian cho những người đã may mắn sống sót. Nhưng sự tồn tại của họ cũng tệ hại không kém, họ đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, cùng cực. Không điện, không nước, lương thực, thuốc men, xăng dầu, nơi dung thân… Đó là con số không tuyệt đối.
Bệnh viện không điện đóm
Bệnh viện cũng kêu cứu dù Tacloban đã bước vào ngày thứ bảy sau bão. Bệnh viện Tacloban là cơ sở y tế duy nhất còn hoạt động ở đây. Bệnh viện là dãy nhà một tầng lụp xụp, hoàn toàn hoạt động trong bóng tối.
Khi chúng tôi tới đây, phía bên ngoài, hàng dài những bệnh nhân mệt mỏi đang ngồi chờ đến lượt mình khám bệnh. Dấu vết của trận bão thật khủng khiếp và vẫn còn lộ rõ. Nhiều cửa kính, mái tôn bệnh viện bay vỡ vẫn chưa kịp dọn dẹp. Trên bàn bác sĩ, chúng tôi còn nhìn thấy đĩa thức ăn chỉ có mỗi trái chuối thâm và một mẩu bánh nhỏ.
Bác sĩ Mark Adona, người ghi lại công việc hành chính của bệnh viện, cho biết: “Hôm qua chúng tôi chữa hơn 300 lượt bệnh nhân. Hầu hết đều bị chấn thương và bệnh tật”.
Vấn đề cơ bản là thiếu máy phát điện, nước uống. Một số bệnh nhân, thậm chí cả những phụ nữ sắp sinh, cũng bị từ chối vì không còn phương tiện cứu chữa. Các thi hài vẫn nằm đó.
“Đã đến ngày thứ bảy, vẫn chưa thấy đồ tiếp tế cho bệnh viện chúng tôi. Có thể hết thực phẩm bất cứ giây phút nào. Các bệnh viện khác đều đã ngưng hoạt động” – bác sĩ Mark Adona buồn bã.
Đau đớn hơn, trong cùng cực thế này, bản năng tồn tại đã khiến một số người không còn giữ được sự tỉnh táo. Bác sĩ Mark Adona kể: “Hôm qua chúng tôi có bốn trường hợp bị đâm nữa. Từ sau bão Haiyan, ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận trường hợp bị đâm chém do một số người không kiềm chế được bản năng của mình”. Ông cũng không dám chắc tình hình vài ngày tới sẽ được cải thiện như thế nào.
Ông là một trong số ít bác sĩ còn sống và quyết định dành thời gian giúp đỡ đồng bào mình. “Mẹ tôi bảo lúc này mọi người cần con. Trong số hơn 50 bác sĩ chỉ có 15 người còn sống. Hơn tuần nay tôi chỉ mới về được hai ngày để thay quần áo” – bác sĩ Mark Adona nói.
Lời khẩn cầu của người dân
Dường như mọi ngôn từ không còn đủ để mô tả cho tình hình tại Tacloban. Có những bệnh nhân phải đi bộ gần 15km đến bệnh viện vì bão phá hủy hết đường sá. Như Hammie và Dacarero vừa đi bộ hơn 8km để chăm lo cho mẹ. Gặp chúng tôi, hai em chỉ vào cái buồng mà mẹ chúng đang nằm co ro trong bóng tối.
Hình như hai em nhỏ đã nhịn đói nhiều bữa rồi. Cảnh này giờ đây nhan nhản trên đường phố. Chúng tôi nhìn thấy cảnh này mà nghẹn lòng.
Bao giờ họ mới được cứu trợ? Chính chúng tôi cũng không rõ, thật đắng lòng nhìn họ đói khát sau cuồng phong. Khó ai cầm được nước mắt. Nhưng dường như chẳng ai có thể làm gì được vào lúc này.
Suốt cả buổi chiều, chúng tôi đã ngậm ngùi nhìn cảnh người dân trong cơn đói. Hầu hết đều phải về tay không khi đến chờ ở địa điểm thường phát lương thực cứu trợ.
Chính các nhà báo, các nhân viên cứu trợ cũng phải chia sẻ với nhau từng chai nước, từng cái bánh quy – thứ vô cùng quý hiếm với bất cứ ai vào lúc này.
Những lời hứa dường như chỉ nằm trên tuyên bố. 50 bác sĩ từ Manila đến hỗ trợ cũng phải cầm hơi bằng từng ngụm nước, bánh quy.
QUỐC VIỆT – THANH TUẤN