23/01/2025

Đối thoại với người không tôn giáo: “Tôn giáo như là một nét văn hoá mới”

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta bắt đầu từ tình trạng suy thoái đạo đức của dân tộc dẫn đến yêu cầu nhận thức mới về tôn giáo để nhận ra những đóng góp của các tôn giáo trong dòng lịch sử, và mời gọi mọi người xây dựng tín ngưỡng và tôn giáo như một nét văn hoá mới cho dân tộc Việt Nam.

 

Đối thoại với người không tôn giáo:

“Tôn giáo như là một nét văn hoá mới”

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Trong sứ mạng loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho muôn loài, nhất là cho đồng bào Việt Nam, chúng ta cần phải đối thoại với anh chị em không có tôn giáo vì họ là thành phần chiếm đa số trong cộng đồng xã hội và có khả năng làm thay đổi xã hội. Theo Thống kê Dân số Toàn quốc được thực hiện vào ngày 1/4/2009, chỉ có 18,23% dân số khai có tôn giáo và số còn lại là không tôn giáo.

Khi khai báo mình không có tôn giáo, rất nhiều người Việt Nam vẫn tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, “lưới trời lồng lộng”, “duyên trời xe định”…Họ vẫn thỉnh thoảng đến chùa lạy Phật, đến nhà thờ dự lễ để cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, đến “Đức Mẹ Fatima (Bình Triệu)” hay “đi khấn Cha Trương Bửu Diệp” để xin ơn. Tín ngưỡng ấy đã ăn sâu vào cấu trúc văn hoá và đã trở thành bản sắc văn hoá của người Việt Nam.

Trong cuộc đối thoại với người không có tôn giáo, chúng ta sẽ khởi đầu từ niềm tin tưởng sâu xa ấy để tìm hiểu về tôn giáo như là nét văn hoá mới rất cần thiết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như để cứu thoát dân tộc khỏi tình trạng suy thoái trầm trọng về mặt đạo đức như hiện nay.

Thượng Hội đồng Giám mục 2012 cổ vũ cuộc đối thoại với những người không tôn giáo và nhắc nhở tín hữu Công giáo có nhiệm vụ giúp họ tìm ra chân lý: “Ngày nay, ý niệm hiện đại cho rằng tự do có nghĩa là độc lập tuyệt đối với chân lý, khiến người ta coi chủ nghĩa tương đối là lối suy nghĩ thích hợp nhất để sống trong bối cảnh đa dạng về văn hoá và tôn giáo. Về phương diện này, nhiều câu trả lời khuyến cáo các cộng đoàn và từng cá nhân tín hữu Kitô, nhân danh sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32), phải biết cách dẫn đưa con người tới sự thật, bình an và sự bảo vệ phẩm giá của mỗi con người cũng như phải biết cách hành động chống lại mọi hình thức bạo lực và phủ nhận nhân quyền” (x. Tài liệu Làm việc, số 126).

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta bắt đầu từ tình trạng suy thoái đạo đức của dân tộc dẫn đến yêu cầu nhận thức mới về tôn giáo để nhận ra những đóng góp của các tôn giáo trong dòng lịch sử, trong đó có Công giáo, và mời gọi mọi người xây dựng tín ngưỡng và tôn giáo như một nét văn hoá mới cho dân tộc Việt Nam.

1. Tình trạng và hoàn cảnh dân tộc VN hiện nay mời gọi con người hướng về tôn giáo

Dân tộc Việt Nam (VN) đã tồn tại suốt 4.000 năm trong dòng lịch sử, kể từ khi các vua Hùng dựng nước cho đến ngày nay. Bất cứ người VN nào yêu mến quê hương đều thiết tha mong ước cho dân tộc mình tồn tại mãi mãi.

Tuy nhiên, trong tình trạng hiện nay với nền đạo đức, luân lý suy đồi, bất công và tham nhũng tràn lan, cũng như hoàn cảnh kinh tế suy thoái, hoàn cảnh chính trị đầy khó khăn với chủ nghĩa bành trướng, gây áp lực quân sự, lũng đoạn kinh tế của một số quốc gia đối với VN, một số người nghi ngại không biết VN có thể tồn tại mãi không? Hay có thể rơi vào tình trạng suy vong như các dân tộc Chiêm Thành, Chân Lạp, Thuỷ Chân Lạp mà miền đất của họ đang được dân tộc ta chiếm hữu từ dọc miền Trung cho đến hết miền Nam VN? Nhiều người VN chưa ý thức được vận mệnh hiểm nguy của dân tộc.

Trong tình trạng và hoàn cảnh hiện thời, chúng ta tự hỏi mình phải làm gì để bảo vệ và xây dựng đất nước? Hơn nữa, các tôn giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ nền đạo đức, tạo ý thức về sự liêm chính, công bằng cũng như trong việc xây dựng nền văn hoá cho dân tộc, nên chính quyền VN sẽ theo đuổi chính sách đại đoàn kết dân tộc và thúc đẩy tín đồ các tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc như thế nào?

Khi thấy chúng tôi cổ vũ cho các giá trị văn hoá của tôn giáo, một số người không theo tôn giáo nào có thể khó chịu vì nghĩ rằng chúng tôi đang muốn đưa con người trở về tình trạng “vong thân”, đánh mất chính mình, do tôn giáo gây nên, của vài thế kỷ trước, thời của Karl Marx (1818-1883), Friedrich Engels (1820-1895). Thật ra, chúng tôi chỉ muốn mời gọi tất cả những ai yêu mến quê hương hãy nhìn vào dân tộc VN như một điểm quy chiếu cho hoạt động của mình ở trần thế để thấy rằng niềm tin tôn giáo có thể giúp con người vượt qua tình trạng vong thân đang rất phổ biến ở VN vì sùng bái vật chất hay khoa học kỹ thuật để tìm lại được chính mình.

