Cứ đi sẽ thấy con đường
Chưa từng có chút khái niệm nào về du lịch khi chọn ngành học này nhưng sau hơn 10 năm, cô gái ấy đang là quản lý của một khách sạn bốn sao giữa trung tâm Sài Gòn.Cô gái ấy là Thượng Mỹ An, 31 tuổi, hiện là phó giám đốc khách sạn Continental Sài Gòn.
Cứ đi sẽ thấy con đường
Cô gái ấy là Thượng Mỹ An, 31 tuổi, hiện là phó giám đốc khách sạn Continental Sài Gòn.
1 Ngày nhập học vào Trường trung học Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TP.HCM (nay là Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist), An nghĩ đơn giản là phải có một cái nghề làm vốn vì lúc đó… không đủ điểm đậu đại học. Chính An cũng từng xem đó chỉ là cách “lấy ngắn nuôi dài”, có nghề, kiếm ra tiền, rồi đi tiếp con đường đại học chưa tới được. Nhưng cơ duyên ấy lại dẫn cô bước đi trên con đường khác mà khi giật mình nhìn lại ngót đã 10 năm “ăn, ngủ và sống với du lịch”.
Những chân trời mới cứ thế mở ra trước mắt An. Học, rồi yêu, rồi mày mò khám phá và ngày càng gắn bó với du lịch tự lúc nào không biết. Cái tên Thượng Mỹ An bắt đầu có trong từ điển của trường khi lần lượt đoạt giải nhì TP.HCM, giải nhất quốc gia hội thi tay nghề trẻ rồi huy chương bạc Hội thi tay nghề trẻ ASEAN tại Indonesia trong cùng năm. “Một cảm giác tự hào vì mình đem vinh quang đầu tiên về cho trường mình, nhưng vui hơn vì mình đã chiến thắng chính bản thân và nhận ra mình đã không thể rời xa du lịch được nữa” – Mỹ An nhớ lại.
Kết quả ấy tiếp thêm tự tin để An sang Luxembourg với suất học bổng du học toàn phần tại Trường Lycée Technique Hotelier “Alexis Heck” đúng chuyên ngành nhà hàng, khách sạn đã chọn. Với An, đấy là cơ hội có một không hai để tiếp cận với “kỹ năng quản lý, điều hành, cung cách phục vụ nhà hàng, khách sạn theo chuẩn châu Âu” nên cô đã bỏ lại hết, ra đi với bước chân hăm hở của tuổi 20. Lúc đó, An đang là quản lý của một nhà hàng tiệc cưới có tiếng của Sài Gòn.
2 Cô gái ấy đúng là có duyên với các cuộc thi. Bộ sưu tập giải thưởng thi tay nghề trước đó đủ thuyết phục các thầy cô Trường “Alexis Heck” chọn An là thí sinh châu Á duy nhất vào đội tuyển của trường so tài với thí sinh đến từ nhiều cường quốc du lịch của thế giới: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Mexico… “Tôi tạm quên đi chuyện sẽ phải so tài với thí sinh 15 cường quốc du lịch sắp tới mà chỉ biết cố tiếp thu tốt nhất những gì được các thầy cô truyền lại trong khoảng một tháng luyện thi đó. Tôi biết đó là cơ hội vàng để học cái mới trong chuyên môn về nhà hàng, khách sạn” – An kể.
Lúc công bố kết quả chung cuộc, họ không vội xướng tên người đoạt giải mà chỉ nói giải ba thuộc về một cô gái nhỏ nhắn, đến từ một quốc gia xa xôi. Và cái tên Việt Nam được xướng lên trong sự ngỡ ngàng lẫn giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc có chút tủi thân vì khi ấy chỉ duy nhất Thượng Mỹ An đến cuộc thi mà không có người thân bên cạnh. Mỹ An nhớ lại: “Cả chục thứ rượu toàn màu trắng trong được đặt trước mặt và chỉ được dùng mũi ngửi để phân loại chứ không cho nếm thử. Đây cũng là phần An có điểm thấp hơn các thí sinh khác trong cuộc thi, chứ các phần nghiệp vụ khách sạn, lễ tân, phục vụ bàn đều hoàn thành tốt”.
