12/01/2025

Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không?

Bàn về tôn giáo trong hoạt động kinh doanh có vẻ như hơi lạc điệu và ngược đời! Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn hoạt động kinh doanh là một phần hoạt động của con người toàn diện và chính con người này quyết định buôn bán hàng thật hay hàng giả, làm tốt hay làm dối những dịch vụ cho khách hàng, đối xử tốt hay xấu với những công nhân, nhân viên làm cho mình, đóng góp cho xã hội hay chỉ hưởng thụ cho cá nhân mình, bảo vệ hay tàn phá môi trường sống…, thì chúng ta không thể không chú ý tới yếu tố tôn giáo, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp như hiện nay.

 Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Các bạn thân mến,

Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với cơ quan Misereor (Cộng hoà Liên bang Đức) sẽ tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam tại Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, từ ngày 11-12/11/2013. Viện Triết Học Việt Nam cũng đã mời Lm. Nguyễn Ngọc Sơn tham dự Hội thảo này và viết bài tham luận.  Xin được chia sẻ bài tham luận này với các bạn cùng quan tâm. Chúc các bạn luôn an lành và tràn đầy sự thánh thiện của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu nhân ngày lễ Các Thánh. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Lời mở

Trong Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Thực trạng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam” do Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với cơ quan Misereor (Cộng hoà Liên bang Đức) tổ chức tại Đồ Sơn, TP.Hải Phòng, từ ngày 11-12/11/2013, tôi xin được chia sẻ đôi điều về vấn đề “Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không?”.

Bàn về tôn giáo trong hoạt động kinh doanh có vẻ như hơi lạc điệu và ngược đời! Lạc điệu, vì đây là hội thảo khoa học trong khi tôn giáo lại là một thực thể có những yếu tố vượt ra ngoài khoa học. Ngược đời, vì hoạt động doanh nghiệp là hoạt động bị chi phối bởi yếu tố khách quan của con người nơi trần thế với tiền bạc, tài sản, công nghệ, kỹ thuật, thị trường.. trong khi tôn giáo lại liên quan đến những yếu tố siêu việt, đến lương tâm con người, đến thần thánh và thế giới vô hình là những thứ không thể kiểm nghiệm và kiểm chứng!

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn hoạt động kinh doanh là một phần hoạt động của con người toàn diện và chính con người này quyết định buôn bán hàng thật hay hàng giả, làm tốt hay làm dối những dịch vụ cho khách hàng, đối xử tốt hay xấu với những công nhân, nhân viên làm cho mình, đóng góp cho xã hội hay chỉ hưởng thụ cho cá nhân mình, bảo vệ hay tàn phá môi trường sống…, thì chúng ta không thể không chú ý tới yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp. Nhất là trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái và khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp như hiện nay.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin trình bày đề tài theo mấy ý chính sau đây:

1. Tình trạng suy thoái doanh nghiệp và yếu tố tôn giáo

1.1. Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam

1.2. Tình trạng khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam trong trách nhiệm xã hội

1.3. Nguyên nhân suy thoái: do tình trạng suy thoái về văn hoá và đạo đức của con người Việt Nam trong xã hội

1.4. Sự suy thoái đạo đức bắt nguồn từ suy thoái văn hoá, trong đó có yếu tố tôn giáo

2. Yếu tố tôn giáo trong doanh nghiệp qua trách nhiệm xã hội

2.1. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc

2.2.. Doanh nhân tôn giáo ở Việt Nam 

2.3. Doanh nghiệp Hàn Quốc và yếu tố tôn giáo như 1 thí dụ điển hình

2.4. Những đường hướng đề nghị

Kết luận: Hướng tới một nền văn minh tình yêu.

 1. Tình trạng suy thoái doanh nghiệp và yếu tố tôn giáo

1.1. Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam

Trong phạm vi đề tài, chúng tôi chỉ lưu ý đến một vài số liệu cơ bản về doanh nghiệp (DN) sau đây. Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam loan báo trong cuộc họp ngày 10/9/2013: Việt Nam có 650.000 DN đăng ký thành lập, không bao gồm số DN đã giải thể (x.tapchitaichinh.vn).

Trong cộng đồng DN Việt Nam thì DN nhỏ và vừa là loại hình DN chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế. Theo đó, loại hình DN này đóng vai trò quan trọng nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xoá đói giảm nghèo… Cụ thể, về lao động, hàng năm tạo thêm trên nửa triệu lao động mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP (x.tapchitaichinh.vn).

Cục này cũng cho biết, năm 2011, tổng số DN phải giải thể, ngừng hoạt động là 53.972, tăng 24,8% so với năm 2010. Số DN phải đăng ký tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế là 46.361, tăng 26,6% so với năm 2010 (x. http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/quantri/102352/, Thực ảo số doanh nghiệp Việt Nam, ngày 10/9/2013).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 30/11/2012, cả nước có 48.473 DN giải thể, tạm dừng hoạt động, trong đó 39.936 DN dừng hoạt động và 8.537 DN đã giải thể. Dự báo đến hết ngày 31/12/2012, con số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động trên cả nước trong năm 2012 khoảng 55.000 DN

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng 2013, có 42.459 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động, điều này cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng có 11.299 DN quay trở lại hoạt động  (Theo baodautu.vn ngày 26/9/2013).

1.2. Tình trạng khủng hoảng của doanh nghiệp Việt Nam trong trách nhiệm xã hội

Trong tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam tương đối thấp như cha ông ta vẫn thường nói: “Đói ăn vụng, túng làm càn”.