1.1. Tình trạng suy thoái đạo đức và hoàn cảnh kinh tế xã hội yếu kém

Thật vậy, khi con người chỉ biết có vật chất, đề cao vật chất như “một thứ thần linh” có thể giải quyết mọi khó khăn, thì sự suy đồi về luân lý và đạo đức chắc chắn sẽ xảy ra, đúng như lời xác nhận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào chiều ngày 29/7/2013 tại Trụ sở Chính phủ trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Ban Chỉ đạo 138: “Sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất tầm thường, ý thức kém, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân… là những vấn đề đáng lo ngại”. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, tội phạm hình sự xảy ra 28.482 vụ, tội phạm về bảo vệ môi trường 6.300 vụ, phát hiện bắt giữ trên 10.000 vụ tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma tuý. Theo kết quả điều tra ban đầu, một số nơi có hoạt động của các băng nhóm tội phạm, có sự bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh của cán bộ, chính quyền cơ sở (x. Báo Thanh Niên, ngày 4/8/2013).

Theo sự đánh giá của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết tại Hội nghị Tổng kết 15 năm Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 về xây dựng và phát triển nền văn hoá VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2013: “Đáng tiếc là sau 15 năm nhìn lại, có thể thấy xây dựng con người là lĩnh vực không thành công nhất trong những lĩnh vực không thành công của Nghị Quyết 5”… “Từ công dân bình thường đến trí thức cấp cao, mỗi khi có việc với chính quyền đều phải xin xỏ, chạy vạy. Quen mãi với vị thế gãi đầu, gãi tai, ăn xó mó niêu, con người khó trở thành những người đàng hoàng. Càng khó trở thành những người có văn hoá và có năng lực sáng tạo văn hoá” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages /20130809 /xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).

GS-TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương, nói: “Xã hội chúng ta đang ở trong tình trạng đạo đức xuống cấp, thậm chí có thể nói là bị một thương tổn rất nặng nề. Xuất hiện gia tăng đáng lo ngại về tội phạm, tệ nạn, thậm chí những hành động rất xa lạ với nhân tính… Sự không gương mẫu của người lớn từ gia đình, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả lãnh đạo, dẫn đến nhiều biểu hiện đáng lo ngại về khủng hoảng niềm tin… Cảm quan chung từ nhiều năm nay là xã hội đang có vấn đề về đạo đức. Phải đặt lên đầu giải pháp đạo đức, thực hành đạo đức trong toàn Đảng, toàn dân, trong các tổ chức công quyền, trong đoàn thể…

(x.http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phát biểu tại hội nghị này: “Đạo đức-lối sống-nhân cách-văn hoá của người VN chúng ta nhiều nơi nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức, ngay từ nhà trường, gia đình, từ sự tự giác, giữ gìn xây dựng của mỗi con người. Sự tha hoá, lối sống xa hoa, giả dối, vô cảm có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hoá ngày càng lan rộng. Những yếu kém nêu trên không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội, mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người, văn hoá VN. Theo tôi, đây là nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ, trong bối cảnh chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” (x. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130809/xay-dung-con-nguoi-van-hoa-la-kem-nhat.aspx).

Sự suy thoái đạo đức gây nên những hậu quả vô cùng tai hại trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá vì văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nếu người ta công nhận chức năng thẩm mỹ của văn hoá (x. Lê Văn chưởng, Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, 1999, tr.24) là chức năng tối thượng của văn hoá hướng con người tới Chân Thiện Mỹ thì một khi loại bỏ tôn giáo như giá trị của cái thiện và cái đẹp, con người sẽ tìm đến những cái ác, cái xấu như ta thấy đang xuất hiện trong cộng đồng xã hội hiện nay.

Nạn buôn gian bán dối, bán hàng độc hại, lương thực, nông sản, thuỷ sản chứa dư lượng các hoá chất nguy hiểm cho sự sống hầu như phổ biến khắp nơi do ước muốn làm giàu bằng bất cứ cách nào. Tệ nạn này có thể dẫn cả dân tộc suy yếu về sức khoẻ, bị đủ loại bệnh tật dẫn đến diệt vong. Các quán nhậu, cà phê ôm, bia ôm, massge trá hình, mãi dâm nhan nhản khắp các thành phố, trị trấn, quận huyện như tạo điều kiện cho con người ăn chơi sa đoạ về đạo đức, tinh thần.

Ở VN, nạn tham nhũng, hối lộ tràn lan gây nên những bất công, xâm phạm quyền lợi con người. Vấn đề bảo vệ sự sống đáng báo động vì VN đứng thứ 5 trên thế giới về số ca phá thai, các nhà xã hội ước chừng 2 triệu ca/năm – đứng thứ ba sau Trung Quốc và Pakistan – còn Bộ Y tế VN dự đoán 300.000 ca/năm (x. Báo Sài Gòn Tiếp Thị, ngày 12/7/2013). Trong đó 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm vì luôn ray rứt về tội ác nhưng lại chưa có những bác sĩ điều trị tâm lý và các vị chân tu điều trị tâm linh.

Nếu kể thêm hậu quả của sự suy đồi đạo đức có lẽ phải nói đến 26 triệu người uống rượu bia, trong đó có vài triệu người nghiện với cơ thể suy thoái, tâm lý bất ổn, đánh đập vợ con, gây tan vỡ gia đình. 33 triệu người hút thuốc lá với chất nicotine ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình và sinh ra những đứa con ngu đần. 200.000 người nghiện ma tuý, 300.000 nhiễm HIV. Tai nạn giao thông ở mức độ cao với hàng chục ngàn người thiệt mạng mỗi năm, và vài chục ngàn người trở thành khuyết tật. VN hiện có 6,7 triệu người khuyết tật thể lý và hơn 10 triệu người khuyết tật tinh thần.

