Lời nguyện của người khiêm nhường bay thấu tới tầng mây
Chúng ta dễ bị cám dỗ kể ra với Thiên Chúa những công trạng của mình, như người biệt phái đã làm. Nhưng để cho kinh nguyện có thể bay thấu tới trời cao, thì kinh nguyện phải phát xuất từ một tâm hồn khiêm nhường, nghèo khó.
Lời nguyện của người khiêm nhường bay thấu tới tầng mây
Kết thúc Đại hội bất thường của Thượng hội đồng Giám mục Trung Đông – Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô - Chúa Nhật XXX TN, 24/10/2010
Chư huynh đáng kính,
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông,
Anh chị em thân mến!
Hai tuần sau ngày khai mạc đại hội, lại một lần nữa, chúng ta quy tụ về đây trong Ngày của Chúa, xung quanh Bàn thờ Tuyên tín của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, để kết thúc Đại hội bất thường của Thượng hội đồng Giám mục vùng Trung Đông. Từ đáy sâu tâm hồn chúng ta vang lên tâm tình biết ơn sâu xa vì Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân có được kinh nghiệm thực diệu kỳ này, không những cho chúng ta, mà còn cho lợi ích của Giáo Hội, của Dân Chúa đang sống trong những vùng đất trải dài từ Biển Địa Trung Hải đến vùng Lưỡng hà. Với tư cách là Giám mục Rôma, tôi muốn chia sẻ niềm biết ơn này với anh em, thưa các Nghị phụ Thượng hội đồng đáng kính: các vị Hồng y, Thượng nghị phụ, Tổng Giám mục, Giám mục. Cách đặc biệt, tôi xin cám ơn vị Tổng Thư ký, bốn vị Chủ tịch đại biểu, Tổng báo cáo viên, vị Thư ký chuyên biệt và tất cả các cộng tác viên đã làm việc không ngừng trong những ngày vừa qua.
Sáng nay, chúng ta đã rời Sảnh phòng Thượng hội đồng và chúng ta đã đến «Đền thờ để cầu nguyện»; chính vì lý do đó mà dụ ngôn về người biệt phái và người thu thuế được Đức Giêsu kể lại, và được Thánh sử Luca tường thuật liên hệ trực tiếp đến chúng ta (x. 18,9-14). Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ kể ra với Thiên Chúa những công trạng của mình, nhất là khi nghĩ đến sự dấn thân làm việc trong những ngày vừa qua, như người biệt phái đã làm. Nhưng để cho kinh nguyện có thể bay thấu tới trời cao, thì kinh nguyện phải phát xuất từ một tâm hồn khiêm nhường, nghèo khó. Và như thế, đối với chúng ta cũng thế, vào cuối biến cố Giáo Hội này, trước tiên, chúng ta muốn tạ ơn Thiên Chúa, không phải vì những công trạng của chúng ta, nhưng là vì hồng ân Ngài đã ban cho chúng ta. Chúng ta nhận thấy mình bé nhỏ, và chúng ta cần ơn cứu độ và lòng thương xót; chúng ta nhận ra rằng tất cả đều đến từ Chúa, và chỉ với ơn của Chúa, điều mà Thánh Thần đã nói với chúng ta mới có thể thực hiện được. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể «ra về» thực sự được phong phú hoá, được trở nên công chính hơn, và có thể dõi bước trên những con đường của Chúa.
Bài đọc I và Thánh vịnh đáp ca làm nổi bật chủ đề cầu nguyện, khi nhấn mạnh rằng lời kinh càng tác động nhiều hơn đến Chúa khi người cầu xin càng cần Chúa giúp đỡ và đang ở trong cơn sầu não. «Lời nguyện của người khiêm nhường bay thấu tới tầng mây», Sách Huấn Ca đã khẳng định như thế (35,17); và tác giả Thánh vịnh còn nói thêm: «Giavê ở gần những tâm hồn giập nát, Ngài cứu thoát những tâm thần thất vọng ê chề» (34,19). Tâm trí tôi bỗng nhớ đến những anh chị em đang sinh sống tại Trung Đông, và đang phải đối mặt với những tình thế khó khăn, đôi khi không thể nào gánh nổi, do những khó khăn về mặt vật chất cũng như sự nản lòng bỏ cuộc, và do tình hình căng thẳng và sợ hãi. Hôm nay Lời Chúa cũng mang lại cho chúng ta một nguồn sáng hy vọng rằng «sẽ đến lúc Người tiểu trừ lũ ngạo ngược, đập tan vương trượng bọn ác nhân. Sẽ đến lúc Người trả cho ai nấy theo việc họ làm, và xét xử hành động của người ta theo ý hướng của họ» (Hc 35,21-22).
Mối dây liên kết giữa kinh nguyện và công lý cũng làm cho chúng ta nghĩ đến biết bao tình cảnh trên thế giới này, đặc biệt ở Trung Đông. Tiếng kêu của những người nghèo và những người bị áp bức có một âm hưởng trực tiếp đến Thiên Chúa, Đấng muốn can thiệp để mở cho họ một lối thoát, để tái tạo một tương lai tự do và một chân trời hy vọng.