Đối với con người của chính doanh nghiệp: trách nhiệm xã hội của DN đối với chính những công nhân viên của mình là phải giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyên môn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện làm việc an toàn, tốt đẹp cho sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần, trả lương cân xứng, phát triển tình liên đới giữa các công nhân viên, xây dựng niềm hy vọng làm việc lâu dài nhờ sự bền vững của DN. Nhưng trong thực tế nhiều DN không quan tâm đến trách nhiệm xã hội này: bóc lột sức lao động, không trả lương cân xứng, không ký hợp đồng lao động và  bảo hiểm lao động cho công nhân viên. Công nhân viên phải làm việc trong những điều kiện và môi trường tồi tệ, dơ bẩn, thiếu cả những điều kiện vệ sinh tối thiểu. Một số ít DN còn làm ăn gian dối, chụp giựt, cung cấp những dịch vụ bẩn và đồi truỵ khiến nhân viên bị ảnh hưởng nặng nề về đạo đức nhất là trong các DN kinh doanh những ngành nghề “nhạy cảm” như nhà nghỉ, phòng trọ, khách sạn, quán karaoke, cà phê, bia, rượu, massage, phòng trà, phòng truy cập Internet, hớt tóc, giải phẫu thẩm mỹ. Nhiều DN không nghĩ đến việc làm ăn lâu dài, tạo uy tín với khách hàng bằng cách nâng cao chất lượng mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, kiếm tiền thật nhanh rồi nếu cần giải thể để lập DN khác.

Đối với con người trong xã hội: tức là người tiêu dùng và khách hàng, trách nhiệm xã hội đòi hỏi DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, an toàn, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, những sản phẩm độc hại, hàng giả, hàng nhái tràn lan khắp nơi từ những hàng bún có chất tintoral, hàn the, formol cho đến các nông sản, hải sản đầy chất hoá học, chất tăng trọng độc hại… Xã hội đang kinh hoàng về chuyện dịch vụ làm đẹp nguy hiểm, dịch vụ y tế không an toàn, nhiều người cung cấp dịch vụ y tế đánh mất y đức, gây chết người nhưng lại trốn tránh trách nhiệm. Việc tăng giá xăng, giá điện, phí dịch vụ 3G của các công ty truyền thông bất hợp lý chứng tỏ những DN độc quyền coi thường khách hàng và thiếu trách nhiệm xã hội.

– Đối với đất nước: DN có trách nhiệm phải đóng đủ các khoản thuế nhưng không ít DN tìm nhiều cách để trốn thuế. Nhiều cán bộ thu thuế đã tiếp tay cho các DN này bằng nhiều hình thức tham nhũng khác nhau. Như thế, trách nhiệm xã hội của DN đối với cộng đồng dân tộc không những không chu toàn mà còn làm hại nặng nề đến cộng đồng, vì nếu tận thu được những khoản thuế bất chính đó thì rất nhiều những người nghèo khổ, già yếu, mồ côi, khuyết tật sẽ nhận được những trợ cấp xã hội, không phải sống thiếu thốn và chịu đựng những thiệt thòi như hiện nay. Không ít những người nghèo khổ bị đẩy vào đường cùng phải bán rẻ nhân phẩm như mãi dâm, ma tuý, nghiện ngập số đề, số đuôi, phải lấy chồng nước ngoài, phải tìm mọi cách để đi làm ở nước ngoài trong chương trình xuất khẩu lao động vì mong được “đổi đời” do nền kinh tế suy thoái, thất nghiệp gia tăng.

– Đối với môi trường sống của cộng đồng: DN có trách nhiệm bảo vệ và làm phát triển môi trường sinh thái nhưng nhiều DN ở Việt Nam không có các hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải độc hại mà lại lén đổ trực tiếp ra các sông ngòi, hồ ao, đồng vắng, hoặc chôn giấu sơ sài trong những khu đất trống hoặc xả khí khói vào ban đêm ngay trong các khu dân cư gây nguy hại nặng nề cho sức khoẻ của dân chúng và tàn phá môi trường sống. Hàng trăm đập thuỷ điện vừa và nhỏ tàn phá những cánh rừng nguyên sinh, gây lũ lụt nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nặng nề cho sinh mạng, nhà cửa, ruộng vườn của đồng bào trong mấy năm gần đây phát xuất từ việc thiếu kế hoạch tổng quát và đồng bộ của chính quyền cũng như từ lòng tham lợi của những cá nhân và tập đoàn, nhóm lợi ích.

1.3. Nguyên nhân suy thoái là tình trạng suy thoái về văn hoá và đạo đức của con người Việt Nam trong xã hội

Tình trạng suy thoái trách nhiệm xã hội của các DN có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền các cấp, do đồng vốn bị hạn chế, nguyên liệu khan hiếm, đồng tiền mất giá, công nợ phải trả, kỹ thuật sản xuất yếu kém, lực lượng lao động không được đào tạo chuyên môn… Tuy nhiên, nếu người ta hiểu rằng tất cả mọi hoạt động DN bắt nguồn từ chính con người và quy hướng về con người thì chúng ta phải nhận ra rằng tất cả sự suy thoái của nền kinh tế, và cụ thể là DN, là do chính con người Việt Nam đã bị suy thoái trầm trọng.