Trong lĩnh vực truyền thông, trong số 41 triệu người truy cập internet, hầu như đa số chỉ để giải trí, xem tin tức hơn là nghiên cứu học hành, làm việc. VN đứng đầu thế giới về số lượng người truy cập phim sex từ năm 2007 với 5 triệu người xem phim đồi truỵ hằng đêm, hơn 10 triệu người chơi trò chơi trực tuyến (game online) mỗi ngày. Rất nhiều tin tức không xác thực hay thiếu trung thực do bị xuyên tạc hay định hướng bởi các tổ chức khiến người đọc không còn tin tưởng, gây nên tình trạng đánh mất niềm tin vào con người với nhau. Những phim ảnh hầu hết của Trung Quốc hoặc một số nước Âu Mỹ trong chiều hướng tục hoá, theo ý thức hệ vô thần thực hành đã loại bỏ ý niệm về sự tồn tại của Thiên Chúa, của thần linh ra khỏi đời sống con người để họ có thể tự do hành động theo tham vọng và dục vọng của mình.

Tất cả những hiện tượng này nói lên một sự thật mà xã hội VN đang chịu đựng: sự suy thoái đạo đức trầm trọng dù chính quyền đã phát động rất nhiều phong trào để cổ vũ nền đạo đức. Đạo đức gắn liền với lương tri con người, với tôn giáo vì tin tưởng vào Đấng soi thấu lòng người dù chẳng ai biết việc mình làm. Vậy những người có tôn giáo giữ vị trí nào trong cộng đồng xã hội?

1.2. Thành phần tôn giáo trong cơ cấu dân tộc

Theo Thống kê của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam thực hiện ngày 01/4/2009, dân tộc VN có 13 tôn giáo với số tín đồ như sau:

STT

Tôn giáo

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Tỷ lệ % so với dân số

1

Phật giáo

6.802.318

2.988.666

3.813.652

7,92%

2

Công giáo

5.677.086

1.776.694

3.900.392

6,61%

3

Hoà Hảo

1.433.252

291.196

1.142.056

1,66%

4

Hồi giáo

75.268

9.997

65.271

0,08%

5

Cao Đài

807.915

182.414

625.501

0,94%

6

Minh Sư đạo

709

408

301

 

7

Minh Lý đạo

366

123

243

 

8

Tin Lành

734.168

93.241

640.927

0,85%

9

Tịnh độ Cư sĩ Phật hội VN

11.093

2.313

8.780

 

10

Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa

41.280

17.580

23.700

 

11

Bửu Sơn Kỳ Hương

10.824

414

10.410

 

12

Ba Ha’i

731

405

326

 

13

Bà La Môn

56.427

10.375

46.052

 

14

Không xác định tôn giáo

30

6

24

 

 

Toàn quốc

15.651.467

5.373.832

10.277.635

18,23%

 

Như thế số người theo tôn giáo cả nước chỉ có 18,23% dân số gồm 15.651.467 người trên tổng dân số 85.846.997 tính vào thời điểm 1/4/2009. Trong số 13 tôn giáo, chúng ta thấy có Phật giáo chiếm 7,92%, Công giáo 6,61%, Hoà Hảo 1,66%, Cao Đài 0,94% và Tin Lành 0,85%. Các tôn giáo còn lại có số tín đồ rất ít. Có hơn 81% dân số đã không kê khai tôn giáo của họ. Chỉ có 30 người không kê khai rõ ràng tôn giáo của mình (x. Ban Chỉ Đạo Tổng Điều tra Dân số, Kết quả Toàn bộ, NXB Thống Kê, Hà Nội 2010, tr. 281).

Trong số người khai “không tôn giáo”, có thể có một số đảng viên Đảng Cộng Sản,  chừng vài triệu người, chọn lựa thái độ “vô thần” rõ rệt của mình đối với tôn giáo. Còn đại đa số trong 81% dân số này, dù không khai là đang theo một tôn giáo cụ thể nào, nhưng lại có một niềm tin mãnh liệt, mà người ta gọi là tín ngưỡng, có khi là theo đạo tổ tiên, ông bà. Chúng ta ghi nhận rằng trong tờ khai Điều tra dân số 2009 về tôn giáo không có mục “Đạo tổ tiên ông bà” hay “ Vô thần”. Số người “không tôn giáo” này, gồm cả những đảng viên Cộng sản, vào những ngày lễ, Tết, đầu tháng hay giữa tháng Âm lịch, cũng có thể đi đền chùa, khiến người ta lầm tưởng họ theo Phật giáo. Nếu hỏi họ có phải là vô thần không thì nhiều người thú nhận là “không”.

Ta cũng nên lưu ý: nếu chỉ căn cứ vào số liệu thống kê này, người ta có thể đánh giá thấp vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội vì ảnh hưởng chưa tới 20% dân số. Thực tế người VN có một lòng đạo đức sâu xa, hầu hết tin vào một Đấng Tối Cao, Đấng linh thiêng gọi là Trời, ông Trời, Chúa Trời, ông Thiên. Đấng linh thiêng ấy là nền tảng cho đạo lý con người, giúp họ sống công minh, chính trực, ăn ở nhân nghĩa với nhau. Trong văn chương cũng như trong thực tế hằng ngày, nhiều người dân VN vẫn tin rằng “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”, “lưới trời lồng lộng”, “duyên Trời xe định”… Các trẻ em vẫn còn hát những bài đồng dao như:

Lạy Trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp…

Hoặc chơi trò chơi “Thiên đàng hoả ngục”:

Thiên đàng hoả ngục hai bên

Ai khôn thì vào, ai dại thì sa

Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha

Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn

Linh hồn phải giữ linh hồn

Đến khi gần chết được lên thiên đàng

 

