Hoa vẫn nở trên những niềm đau
Cái chết được báo trước luôn là một sự khủng khiếp, và người dám đối diện với nó mà không tuyệt vọng buông xuôi thật là hiếm hoi. Cô giáo dạy văn những năm cấp III của tôi – cô Nguyễn Thị Hoàn, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang) – là một sự hiếm hoi ấy.
Hoa vẫn nở trên những niềm đau
Cô Hoàn trong giờ giảng văn cho lớp 12A3 Trường THPT Mỏ Trạng tháng 9-2013 – Ảnh: N.Tùng
Tôi đến khu tập thể giáo viên của trường tìm thăm cô sau gần chục năm ra trường. Dù là học sinh cũ nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đằm thắm, đầy nữ tính của cô bao năm vẫn vẹn nguyên dịu hiền. Càng bất ngờ hơn, khi kể về câu chuyện đời mình, ánh mắt cô bình thản như thể chưa từng trải qua những cay đắng ấy. Thật tình những năm mới chập chững bước vào cấp III, tôi nghe nhiều lời bàn tán về cô của những anh chị khóa trước, của người dân quanh trường, người ta gọi cô là Hoàn “siđa”, Hoàn “ết”… mà đến hôm nay tôi mới hiểu hết nguồn căn của những “biệt danh” ấy.
Phận hồng nhan
Sinh ra và lớn lên ở Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang), từ nhỏ cô Hoàn đã rất thích học văn. Rồi niềm đam mê ấy đã đưa cô nữ sinh xinh đẹp đến giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Ra trường với tấm bằng loại ưu, năm 2000 cô được phân công giảng dạy tại Trường THPT Mỏ Trạng. Ở vùng núi xa xôi này, cái khó nghèo cứ đeo đẳng người dân. Học sinh buổi đi học, buổi theo mẹ lên nương khiến lớp học luôn trống trải. Lại không được bên cạnh bố mẹ nên với một cô giáo trẻ miền xuôi như cô Hoàn, đó là một nỗi buồn khó tả. Nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ và cái duyên tình với bảng đen phấn trắng đã giúp cô vượt qua gian khó ban đầu.
Cũng bởi xinh đẹp, dịu dàng lại tâm huyết với nghề nên cô được nhiều thầy đồng nghiệp trong trường đem lòng yêu thương, nhưng cô đều khéo léo từ chối. Năm 2002 khi ổn định công việc, cô mới nhận lời kết duyên với chàng trai làm nghề sửa xe, hạnh phúc được nhân đôi khi cuối năm ấy sẽ là ngày vợ chồng cô đón đứa con đầu lòng. Nhưng từ đây lại mở ra tấn bi kịch chẳng thể ngờ. Giữa lúc tràn ngập yêu thương, cô phát hiện chồng mình mắc nghiện. Dù rất thất vọng, cô vẫn cương quyết dồn số tiền tích cóp cho ngày ở cữ để đưa chồng đi cai nghiện. Bởi cô thấu hiểu bi kịch mà “nàng tiên nâu” gieo rắc luôn là nỗi kinh hoàng cho mọi nhà, người em trai út của cô vì theo bạn xấu tiêm chích heroin, lúc ấy bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, chẳng sống được bao lâu. Ngày mang cái bụng vượt mặt, cô vẫn một mình xoay xở vừa chăm chồng, chăm em, vừa đợi sinh con mà vẫn không quên nhiệm vụ trên bục giảng.
Bao cố gắng ấy tưởng chừng sẽ hàn gắn lại hạnh phúc, nào ngờ một tháng sau khi hạ sinh, cô được bác sĩ thông báo đứa con đã bị nhiễm HIV do cô lây từ chồng. Đúng là hồng nhan bạc phận, cầm tờ giấy xét nghiệm mà như đối mặt với “bản án tử hình”. Nhưng với một bản lĩnh trời ban mà ít người có được, cô vẫn cố gượng dậy động viên chồng gắng sống để nuôi con và vớt vát những ngày tháng còn lại. Nhưng đớn đau thay, mấy tháng sau đứa con gái bất hạnh không qua khỏi, còn chồng cô thì tái nghiện.
“Đừng trốn chạy để sống mòn“
Đầu hè năm 2005, khi vừa vun xong nấm mồ cho người em xấu số, cô lại phải vĩnh biệt chồng sau chuỗi ngày sống trong bạo bệnh. Cô trở thành góa phụ ở tuổi 25. Từng nhiều lần nghĩ đến cái chết để chấm dứt mọi nghiệt ngã, nhưng những trang giáo án dang dở với bao ánh mắt học trò, sự động viên của gia đình và cảm thông của đồng nghiệp đã kéo cô đứng dậy.
Hơn chục năm chống chọi với bệnh tật cũng là ngần ấy thời gian cô Hoàn luôn dẫn đầu trong công tác giảng dạy của trường. Nhờ tận tâm truyền thụ kiến thức, các đội học sinh giỏi do cô phụ trách liên tục đoạt giải cao. Trong nhiều năm liền, cô liên tục đạt được các danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… Với tôi, để bước vào nghề viết như hôm nay, tôi vẫn thầm cảm ơn những bài văn say đắm, giọng giảng trầm ấm của cô.
Cô Hoàn bảo cuộc đời đã ban cho mình nhìn thấy ánh dương, như thế cũng đã là may mắn rồi, sống chết dẫu sao cũng do tạo hóa. Máu tim ai cũng đỏ, cuộc sống nào cũng đáng quý, nên cuộc đời dù tròn méo, khổ đau ra sao thì cũng nên chấp nhận. Nhiều bệnh nhân “có H” như cô Hoàn luôn tìm cách lẩn tránh xã hội, nhưng với cô thì khác.
“Vượt qua mặc cảm và đưa mình ra cùng thực tại chứ đừng trốn chạy để sống mòn là điều cần làm nhất của những người có HIV” – cô chia sẻ. Cô khoe năm 2011 cô là bệnh nhân HIV duy nhất trong ngành giáo dục tham dự và trình bày tham luận tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện quyết định của Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, được nhiều đại biểu, phóng viên cảm phục. Ngoài ra, cô còn thường xuyên được mời dự những hội thảo chống kỳ thị người nhiễm HIV, phổ biến tuyên truyền phòng chống AIDS ở địa phương…
“Nghị lực phi thường của cô Hoàn là tấm gương cho tập thể giáo viên và học sinh nhà trường noi theo. Từ đó, trong xã hội sẽ có những cái nhìn đúng hơn về người có HIV, đặc biệt là trong ngành giáo dục” – thầy Mạc Văn Khanh, hiệu trưởng nhà trường, nói về cô Hoàn như vậy.
Tìm nguôi ngoai trong công việc Cuộc đời thật khéo vẽ nên những điều huyễn hoặc đến lạ kỳ. Hơn chục năm nay mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cô vẫn như nhành hoa bất tử, bão tố cuộc đời không thể làm cho hương sắc nhạt phai. Cảm phục, mến mộ cô giáo trẻ đáng thương, không may vướng vào hoàn cảnh éo le, không ít người cùng cảnh ngộ ngỏ lời muốn cùng cô bầu bạn cho bớt quạnh hiu những ngày chống chọi với bệnh tật nhưng cô đều từ chối. Bởi hơn ai hết cô hiểu nỗi đau mình đang gánh chịu không dễ gì dung hòa và quan trọng hơn, cô muốn dành thời gian cho công việc để lòng nguôi ngoai. |
NGUYỄN NGỌC TÙNG