23/01/2025

Chính sách ngoại giao của Toà Thánh Vatican trong 50 năm qua

Ngày 25-10-2013, Đức Hồng y Achille Silvestrini tròn 90 tuổi. Nhân dịp này Đức Hồng y, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã dành cho phóng viên Filippo Rizzi của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia, một bài phỏng vấn liên quan tới Công đồng Vatican II và đường lối ngoại giao của Toà Thánh Vatican.

 Chính sách ngoại giao của Toà Thánh Vatican trong 50 năm qua

 
Phỏng vấn Đức Hồng y Achille Silvestrini, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương


Ngày 25-10-2013, Đức Hồng y Achille Silvestrini tròn 90 tuổi. Nhân dịp này Đức Hồng y, nguyên Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, đã dành cho phóng viên Filippo Rizzi của nhật báo Tương Lai, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia, một bài phỏng vấn liên quan tới Công đồng Vatican II và đường lối ngoại giao của Toà Thánh Vatican.

Đức Hồng y Achille Silvestrini sinh năm 1923, thụ phong linh mục năm 1946. Sau khi đậu Tiến sĩ Lưỡng Luật tại Đại học Laterano, Cha Silvestrini theo học Trường Ngoại giao Toà Thánh, và năm 1953 bắt đầu làm việc trong Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, đặc trách các nước vùng Đông Nam Á. Từ năm 1958, Đức ông Silvestrini là thư ký của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Domenico Tardini, và Đức Hồng y Amleto Giovanni Cicongani cho tới năm 1969.

Như là người đặc trách các tương quan với các tổ chức quốc tế, Đức ông Silvestrini đã là cộng sự viên của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh Augustinô Casaroli, và trợ giúp người trong việc thực hiện chính sách cởi mở và đối thoại với các nước cộng sản Đông Âu. Đức ông đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế như: Hội nghị Helsinki về An ninh và Cộng tác Âu châu năm 1975, các cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị này tại Genève năm 1973; Hội nghị Belgrad để kiểm thực việc áp dụng. Đức ông cũng đã hướng dẫn phái đoàn Toà Thánh tham dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự năm 1971; Hội nghị về Thoả hiệp không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1975.

Năm 1979, Đức ông Silvestrini được chỉ định làm Thư ký Phân bộ Liên lạc với các nước của Toà Thánh và được nâng lên hàng Tổng Giám mục. Năm 1983, Đức Tổng Giám mục Silvestrini đại diện Toà Thánh tham dự Hội nghị An ninh và Cộng tác Âu châu lần thứ ba tại Madrid. Ngài cũng là trưởng phái đoàn Toà Thánh tham dự cuộc họp tái duyệt xét các Thoả hiệp Laterano với chính phủ Italia năm 1984; cũng như tham dự các cuộc họp liên quan tới việc giải quyết cuộc tranh chấp quần đảo Falklands giữa Anh quốc và Argentina, và cuộc cách mạng tại Nicaragua. Năm 1988, Đức Gioan Phaolô II vinh thăng Đức cha Silvestrini lên bậc hồng y. Sau đó, ngài được chỉ định làm Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương, cho tới khi về hưu năm 1999.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, 50 năm đã trôi qua kể từ khi Đức Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II ngày 11-10-1962. Đức Hồng y nghĩ gì về thời điểm này?

