11/01/2025

110 người nắm 35% tài sản người dân Nga

Sau hơn 20 năm trỗi dậy của làn sóng tỉ phú mới, hiện 110 người giàu nhất nước Nga đang sở hữu 35% tổng giá trị tài sản của người dân nước này.

 

Sau hơn 20 năm trỗi dậy của làn sóng tỉ phú mới, hiện 110 người giàu nhất nước Nga đang sở hữu 35% tổng giá trị tài sản của người dân nước này.

 
 

Bức tranh tương phản giàu nghèo ở Nga – Ảnh: MT

Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Credit Suisse (Thụy Sĩ) vừa công bố báo cáo thường niên về sự giàu có của thế giới (World Wealth Report). Trong đó, kết quả thống kê về Nga gây xôn xao nhất khi các chuyên gia của Credit Suisse cho biết 110 người giàu nhất nước Nga sở hữu 35% tổng giá trị tài sản của người dân Nga, tương đương 420 tỉ USD. Từ đó, báo cáo nhận định: “Chênh lệch về tài sản ở Nga thuộc dạng cao nhất thế giới, không tính đến một số quốc gia nhỏ, thưa dân ở vùng Caribe”.

Theo báo cáo, ở Nga cứ mỗi 11 tỉ USD tài sản hộ gia đình thì có 1 tỉ phú, trong khi tỷ lệ này ở phần còn lại của thế giới là 1 tỉ phú/170 tỉ USD. Ngoài ra, 93,7% tổng số người lớn ở Nga sở hữu số tài sản chưa tới 10.000 USD/người. Trong khi ở Mỹ, bình quân tài sản của mỗi người trưởng thành là 301.000 USD và ở Thụy Sĩ – đất nước có người dân sở hữu tài sản trị giá cao nhất thế giới là 513.000 USD. Bên cạnh đó, một báo cáo khác của tạp chí Forbes cũng cho thấy số lượng tỉ phú ở Nga đã tăng lên gấp 13 lần kể từ đầu thế kỷ – từ 8 tỉ phú vào năm 2000 lên 110 tỉ phú trong năm 2013.

 


Ông trùm dầu lửa Gennady Timchenko – Ảnh: Gazeta


Tỉ phú Nga Roman Abramovich, ông chủ Câu lạc bộ bóng đá Chelsea, là một trong 110 người ở Nga nắm giữ 35% tài sản người dân Nga – Ảnh: AFP

Theo Credit Suisse, trong số những người giàu nhất nước Nga đến nay vẫn bao gồm các gương mặt quen thuộc nổi lên từ đầu thập niên 1990 như Vladimir Potanin, Mikhail Fridman, Roman Abramovich… Khi đó, bằng đầu óc nhạy bén và quan hệ thân thiết với chính quyền Tổng thống Boris Yeltsin, những người này đã có những kế hoạch lèo lái chính sách ngoạn mục để thâu tóm các tập đoàn nhà nước chủ chốt của Liên Xô trước đó trong các ngành như dầu khí và luyện kim. Gây nhiều tranh cãi với những đánh giá trái chiều tới tận ngày nay, những tỉ phú này được gọi là oligarch (nhóm thiểu số thao túng). Đến nay, nhiều nhà tài phiệt đời đầu đã rơi rụng vì khủng hoảng kinh tế lẫn các biện pháp lập lại kỷ cương của Tổng thống Vladimir Putin. Người chết nơi xứ người (Boris Berezovsky), kẻ đang ngồi sau song sắt (Mikhail Khodorkovsky – người giàu nhất nước Nga năm 2004). Tuy nhiên, những ai biết tự thay đổi cho phù hợp với tình hình mới như Potanin hay Abramovich vẫn giữ được khối tài sản khổng lồ của mình. Bên cạnh đó, trong thập niên qua cũng xuất hiện nhiều tỉ phú mới bước vào “nhóm tinh hoa” ở Nga. Theo báo cáo của Credit Suisse, những người này tạo lập tài sản từ các hợp đồng của các tập đoàn quốc gia và vài người trong số đó được cho là “bạn bè của Tổng thống Putin”. Nổi bật trong số này có Gennady Timchenko, ông trùm dầu lửa có tài sản ước tính khoảng 14,1 tỉ USD, theo Forbes.

 

46% tài sản toàn cầu trong tay 1% người giàu nhất

Tài sản toàn cầu đã tăng 68% trong 10 năm qua, đạt mức cao mới là 241.000 tỉ USD và Mỹ chiếm gần 3/4 tỷ lệ gia tăng này, theo báo cáo World Wealth Report của Tập đoàn tài chính Credit Suisse. Tài sản toàn cầu tính bình quân đã chạm mức 51.600 USD/người trưởng thành nhưng tỷ lệ này không đồng đều với 1% những người giàu nhất thế giới nắm 46% tổng tài sản toàn cầu. Các nhà phân tích tại Credit Suisse cũng dự báo tài sản toàn cầu sẽ tăng thêm 40% vào năm 2018, lên 334.000 tỉ USD.

Các quốc gia giàu có nhất, với bình quân mỗi người lớn sở hữu số tài sản trị giá hơn 100.000 USD, tập trung ở Bắc Mỹ, Tây Âu, một số nước ở châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông. Đứng đầu trong số này là Thụy Sĩ với trị giá tài sản bình quân ở người lớn là 513.000 USD, theo sau là Úc (403.000 USD), Na Uy (380.000 USD) và Luxembourg (315.000 USD). Tuy nhiên, 2/3 số người lớn trên thế giới có tài sản trị giá dưới 10.000 USD và gộp lại cũng chỉ chiếm 3% của cải toàn cầu.

C.Y

Danh Toại