24/01/2025

Dân Sài Gòn khốn đốn, loi ngoi chạy lũ

Đỉnh triều cường cao lịch sử ngày 20-10 tại TP.HCM đã tràn qua các bờ bao, gây ngập lớn tại các quận, huyện ngoại thành như quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi. Hàng ngàn người dân khốn đốn, loi ngoi trong ngập.

 

Dân Sài Gòn khốn đốn, loi ngoi chạy lũ

 

Đỉnh triều cường cao lịch sử ngày 20-10 tại TP.HCM đã tràn qua các bờ bao, gây ngập lớn tại các quận, huyện ngoại thành như quận 12, Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi. Hàng ngàn người dân khốn đốn, loi ngoi trong ngập.
 

 

Ông Trần Văn Phương (71 tuổi, ở đường Bến Phú Định, Q.8, TP.HCM) phải di chuyển đồ đạc lên trên cao vì nước tràn vào nhà mỗi lúc một nhiều (ảnh chụp lúc 18g ngày 20-10-2013). Sáu người trong gia đình ông phải đi ngủ nhờ ở nhà bà con – Ảnh: Quang Định

 

14g ngày 20-10, tại ngã tư “Nước mắm” cũ, hẻm 79 Bến Phú Định, P.16, Q.8, TP.HCM, nước ngập qua đầu gối, xe cộ và người bì bõm trong nước. Cả một ngã tư sầm uất buôn bán đủ loại mặt hàng giờ vắng teo. Chỉ còn bà Năm “rau cải” ngồi bên sạp rau được kê thật cao bán lèo tèo vài mớ rau.
Nước thải bủa vây
Cách nơi bà Năm bán hàng không xa là nhà ông Lâm Hữu Phước, thuộc tổ 51, P.16, Q.8. Chỉ tay vào chiếc cống bị vỡ nắp ngay trước hiên nhà và từng dòng nước đang đùn ngược từ dưới cống lên, ông Phước nói: “Nước dâng lên khắp nơi nên nhà vệ sinh cũng hạn chế sử dụng”.
Cách nhà ông Phước mấy con hẻm, ở phía sau là nhà bà Lâm Thị Muối. Dù triều cường đã tạm rút nhưng nền nhà bà Muối vẫn lênh láng nước. “Cả nhà có 11 người nhưng giờ chỉ còn mình tui ở nhà, bởi các cháu, các em đều đi thuê trọ nơi khác hết” – bà Muối cho biết.
Dù căn nhà ở vị trí cao hơn so với hẻm nhưng nước từ phía sau vẫn tràn vào nhà bà Muối, biến toàn bộ tầng 1 trở thành đường thoát nước ra hẻm phía trước. Toàn bộ tầng trệt nhà bà Muối dường như không để vật dụng gì ngoài một ghế gỗ và võng xếp. Đưa khách vào gian bếp chỉ còn mấy chiếc chậu và thùng chứa đầy nước sạch để rửa chân, bà Muối than: “Ở trong nhà thì hôi thối bởi mùi kênh, ra ngoài thì nước thải bủa vây tứ phía, thiệt là cực khổ không biết bao nhiêu mà lần”.
17g, dòng nước ngoài kênh dâng cao, vượt qua đường lộ, chảy vào hẻm 79 ào ào. “Thôi cô về đi, kẻo 15 phút nữa nước bao vây tứ bề là có muốn ra cũng không ra nổi đâu, và phải 2g sáng hôm sau mới bớt nước” – bà Muối nói và đẩy nhẹ cánh cửa. Dòng nước từ nhà bà Muối vẫn chảy ào ào ra cửa, con hẻm nước đang dâng ngược lên. Đúng lúc ấy trời lại đổ thêm một trận mưa rào.

 

Triều cường gây ngập sâu trên đường Lương Định Của, Q.2, TP.HCM chiều tối 20-10, làm hàng trăm xe máy bị chết máy – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

 

Bỏ nhà ra đi
Ở Thủ Đức, mờ sáng 20-10 tại khu phố 2, P.Bình Chiểu đã ngập sâu đến đầu gối, một số người dân đóng cửa, di tản đi nơi khác.
Tại hẻm 109 đường Ngô Chí Quốc, bà Lê Hồng Trang (65 tuổi) đang lúi húi dùng ba máy bơm bơm nước ra bờ kênh, mắt bà đỏ quạch vì mấy ngày qua phải thức đêm chống ngập. Bà Trang kể: “Mấy đêm nay triều cường dâng cao tui đâu ngủ được, nhà chỉ có hai vợ chồng già, chồng bị tai biến lần 3 nên chỉ ngồi một chỗ”. Trong ngôi nhà ngập nước, ông Huy (chồng bà Trang) thấy vợ lui hui một mình cũng nóng ruột chống gậy bước ra ngoài nhìn bà sửa máy bơm.
Cạnh đó, một số gia đình gần nhà bà Trang khóa trái cửa. Theo bà Trang, vì sống cảnh thấp thỏm với nước ngập khổ quá nên họ đã dọn đi nơi khác. Dọc con hẻm 109, bà Nguyệt (ngụ ở số nhà 105/4) chỉ tay về phía những căn nhà hoang ngập nước lênh láng, cây cỏ mọc um tùm quanh sân nói: “Nước ngập quá họ bỏ đi rồi để lại mảnh vườn, căn nhà hoang nằm giữa ao nước. Nhiều người dân nơi đây muốn bán nhà chuyển đi chỗ khác để không còn cảnh mỗi lần triều cường tới lại bị ngập”. Bà Nguyệt cho biết nhiều người có nhà ở khu vực này nhưng nước ngập suốt nên cắn răng bỏ lại căn nhà, đành ra đi. Có người mua đất rồi về ở một thời gian cũng rao bán lại vì chịu ngập không nổi, khổ nỗi đã ngập thì ai dám mua!
Trong đêm 19-10, bà Nguyệt phải nhờ người thân chở mẹ già đi gửi ở nơi khác, còn con thì gửi nhờ một người quen ở P.Tam Bình, Q.Thủ Đức. “Đêm hôm khuya khoắt, sợ nước dâng cao, cả nhà chạy không kịp. Nhà anh Thọ hàng xóm cũng gửi đứa con học lớp 2 đi chỗ khác, con hẻm đã vắng người nay lại càng vắng hơn” – bà Nguyệt nói.
HOÀNG ĐIỆP – ĐỨC PHÚ