Đáp: Tôi tin rằng cần phải tái khởi hành từ Công đồng Vatican II, từ tất cả những gì chưa trở thành thực tại và cần được thi hành. Cùng với người bạn thân của tôi là Đức cố Hồng y Carlo Maria Martini, trong các năm qua, biết bao lần chúng tôi thường tự vấn liên quan tới sự cấp thiết phải tìm ra một thứ ngôn ngữ mới để nói với nhân loại ngày nay, một cách đặc biệt với các thế hệ trẻ, và đưa ra các câu trả lời thích đáng cho xã hội tân tiến hiện nay. Thách đố chờ đợi Giáo Hội là ra khỏi các môi trường chật hẹp của các phòng thánh, trong một nghĩa nào đó là “tự giải trừ giáo sĩ” cả với giáo dân nữa và sống Tin Mừng một cách đích thực. Tôi cho rằng Âu châu không còn có thể ghi dấu các biên giới của Giáo hội học nữa. Một thí dụ? Việc bầu Đức Bergoglio làm Giáo hoàng đã không chỉ có nghĩa của sự mới mẻ: người kế vị Thánh Phêrô đến từ một nước xa xôi. Cung cách là Giám mục Roma không chỉ gợi ý việc tái phục hồi tính cách hoàn vũ trong sứ mệnh của Giáo hội Công giáo, mà cũng mời gọi tất cả mọi Kitô hữu canh tân ngôn ngữ loan báo đức tin, như chúng ta đã thấy trong nền thần học cho đến nay. Việc bầu Đức Bergoglio, là người gắn bó với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, có lẽ thúc giục chúng ta lấy lại các đề tài đã từng là trọng tâm của các cuộc thảo luận thời Công đồng; tái khám phá ra bằng cách tiếp thu các bài học của những ngôn sứ như Lercaro và Dossetti, và vài ưu tiên làm thành căn tính của Giáo Hội, dấu ấn của Cộng đồng Vatican II như việc lựa chọn bênh vực người nghèo, theo đuổi hoà bình giữa các dân tộc và đối thoại với những người ở xa và những người không tin. Trong nền tảng, đó là việc thời sự hóa Công đồng, trong các ý hướng của Đức Gioan XXIII. Nó đã và vẫn là một nhiệm vụ còn rộng mở ngày nay: khiến cho Tin Mừng đến với con tim của tất cả mọi người.

Hỏi: Đức Hồng y có các kỷ niệm đặc biệt nào về các năm giao động thời Công đồng Vatican II hay không?

Đáp: Đó đã là các năm hoạt động rất mạnh mẽ, cho phép tôi, như là người soạn thảo các công văn của Toà Thánh thuộc Phủ Quốc vụ khanh, học hỏi từ Đức Hồng y Quốc vụ khanh thời đó là Đức Hồng y Domenico Tardini, không chỉ liên quan tới tầm quan trọng của ngành ngoại giao, mà cả việc lắng nghe các tác nhân đối thoại nữa, trong thái độ dành ưu tiên cho tình bác ái. Tôi cũng không thể quên được việc chấp nhận vĩnh viễn tài liệu về tự do tôn giáo Dignitatis Humanae đã quan trọng thế nào đối với Đức ông Pietro Pavan. Tôi thường nghĩ tới sự cay đắng và tiếng khóc của Cha Pavan, khi người ta báo cho cha biết là tài liệu chắc sẽ không được chấp thuận. Nhưng trái lại, ngày 21-9-1965, tài liệu đã được các Nghị phụ chấp thuận. Và thế là tiếng khóc của cha bất thình lình biến thành niềm vui.

Hỏi: Thưa Đức Hồng y, có rất ít người biết rằng bài phỏng vấn đầu tiên mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI đồng ý cho nhà báo Alberto Cavallari của nhật báo “Người đưa tin chiều” thực hiện, đã do trung gian của Đức Hồng y. Đức Hồng y có thể giải thích cho biết cuộc gặp gỡ này đã xảy ra như thế nào không?

Đáp: Tôi nhớ rằng nhà báo Alberto Cavallari đã được Đức ông Pasquale Macchi, thư ký của Đức Phaolô VI, giới thiệu với tôi. Hồi đó ông ta đang làm một cuộc tìm hiểu sinh hoạt của nhiều cơ quan trung ương Toà Thánh, và viết cuốn sách nổi tiếng tựa đề “Vatican thay đổi”. Chính trong bối cảnh ấy đã nảy sinh ra một cuộc nói chuyện giữa ông Cavallari và Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng vĩ đại người vùng Brescia. Tôi nhớ rằng ông Alfio Russo, Giám đốc nhật báo “Người đưa tin chiều” đã gửi ông Cavallari tới Roma để theo dõi Công đồng Vatican II, để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra trong Giáo Hội. Tôi tin rằng từ đó đã nảy sinh ra cuộc điều tra của ông ta, đạt tột đỉnh với bài phỏng vấn Đức Phaolô VI, trước khi Đức Phaolô VI viếng thăm Liên Hiệp Quốc và đọc diễn văn tại đây. Đây cũng là cuộc phỏng vấn đầu tiên, mà một vị Giáo hoàng dành cho giới báo chí kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Và nhà báo Alberto Cavallari đã viết lại một mạch bài phỏng vấn trong một quán giải khát ở đại lộ Hoà Giải. Ông Cavallari sau này đã trở thành bạn thân của tôi.

