Nuôi con người khác
Gần 5g sáng, chợ Mỹ Tho (Tiền Giang) lên đèn sáng choang chuẩn bị phiên chợ của ngày mới. Ở góc chợ, một cụ bà lưng còm ngồi bật dậy, đánh thức đứa cháu gái rồi vội vã xếp chiếc mền rách cho vào túi nilông quăng lên chiếc xe ba gác nhỏ xíu, lầm lũi đẩy ra đường giữa dòng người xuôi ngược.
Nuôi con người khác
Bà Phụng và cháu Thanh My lầm lũi kiếm sống trong đêm – Ảnh: T.H.
Cụ bà ấy tên Nguyễn Thị Phụng (gần 80 tuổi). Còn bé gái đi cùng bà tên Nguyễn Thị Thanh My (12 tuổi, ngụ khu phố 8, P.8, TP Mỹ Tho). Bà Phụng gọi My là cháu ngoại, nhưng thật ra hai người chẳng có quan hệ máu mủ gì. Có điều hai bà cháu yêu thương, đùm bọc nhau hơn cả ruột rà, làm cho ai biết chuyện cũng ngỡ ngàng, cảm phục.
Bà Phụng kể 12 năm trước bà làm công đức ở chùa, cuộc sống tạm ổn. Lúc rảnh, bà có nhận chăm sóc con gái của một người quen. Thế rồi một hôm mẹ của bé này giao cho bà hai bộ quần áo rồi bỏ đi biền biệt. Khi đó bé gái ấy chỉ mới 3-4 tháng tuổi. “Tui nghĩ nếu cho người khác nuôi con bé thì tội nghiệp, mà giữ lại nuôi thì không có khả năng. Vả lại sức khỏe tui cũng yếu, nuôi trẻ nhỏ thế này không tiện. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng tui giữ lại nuôi vì mong một ngày nào đó mẹ nó trở về sẽ được gặp con” – bà Phụng kể.
Bà Phụng sống một mình trong căn nhà rách nát ở P.8, TP Mỹ Tho, không có việc làm nên cứ mỗi buổi chiều bà lại nhắm mắt làm liều đi hỏi xin tiền của những người chòm xóm để mua sữa cho đứa bé. Biết chuyện bà cưu mang đứa trẻ còn bú mẹ, nhiều người giúp tiền, giúp sữa, cho quần áo trẻ con. Đứa bé ấy là Nguyễn Thị Thanh My lúc nào cũng ở bên cạnh bà Phụng bây giờ.
Nhưng không thể cứ bám víu vào lòng tốt của những người hàng xóm mãi, bà Phụng tranh thủ thời gian xin đi dọn dẹp nhà thuê. Do bé My còn nhỏ, thời gian làm không được nhiều nên tiền kiếm được cũng chỉ ba cọc ba đồng. Rồi có người “tư vấn” cho bà đi nhặt ve chai, bọc nilông ở các chợ, vựa cá trong TP Mỹ Tho. Lúc này Thanh My được khoảng 7 tháng tuổi. Không ngờ cái nghề này cho thu nhập khá hơn đi quét dọn nhà thuê, cũng đủ lo cái ăn cho hai bà cháu. Từ đó bà Phụng bám riết nghề này và bé Thanh My cũng lớn lên từng ngày bên chiếc xe ba gác nhỏ chở ve chai của ngoại Phụng.
12 năm nay, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 18g là hai bà cháu đẩy xe qua chợ Mỹ Tho, nhẫn nại chờ đến khi vắng người thì đi nhặt bọc nilông và những thứ có thể bán được mà người ta vứt trên đường suốt cả ngày. Nhặt xong thì khu chợ đã chìm vào giấc ngủ. Bé My tìm hiên nhà có ánh đèn đường ngồi học bài, còn bà Phụng đẩy xe chở bọc nilông xuống bờ sông Bảo Định gần đó giặt giũ sạch sẽ để hôm sau mang đi bán.
Thấy hai bà cháu cần mẫn nhặt ve chai kiếm sống hết năm này qua tháng nọ, nhiều tiểu thương ở chợ Mỹ Tho góp tiền mua tặng chiếc xe ba gác nhỏ xíu, cũ kỹ để bà Phụng đẩy bé My đi mỗi ngày cho an toàn và cũng để chở được nhiều “chiến lợi phẩm” hơn.
Căn nhà tồi tàn của hai bà cháu lúc nào cũng đóng cửa im ỉm vì nơi tá túc quen thuộc của họ là các mái hiên nhà, mái hiên chợ. Ngày nào cũng vậy, cứ 5g sáng bà Phụng đánh thức bé My rồi đẩy xe đưa cháu đến Trường THCS Học Lạc. Năm nay bé My đã học lớp 6.
Bà Phụng bảo một năm có 365 ngày nhưng hai bà cháu chỉ ở nhà trọn vẹn đúng một ngày, đó là đêm giao thừa. Mồng 1 tết hai bà cháu đã ra đường nhặt bọc nilông rồi trầm mình dưới sông lúc nửa đêm để giặt.
Có lẽ đã thành thói quen nên dù mưa gió lạnh đến cỡ nào bé My cũng ngủ rất ngon giữa mớ chăn màn tạm bợ ở “khách sạn ngàn sao”. Ngồi nhìn đứa cháu ngủ co ro bên góc đường một đêm đầu tháng 11-2013, bà Phụng không kìm được nước mắt: “Biết nó không phải con cháu mình đó nhưng nuôi có mấy ngày là mến tay mến chân rồi. Giờ tui già không làm gì được, ráng lượm ve chai kiếm sống và lo cho nó tới đâu hay tới đó. Chỉ mong sống thêm ít năm dành dụm tiền để sau này nó tự lo, tự sống và học hành nên người để khỏi ai khinh”.
THÚY HẰNG