Thật vậy, khi con người chỉ biết có vật chất, đề cao vật chất như “một thứ Thần Tài” có thể giải quyết mọi khó khăn, thì sự suy đồi về luân lý và đạo đức chắc chắn sẽ xảy ra, đúng như lời nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 29/7/2013 tại Trụ sở Chính phủ trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138: “Sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất tầm thường, ý thức kém, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân… là những vấn đề đáng lo ngại”. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tội phạm hình sự xảy ra 28.482 vụ, tội phạm về bảo vệ môi trường 6.300 vụ, phát hiện bắt giữ trên 10.000 vụ tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma tuý. Theo kết quả điều tra ban đầu, một số nơi có hoạt động của các băng nhóm tội phạm, có sự bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh của cán bộ, chính quyền cơ sở (x. Báo Thanh Niên, ngày 4/8/2013).

Theo sự đánh giá của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết tại Hội nghị Tổng kết 15 năm Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 về xây dựng và phát triển nền văn hoá VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2013: “Đáng tiếc là sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của Nghị Quyết 5”… “Từ công dân bình thường đến trí thức cấp cao, mỗi khi có việc với chính quyền đều phải xin xỏ, chạy vạy. Quen mãi với vị thế gãi đầu, gãi tai, ăn xó mó niêu, con người khó trở thành những người đàng hoàng. Càng khó trở thành những người có văn hoá và có năng lực sáng tạo văn hoá” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages /20130809 /xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).

GS-TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, nói: “Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức xuống cấp, thậm chí có thể nói là bị một thương tổn rất nặng nề. Xuất hiện gia tăng đáng lo ngại về tội phạm, tệ nạn, thậm chí những hành động rất xa lạ với nhân tính… Sự không gương mẫu của người lớn từ gia đình, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả lãnh đạo, dẫn đến nhiều biểu hiện đáng lo ngại về khủng hoảng niềm tin… Cảm quan chung từ nhiều năm nay là xã hội đang có vấn đề về đạo đức. Phải đặt lên đầu giải pháp đạo đức, thực hành đạo đức trong toàn Đảng, toàn dân, trong các tổ chức công quyền, trong đoàn thể…

(x.http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát biểu tại hội nghị này: “Đạo đức-lối sống-nhân cách-văn hoá của người VN chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ nhà trường, gia đình, từ sự tự giác, giữ gìn xây dựng của mỗi con người. Sự tha hoá, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hoá ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội, mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá VN. Theo tôi, đây là nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).

Sự suy thoái đạo đức gây nên những hậu quả vô cùng tai hại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá vì văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nếu người ta công nhận chức năng thẩm mỹ của văn hoá (x. Lê Văn Chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr.24) là chức năng tối thượng của văn hoá hướng con người tới Chân Thiện Mỹ thì một khi loại bỏ tôn giáo như giá trị của cái đúng, cái thiện và cái đẹp, con người sẽ tìm đến những cái giả dối, tàn ác, xấu xa như ta thấy đang xuất hiện trong cộng đồng xã hội hiện nay.

Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, lương thực, nông sản, thuỷ sản chứa dư lượng các hoá chất nguy hiểm cho sự sống hầu như phổ biến khắp nơi do ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Tệ nạn này có thể dẫn cả dân tộc suy yếu về sức khoẻ, bị đủ loại bệnh tật có thể dẫn đến diệt vong. Các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massge trá hình, mãi dâm nhan nhản khắp các thành phố, trị trấn, quận huyện như tạo điều kiện cho con người ăn chơi sa đoạ về đạo đức, tinh thần.

1.4. Sự suy thoái đạo đức bắt nguồn từ suy thoái văn hoá, trong đó có yếu tố tôn giáo

Chúng ta vừa nói đến lời nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nhà xã hội học về tình trạng suy thoái đạo đức và nhận thức đó là “nguy cơ của mọi nguy cơ” có thể làm sụp đổ tương lai tươi sáng của dân tộc, thậm chí có thể đưa dân tộc vào con đường nô lệ, diệt vong.

Tất cả những ai yêu mến quê hương đều đặt một câu hỏi quan trọng: “Làm sao vực dậy được nền đạo đức dân tộc đang suy thoái trầm trọng này?”. Chính quyền và các nhà xã hội, giáo dục đã xác nhận tình trạng suy thoái đạo đức của dân tộc Việt, nhưng cần phải can đảm chỉ rõ nguyên nhân và đề ra những biện pháp, kế hoạch để vực dậy nền đạo đức này mới là những việc cần làm.

Chính quyền cũng đã quan tâm đến vấn đề này từ nhiều năm nay. Nhà nước đã giao cho Viện Khoa học Xã hội VN nghiên cứu một chương trình trọng điểm cấp Nhà Nước giai đoạn 2006-2010 là: “Xây dựng con người và phát triển văn hoá VN trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm chương trình: GSTS. Dương Phú Hiệp. Mã số: KX.03/06-10. Viện Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội VN cũng đã tham gia nghiên cứu chương trình này với đề tài: “Đặc điểm tư duy và lối sống của con người VN hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà. Mã số: 03.07/06-10.

