27/11/2024

Vũ khí hóa học đe dọa biển Baltic

Hàng trăm ngàn tấn vũ khí hóa học chôn dưới đáy biển Baltic sau Thế chiến 2 đang đe dọa môi trường và cuộc sống của người dân quanh đây.

 

Vũ khí hóa học đe dọa biển Baltic

Hàng trăm ngàn tấn vũ khí hóa học chôn dưới đáy biển Baltic sau Thế chiến 2 đang đe dọa môi trường và cuộc sống của người dân quanh đây.

 

Sau Thế chiến 2, Liên Xô và quân đồng minh đã đổ hàng chục ngàn tấn vũ khí hóa học xuống biển Baltic, chủ yếu là đáy biển vịnh Gotland nằm giữa Thụy Điển và các nước vùng Baltic, theo tuần báo Uwazam Rze của Ba Lan. Số vũ khí hóa học, gồm cả khí mù tạt, thạch tín, được thu giữ từ các kho vũ khí của Đức.

Hố rác hóa chất khổng lồ

Quyết định loại bỏ toàn bộ 267.500 tấn vũ khí hóa học tịch thu trong Thế chiến 2 được đưa ra tại Hội nghị Potsdam năm 1945. Cách rẻ nhất để làm điều này là đổ toàn bộ kho vũ khí xuống biển Baltic, chủ yếu là vịnh Bornholm có độ sâu 100 m và vịnh Gotland có độ sâu

459 m. Kết quả là người Nga đổ khoảng 40.000 tấn hơi cay, khí mù tạt, phosgene, tabun, muối xyanua và a xít prussic xuống vùng biển rộng khoảng 2.800 km2 quanh đảo Bornholm. Năm 1945, người Anh đổ 69.000 tấn đạn pháo và 5.000 tấn bom tại eo biển Little Belt. Một năm sau, người Mỹ đánh chìm 42 tàu chứa 130.000 tấn vũ khí hóa học của Đức tại các eo biển Đan Mạch. Đầu thập niên 1950, Liên Xô và Đông Đức đổ 6.000 tấn vũ khí hóa học xuống vùng biển ngoài khơi nước Đức. Với bờ biển của Ba Lan, hiểm họa lớn nhất bắt nguồn từ đợt đổ vũ khí của Liên Xô ở phía nam Gotland.

Sau gần 70 năm ngủ yên dưới đáy biển, những thùng chứa vũ khí hóa học đang ngày ngày bị bào mòn, làm tăng nguy cơ rò rỉ các chất độc chết người, theo cảnh báo của các nhà khoa học. Cụ thể là khí mù tạt, một loại chất lỏng không màu, có mùi như mùi tỏi bị hỏng, có thể từ từ thoát ra ngoài và gây hậu quả khủng khiếp. Tệ hơn nữa, các thùng chứa hóa chất theo thời gian sẽ vỡ ra, giải phóng một lượng lớn hóa chất gây chết người. Đây là những gì đang xảy ra ở biển Baltic. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tại vịnh Gotland có khoảng 8.000 quả đạn pháo và tên lửa có thể gây ô nhiễm môi trường. Nay chúng tôi xác nhận những vật thể này đang làm ô nhiễm đáy biển”, hãng UPI dẫn lời chuyên gia Jacek Beldowski của Viện Hải dương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan.  

Quả bom hẹn giờ

Các nhà khoa học châu Âu cảnh báo khí mù tạt, chiếm 80% lượng hóa chất bị vứt xuống biển, có thể gây ra mối đe dọa nhất định đối với các loài cá và sinh vật biển khác tại Baltic. Chuyên gia Beldowski cho biết có nhiều nghiên cứu chỉ ra một số khiếm khuyết về gien và bệnh tật ở loài cá tại vùng biển này. “Khi người Nga biết được hàng hóa họ vận chuyển rất nguy hiểm, họ đã ném thẳng chúng xuống biển ngay sau khi rời đất liền”, RIA Novosti dẫn lời ông Beldowski.

Hậu quả của hành động trên rất rõ ràng. Bắt đầu từ giữa thập niên 1990, tỷ lệ mắc ung thư phổi và ung thư da ở các ngư dân Thụy Điển đánh bắt giữa các đảo Bornholm và Gotland ngoài khơi bờ biển phía nam nước này tăng mạnh. Họ bị các triệu chứng điển hình do phơi nhiễm khí mù tạt. Theo kết luận của Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan, cá sống ở khu vực có vũ khí hóa học mắc bệnh nhiều hơn cá sống ở các khu vực khác của biển Baltic và có nhiều khiếm khuyết về gien. Chưa hết, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu lượng vũ khí khổng lồ ở biển Baltic, gồm đạn pháo, bom, ngư lôi, phát nổ thì vùng biển này có thể phải hứng chịu thảm họa tương đương với vụ nổ lò phản ứng Chernobyl.

 

Vùng biển Baltic rộng khoảng 422.000 km2 với độ sâu trung bình là 56 m, nằm ở Bắc Âu, giáp với Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Đức và Đan Mạch. Cách đây 10 năm, nhà khoa học Nga Aleksander Korotenko dự báo rằng từ năm 2020 đến năm 2060, các thùng chứa hóa chất độc hại sẽ bị bào mòn nhanh hơn khiến chất độc rò rỉ ra nước biển nhiều hơn và chỉ 16% số hóa chất đó cũng đủ để tiêu diệt toàn bộ sự sống ở biển Baltic.

 

Danh Toại

 

Châu Yên