Để bảo vệ  nền đạo đức dân tộc và gìn giữ  bản sắc văn hoá của dân tộc, chúng ta cần phải để ý đến con người VN – nhất là những người trẻ trong xã hội hiện nay – đang được giáo dục như thế nào về niềm tin này. Sự suy thoái đạo đức và văn hoá hiện nay cũng phản ánh một nền giáo dục kém chất lượng mà cả xã hội quan tâm bàn đến rất nhiều trong thời gian vừa qua. Những bộ sách giáo khoa trong mấy chục năm gần đây, nhất là từ năm 1954 ở ngoài miền Bắc và 1975 trên toàn quốc VN, không còn những bài học đạo đức để cổ vũ cho niềm tin vào Đấng Linh Thiêng, trong khi chính niềm tin vào Đấng Linh Thiêng này đã giữ cho dân tộc VN tồn tại và phát triển trong suốt 4.000 năm lịch sử.

2. Vai trò tôn giáo trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Có lẽ chúng ta nên nhắc lại một vài điểm cơ bản về dân tộc VN trong cấu trúc văn hoá xã hội để nhận ra sự đóng góp của các tôn giáo trong dòng lịch sử. Chúng ta ghi nhận ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương đối với xã hội VN, đặc biệt là Khổng giáo. Cả ba đều đến từ Trung Hoa, riêng Phật giáo lại chia làm hai ngả, theo con đường Đồng Cỏ vào miền Bắc VN và theo con đường Hồ Tiêu vào miền Nam VN (x. Nguyên Tạng, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, tr. 492-498).

2.1. Tôn giáo bái vật thời tiền sử liên kết với đời sống nông nghiệp thúc đẩy cộng đồng xã hội tôn thờ thiên nhiên như trời đất, núi sông, cây cối, cỏ hoa, muông thú vì tất cả đều là thần linh, đều có thể độ trì nhưng cũng có thể làm hại con người. Gắn bó với những người đã khuất trong dòng tộc, người Việt chứng tỏ lòng thảo hiếu qua việc thờ cúng tổ tiên. Người Việt lập bàn thờ tại nhà với bài vị của những người đã khuất, cúng bái trong những ngày sóc, vọng, giỗ, Tết.

2.2. Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến quần chúng bình dân, nhất là dưới thời Lý – Trần, với thuyết Luân Hồi, với Tứ Diệu Đế, với luật Nhân Quả để nuôi dưỡng lòng đạo đức, tôn trọng sự sống, cấm sát sinh, giải thích cho người dân hiểu về nguồn của bể khổ đời người.

2.3. Khổng giáo hay Nho giáo là hệ thống các nguyên tắc đạo đức, chính trị do Khổng Tử lập ra nhằm duy trì trật tự của xã hội phong kiến, nên ảnh hưởng nhiều đến vua quan và quần chúng trong cách tổ chức xã hội. Nho giáo khởi đầu với việc lập Văn Miếu (1070), Quốc Tử Giám và tổ chức thi cử (1076) và càng ngày càng chiếm ưu thế cho đến khi đạt được địa vị độc tôn vào thế kỷ XVIII-XIX. Người VN ứng xử trong các quan hệ cá nhân, gia đình, họ hàng, làng xóm, vua quan theo những chuẩn mực của lễ nghĩa Nho giáo như Tam cương – Ngũ thường cho mọi người, Tam Tòng – Tứ đức cho phụ nữ.

Những chuẩn mực của Nho giáo có mặt tốt là giữ cho xã hội được trật tự ổn định, nhưng nhà nước quân chủ chuyên chế lại dùng chúng như một phương tiện áp chế con người, khi tôn vinh vua là “thiên tử” (con Trời) nắm trọn quyền sinh sát trong tay: “quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Những vị Nho gia ít người dám nghĩ, dám làm với tầm nhìn xa trông rộng để “trị quốc, bình thiên hạ”, mà chỉ trở thành những nhà trí thức luẩn quẩn với những bài phú, bài thơ ca tụng chế độ, suy tôn mù quáng một con người là thiên tử dù người đó bất tài, kém đức hoặc họ chỉ nhai đi nhai lại những câu trích dẫn thuộc lòng trong Tứ Thư Ngũ Kinh. Cách học từ chương và chế độ thi cử của Nho giáo này đã trói buộc những sáng kiến, suy tư của người Việt và còn ảnh hưởng đến ngày nay trong cách giáo dục xã hội.

Chúng không những không cải tạo được tình trạng đa thê hay bất bình đẳng nam nữ, như ta từng thấy trong thời bị Trung Hoa đô hộ, mà còn làm cho người phụ nữ càng bị lệ thuộc hơn vào người đàn ông “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, vào dòng họ của chồng “Lấy chồng thì phải theo chồng, lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng”. Người phụ nữ chỉ còn là cái bóng của người đàn ông vì họ được dạy phải có đủ tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” và tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh” chứ không còn là một con người thật sự độc lập với tất cả giá trị làm người.

Sống trong nền quân chủ chuyên chế độc tài, người dân không được phép có nhiều phương tiện vật chất, nhiều nông nô vì sợ bị phản loạn. Nhưng dù có nhiều tiền họ cũng không được phép tiêu xài, không được cất nhà theo ý mình, thậm chí không được ăn mặc theo ý thích. Họ cũng không được học rộng vì càng có nhiều tư tưởng mới lạ họ càng dễ thoát ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền: chỉ cần một câu thơ không rõ ý cũng có thể bị kết tội phản nghịch và bị tru di tam tộc. Mỗi làng chỉ có một vài người được đi học còn tất cả nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, đều đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Chính sách ngu dân này làm cho người Việt không phát triển óc suy tư, sáng tạo, càng làm cho cuộc sống của họ thêm cơ cực, nghèo túng.