Như chúng ta đã tìm hiểu về cấu trúc tâm lý xã hội của người VN qua các giai đoạn lịch sử tạo thành bản sắc người Việt và ảnh hưởng của tôn giáo vào bản sắc này, thì trước sự suy thoái đạo đức hiện nay, có lẽ chúng ta cũng phải xây dựng bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới. Thật vậy, những vấn đề xã hội chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu chúng ta tìm ra những nguyên nhân sâu xa khiến cho nhiều người VN chia rẽ, lãnh đạm và ngại ngùng cho công việc chung cũng như chỉ đi tìm lợi ích riêng, đồng thời tìm ra được đường hướng sửa chữa những khuyết điểm đó.

Người Việt chúng ta từ mấy ngàn năm qua đã tin vào Trời như một chủ thể linh thiêng điều khiển muôn loài và nhìn thấu lương tri con người để thưởng phạt công minh cho mọi hành động tốt xấu. Lòng tin này là bản sắc văn hoá của dân tộc Việt sẽ vực dậy nền luân lý suy đồi hiện nay nếu mọi người chúng ta, nhất là chính quyền, cổ vũ cho việc đào tạo bản sắc này. Đây không phải là chúng ta cổ vũ cho những gì mê tín, dị đoan mà một số tôn giáo có thể còn khuyến khích nơi các tín đồ của mình, nhưng là cổ vũ cho những giá trị chân thiện mỹ ăn sâu trong tâm hồn con người.

Nếu văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một giai đoạn nhất định của lịch sử thì hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang dạy dỗ, cổ vũ các tín đồ của mình sống tốt đẹp, “ăn ngay ở lành”, tránh xa các điều gian ác, chịu trách nhiệm trước lương tâm ngay chính của mình chứ không phải chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các tôn giáo dùng những lời kinh, nghi lễ, giới luật, hành động khắc kỷ, hoạt động từ thiện, hoạt động đoàn thể cho từng giới nhằm thôi thúc các tín đồ sống theo các giá trị chân thiện mỹ để đạt được sự cứu độ, sự giải thoát siêu nhiên, hạnh phúc vĩnh hằng thay vì tìm lợi lộc ích kỷ và hạnh phúc chóng qua. Như thế là các tôn giáo đang cộng tác rất tích cực vào việc xây dựng nét văn hoá mới cho người Việt Nam.

Con đường hình thành nên nét văn hoá mới cũng phải bắt đầu từ việc gây ý thức xã hội, rồi tạo nên những thói quen mới cho tập thể và sau một vài thế hệ những yếu tố tốt đẹp ấy mới hình thành nên bản sắc dân tộc. Đây cũng là điều các tôn giáo đang thực hiện cho tín đồ của mình nhờ những kinh đọc hằng ngày, việc đi dự thánh lễ hằng tuần của người Công giáo, Tin Lành hay cầu lễ nơi đình chùa, thánh thất hằng tháng của tín đồ Phật giáo. Những công việc này đúng ra nên được sự giúp đỡ và cộng tác chặt chẽ của chính quyền các cấp, phối hợp với các nhà tâm lý, khoa học, giáo dục, xã hội cũng như các văn nghệ sĩ, những nhà truyền thông xã hội để thành những tấm men vực dậy nền đạo đức của cả dân tộc.

Tuy nhiên, chúng ta phải thú nhận rằng nhận thức về tôn giáo như một nét văn hoá chưa được nhiều thành phần trong xã hội nhận ra cũng như giá trị và những đóng góp của tôn giáo vào đời sống xã hội chưa được chấp nhận. Giai đoạn khó khăn cho tất cả các tôn giáo bắt đầu từ năm 1954 ở miền Bắc và từ 1975 ở miền Nam đến nay. Nếu như trước đây, người VN tin vào Trời – Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám, thì giờ đây, những bài học trong các sách giáo khoa, trong các buổi học chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bài bác chủ nghĩa duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 60 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tôn giáo ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng của đạo đức xã hội, thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng!

Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (“Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời. Như thế, suy cho cùng thì sự có mặt của các tôn giáo rất cần thiết cho xã hội. Một số ít người đã nhận ra điều ấy và đang cổ vũ cho những lễ hội dân gian hoặc tham gia các lễ nghi tôn giáo. Nhưng nhiều người VN hiện nay chưa ý thức được điều này.

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao xây dựng một nền đạo đức xã hội tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi người thay vì mất nhiều sức lực cho những tranh cãi duy tâm – duy vật hoặc vô thần – hữu thần, đồng thời làm sao cho tín đồ của các tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc trong hoàn cảnh hiện nay.

 2. Yếu tố tôn giáo trong việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

2.1. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc và doanh nghiệp

Trước hết chúng ta tìm hiểu về thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc từ đó suy ra số lượng các DN được điều hành bởi các doanh nhân tôn giáo.

Theo Thống kê của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam thực hiện ngày 01/4/2009, dân tộc VN có 13 tôn giáo với số tín đồ như sau:

STT

Tôn giáo

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Tỷ lệ % so với dân số

1

Phật giáo

6.802.318

2.988.666

3.813.652

7,92%

2

Công giáo

5.677.086

1.776.694

3.900.392

6,61%

3

Hoà Hảo

1.433.252

291.196

1.142.056

1,66%

4

Hồi giáo

75.268

9.997

65.271

0,08%

5

Cao Đài

807.915

182.414

625.501

0,94%

6

Minh Sư đạo

709

408

301

 

7

Minh Lý đạo

366

123

243

 

8

Tin Lành

734.168

93.241

640.927

0,85%

9

Tịnh độ Cư sĩ Phật hội VN

11.093

2.313

8.780

 

