Chúa Nhật XXVIII TN – C: Tạ ơn Chúa và biết ơn người
Các bài Thánh Kinh trong tuần 28 Thường Niên này mời gọi chúng ta suy nghĩ về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và đối với con người. Rồi từ đó chúng ta phát huy ơn của Chúa trong con người mình và có thể chuyển hồng ân Chúa cho người khác.
Chúa Nhật XXVIII TN – C
Tạ ơn Chúa và biết ơn người
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Lời mở
Các bài Thánh Kinh trong tuần 28 Thường Niên này mời gọi chúng ta suy nghĩ về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và đối với con người giống như Naaman, tướng quân nước Syri trong bài đọc I (x. 2V 5,14-17) hay như người phong hủi Samari được chữa lành trong bài Tin Mừng (x. Lc 17,11-19). Rồi từ đó chúng ta phát huy ơn của Chúa trong con người mình và có thể chuyển hồng ân Chúa cho người khác.
1. Tạ ơn Chúa
Trước hết, muốn tỏ lòng biết ơn, chúng ta phải hiểu “ơn” là gì.
Ơn là một điều làm cho người nào đó, mang lại ích lợi, sự tốt đẹp, được bản thân người ấy nhận thức như là cần phải đền đáp.
Từ này chúng ta thấy được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống. Chúng ta nói đến công ơn của cha mẹ hoặc ơn nghĩa cần phải đáp đền, đôi khi lại thấy “làm ơn nên oán”…
Có nhận thức được ơn nghĩa nào đó, ta mới tỏ lòng biết ơn. Nhận thức được ơn nhiều thì càng biết ơn nhiều. Trong cuộc đời, ta thấy mình đang sống, đang suy nghĩ, đang yêu thương một cách chủ động vì không ai sống thay ta, nghĩ giùm ta, yêu hộ ta. Mỗi ngày ta ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, hít thở khí trời… như là tự mình làm và đón nhận kết quả hành động của mình nên chẳng cần biết ơn ai.
Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn một chút, thử phân tích con người mình về mặt khoa học, ta thấy gì? Chỉ thấy con người được cấu tạo từ những phân tử, nguyên tử, điện tử vô hồn: carbone, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm chứ không thấy tư tưởng, tình yêu, sự sống ở đâu cả!? Thế mà chúng ta đang sống, đang yêu, đang suy nghĩ, vậy thì phải có nguồn sự sống, nguồn tình yêu, nguồn chân lý chuyển thông chúng cho ta chứ! Khi nhận thức được điều đó, chúng ta mới biết ơn Chúa.
Anh chị em đến nhà thờ trong trời mưa gió như thế này, đó chính là diễn tả lòng biết ơn và thánh lễ chúng ta dâng luôn luôn là thánh lễ tạ ơn, nói lên việc chúng ta nhận ra được ơn Chúa đã ban và chúng ta tạ ơn Ngài. Thánh lễ không phải là thứ tiền của thiêng liêng để ta trả nợ Thiên Chúa. Chúa không cần chúng ta ca tụng, không cần chúng ta dự lễ; nhưng càng biết ơn Ngài chúng ta càng nhận được nhiều ơn, lúc bấy giờ chúng ta mới phát huy đời sống của mình cách trọn vẹn. Vì thế, có lẽ chúng ta cần để ý thức hơn trong thánh lễ Chúa Nhật cũng như thánh lễ ngày thường.
2. Biết ơn người, biết ơn đời
Trong đời sống thường ngày chúng ta cũng chẳng cần biết ơn người, vì nghĩ rằng tự tay chúng ta làm ra đồng tiền để mua lương thực, đồ dùng. Nếu nghĩ sâu hơn, ta sẽ thấy mình đừng nên đánh giá sự vật theo giá trị đồng tiền chúng ta trả ở chợ đời. 15,20 ngàn đồng một ký gạo làm sao bù đắp được cho người nông dân khi cày cấy bị một quả mìn nổ chậm làm gẫy đôi chân? Vài chục ngàn đồng trả cho ký cá làm sao trả hết được cho người ngư phủ đã mất mạng trên biển trong cơn bão tố? Vài chục ngàn trả cho cái áo đang mặc làm sao bồi thường được cho người công nhân bị cán nát tay trong ca đêm mệt mỏi?!
Chúng ta còn phải biết ơn đời vì những vạn vật mà chúng ta tưởng chừng vô tri vô giác đó lại mời gọi ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong con người Êlisê giống như bao đất mà Naaman đã xin mang về (x. 2V 5,17). Ca dao Việt Nam nói lên nhận thức rất nhạy bén của những người nông dân, các bà nội trợ, những người có thân phận nhỏ bé phải đi làm công cho người khác, nhưng tâm hồn họ mở rộng để biết ơn vạn vật rất gần gũi với con người, hy sinh cho con người như những con tôm, con cá hay ngọn rau cây lá trong bữa ăn hằng ngày:
“Giã ơn cái cối, cái chày – Nửa đêm về sáng có mày có tao!
Giã ơn cái cọc bờ ao – Nửa đêm về sáng có tao, có mày!
Chúng ta thường chỉ biết ơn Trời, biết ơn người trong những biến cố quan trọng của cuộc đời: như khi bị một bệnh nan y nào đó, cầu nguyện và được Chúa chữa lành hay được người nào đó bỏ mấy chục triệu ra giúp chúng ta trả nợ. Đó là trường hợp của Naaman và của người Samari bị phong cùi được chữa lành.