2.4. Lão giáo du nhập vào VN đồng thời với Phật giáo và Nho giáo ngay từ thời Bắc thuộc, đến đời vua Đinh Tiên Hoàng (cuối thế kỷ X) đã khá phát triển ở nước ta. Lão giáo chủ trương vô vi (không làm), “nghĩa là chủ ý cốt theo cách tự nhiên thanh tĩnh, không cần phải làm gì; muôn việc cứ phó mặc tự nhiên, không cần phải lo lắng, nghĩ ngợi mới hưởng sự khoái lạc phiêu diêu” (Toan Ánh, Nếp cũTín ngưỡng VN, quyển Thượng, NXB TP.HCM, 1992, tr. 221). Chủ trương này đúng ra là thái độ sống của những nhà trí thức Nho giáo sau khi họ đã lăn lộn miệt mài trên con đường công danh của quan lại triều đình.

Dần dần đạo Lão đi vào các tầng lớp bình dân và biến thể thành những hình thức bí hiểm mê tín như phù phép, sấm ký, chầu đồng, thẻ xăm, bói toán, với các thần tiên ẩn thân trong vạn vật: “bếp có ông Táo, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Tuy nhiên, cái nhìn “linh hoá vạn vật” này lại giúp cho người VN vượt qua thái độ quá chuộng hình thức lễ nghĩa tỉ mỉ, vụn vặt của Nho giáo để đến gần với thiên nhiên và tìm được sự khoáng đạt cho tâm hồn.

2.5. Kitô giáo. Chúng ta không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Kitô giáo trong thời kỳ này. Kitô giáo được truyền vào VN là đạo Công giáo theo lễ nghi Rôma, qua các giáo sĩ dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, dòng Augustinô người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI, nhất là các giáo sĩ dòng Tên vào thế kỷ XVII (1615-1665). Các giáo sĩ này nói được tiếng Việt, sáng lập ra chữ Quốc ngữ và đóng góp nhiều về khoa học, cũng như xã hội cho các vua chúa của cả hai miền Nam Bắc.

Họ truyền bá một giáo thuyết khác với Tam giáo Đông Phương về nhiều điểm nên gặp sự chống đối mãnh liệt của vua quan, nhưng đó lại là những sự thật cơ bản được các dân tộc trên thế giới ngày nay đón nhận. Sự thật đó là tất cả mọi người đều có giá trị cao quý như nhau vì đều là con cái Chúa, đều tự do và bình đẳng trước pháp luật chứ không phải vua có toàn quyền sinh sát trong tay, hôn nhân một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng và có giá trị như nhau…

Đạo Công giáo đưa ý thức dân chủ vào trong xã hội khi dạy các tín đồ về một Thiên Chúa là Cha chung của mọi người mọi vật và chính Con Một của Ngài là Chúa Giêsu, Đấng thật sự là Thiên Tử, không những không dùng quyền tối thượng của mình để giết hại ai, nhưng đã hy sinh và chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ tất cả. Do đó mọi người đều phải yêu thương nhau vì đều là con cái Thiên Chúa. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Người Công giáo cổ vũ chế độ một vợ một chồng và giáo dục con cái cẩn thận nên gia đình rất hạnh phúc.

Hơn nữa, nhờ được các vị thừa sai truyền giáo nước ngoài dạy cho kiến thức về khoa học, vệ sinh thường thức nên họ truyền bá khoa học này cho nhau, dạy cho nhau biết lọc nước sạch bằng than cát sỏi, nấu chín mới uống, chứ không dùng trực tiếp nước ao tù để không bị ghẻ lở, toét mắt và các bệnh đường ruột rất phổ biến thời đó. Kết quả là họ khoẻ mạnh, xinh đẹp. Các tu sĩ, nhất là các nữ tu Mến Thánh Giá, có mặt ngay từ thế kỷ XVII, biết cách đỡ đẻ hợp vệ sinh nên được dân chúng tôn kính gọi là “bà mụ”.

Các người Công giáo thúc đẩy nhau học hành, ban đầu là chữ Hán, chữ Nôm với cả kho tàng các sách đạo viết bằng hai loại chữ này, sau là chữ Quốc ngữ do người Công giáo phát minh, nên họ là những người thúc đẩy văn hoá mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc. Họ đọc kinh, đọc sách hằng ngày, nghe giảng đạo hàng tuần về giới luật yêu thương, bác ái nên họ sống đạo một cách ý thức, tốt lành khiến cho dân chúng yêu thương, mến phục.

Dù họ bị bách hại, bị đối xử tàn tệ bởi nhà nước quân chủ chuyên chế, nhưng họ vẫn được dân chúng đón nhận qua những giá trị văn hoá. Bằng chứng cụ thể là xã hội VN được thay đổi dần dần theo hướng dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, mở ra cho khoa học kỹ thuật, nhất là đón nhận chữ Quốc ngữ.

Đây là thứ chữ do các vị thừa sai như linh mục Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Girolamo Majorica, nhất là linh mục Alexandre de Rhodes, quen gọi là cha Đắc Lộ, cộng tác với các thầy giảng như cụ Gioakim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ Nghè Giuse… phát minh để ghi âm tiếng Việt bằng chữ La Tinh cộng thêm một số dấu bằng chữ Bồ Đào Nha, chữ Ý rồi được phổ biến trong cộng đồng tín hữu trong khoảng thời gian 1620-1650. Vào năm 1865, nghĩa là chỉ sau hơn 200 năm sáng lập chữ viết, tờ báo tiếng Việt đã ra mắt ở miền Nam Việt Nam, với tên gọi là Gia Định Báo. Như thế, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, 400 năm (1615-2013) so với 4.000 năm lịch sử, đạo Công giáo đã đóng góp và xây dựng nhiều giá trị lớn cho nền văn hoá dân tộc.

