23/01/2025

Phá rừng phòng hộ xây thủy điện

Cả người dân lẫn chủ rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây (Quảng Ngãi) đều phản đối sự xuất hiện của dự án thủy điện Sơn Trà 1 do làm mất trắng rừng phòng hộ.

 

Phá rừng phòng hộ xây thủy điện

Cả người dân lẫn chủ rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham ở hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây (Quảng Ngãi) đều phản đối sự xuất hiện của dự án thủy điện Sơn Trà 1 do làm mất trắng rừng phòng hộ.

Dự án thủy điện Sơn Trà 1 do Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6-2010. Đến nay sau nhiều lần điều chỉnh, dự án còn công suất 42 MW, chiếm khoảng 95,4ha đất, trong đó rừng phòng hộ hơn 47ha.

Cán bộ rừng sợ thủy điện

Con đường từ xã Sơn Tân (huyện Sơn Tây) dẫn vào khu vực dự kiến làm lòng hồ thủy điện Sơn Trà 1 cheo leo, hiểm trở. Ông Đoàn Ngọc Thạch, trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, cho biết rừng phòng hộ thuộc dự án này toàn những cây chò, gõ… loại cổ thụ. Nhiều cây to lừng lững, vài vòng tay người ôm không xuể.

Ông Thạch chỉ tay vào vạt rừng toàn cây cổ thụ trước mặt, ven con sông Xà Lò bức xúc: “Rừng tự nhiên, cổ thụ như vậy mà họ lại cho rằng rừng phòng hộ chủ yếu là rừng nhỏ, dây leo, độ che phủ thấp là không thuyết phục”. Ông Thạch cho hay rừng phòng hộ Thạch Nham có trữ lượng gỗ 100-120 m3/ha, nếu làm thủy điện thì không dưới 5.600 m3 gỗ bị “xẻ thịt”. Ông phân tích thêm 1ha rừng tự nhiên bằng 1ha rừng trồng trong 30 năm. Và hiện nay rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham không còn diện tích để trồng…

Ông Thạch thẳng thắn: “Đến giờ này chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm không cho phép xây dựng thủy điện Sơn Trà 1. Ở đây tôi không sợ lâm tặc mà chỉ sợ dự án thủy điện được triển khai sẽ tàn phá hết rừng nguyên sinh”.

Theo ông Thạch, diện tích rừng phòng hộ thực tế khi xây dựng thủy điện mất lớn hơn rất nhiều so với con số thiết kế. 47ha rừng phòng hộ bị mất như báo cáo chỉ là khu vực xây dựng lòng hồ, chưa tính các hạng mục khác. Ông Thạch lo nếu mất rừng thì 63 hộ dân sống nhờ rừng (chăm sóc, bảo vệ rừng) sẽ bị lấy mất “nồi cơm” vì không có việc làm. Đó là chưa kể đến hơn 4km hạ lưu sông Xà Lò biến thành sông “chết” khi thủy điện chặn dòng. “Trước đó, khi họp với UBND tỉnh, tôi đã nói các anh (lãnh đạo tỉnh) phải lắng nghe, tôn trọng ý kiến của người dân, của địa phương, chủ rừng. Phải thấy được diện tích rừng bị mất và các hệ quả xã hội trước khi phê duyệt dự án”.

Nói “không” với thủy điện

Nhắc đến dự án nói trên, ông Nguyễn Văn Quân – phó chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà) – mệt mỏi nói khi nghe xây thủy điện, người dân rất lo. Họ lo ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Còn ông Đặng Ngọc Dũng, bí thư Huyện ủy Sơn Hà, cho rằng đến nay chủ đầu tư chưa thể hiện phương án trồng, tái tạo rừng và chưa có đánh giá tác động môi trường thì không thể triển khai dự án. Ông Dũng cũng trưng ra ba báo cáo trong năm 2013 của chính quyền huyện về dự án Sơn Trà 1. Tất cả đều nói “không” với thủy điện.

Theo ông Dũng, nếu thủy điện Sơn Trà 1 nằm ở thượng nguồn được xây dựng thì vào mùa khô, khi hồ thủy điện tích nước sẽ gây cạn kiệt ở hạ lưu. Khi đó, công trình thủy lợi Thạch Nham sẽ không đủ nước tưới cho hơn 52.000ha đất sản xuất ở đồng bằng. Ngược lại mùa lũ về, các hồ chứa đồng loạt xả nước ắt sẽ gây lũ chồng lũ cho huyện Sơn Hà. “Chưa biết lợi ích thế nào nhưng mất rừng, thay đổi môi trường sinh thái, người dân bản địa và địa phương chịu hậu quả chứ tỉnh có chịu đâu. Huyện đã kiến nghị không triển khai dự án thủy điện Sơn Trà 1, đồng thời kiến nghị loại hết chín dự án thủy điện trên địa bàn chứ làm thủy điện mất nhiều hơn được” – ông Dũng tỏ rõ quan điểm.

VIỆT HÙNG – TRÀ GIANG

 

 

Xem xét lại mọi vấn đề về dự án

Chiều 7-10, bà Đinh Thị Loan – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – cho biết sau khi có báo cáo của Sở Công thương cùng địa phương về dự án thủy điện Sơn Trà 1, vừa rồi UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp. Sau đó, chủ tịch tỉnh đã giao lại cho Sở Công thương cùng các ngành chức năng, địa phương xem xét cụ thể mọi vấn đề về dự án này. “Phải xem xét về số liệu rõ ràng, cụ thể, kiểm tra thực trạng dự án…

Sau đó Sở Công thương sẽ báo cáo lại với UBND tỉnh để ra quyết định. Bây giờ, thủy điện có nhiều vấn đề ảnh hưởng, tỉnh phải tính cho kỹ, phải kiểm tra lại hết toàn bộ. Mình phải nghe từ nhiều phía chứ không thể quyết ngay được. Giờ tỉnh phải cân nhắc mọi liên quan đến dự án thủy điện này…” – bà Loan nói.

 

 

 

Người xúi làm, kẻ “cầu cứu” thôi

Ngày 8-7-2013, Sở Công thương Quảng Ngãi đã có báo cáo gửi UBND tỉnh cho rằng dự án không ảnh hưởng đến việc di dân, tái định cư, tái định canh của dân, không ảnh hưởng đến an sinh phía hạ lưu đập. Dự án thủy điện Sơn Trà 1 có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế – xã hội. Số lượng cây rừng lớn trong rừng phòng hộ bị ảnh hưởng dự án là thấp, giá trị không lớn, loại rừng có trữ lượng gỗ thấp, không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái của rừng. Sở Công thương Quảng Ngãi đề nghị tỉnh cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án. Thế nhưng chỉ ba ngày sau (ngày 11-7-2013), chính quyền huyện Sơn Hà lại có báo cáo gửi UBND tỉnh “cầu cứu” xin “không xem xét đầu tư xây dựng dự án thủy điện Sơn Trà 1”. Theo chính quyền huyện Sơn Hà, chủ đầu tư tự thiết kế, tự thẩm định, tự thi công nhưng khi sự cố xảy ra thì không phải chủ đầu tư mà là chính quyền, người dân địa phương gánh chịu và khắc phục hậu quả