Niềm tin vào Thiên Chúa ở gần chúng ta, Đấng luôn cứu thoát bạn hữu mình, là niềm tin mà Tông đồ Phaolô đã minh chứng trong bài đọc hai hôm nay, được trích từ Thư thứ hai gửi cho Timôtê. Khi thấy cuộc đời trần thế của mình đã gần kề, Phaolô đã tổng kết đời mình: «Cha đã chiến đấu đến cùng cuộc chiến chính nghĩa, cha đã chạy đến đích, và cha đã giữ vững được đức tin» (2Tm 4,7). Đối với mỗi người trong chúng ta, anh em rất thân mến trong Giám mục đoàn, đây là một mẫu gương để chúng ta bắt chước: ước gì lòng Tốt lành của Thiên Chúa giúp chúng ta xem bản tổng kết này là của chúng ta! Thánh Phaolô nói tiếp: «Chúa đã giúp tôi và đã ban cho tôi đầy tràn sức mạnh, để nhờ tôi mà sứ điệp được loan báo đến toàn thể chư dân thiên hạ» (2Tm 4,17). Đây là lời nói có một âm vang mãnh liệt trong ngày Chúa Nhật hôm nay, ngày chúng ta cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo! Hiệp thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, làm chứng cho tình yêu của Người. Kinh nghiệm của Thánh Tông đồ là mẫu mực cho mọi Kitô hữu, đặc biệt cho chúng ta là những Mục tử. Chúng ta đã cùng nhau chia sẻ một thời gian sống hiệp thông với Giáo Hội thực mãnh liệt. Giờ đây, chúng ta từ giã nhau để mỗi người quay về nhiệm sở của mình, nhưng chúng ta biết rằng chúng ta vẫn kết hợp với nhau, rằng chúng ta vẫn ở trong tình yêu của Người.
Đại hội Thượng hội đồng kết thúc hôm nay vẫn giữ mãi trong tâm trí hình ảnh về cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi được Sách Công vụ Tông đồ mô tả: «Đám đông tín hữu chỉ có một lòng một trí» (Cv 4,32). Đây là một thực tế mà chúng ta đã trải nghiệm trong những ngày vừa qua, những ngày mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ những niềm vui và cơ cực, những mối bận tâm và hy vọng của các Kitô hữu tại Trung Đông. Chúng ta đã sống mối dây hợp nhất của Giáo Hội trong sự đa dạng của các Giáo Hội đang hiện diện trên vùng đất này. Được Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta đã trở nên «một lòng một trí» trong đức tin, trong đức cậy và đức mến, nhất là trong những buổi Cử hành Thánh Thể, là nguồn mạch và là đỉnh cao của sự hiệp thông Giáo Hội, cũng như trong các Giờ kinh Phụng vụ, được cử hành mỗi sáng dựa theo một trong bảy nghi thức Công giáo tại Trung Đông. Như thế, chúng ta đã làm cho nét phong phú của phụng vụ, tu đức và thần học của các Giáo Hội Đông Phương Công giáo, cũng như của Giáo Hội La Tinh được nâng cao. Đây là một cuộc trao đổi những ân huệ quý giá mà tất cả các Nghị phụ Thượng hội đồng đã thừa hưởng được. Chúng ta mong ước cho một kinh nghiệm tích cực như thế cũng được cảm nghiệm trong các Giáo Hội tại Trung Đông, khi chúng ta giúp cho các tín hữu được dễ dàng tham dự vào trong các buổi cử hành phụng vụ của các Nghi lễ Công giáo khác, và như thế, cho phép họ mở lòng ra với những chiều kích của Giáo Hội hoàn vũ.
Lời kinh chung cũng giúp chúng ta đương đầu với những thách đố của Giáo Hội Công giáo tại Trung Đông. Một trong những thách đố đó là sự hiệp thông bên trong mỗi Giáo Hội sui iuris, cũng như trong những tương giao giữa các Giáo hội Công giáo khác nhau thuộc những truyền thống khác nhau. Cũng như trang Tin Mừng hôm nay đã nhắc lại cho chúng ta điều này (cf. Lc 18,9-14), đó là chúng ta cần khiêm nhường để nhận ra những giới hạn, những sai lầm và những thiếu sót của chúng ta, để có thể thực sự tạo nên «một lòng một trí». Một sự hiệp thông sâu xa hơn giữa lòng Giáo hội Công giáo cũng sẽ giúp cho công cuộc đối thoại đại kết với các Giáo Hội khác và các Cộng đoàn Giáo Hội được trở nên dễ dàng hơn. Giáo hội Công giáo cũng đã tái khẳng định trong Đại hội Thượng hội đồng này niềm xác tín sâu xa của mình là tiếp tục công cuộc đối thoại để cho lời cầu xin của Chúa Giêsu: «ước gì chúng nên một» (Ga 17,21) được thể hiện.