Điều không may cho Công giáo là vào thời điểm này, các đế quốc thực dân đi chiếm thuộc địa và các nhà truyền giáo lại theo chân họ vào VN, gây nên nhiều hiểu lầm và cả những cuộc bách hại. Khi quân đội Pháp bắn thị uy vào cảng Đà Nẵng (1847) và nhanh chóng chiếm được các tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), rồi đặt nền đô hộ từ 1862-1945 thì người VN như bừng tỉnh trước sức mạnh trổi vượt về quân sự, khoa học, kỹ thuật của quân thù, trước chính sách bế quan toả cảng của vua quan, dẫn đến ngu dốt, lạc hậu, yếu kém. Họ giống như người Trung Quốc bừng tỉnh sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) và thấy rằng: “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi!” (Trần Kế Xương). Họ muốn được như người Nhật cởi mở với nền văn minh kỹ thuật của phương Tây nên các phong trào như Đông Du của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can… đã ra đời. Dân tộc VN bước vào một thời kỳ mới.

 

2.6. Giai đoạn bài bác tôn giáo

Chúng ta có thể nói thật rằng hiện có khá nhiều những thành kiến, hiểu lầm, mặc cảm phát sinh trong quá trình lịch sử giữa Nhà Nước với cộng đồng các tôn giáo hoặc với cả quần chúng nhân dân cần phải được giải trừ thì việc gắn bó, đồng hành của cả dân tộc Việt Nam mới dễ dàng thực hiện.

Những luận điệu xuyên tạc lịch sử do lòng thù hận Công giáo, mà chúng ta gặp thấy đâu đó như tác giả Trần Chung Ngọc nêu lên trong bài “Hồ Sơ Tộc Ác của Hội Thừa Sai Paris và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong lịch sử mất nước hồi cuối thế kỷ 19”, có lẽ cần được các nhà phê bình lịch sử phê phán đúng sai. Nhưng những người có trách nhiệm cổ vũ sự gắn bó và đồng hành của các cộng đồng tôn giáo đừng bao giờ vin vào các luận điệu xuyên tạc như thế để có định kiến và ác cảm với Công giáo (x. http://ebook.ringring.vn/xem-tai-lieu/ho-so-toc-ac-cua-hoi-thua-sai-paris-va-giao-hoi-cong-giao-viet-nam-trong-lich-su-mat-nuoc-hoi-cuoi-t/62971.html).

Dù bị bách hại với khoảng 130.000 người bị giết, bị lưu đày, bị bắt làm nô lệ cho những người ngoài Công giáo và không được buôn bán, học hành, thi cử, người Công giáo vẫn âm thầm hoặc công khai chịu đựng tất cả những sự thiệt thòi về phía mình, chứ không kết án ai hoặc không có hành động bạo loạn, phản bội dân tộc. Với khoảng 500.000 tín hữu vào năm 1850 và 648.435 tín hữu vào năm 1889 (x. HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam – Niên giám 2005, tr.195), người Công giáo dư sức liên kết với thực dân Pháp mua vũ khí, tàu chiến, chống lại triều đình nhà Nguyễn để tìm tự do, hạnh phúc và tự trị cho cộng đồng mình.

Nhưng người Công giáo đã không làm thế. Họ chỉ muốn sống với tất cả niềm vui của Tin Mừng và muốn chứng minh những giá trị của dân chủ, bình đẳng nam nữ, gia đình một vợ một chồng, của khoa học và tri thức, của chữ viết và những giá trị nhân văn cao cả khác một cách bất bạo động khiến cho cả cộng đồng yêu quý họ, che chở họ và đón nhận những giá trị mới mẻ mà họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Bằng chứng rõ ràng là cả nước ủng hộ họ, dù chính quyền bách hại họ, đón nhận các giá trị mới mẻ, đón nhận chữ viết để trở thành chữ Quốc ngữ.

Nếu chỉ có một vài giáo sĩ thừa sai nước ngoài, trong số 200 người đang truyền giáo tại VN lúc đó, có một vài hành động can thiệp với quân đội Pháp hay với chính phủ Pháp để cứu giúp những người bị bách hại dã man, thì hành động của những người này chỉ nhân danh quyền sống của con người, mà sau này Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12/1948 đã xác định rõ ràng. Sự can thiệp ấy là chính đáng giống như sự can thiệp của quân đội VN vào nước Campuchia năm 1979 để cứu dân tộc bạn khỏi nạn diệt chủng.

Những nhà Nho tâm huyết như Phan Bội Châu, Phan Chu trinh, Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để vì nhận chân được giá trị của người Công giáo VN nên đã hô hào các sĩ phu và dân chúng sống theo tinh thần yêu nước chân chính ấy và đã cứu người Công giáo khỏi hoạ diệt vong do các sĩ phu trong phong trào Văn Thân khởi xướng vào những năm 1867-1868, 1873-1874, 1883-1885 với nhiều làng Công giáo bị huỷ diệt, đốt cháy.

Giai đoạn khó khăn cho tất cả các tôn giáo bắt đầu từ năm 1954 ở miền Bắc và từ 1975 ở miền Nam đến nay. Nếu như trước đây, người VN tin vào Trời – Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám, thì giờ đây, những bài học trong các sách giáo khoa, trong các buổi học chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm bài bác chủ nghĩa duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 60 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tôn giáo ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng của đạo đức xã hội, thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng!

Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời. Như thế, suy cho cùng thì sự có mặt của các tôn giáo rất cần thiết cho xã hội. Một số ít người đã nhận ra điều ấy và đang cổ vũ cho những lễ hội dân gian hoặc tham gia các lễ nghi tôn giáo. Nhưng nhiều người VN hiện nay chưa ý thức được điều này.