10

Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa

41.280

17.580

23.700

 

11

Bửu Sơn Kỳ Hương

10.824

414

10.410

 

12

Ba Ha’i

731

405

326

 

13

Bà La Môn

56.427

10.375

46.052

 

14

Không xác định tôn giáo

30

6

24

 

 

Toàn quốc

15.651.467

5.373.832

10.277.635

18,23%

 

Như thế, số người theo tôn giáo cả nước chỉ chiếm 18,23% dân số gồm 15.651.467 người trên tổng dân số 85.846.997 tính vào thời điểm 1/4/2009. Trong số 13 tôn giáo, chúng ta thấy có Phật giáo chiếm 7,92%, Công giáo 6,61%, Hoà Hảo 1,66%, Cao Đài 0,94% và Tin Lành 0,85%. Các tôn giáo còn lại có số tín đồ rất ít. Có hơn 81% dân số đã kê khai không tôn giáo. Chỉ có 30 người không kê khai rõ ràng tôn giáo của mình (x. Ban Chỉ Đạo Tổng Điều tra Dân số, Kết quả Toàn bộ, NXB Thống Kê, Hà Nội 2010, tr. 281).

Trong số người khai “không tôn giáo”, có thể có một số đảng viên Đảng Cộng Sản,  chừng vài triệu người, chọn lựa thái độ “vô thần” rõ rệt của mình đối với tôn giáo. Còn đại đa số trong 81% dân số này, dù không khai là đang theo một tôn giáo cụ thể nào, nhưng lại có một niềm tin mãnh liệt, mà người ta gọi là tín ngưỡng, có khi nói là mình theo “đạo tổ tiên, ông bà”. Chúng ta ghi nhận rằng trong tờ khai Điều tra dân số 2009 về tôn giáo không có mục “Đạo tổ tiên ông bà” hay “Vô thần”. Số người “không tôn giáo” này, gồm cả những đảng viên Cộng sản, vào những ngày lễ, Tết, đầu tháng hay giữa tháng Âm lịch, cũng có thể đi đền chùa, khiến người ta lầm tưởng họ theo Phật giáo. Nếu hỏi họ có phải là vô thần không thì nhiều người thú nhận là “không”.

Ta cũng nên lưu ý: nếu chỉ căn cứ vào số liệu thống kê này, người ta có thể đánh giá thấp vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội vì ảnh hưởng chưa tới 20% dân số.

Thật ra, người VN có một lòng đạo đức sâu xa, hầu hết tin vào một Đấng Tối Cao, Đấng linh thiêng gọi là Trời, ông Trời, Chúa Trời, ông Thiên, Đức Thánh Alah, Đức Cao Đài… Đấng linh thiêng ấy là nền tảng cho đạo lý con người, giúp họ sống công minh, chính trực, ăn ở nhân nghĩa với nhau. Trong văn chương cũng như trong thực tế hằng ngày, nhiều người dân VN vẫn tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, “lưới Trời lồng lộng”, “duyên Trời xe định”… Các trẻ em vẫn còn hát những bài đồng dao như:

Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp…

Để bảo vệ nền đạo đức dân tộc và gìn giữ  bản sắc văn hoá của dân tộc, chúng ta cần phải để ý đến con người VN – nhất là những người trẻ trong xã hội hiện nay – đang được giáo dục như thế nào về niềm tin này. Sự suy thoái đạo đức và văn hoá hiện nay cũng phản ánh một nền giáo dục kém chất lượng mà cả xã hội quan tâm bàn đến rất nhiều trong thời gian vừa qua. Những bộ sách giáo khoa trong mấy chục năm gần đây, nhất là từ năm 1954 ở ngoài miền Bắc và 1975 trên toàn quốc VN, không còn những bài học đạo đức để cổ vũ cho niềm tin vào Đấng Linh Thiêng, trong khi chính niềm tin vào Đấng Linh Thiêng này đã giữ cho dân tộc VN tồn tại và phát triển trong suốt dòng lịch sử dân tộc.

2.2. Doanh nhân tôn giáo ở Việt Nam 

Dù DN không công khai ý hướng tôn giáo trong hoạt động của mình, nhưng thực tế lại cho chúng ta thấy nhiều doanh nhân hoạt động theo tôn chỉ của tôn giáo họ theo và những DN này đã thực hiện trách nhiệm xã hội rất tốt. Dĩ nhiên không phải tất cả các doanh nhân có tôn giáo đều đem tôn chỉ tôn giáo vào trong hoạt động DN, nhưng khi các doanh nhân này ý thức về tín ngưỡng hay tôn giáo họ theo thì họ đều đem lại những nét tốt đẹp như công bằng, nhân ái, liêm chính trong hoạt động DN của mình, không phải vì những huy chương hay phần thưởng của bất cứ một tổ chức nào.

Nếu quan sát bên ngoài chúng ta cũng có thể suy đoán yếu tố tôn giáo của DN qua tên gọi, logo, bảng hiệu, màu sắc, cách bố trí cơ sở, cách trang trí nội thất trong các cơ sở ấy, những hoạt động xã hội và từ thiện của DN.