Hỏi: Trong các năm làm việc Đức Hồng y đã gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng, từ việc ký các thoả hiệp quan trọng, nhưng nhất là một cuộc sống như nhân viên ngoại giao của Toà Thánh và như là một mục tử. Đức Hồng y có các kỷ niệm nào trong các năm đó, và khi nào thì đã xảy ra sự tan giá băng giữa Liên bang Xô Viết và Toà Thánh Vatican?

Đáp: Chính Công đồng Vatican II và Thông điệp “Hoà bình dưới thế” trong các năm đó đã giúp thay đổi bầu khí với Liên Xô và mở ra các cuộc đối thoại. Dĩ nhiên là một gương mặt đặc sủng và trí thức tinh tế như Agostino Casaroli, Hồng y tương lai, đã là một trong các kiến trúc sư của cuộc tan giá băng này. Nó đã đươc hướng dẫn bởi chính sách từng bước nhỏ. nhưng cũng được hướng dẫn bởi niềm hy vọng của những điều có thể làm được, như chính sách cởi mở đối với Đông Âu gọi là “Ostpolitik”. Tôi nghĩ tới sự cẩn trọng của người như chuyến đi năm 1963 từ Vienne sang Buudapest, hay sự cẩn trọng và kiên nhẫn của người trong các hoàn cảnh khó khăn. Nếu chúng ta muốn nhận ra ý nghĩa của nền ngoại giao của Toà Thánh Vatican, thì phải tìm nó trong chính các năm này. Nếu không có chúng, thì đã không có biến cố ngày mồng 6-10-1978, khi Đức Karol Wojtila được bầu làm Giáo hoàng lấy tên hiệu là Gioan Phaolô II. Trong đặc sủng của Đức Karol Wojtila, sự hiệp nhất tinh thần của Âu châu được báo trước. Ngài có đức tin và sức mạnh của vị ngôn sứ. Thân thể của người và các cử chỉ của người cùng với các lời nói hiệp nhất một cách bất thình lình điều đã bị gạt bỏ với yêu sách của ý thức hệ. Dĩ nhiên còn có môt kinh nghiệm quan trọng khác nữa trong đời tôi. Đó là khi tôi thuộc phái đoàn Toà Thánh ký Thoả hiệp năm 1984, và trong dịp đó tôi đã kinh nghiệm được sự tuyệt tác của ngành ngoại giao, được xây dựng trong các năm trước đó.

Hỏi: Đức Hồng y có muốn nhắn gửi sứ điệp nào cho các người trẻ và cho Giáo Hội tương lai hay không?

Đáp: Tôi tin rằng, như tôi đã nói, sứ điệp là lấy lại những gì chưa được thực hiện do Công đồng Vatican II đề ra. Đã có rất nhiều điều bị Đức Phaolô VI bỏ dở. Chúng vẫn còn đó. Nhưng không phải chỉ có thế mà thôi. Một trong các thách đố rộng mở cho nền văn hoá ngày nay, có lẽ có thể là thách đố đem nền thần học vào trong các khả năng của giáo dân để tạo thuận tiện cho một việc nghiên cứu được dưỡng nuôi bởi sự đối chiếu các khác biệt. Thế rồi tôi cũng tin rằng thật là quan trọng biết tiếp nhận các dấu chỉ thời đại và niềm hy vọng, mà ngày nay các Giáo Hội trẻ của Á châu và châu Mỹ Latinh biết khơi dậy. Có lẽ từ đó cũng có thể tái sinh và tái khẳng định trong đại lục Tây Âu già nua và mệt mỏi của chúng ta tương lai của Kitô giáo. Như tôi đã nói cách đây nhiều năm, khi được một nhà báo hỏi, thật là đẹp nếu một ngày kia Ngày Quốc tế Giới trẻ được cử hành ở Trung Quốc. Đây là môt giấc mơ mà chúng ta hy vọng trở thành thực tại.

(Avvenire 25-10-2013)