23/01/2025

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải trở về với Ngài. Hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: “Ngày hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu.

 Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải

 

 

Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải trở về với Ngài. Hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: “Ngày hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 3-11-2013. 

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:


Anh chị em thân mến, trang Tin Mừng của Thánh Luca Chúa Nhật hôm nay cho thấy Chúa Giêsu vào thành Giêricô trên con đường đi về Giêrusalem. Đây là chặng cuối cùng của một chuyến đi tóm tắt ý nghĩa toàn cuộc sống của Chúa Giêsu, được tận hiến cho việc tìm kiếm và cứu rỗi các con chiên lạc của nhà Israel. Nhưng con đường càng đến gần đích điểm bao nhiêu, thì chung quanh Chúa Giêsu chiếc vòng thù nghịch lại càng thắt chặt bấy nhiêu.

Ấy thế mà tại Giêricô xảy ra một trong các biến cố tươi vui nhất được Thánh sử Luca kể lại: đó là sự hoán cải của ông Giakêu. Người này là một con chiên đã bị hư mất, bị khinh bỉ và “dứt phép thông công”, bởi vì ông ta là một người thu thuế, còn hơn thế nữa, là thủ lãnh những người thu thuế trong thành phố, bạn của các người Roma xâm lăng, là một tay trộm cướp và là một kẻ khai thác bóc lột.

Bị ngăn cản tới gần Chúa Giêsu, có lẽ vì tiếng xấu của ông, và cũng vì thân hình thấp bé của mình, ông Giakêu trèo lên một cái cây, để có thể trông thấy vị Thầy đi ngang qua. Tuy nhiên, cử chỉ bề ngoài hơi tức cười này diễn tả hành động bên trong của người tìm lên cao hơn đám đông để có một tiếp xúc với Chúa Giêsu. Chính ông Giakêu cũng không biết ý nghĩa sây xa cử chỉ này của mình; ông không biết tại sao mình có cử chỉ ấy nhưng ông làm nó; ông cũng chẳng dám hy vọng là có thể vượt thắng được khoảng cách giữa ông và Chúa Giêsu, nên ông chỉ bằng lòng với việc trông thấy Người đi ngang qua thôi. Nhưng Chúa Giêsu khi tới gần cây đó, gọi tên ông: “Giakêu, hãy xuống ngay, bởi vì hôm nay tôi phải dừng lại trong nhà ông.” (Lc 19,5). 

Đức Thánh Cha giải thích cử chỉ này của Chúa Giêsu:

Con người có thân mình nhỏ thó đó, bị tất cả mọi người khước từ, và cách xa Chúa Giêsu, như mất hút trong đám đông vô danh, nhưng Chúa Giêsu gọi ông, và tên Giakêu trong tiếng thời đó có một ý nghĩa đẹp tràn đầy các ám chỉ. Thật thế Giakêu có nghĩa là “Thiên Chúa nhớ tới”.

Và Chúa Giêsu đến nhà ông Giakêu, khiến cho tất cả mọi người thành Giêricô chỉ trích, bởi vì thời đó người ta cũng bép xép lắm, và người ta nói: “Mà làm sao thế? Với biết bao nhiều người tốt lành trong thành phố mà ông ấy lại ở nhà cái tên thu thuế ấy? Phải, bởi vì ông ta đã bị hư mất rồi, và Chúa Giêsu nói: “Hôm nay ơn cứu rỗi đã đến cho nhà này, bởi vì cả ông ta cũng là con cái tổ phụ Abraham.” (Lc 19,9). Từ ngày đó, niềm vui bước vào trong nhà ông Giakêu, hoà bình, ơn cứu độ và Chúa Giêsu bước vào nhà ông.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha mạnh mẽ khẳng định ý muốn cứu độ của Thiên Chúa đối với con người:

Không có nghề nghiệp nào, không có điều kiện xã hội nào, không có lỗi lầm hay tội phạm thuộc bất cứ loại nào có thể xoá bỏ khỏi ký ức và con tim của Thiên Chúa một người trong các con cái Ngài. Thiên Chúa luôn nhớ, Ngài không quên bất cứ ai Ngài đã tạo dựng. Ngài là cha, luôn luôn tỉnh thức và yêu thương đợi chờ trông thấy tái sinh nơi con tim của người con ước muốn trở về nhà. Và khi Ngài nhận ra ước muốn đó, cả khi nó chỉ đơn sơ được nhắc, và biết bao lần nó hầu như vô thức, thì ngay lập tức Ngài ở bên cạnh, và với ơn tha thứ của Ngài Ngài khiến cho con đường hoán cải và trở về của ông được nhẹ nhàng hơn. Hôm nay, chúng ta hãy nhìn ông Giakêu trên cây, cử chỉ của ông là một cử chỉ nực cười, nhưng là một cử chỉ của ơn cứu rỗi. Và tôi nói với bạn, nếu bạn có một gánh nặng trên lương tâm, nếu bạn xấu hổ vì biết bao điều đã phạm, hãy dừng lại một chút, đừng hoảng sợ. Hãy nghĩ tới một người nào đó đang chờ đợi bạn, bởi vì Người không ngừng nhớ tới bạn, và người nào đó là chính là Chúa Cha, là Thiên Chúa, là Đấng chờ đợi bạn. Hãy làm như ông Giakêu, hãy trèo lên cây của sự ước muốn được tha thứ, tôi bảo đảm với bạn rằng bạn sẽ không thất vọng. Chúa Giêsu thương xót và Ngài không bao giờ mệt mỏi tha thứ! Hãy nhớ kỹ điều ấy! Chúa Giêsu là như thế.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta! Trong sâu thẳm của con tim chúng ta hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: “Ngày hôm nay Ta phải dừng lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể thay đổi chúng ta, biến con tim bằng đá của chúng ta trở thành con tim bằng thịt, Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một qùa tặng của tình yêu. Chúa Giêsu có thể làm đều đó, hãy để Chúa Giêsu nhìn bạn.

Trước khi chào nhiều nhóm tín hữu khác nhau Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.