Trước hết, tên gọi của một số DN như “ngầm” giới thiệu hay nhắc nhở khách hàng về tôn giáo như một sự bảo đảm chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ. Thí dụ nhiều DN lấy tên thương hiệu như: Tôn Hoa Sen, Bệnh viện Vạn Hạnh, Nha khoa Vạn Hạnh, cơ sở Giác Ngộ, Giác Trí, Pháp Hoa, Vô Thường, Vô Lượng, Huệ Tâm, Huệ Nhãn… là của doanh nhân Phật giáo. Hay những DN mang tên như Bệnh viện Thánh Mẫu, Phòng khám Thiên An, Thiên Phước, Thiên Bình, các cơ sở Mai Tâm, Mai Khôi, Mai Hoà, Hồng ân, Hồng Phúc… là của các doanh nhân Công giáo. Nếu xem thêm các logo, bảng hiệu, ta còn thấy thêm những hình ảnh của Đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm, toà sen, Vòng bánh xe luân hồi, màu cờ nhiều sắc… của Phật Giáo hoặc Hình Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, thập giá, hoa hồng… của Công giáo hay cuốn Thánh Kinh mở ra của Tin Lành…

Trong các cơ sở sản xuất hay dịch vụ, người ta thấy có treo hình, đặt tượng tôn giáo. Có DN còn có phòng cầu nguyện dành cho công nhân viên, đặt những phút tịnh tâm trong giờ làm việc đầu ngày hay đầu buổi. Nhiều hoạt động mang tính cách tôn giáo được tổ chức cho công nhân viên như học hỏi giáo lý về cung cách làm việc, sản xuất giúp cho họ ý thức rằng mình làm việc không phải vì lợi nhuận nhất thời nhưng để tôn vinh Đấng Thiêng Liêng cũng như mưu ích cho toàn thể gia đình dân tộc và nhân loại nên có giá trị vĩnh hằng.

Người công nhân viên có ý thức tôn giáo sẽ tự nguyện làm việc với tinh thần trách nhiệm cao độ, tình nguyện làm những công việc khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng đóng góp những lợi nhuận cho các công cuộc xã hội, từ thiện. Trong những doanh nghiệp ấy, người ta thấy có tinh thần đoàn kết, chia sẻ và yêu thương giữa các công nhân viên cũng như với ban giám đốc điều hành hơn những doanh nghiệp khác. Đây không phải là giới chủ dùng tôn giáo để khai thác, bóc lột giới thợ thuyền của vài thế kỷ trước, vào thời của Karl Marx (1818-1883), Friedrich Engels (1820-1895), nhưng là sự tự nguyện của mọi người trong doanh nghiệp khi ý thức được hoạt động doanh nghiệp của mình có giá trị tôn giáo.

Các tổ chức đoàn thể tôn giáo dành cho các doanh nhân đã có mặt hầu như khắp miền đất nước và công khai trên những phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là 3 tôn giáo lớn: Công giáo, Tin Lành, Phật giáo.

Doanh nhân Công giáo là tổ chức đoàn thể có mặt tại hầu hết 26 giáo phận ở Việt Nam, trong đó hoạt động mạnh nhất ở TP.HCM với khoảng 300 doanh nhân ghi danh tham dự. Đoàn thể này ở TP.HCM được thành lập vào năm 2003. Các thành viên họp nhau hằng tháng để học hỏi về những đề tài có liên quan đến đời sống doanh nghiệp, giúp đỡ nhau trong các hoạt động kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp. Họ thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội như hỗ trợ học bổng cho 200 sinh viên nghèo hằng năm không phân biệt tôn giáo từ 8 năm qua, đồng hành với các chương trình bác ái của Tổng giáo phận TP.HCM, chăm sóc các bệnh nhân nghèo, những người cơ nhỡ, dạy các lớp học buổi tối cho các người lao động nhập cư, giúp đỡ các mái ấm của những em cô nhi, mồ côi, khuyết tật, người nhiễm HIV, mái ấm bảo vệ sự sống cho các bà mẹ đơn thân, cộng tác với đoàn bác sĩ Công giáo khám bệnh thường xuyên cho đồng bào vùng sâu, vùng xa…Đặc biệt là họ có cả một tập sách “Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo” do Giáo hội Công giáo phổ biến để hướng dẫn họ rất đầy đủ về các hoạt động trong lĩnh vực xã hội như con người và nhân quyền, gia đình, lao động, kinh tế, xã hội dân sự, cộng đồng quốc tế, bảo vệ môi trường, cổ vũ hoà bình.

Doanh nhân Phật tử cũng có những bài học thiết thực để áp dụng trong hoạt động kinh doanh. Hoà thượng Thích Trí Quảng đã giảng dạy các doanh nhân: “Từ hàng ngàn năm trước, với tuệ giác của Đức Thế Tôn, Ngài đã nhận thấy vai trò quan trọng của doanh nhân trong việc phát triển xã hội, nên Ngài đã đưa ra những lời răn dạy rất thiết thực và hữu ích cho giới này trong việc buôn bán. Theo Phật, một doanh nhân phải làm ăn chân chính để đem lại đời sống vật chất đầy đủ cho gia đình và đóng góp vào sự thịnh vượng cho xã hội. Ngoài ra, họ phải biết phân biệt phải trái, thiện ác, hoạ phúc. Vì vậy, để làm giàu một cách chân chính, doanh nhân cần phải tuân thủ pháp luật, thể hiện các nguyên tắc đạo đức mà điển hình là đức tính chân thật, quảng cáo hàng mẫu như thế nào thì hàng bán ra phải có chất lượng đúng tiêu chuẩn như vậy, hay tốt hơn mới giữ được uy tín của mình và con cháu sau này. Có thể khẳng định rằng kinh doanh theo Phật giáo không chỉ nghĩ đến hiện tại mà còn nghĩ đến lợi ích lâu dài cho những thế hệ kế tiếp, cho nên không bao giờ được phép lừa dối, hay khai thác bừa bãi. Ngoài ra, doanh nhân Phật tử phải biết chia sẻ những thành quả gặt hái được với những người đồng sự và giúp đỡ những người kém may mắn cũng như đóng góp những lợi ích cho an sinh xã hội.