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao xây dựng một nền đạo đức xã hội tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi người thay vì mất nhiều sức lực cho những tranh cãi duy tâm – duy vật hoặc vô thần – hữu thần, đồng thời làm sao cho tín đồ của các tôn giáo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc trong hoàn cảnh hiện nay.

3. Xây dựng tín ngưỡng và tôn giáo như nét văn hoá mới

Việc gắn bó và đồng hành của cả dân tộc Việt Nam tưởng chừng như đơn giản và dễ dàng vì tín đồ các tôn giáo đều là những công dân của một nước, đều thuộc về cộng đồng dân tộc nên đương nhiên phải gắn bó với nhau, cũng như vì các tín đồ đều là công dân nên đương nhiên phải đồng hành với mọi người để xây dựng và bảo vệ đất nước, để xây đắp và phát triển dân tộc. Nhưng trong thực tế của lịch sử loài người, nhiều cuộc xung đột, chiến tranh đã xảy ra giữa các cộng đồng và dân tộc chỉ vì nguyên nhân tôn giáo.

Do đó, muốn cho các tôn giáo ở VN gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đồng bào chúng ta cần phải xác định rõ ràng ý nghĩa và giá trị của tôn giáo trong đời sống con người cũng như trong dân tộc Việt Nam.

3.1. Khái niệm  “tôn giáo”

 “Tôn giáo” là một khái niệm rất khó định nghĩa. Điều chúng ta lấy làm lạ là nếu mở mục từ “tôn giáo” trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học hay trong Từ điển Bách khoa Việt Nam do Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn, ta vẫn đọc thấy định nghĩa tôn giáo theo quan điểm tôn giáo học Marxit của chủ nghĩa xã hội với những nhận định tiêu cực như: “Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội, phản ánh một cách hư ảo thế giới hiện thực… Đặc điểm chủ yếu của tôn giáo là niềm tin vào cái siêu nhiên, thần thánh, thế giới bên kia, sự bất tử của linh hồn v.v… Sự xuất hiện của tôn giáo gắn liền với trình độ phát triển thấp của sản xuất xã hội, con người bất lực trước những sức mạnh tự phát của thế giới tự nhiên cũng như của những tai hoạ xã hội và không giải thích được bản chất của chúng. Trong xã hội có giai cấp, giai cấp bóc lột luôn luôn lợi dụng tôn giáo như một vũ khí tinh thần” (x. Hội đồng Quốc gia, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.485, tập 4).

Nhiều người tự hỏi rằng làm sao có thể hô hào những tín hữu thuộc các tôn giáo gắn bó và đồng hành với dân tộc khi họ bị đánh giá tiêu cực như thế! Làm sao giải thích được hàng vạn người chen chúc nhau trong các lễ hội tôn giáo, giành giật nhau tấm “ấn đền Trần”, hoặc dự các lễ nghi tôn giáo trong các đền chùa, trong đó không thiếu những cán bộ, đảng viên nắm giữ chính quyền? Tại sao các nhà biên soạn không có những định nghĩa ôn hoà và quân bình hơn đối với những mục từ “nhạy cảm” như thế để mọi người trong cộng đồng xã hội có thể chấp nhận như trong các cuốn từ điển có giá trị quốc tế khác?

Rồi nếu chúng ta nhận ra tôn giáo như hệ thống những giá trị cao cả nhất của tinh thần có thể giúp con người vực dậy nền đạo đức suy đồi hiện nay của xã hội VN, là hình thái cao cả nhất của văn hoá, thì cần phải thay đổi cách nhìn tiêu cực về tôn giáo trong các sách giáo khoa, trong các phát biểu trên những phương tiện truyền thông xã hội…

Chúng ta có thể mượn lời của GS. Đặng Nghiêm Vạn viết trong sách Lý luận Tôn giáo và Vấn đề Tôn giáo ở Việt Nam như sau: “Để có khái niệm đầy đủ về tôn giáo cần phải chú ý: 

– Khi nói đến tôn giáo, dù theo ý nghĩa hay cách biểu hiện nào thì luôn luôn phải đề cập đến vấn đề hai thế giới: thế giới hiện hữu và thế giới phi hiện hữu, thế giới của người sống và thế giới sau khi chết, thế giới của những vật thể hữu hình và vô hình.

– Tôn giáo không chỉ là những sự bất lực của con người trong cuộc đấu tranh với tự nhiên và xã hội, do thiếu hiểu biết dẫn đến sợ hãi và tự đánh mất mình do đó phải dựa vào thánh thần mà còn hướng con người đến một hy vọng tuyệt đối, một cuộc đời thánh thiện, mang tính “Hoàng kim nguyên thuỷ”, một cuộc đời mà quá khứ, hiện tại, tương lai cùng chung sống. Nó gieo niềm hi vọng vào con người, dù có phần ảo tưởng để yên tâm, tin tưởng để sống và phải sống trong một thế giới trần gian có nhiều bất công và khổ ải.

Như vậy: Tôn giáo là niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tính thiêng liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách hư ảo, nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở thế giới bên kia. Niềm tin đó được biểu hiện rất đa dạng, tuỳ thuộc vào những thời kỳ lịch sử, hoàn cảnh địa lý – văn hoá khác nhau, phụ thuộc vào nội dung từng tôn giáo, được vận hành bằng những nghi lễ, những hành vi tôn giáo khác nhau của từng cộng đồng xã hội tôn giáo khác nhau” (x. mục “Tôn giáo là gì? www.anthdep.eduvn/?frame=newsview& id=199).

