11/01/2025

Bão cấp 13 hướng vào Quảng Nam đến Thừa Thiên – Huế

Chiều 13.10, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương với các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên để bàn phương án đối phó với cơn bão số 11.

 

Bão cấp 13 hướng vào Quảng Nam đến Thừa Thiên – Huế

Chiều 13.10, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương với các địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên để bàn phương án đối phó với cơn bão số 11. 

 

Bão cấp 13 hướng vào Quảng Nam đến Thừa Thiên - Huế
Bản đồ dự báo vị trí và đường đi của bão số 11. Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư – Ảnh: Phan hậu – Mai Vọng

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều qua 13.10 bão số 11 mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16, di chuyển chủ yếu theo hướng tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20 km. Dự báo đến 16 giờ ngày 14.10, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 140 km về phía đông, cường độ mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16. Trong khoảng 24 – 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, nhận định nhiều khả năng tâm bão đi vào các tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên-Huế song không loại trừ bão sẽ đi về phía Quảng Bình. Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 13.10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị – Quảng Ngãi (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16, biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh – Quảng Nam đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 m. 

Lên phương án di dời dân, cho học sinh nghỉ học

Tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, yêu cầu các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa-Thiên Huế và Quảng Trị cần hoàn thành công tác phòng chống bão trước 19 giờ ngày 14.10, căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất phương án cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn, lên phương án di dân.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu bộ đội biên phòng tuyến biển, các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ vận hành đúng quy trình để xả nước phù hợp với tình hình thực tế cắt lũ cho vùng hạ du. Ở các địa phương dự báo bão số 11 sẽ đổ bộ, cần chủ động huy động lực lượng lên phương án sơ tán dân vùng hạ du, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở.

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến 16 giờ ngày 13.10, bộ đội biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 61.446 phương tiện với 277.584 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Chiều cùng ngày, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện gửi các địa phương, yêu cầu tổ chức liên lạc, gọi tàu thuyền vào bờ và tránh xa khu vực vùng biển nguy hiểm tính từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 19.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5, cho biết lãnh đạo quân khu đã lập 3 đoàn công tác nhằm hỗ trợ TP.Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ngoài ra, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn cũng chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn quân khu chuẩn bị phương tiện, thiết bị, hậu cần và lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu người dân trong vùng. Trong khi đó, ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết thành phố sẽ tổ chức sơ tán khoảng 11.000 hộ dân với khoảng 55.000 nhân khẩu đến những nơi an toàn trước 12 giờ trưa 14.10.

Tại Quảng Trị, chiều 13.10 các đồn biên phòng ven biển đã triển khai lực lượng giúp dân neo đậu tàu thuyền vào nơi quy định; quản lý các phương tiện tàu thuyền không cho ra khơi… UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai các phương án chủ động đối phó; huy động các lực lượng trực 24/24 giờ đảm bảo an toàn hồ đập và đê điều; lập phương án di dời dân ở vùng trũng thấp lên khu vực cao để đảm bảo an toàn tính mạng…  

Tỉnh Thừa Thiên-Huế dự kiến có 3.463 hộ với hơn 11.000 nhân khẩu ở những vùng xung yếu, sạt lở cần phải sơ tán. Tỉnh cũng đã yêu cầu chủ đầu tư các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn như A Lưới, Bình Điền, Hương Điền… có kế hoạch vận hành hồ chứa, đưa mực nước hồ về mức an toàn để đón lũ theo quy định.

Tại Quảng Nam, tỉnh đã lên phương án di dời hàng ngàn hộ dân sinh sống ở các vùng thấp trũng tại 5 huyện, thành phố gồm Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An. Tỉnh cũng đã có công văn đề nghị các chủ hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 xả nước đón lũ; các hồ thủy điện vận hành điều tiết đưa mực nước hồ về cao trình đón lũ theo đúng quy định…