Ngày nay trong bối cảnh đầy biến động về thị trường, giá cả, cạnh tranh khốc liệt thường được diễn tả rằng thương trường là chiến trường, thế giới mới gióng lên hồi chuông báo động đỏ đối với các loại tội phạm kinh tế. Trong khi Đức Thế Tôn từ hàng ngàn năm trước, với tầm nhìn sáng suốt hoàn hảo, Ngài đã răn dạy cư sĩ Phật tử không được phạm các tội cực kỳ nguy hiểm, đó là không được buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu và buôn bán thuốc độc” (Tăng chi bộ II, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.646) – (Nguồn: giacngo.vn).

2.3. Doanh nghiệp Hàn Quốc và yếu tố tôn giáo như 1 thí dụ điển hình

Chúng tôi muốn đưa ra một thí dụ điển hình về sự tăng trưởng của các DN Hàn Quốc có liên quan đến yếu tố tôn giáo để mời gọi cộng đồng xã hội quan tâm hơn tới tôn giáo ở Việt Nam. Trong lịch sử dân tộc, cả hai nước có nhiều điểm giống nhau như cùng bị người Trung Quốc đô hộ nhiều thế kỷ, cùng chịu ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương: Phật-Nho-Lão, cùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tranh ý thức hệ Tư bản-Cộng sản, cùng bị chia đôi đất nước.

Vào năm 1949, số người theo Thiên Chúa giáo ở Hàn quốc chỉ chiếm khoảng 1% dân số, đa số theo Phật giáo hoặc không tôn giáo. Vào năm 2005, ở Hàn Quốc có 46,5% dân số không theo tôn giáo, 22,8% theo Phật giáo, 18,3% theo Tin Lành, 10,9% theo Công giáo, 1,5% theo các tôn giáo khác (www.wikipedia.org/wiki/religion-in -South-Korea). Tính đến ngày 7/5/2013, số người Công giáo chiếm 12% và  người Tin Lành chiếm 18% (x. http://askakorean.blogspot.com). Số người theo Thiên Chúa giáo đã đóng góp khá nhiều để làm nên sự tăng trưởng kinh tế đặc biệt của Hàn quốc dù ít ai quan tâm đến vấn đề này. Cung cách sống và làm việc của người Thiên Chúa giáo được người Hàn quốc đón nhận đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đất nước Hàn quốc trong vòng vài chục năm qua.

“Nếu 30 năm trước, kinh tế Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề sau thời kỳ bị xâm chiếm và chiến tranh, tài nguyên không có gì đặc biệt, nguồn vốn quốc nội hết sức nghèo nàn, thu nhập quốc dân tính theo đầu người (GNP) những năm đầu thập niên 60 của Hàn Quốc chỉ là 80USD, GDP chỉ đứng ngang với các nước nghèo ở châu Phi và châu Á, thì đến giờ, GDP Hàn Quốc xếp thứ 10 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người theo GDP khoảng 16.000USD. Hàn Quốc cũng thuộc vào hàng các nước dẫn đầu về thương mại. Một phân tích gần đây nhất bởi Goldman Sachs năm 2007 đã chỉ ra Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000USD và tiếp 25 năm sau nữa sẽ vượt qua tất cả các nước, ngoại trừ Hoa Kỳ, để trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới, với GDP bình quân đầu người là 81.000USD (x. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_te_Han_Quoc ).

Vậy yếu tố nào đã khiến Hàn Quốc vực dậy nhanh chóng về mọi mặt, kinh tế phát triển thần kỳ mà thế giới biết đến như “kỳ tích sông Hàn”? Nói về nguyên nhân kinh tế Hàn Quốc phát triển nhanh, có nhiều nguyên nhân hợp lý song chúng tôi đề cập đến 3 động lực chính sau đây:

1. Vai trò quyết định thuộc về chính phủ:

Chính phủ Hàn Quốc đã xác định được các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn phù hợp với từng yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước

2. Góp phần làm nên kỳ tích chính là nhân tố con người Hàn Quốc

Đất nước Hàn Quốc nghèo tài nguyên nên con người cần cù, chịu khó và chăm chỉ trong lao động; biết tận dụng các nguồn lực nội tại và tiết kiệm để phát triển kinh tế. Người Hàn Quốc có lối sống và làm việc nhanh nhẹn, gấp gáp. Đã từ lâu, Hàn Quốc biết nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giáo dục đào tạo với tương lai, triển vọng của đất nước. Cũng không thể bỏ qua những nét văn hoá truyền thống tôn sư trọng đạo, đề cao chủ nghĩa dân tộc, tinh thần phấn đấu vươn lên mạnh mẽ và một ý chí thép, trong đó có cả lòng tự tôn dân tộc.

