22/01/2025

Nobel Vật lý cho ‘Hạt của Chúa’

Nobel Vật lý năm 2013 đã về tay hai lý thuyết gia từng dự đoán sự tồn tại của loại hạt được mệnh danh “Hạt của Chúa” cách đây gần 40 năm.

 

Nobel Vật lý cho ‘Hạt của Chúa’

Nobel Vật lý năm 2013 đã về tay hai lý thuyết gia từng dự đoán sự tồn tại của loại hạt được mệnh danh “Hạt của Chúa” cách đây gần 40 năm.


Nhà vật lý học Peter Higgs (phải) và Francois Englert đã được trao giải Nobel Vật lý năm nay - Ảnh: AFP 

Theo website www.nobelprize.org hôm 8.10, giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho hai nhà khoa học có công phát hiện hạt Higgs là Peter Higgs (Anh) và Francois Englert (Bỉ). Ông Higgs, 84 tuổi, chính là người được đặt tên cho hạt cơ bản mới nhất vừa được phát hiện vào năm 2012 nhờ Máy gia tốc hạt lớn (LHC) đặt tại Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Chuyên gia Englert, 80 tuổi, và đồng sự quá cố là ông Robert Brout từng đề xuất về sự tồn tại của hạt Higgs vào năm 1964, trong nỗ lực tìm ra cơ chế nhằm giải thích tại sao hầu hết các khối xây dựng cơ bản nhất của vũ trụ lại có khối lượng.

Hạt Higgs từng được nhà vật lý học đoạt giải Nobel Leon Lederman mệnh danh là “Hạt của Chúa”, do vai trò nền tảng trong các cơ chế chi phối vũ trụ. Việc phát hiện hạt Higgs cũng là mục tiêu chính của dự án LHC với chi phí 10 tỉ USD. Do phải mất 1 nghìn tỉ lượt va đập mới xuất hiện một đợt sản sinh hạt Higgs, nên CERN phải mất nhiều thời gian mới xác định được đây là hạt cơ bản tối quan trọng cho sự hình thành vũ trụ.

Các nhà vật lý học đã thông báo về sự tồn tại của nó trong một phát hiện chấn động vào tháng 7.2012, nhưng đã quá trễ để được tham gia vòng xét tuyển cho giải Nobel Vật lý năm đó. Do vậy, việc công trình nghiên cứu hạt Higgs đoạt giải năm nay không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, trước khi giải được công bố, danh tính các cá nhân có thể giật giải vẫn là một ẩn số.

Đầu tiên là có ít nhất 3 nhà vật lý khác đã tham gia vào việc hình thành khung lý thuyết về sự tồn tại của hạt cơ bản này vào năm 1964, nhưng truyền thống của tổ chức Nobel quy định không thể trao giải cho quá 3 cá nhân còn sống. Quyết định này càng thêm phức tạp khi có đến hàng ngàn nhà vật lý không được nêu tên đã góp công phát hiện hạt Higgs tại 2 lò phản ứng chính của LHC là ATLAS và CMS. Cuối cùng, Ủy ban Nobel quyết định chỉ trao giải cho hai ông Higgs và Englert.

Ông Higgs là Giáo sư danh dự của Đại học Edinburgh, trong khi chuyên gia Englert là Giáo sư danh dự của Đại học Tự do Bruxelles. Hai ông sẽ cùng chia sẻ giải thưởng trị giá 1,25 triệu USD trong buổi lễ trao giải tổ chức tại Stockholm vào tháng 12. Phát biểu trong một tuyên bố sau khi được xướng tên tại Stockholm, nhà vật lý Higgs cho hay: “Tôi hy vọng sự công nhận về khoa học cơ bản này sẽ giúp nâng cao nhận thức về giá trị của các nghiên cứu vũ trụ”.

Trong khi đó, hàng chục nhân viên tại trụ sở CERN đã nhảy múa ăn mừng ngay khi tên của hai nhà khoa học nói trên được xướng lên tại Stockholm, theo AFP. Tổng giám đốc CERN Rolf Heuer phát biểu với các nhân viên: “Nhờ công sức của các bạn mà Ủy ban Nobel đã trao giải thưởng này. Các bạn hãy tự dành cho mình một tràng pháo tay. Tôi thật sự tự hào về các bạn”, ông Heuer nói. 

Thụy Miên