3.2. Xây dựng bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới

Chúng ta đã nói đến lời nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các nhà xã hội học về tình trạng suy thoái đạo đức và nhận thức đó là “nguy cơ của mọi nguy cơ” có thể làm sụp đổ tương lai tươi sáng của dân tộc, thậm chí có thể đưa dân tộc vào con đường nô lệ, diệt vong.

Tất cả những ai yêu mến quê hương đều đặt một câu hỏi quan trọng: “Làm sao vực dậy được nền đạo đức dân tộc đang suy thoái trầm trọng này?”. Chính quyền và các nhà xã hội, giáo dục đã xác nhận tình trạng suy thoái đạo đức của dân tộc Việt, nhưng cần phải can đảm chỉ rõ nguyên nhân và đề ra những biện pháp, kế hoạch để vực dậy nền đạo đức này mới là những việc cần làm.

Chính quyền cũng đã quan tâm đến vấn đề này từ nhiều năm nay. Nhà nước đã giao cho Viện Khoa học Xã hội VN nghiên cứu một chương trình trọng điểm cấp Nhà Nước giai đoạn 2006-2010 là: “Xây dựng con người và phát triển văn hoá VN trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm chương trình: GSTS. Dương Phú Hiệp. Mã số: KX.03/06-10. Viện Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội VN cũng đã tham gia nghiên cứu chương trình này với đề tài: “Đặc điểm tư duy và lối sống của con người VN hiện nay và những vấn đề đặt ra trước yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế”. Chủ nhiệm đề tài là PGS.TS.Nguyễn Ngọc Hà. Mã số: 03.07/06-10.

Như chúng ta đã tìm hiểu về cấu trúc tâm lý xã hội của người VN qua các giai đoạn lịch sử tạo thành bản sắc người Việt và ảnh hưởng của tôn giáo vào bản sắc này, thì trước sự suy thoái đạo đức hiện nay, chúng ta cũng phải xây dựng bản sắc mới cho dân tộc bằng cách đào tạo đúng đắn về tôn giáo như một nét văn hoá mới. Thật vậy, những vấn đề xã hội chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả nếu chúng ta tìm ra những nguyên nhân sâu xa khiến cho nhiều người VN chia rẽ, lãnh đạm và ngại ngùng cho công việc chung cũng như chỉ đi tìm lợi ích riêng, đồng thời tìm ra được đường hướng sửa chữa những khuyết điểm đó.

Người Việt chúng ta từ mấy ngàn năm qua đã tin vào Trời như một chủ thể linh thiêng điều khiển muôn loài và nhìn thấu lương tri con người để thưởng phạt công minh cho mọi hành động tốt xấu. Lòng tin này là bản sắc văn hoá của dân tộc Việt sẽ vực dậy nền luân lý suy đồi hiện nay nếu mọi người chúng ta, nhất là chính quyền, cổ vũ cho việc đào tạo bản sắc này. Đây không phải là chúng ta cổ vũ cho những gì mê tín, dị đoan mà một số tôn giáo có thể còn khuyến khích nơi các tín đồ của mình, nhưng là cổ vũ cho những giá trị chân thiện mỹ ăn sâu trong tâm hồn con người.

Nếu văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một giai đoạn nhất định của lịch sử thì hầu hết các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đang dạy dỗ, cổ vũ các tín đồ của mình sống tốt đẹp, “ăn ngay ở lành”, tránh xa các điều gian ác, chịu trách nhiệm trước lương tâm ngay chính của mình chứ không phải chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các tôn giáo dùng những lời kinh, nghi lễ, giới luật, hành động khắc kỷ, hoạt động từ thiện, hoạt động đoàn thể cho từng giới nhằm thôi thúc các tín đồ sống theo các giá trị chân thiện mỹ để đạt được sự cứu độ, sự giải thoát siêu nhiên, hạnh phúc vĩnh hằng thay vì tìm lợi lộc ích kỷ và hạnh phúc chóng qua. Như thế là các tôn giáo đang cộng tác rất tích cực vào việc xây dựng nét văn hoá mới cho người Việt Nam.

Con đường hình thành nên nét văn hoá mới cũng phải bắt đầu từ việc gây ý thức xã hội, rồi tạo nên những thói quen mới cho tập thể và sau một vài thế hệ những yếu tố tốt đẹp ấy mới hình thành nên bản sắc dân tộc. Đây cũng là điều các tôn giáo đang thực hiện cho tín đồ của mình nhờ những kinh đọc hằng ngày, việc đi dự thánh lễ hằng tuần của người Công Giáo, Tin Lành hay cầu lễ nơi đình chùa, thánh thất hằng tháng của tín đồ Phật giáo. Những công việc này đúng ra nên được sự giúp đỡ và cộng tác chặt chẽ của chính quyền các cấp, phối hợp với các nhà tâm lý, khoa học, giáo dục, xã hội cũng như các văn nghệ sĩ, những nhà truyền thông xã hội để thành những tấm men vực dậy nền đạo đức của cả dân tộc.

Vì thế, bài viết này có lẽ chỉ là một khởi đầu cho rất nhiều những công việc chúng ta có thể làm trong tương lai. Tương lai đất nước chỉ tươi sáng nếu từng người VN chúng ta thực hiện những hành động tích cực, liêm chính và nhân ái cho nhau ngay từ giây phút hiện tại này.

Lời kết

Trong cuộc đối thoại với những người không tôn giáo để giới thiệu Đức Giêsu Kitô, người tín hữu Công giáo còn rất nhiều giá trị mới trong cuộc đời của Chúa cũng như trong Phúc Âm cần phải khám phá và làm chứng. Tuy nhiên, lời chứng của chúng ta chỉ có giá trị nếu chúng ta dám sống và dám chết vì đại nghĩa như Chúa Giêsu cũng như cha ông chúng ta trong lịch sử để xây dựng bản sắc mới cho dân tộc.