3. Yếu tố nước ngoài

Sau cùng, chúng tôi cũng muốn đề cập thêm đến một yếu tố mang tính thời đại đó là việc Hàn Quốc đã tận dụng những lợi thế của mình để đem về những nguồn lợi từ nước ngoài. Cụ thể, do bối cảnh lịch sử, Hàn Quốc đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ tài chính của Mỹ thông qua chiến tranh Việt Nam và tiền bồi thường thiệt hại từ Nhật Bản, vay vốn của Ngân hàng Tài chính Thế giới” (x. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_te_Han_Quoc).

Từ bài học về nền kinh tế Hàn Quốc, những doanh nhân tôn giáo ở Việt Nam có thể học và áp dụng thử giải pháp của anh chị em Công giáo Hàn Quốc về lĩnh vực kinh tế. Những người chủ siêu thị Công giáo Hàn Quốc liên kết với nhau để mua trực tiếp nông sản của các nông dân Công giáo với giá cao, với điều kiện là hàng hoá phải bảo đảm chất lượng, không có thuốc trừ sâu hay tăng trưởng độc hại. Để trợ giúp nông dân, các công ty ln của người Công giáo Hàn Quốc gửi kỹ sư về miền quê để dạy nông dân k thuật trồng trọt, bón phân, cho vay vốn với lãi xuất thấp để mua cây trồng, phân bón nên năng suất cao, chất lượng tốt. Nhiều nông dân không phải Công Giáo thấy lợi cũng xin gia nhập tổ chức liên kết này rồi dần dần có cảm tình và theo đạo. Trong khi đó, hàng nông sản của người nông dân bán ở các siêu thị Công Giáo lại rẻ vì không phải qua nhiều khâu trung gian, chất lượng cao nên càng được uy tín trong cộng đồng xã hội. Chính vì thế tỷ lệ người Công giáo Hàn quốc càng ngày càng tăng và Giáo hội Công giáo Hàn Quốc quyết tâm sẽ sống thật tốt đẹp để tăng số tín hữu Công giáo đến 20% dân số vào cuối năm 2020.

2.4. Những đường hướng đề nghị

Sau khi phân tích yếu tố tôn giáo trong việc thực thi trách nhiện xã hội của DN, chúng tôi mạnh dạn đề nghị với cộng đồng xã hội, nhất là các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội ở Việt Nam mấy đề nghị sau đây:

1. Xây dựng tôn giáo như là một nét văn hoá mới để phục hồi con người liêm chính, nhân ái trong hoạt động doanh nghiệp.

2. Cổ vũ những doanh nhân có tôn giáo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

3. Cổ vũ những hoạt động cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp do doanh nhân có tôn giáo điều hành.

Khi thấy chúng tôi cổ vũ cho các giá trị văn hoá của tôn giáo, một số người không theo tôn giáo nào có thể khó chịu vì nghĩ rằng chúng tôi đang muốn đưa con người trở về tình trạng “vong thân”, đánh mất chính mình, do tôn giáo gây nên, của vài thế kỷ trước.

Thật ra, chúng tôi chỉ muốn mời gọi tất cả những ai yêu mến quê hương hãy nhìn vào dân tộc VN như một điểm quy chiếu cho hoạt động của mình để thấy rằng niềm tin tôn giáo có thể giúp con người vượt qua tình trạng vong thân đang rất phổ biến ở VN vì sùng bái vật chất hay khoa học kỹ thuật để tìm lại được chính con người cao quý, toàn diện của mình.

Cao quý vì con người mới là chủ thể của mọi hành động đầy ý thức và tự do trong mối tương quan với người khác, với vạn vật, với chính mình và với cả Đấng Thiêng Liêng mà tổ tiên chúng ta gọi là Trời. Toàn diện, vì con người sẽ phát huy mọi giá trị trong lĩnh vực thể xác và tinh thần, nội tâm và ngoại giới, tự nhiên và siêu nhiên, cá nhân và tập thể, nghĩa là mọi lĩnh vực mà văn hoá có thể vươn tới. Đó chính là chúng ta đang xây dựng một nền văn hoá “nhân bản” lấy con người làm gốc và quy hướng về con người mà Giáo hội Công giáo đang muốn xây dựng trong một nền nhân bản toàn diện và liên đới cho con người (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tóm lược Học Thuyết Xã hội Công giáo, số 1-19, số 20-59, số 105-159).

Kết luận

Nhân dịp tìm hiểu yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam, chúng tôi thấy cần phải cổ vũ cho một nền văn minh tình yêu. Trong nền văn minh này, chúng ta lấy tình yêu là nền tảng để xây dựng mọi mối tương quan của con người, là tiêu chuẩn để phán đoán mọi hành động nhân linh và là cùng đích để mọi hoạt động của con người hướng đến.

Tình yêu này không phải là những rung động nhất thời của con người, dù mãnh liệt nhưng vẫn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian, nhưng bắt nguồn từ một thực thể siêu việt, vĩnh hằng, vô biên, vô tận mà tổ tiên chúng ta vẫn luôn tin tưởng, tôn thờ. Thật vậy chỉ khi nào mỗi người Việt Nam chúng ta yêu đồng bào, yêu núi sông đất nước bằng một tình yêu trong sáng, quảng đại với những hành động tốt đẹp dành cho nhau, thì chúng ta chắc chắn sẽ vực dậy được nền đạo đức suy đồi, bảo vệ được đất nước và phát triển dân tộc bền vững. Tình yêu ấy phải bắt đầu ngay ở nơi đây và ngay từ hôm nay.