Những lời nói của Chúa Giêsu sau đây có thể áp dụng cho các Kitô hữu Trung Đông: «Đừng sợ, hỡi đoàn chiên bé nhỏ, bởi vì Cha các con đã vui lòng ban Nước Trời cho các con» (Lc 12,32). Quả thực, ngay cả khi họ là thiểu số, thì họ vẫn là những người mang Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu đã được mạc khải tại Thánh địa trong con người Đức Giêsu Kitô. Lời cứu độ này, được tăng cường nhờ ơn sủng do các Bí tích mang lại, đang âm vang với một sức hùng mạnh đặc biệt ở những nơi do Chúa Quan Phòng ấn định, được viết ra và là Lời nói độc nhất có thể phá huỷ được vòng lẩn quẩn của báo thù, ghen ghét, bạo lực. Từ một tâm hồn được thanh luyện, sống hoà bình với Thiên Chúa và tha nhân, có thể phát sinh những quyết định và sáng kiến hoà bình ở bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế. Theo chiều hướng này, ước gì toàn thể cộng đồng quốc tế đều được mời gọi đảm nhận vai trò của mình, ước gì các Kitô hữu, với tư cách công dân có đủ quyền hạn, có thể và phải góp phần theo tinh thần bát phúc, hầu trở nên những người xây dựng hoà bình và những tông đồ hoà giải để phục vụ toàn thể xã hội.
Từ lâu, những xung đột, chiến tranh, bạo lực và khủng bố vẫn diễn ra tại Trung Đông. Hoà bình là một ân huệ Chúa ban, nhưng cũng là kết quả nỗ lực của những người thành tâm thiện chí, của những cơ cấu quốc gia và quốc tế, đặc biệt của các quốc gia dấn thân nhiều nhất trong việc tìm kiếm một giải pháp cho những cuộc xung đột. Không bao giờ được cam chịu tình trạng vắng bóng hoà bình. Hoà bình là có thể được. Hoà bình là khẩn cấp. Hoà bình là điều kiện thiết yếu để có được một cuộc sống xứng đáng với con người và với xã hội. Hoà bình cũng là phương dược tốt nhất để tránh tình trạng di cư của vùng Trung Đông. «Hãy gọi hoà bình về trên Giêrusalem» Thánh vịnh đã nói với chúng ta như thế (112,6). Chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình tại Thánh địa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hoà bình tại Trung Đông, và dấn thân làm việc để hồng ân Chúa ban cho người thành tâm thiện chí được lan tràn trên khắp thế gian.
Một đóng góp khác mà các Kitô hữu có thể mang lại cho xã hội, đó là cổ vũ cho một nền tự do đích thực về mặt tôn giáo và lương tâm, là một trong những quyền cơ bản của con người mà bất cứ Quốc gia nào cũng phải luôn tôn trọng. Trong nhiều Quốc gia tại Trung Đông, vẫn có tự do tôn giáo, nhưng không gian cho tự do thực thi tôn giáo thì lại nhiều khi rất bị hạn chế. Mở rộng không gian tự do này đã trở nên một nhu cầu, để bảo đảm cho tất cả những ai thuộc những cộng đoàn tôn giáo khác nhau quyền tự do đích thực để sống và tuyên xưng niềm tin của mình. Một chủ đề như thế sẽ có thể là đề tài cho một cuộc đối thoại giữa Kitô hữu và Hồi giáo, một cuộc đối thoại mà tính cấp bách và lợi ích của nó đã được các Nghị phụ Thượng hội đồng tái khẳng định.
Trong những phiên họp của Đại hội, các tham dự viên thường nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tái đề nghị Tin Mừng cho những người biết rất ít về Tin Mừng này, thậm chí còn rời xa Giáo Hội. Nhu cầu khẩn cấp về việc tái rao giảng Tin Mừng, thậm chí cho cả vùng Trung Đông, đã nhiều lần được nhắc đến. Đây là một đề tài rất được nhiều người biết đến, nhất là trong các Quốc gia được truyền giáo từ lâu. Việc thiết lập Hội đồng Giáo Hoàng cổ vũ việc tái rao giảng Tin Mừng mới đây cũng đã đáp lại nhu cầu sâu xa này. Chính vì thế, sau khi đã tham khảo Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới, và sau khi đã nghe Hội đồng thường vụ của Văn phòng tổng thư ký của Thượng hội đồng Giám mục trình bày, tôi đã quyết định dành chủ đề: «Nova evangelizatio ad christianam fidem tradendam» – Tái rao giảng Tin Mừng để chuyển trao đức tin Kitô giáo – cho Tổng đại hội thường vụ sắp tới sẽ được diễn ra vào năm 2012.
Anh chị em vùng Trung Đông thân mến! Ước gì kinh nghiệm của những ngày vừa qua bảo đảm với anh chị em rằng anh chị em sẽ không bao giờ cô đơn một mình, rằng Toà Thánh và toàn thể Giáo Hội, được khai sinh từ Giêrusalem, được loan truyền tại vùng Trung Đông, và sau đó trên toàn thế giới, luôn đồng hành với anh chị em. Chúng ta hãy dâng việc áp dụng những thành quả của Hội đồng bất thường vùng Trung Đông, cũng như việc chuẩn bị Tổng Đại hội thường vụ này cho Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc, Mẹ của Giáo Hội và là Nữ Vương Hoà Bình, cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.