Bệnh phong cùi vào thời Chúa Giêsu và ngay đầu thế kỷ XX này vẫn là một bệnh kinh khủng vì lúc bấy giờ người ta chưa biết đó là do vi trùng mà nhà bác học Gehard Armauer Hansen (1841-1912) đã khám phá. Những vi trùng này ăn vào đầu xương, phá các mô sụn nên người mắc bệnh này bị rụng lóng tay, lóng chân, đầu gối, sụp mũi… làm cho người bệnh đau nhức, lở loét và hôi thối. Vì thế, người ta nghĩ rằng các bệnh nhân đó là những người bị trời phạt, bị thần linh nguyền rủa do một tội lỗi thật nặng nề nào đó và người bệnh bị đuổi ra khỏi cộng đồng. Trên miền cao nguyên nước ta bây giờ vẫn còn nhiều người phong cùi phải sống chui sống nhủi trong những xó rừng, gốc cây vì bị dân làng xua đuổi. Thế mà Thiên Chúa đã chữa cho Naaman và 10 người phong.
3. Thể hiện lòng biết ơn: Khám phá ra sự hiện diện của Chúa
Những người bệnh phong đó tỏ lòng biết ơn như thế nào?
Họ hiểu rằng mình đang cần được chữa khỏi căn bệnh nan y. Họ sẵn sàng làm mọi việc khó khăn hay đánh đổi mọi thứ tiền bạc vật chất để được chữa lành. Thế mà Êlisê bảo Naaman làm việc đơn giản: hãy xuống tắm 7 lần ở sông Jordan. Do đó, Naaman bảo với người đến nói với mình là chẳng lẽ những con sông ở thủ đô Damas nước Syri không sạch hơn những con sông ở Israel sao.
Nhưng khi nghe đầy tớ nói rằng đó chỉ là hành động tượng trưng để khám phá ra Thiên Chúa, lúc bấy giờ ông mới chịu thực hiện như lời tiên tri Êlisê và ông được chữa lành. Ông muốn đền ơn bằng những bao tải vàng bạc mang theo nhưng Êlisê không nhận gì cả! Ông xin một ít đất mang về để nhìn vào đó ông nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa độc nhất đã cứu chữa ông và từ nay ông chỉ tôn thờ Ngài mà thôi.
Chúa Giêsu còn đơn giản hơn Êlisê. Người không đòi 10 người phong cùi đi tắm giống như Naaman, Người chỉ nói họ đến trình diện với các tư tế như một chuyện phải làm để chứng tỏ họ được khỏi bệnh. Đang khi đi thì họ được lành mạnh. Chúa Giêsu không đòi phải làm điều gì lạ lùng!
Ơn của Thiên Chúa đến với chúng ta cũng đơn giản như thế vì Thiên Chúa ban phát một cách quảng đại, không đòi điều kiện gì ngoài việc hành động theo lệnh Chúa Giêsu. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình phải đi tìm ơn ở những linh địa như La Vang, Lộ Đức, Fatima… Ngài chỉ đòi chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời mỗi người và chúng ta sẽ nhận được ơn Chúa.
Cảm nghiệm được điều đó chúng ta mới biết ơn và diễn tả lòng biết ơn như người phong cùi xứ Samari: anh ta trở lại quỳ dưới chân Chúa Giêsu để khám phá ra Thiên Chúa hiện diện trong con người rất bình thường này và không đòi anh làm gì lạ lùng. Nhưng, còn 9 người Do Thái kia đã không trở lại. Có thể vì họ quá vui mừng nên vội về chia sẻ với gia đình, với bà con thân thuộc, hoặc có thể họ mang lễ vật đến đền thờ Giêrusalem để tạ ơn Thiên Chúa. Họ đã không nhận ra người đã làm ơn cho họ, không nhận ra sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong con người Giêsu.
Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy, phần đông chúng ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những người làm ơn cho mình, trong miếng đất, bát cơm, chiếc áo, trong sự kiện bình thường của đời sống. Có lẽ chúng ta thuộc về hàng ngũ 9 người Do Thái kia chăng vì chúng ta nghĩ mình đạo đức, thánh thiện nên đáng nhận được những ơn đó!
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình để khám phá ra Chúa hiện diện rất gần gũi chúng ta. Ngài không đòi chúng ta làm gì lạ lùng, Ngài chỉ muốn chúng ta nhận biết ơn của Ngài. Ngài không đòi chúng ta đền ơn, vì làm sao chúng ta có thể đền được sự sống, tình yêu, kiến thức và biết bao ân sủng lạ lùng khác. Chúng ta có gì đâu mà đền cho Chúa! Có lẽ chúng ta chỉ mang một chút tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, tài năng để dự lễ, cầu nguyện và chia sẻ cho con người để nói lên lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa mà thôi.
Kết luận
Nhìn lại đời mình, đời người trong dòng lịch sử dân tộc và thế giới, chúng ta thấy biết bao ơn Chúa đổ trên ta cũng như trên mọi miền đất nước. Nhưng hình như chẳng có một lễ nghi nào của dân tộc để tạ ơn Trời như lễ tế ở Đàn Nam Giao thời trước? Hôm nay chúng ta muốn dâng thánh lễ này, thay mặt cho muôn người, muôn vật để cảm tạ Chúa. Xin Chúa nâng đỡ để chúng ta trở thành những người luôn khám phá ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và phát huy ơn Chúa để chia sẻ cho mọi người.