Một năm học tại Luxembourg qua nhanh. An về nước và trở thành giáo viên của chính ngôi trường đã nuôi lớn giấc mơ theo ngành du lịch của đời mình. Cô giáo trẻ truyền hết cho học trò những điều đã trở thành bí quyết trong suốt thời gian học, quan sát tại nhiều nhà hàng, khách sạn ở những nước châu Âu mà mỗi khi tranh thủ thời gian nghỉ của khóa học, An lại vác balô du lịch đây đó.
3 Nhiều người cũng không biết được thời gian đâu để chỉ trong vài năm, Thượng Mỹ An vừa làm tròn vai trò thủ lĩnh thanh niên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, vừa hoàn thành giấc mơ đại học ngày trước, lại còn lập gia đình và làm mẹ của một cậu nhóc 5 tuổi. Lúc gặp An ở một vùng đồng bào dân tộc Tây nguyên, khi lại thấy An có mặt cùng đồng đội ở nước bạn Lào trong chiến dịch Kỳ nghỉ hồng. Vậy mà mới đây cô bạn ấy còn kịp nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh một chương trình liên kết đào tạo của VN với nước ngoài.
Gần một năm nhận nhiệm vụ phó giám đốc khách sạn Continental Sài Gòn, An nhận ra những điều cần thay đổi dù khách sạn này vừa nhận danh hiệu khách sạn xanh ASEAN và khách sạn bốn sao tốt nhất năm 2012. “Có những điều nhỏ thôi, như khi trời không đủ sáng thì phải bật đèn lên cho không gian ấm cúng, nhưng đôi lúc nhân viên lại chưa để ý lắm chi tiết này. Đó chính là những điều tôi đang âm thầm truyền lại cho nhân viên của mình mỗi ngày” – An chia sẻ. Bốn vòng kiểm tra hết các khâu của khách sạn sáng chiều, An đang cùng với giám đốc và đội ngũ nhân viên chuẩn bị cho những thay đổi, để một kiến trúc thời Pháp giữa trung tâm Sài Gòn không chỉ tôn lên nét đẹp vốn có của nó mà còn là một không gian thân thiện, gần gũi với du khách khi nghỉ chân giữa Sài Gòn.
Cứ đi rồi sẽ thấy con đường, An luôn tâm niệm như thế. Nhưng với cô gái có tên gọi khá lạ ấy, cuộc sống còn luôn là: “Phải biết sẵn sàng thích nghi với đòi hỏi của cuộc sống. Luôn vững tin tiến bước bằng sức trẻ của mình. Sợ vấp và lo ngã, điều ấy không thừa nhưng chắc chắn không thể ngăn cản khát vọng phải tìm ra và chinh phục con đường mới phía trước”.
QUỐC LINH
Một đại biểu của dân Gần ba năm qua, Thượng Mỹ An còn được biết đến trong vai trò một đại biểu trẻ của HĐND TP.HCM khóa 2011-2016. Mỗi tuần, cô đều có một buổi trực tiếp dân để nghe họ kể, kiến nghị hay chỉ đơn giản là ngồi nghe họ tâm sự chuyện gia đình, cá nhân. Nhưng chính An cũng thừa nhận mới chỉ làm tròn vai trò phản ảnh lại chứ chưa thật sự giúp bà con giải tỏa được nhiều bức xúc như họ mong muốn. “Tôi cho rằng vẫn phải tăng số lượng đại biểu chuyên trách nhiều hơn nữa, bớt đi đại biểu kiêm nhiệm, có vậy mới đủ thời gian đầu tư, kịp thời ghi nhận, phản ảnh tâm tư, giải quyết nguyện vọng cho bà con” – đại biểu Thượng Mỹ An bày tỏ. |