25/11/2024

Hiệp thông trong tình yêu

Hai bệnh nhân phong được Chúa chữa lành. Họ được chữa lành trong thân xác, nhưng họ mở lòng đón nhận đức tin, và đức tin đã chữa lành họ trong tâm hồn, nghĩa là đức tin đã cứu thoát họ.

Hiệp thông trong tình yêu

Khai mạc Đại hội bất thường của Thượng hội đồng các Giám mục Trung Đông – Vương cung Thánh đường Vatican  - Chúa Nhật XXVIII TN, 10/10/2010

Chư huynh đáng kính,
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông,
Anh chị em thân mến!

Buổi cử hành Thánh Thể, là hành động tạ ơn Thiên Chúa một cách tuyệt hảo, ngày hôm nay được đánh dấu bởi một lý do tuyệt vời cho phép chúng ta về quy tụ bên cạnh mồ Thánh Phêrô: đó là ơn Chúa ban cho các Giám mục vùng Trung Đông được quy tụ về đây lần đầu tiên, qua một Đại hội Thượng hội đồng Giám mục, chung quanh Giám mục Rôma và là vị Mục tử toàn cầu. Biến cố rất đặc biệt này chứng tỏ mối quan tâm của toàn thể Giáo Hội đối với một phần Dân Chúa thực đáng quý và đáng mến đang sinh sống tại Thánh địa và trong khắp cả vùng Trung Đông.

Trước tiên, chúng ta hãy tạ ơn Chúa tể lịch sử vì Ngài đã ban cho vùng Trung Đông, dù cho có những thăng trầm lắm khi khó khăn và gian khổ, vẫn thấy được sự hiện diện liên tục của các Kitô hữu, kể từ thời Đức Giêsu cho đến nay. Trong những vùng đất này, Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô vẫn được diễn tả qua sự đa dạng của các truyền thống phụng vụ, thiêng liêng, văn hoá và kỷ luật của sáu Giáo hội Đông Phương Công giáo đáng kính sui iuris, cũng như trong Truyền thống La Tinh. Cái chào huynh đệ mà tôi hết tình yêu mến gửi đến các Thượng phụ Giáo chủ của mỗi Giáo Hội, vào lúc này, tôi cũng xin được gửi đến tất cả các tín hữu dưới quyền chăm sóc mục vụ của các ngài trong những quốc gia tương ứng, cũng như tại hải ngoại.

Trong Chúa Nhật XXVIII Thường Niên hôm nay, Lời Chúa mang đến cho chúng ta một chủ đề suy niệm rất có ý nghĩa với biến cố Thượng hội đồng mà ngày hôm nay chúng ta đang khai mạc. Phúc Âm theo Thánh Luca được đọc liên tục sẽ dẫn chúng ta đến giai thoại về việc Chúa chữa lành mười người tật phong, mà trong số đó, chỉ có một người, lại là người Samaritanô, quay lại cám ơn Đức Giêsu. Trong tương quan với bản văn này, bài đọc một được trích từ Sách các Vua quyển thứ hai kể lại vụ chữa lành ông Naaman, thủ lãnh quân đội Aram, ông cũng mắc bệnh phong, và được chữa lành bằng cách dìm mình bảy lần trong dòng nước sông Giođan theo lệnh của Tiên tri Êlisê. Naaman cũng quay lại với Tiên tri, và khi ông nhận ra Tiên tri là người trung gian của Thiên Chúa, ông đã tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất. Như thế, chúng ta đang đối diện với hai bệnh nhân phong, cả hai đều không phải là những người Do Thái, họ được chữa lành vì đã tin vào lời sứ giả của Thiên Chúa. Họ được chữa lành trong thân xác, nhưng họ mở lòng đón nhận đức tin, và đức tin đã chữa lành họ trong tâm hồn, nghĩa là đức tin đã cứu thoát họ.

Thánh vịnh đáp ca hát mừng thực tại này như sau: “Giavê đã biểu dương ơn cứu độ của Ngài, đã mạc khải đức công chính của Ngài trước mặt chư dân, Ngài đã nhớ lại tình yêu và lòng trung tín Người dành cho nhà Israel” (Tv 98,2-3). Như thế, ta thấy được chủ đề: ơn cứu độ thì phổ quát, nhưng nó lại đi qua một trung gian được xác định, có tính lịch sử: sự trung gian của dân Israel sau đó trở nên sự trung gian của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội. Cánh cửa sự sống đã được mở ra cho mọi người, nhưng đây thực là một “cánh cửa”, nghĩa là một lối đi được xác định và cần thiết. Điều này được tổng hợp qua công thức của Thánh Phaolô mà chúng ta vừa nghe qua Thư thứ hai gửi cho Timôtê: “Ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu” (2Tm 2,10). Đây là mầu nhiệm của ơn cứu độ phổ quát, và đồng thời của mối dây liên kết tất yếu với sự trung gian lịch sử của Đức Giêsu Kitô, và trước đó, với sự trung gian của dân Israel, và được tiếp nối bởi sự trung gian của Giáo Hội. Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài muốn mọi người tham dự vào đời sống của Ngài. Để thực hiện chương trình này, Thiên Chúa Ba Ngôi đã tạo nên trên trần gian một mầu nhiệm hiệp thông mang tính nhân loại và thần linh, lịch sử và siêu việt: Ngài đã tạo nên mầu nhiệm này nhờ “phương pháp”, nếu ta có thể nói được như thế, của Giao ước, Ngài liên kết với con người bằng một tình yêu trung tín và không hề vơi cạn, thiết lập một dân thánh sẽ trở nên mối phúc cho hết mọi gia đình trên mặt đất (x. St 12,3). Như thế, Ngài đã tự mạc khải là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacob (x. Xh 3,6), một vị Thiên Chúa muốn dẫn đưa dân Ngài về “đất” tự do và hoà bình. Vùng “đất” này không thuộc về trần gian; toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa vượt qua lịch sử, nhưng Ngài lại muốn xây dựng kế hoạch này với con người, cho con người và trong con người, bắt đầu bằng những tiêu chuẩn về không gian và thời gian được Thiên Chúa ban để con người sinh sống.

Với những đặc trưng của mình, mảnh đất mà chúng ta gọi là “Trung Đông” cấu tạo nên những tiêu chuẩn này. Thiên Chúa cũng đã nhìn mảnh đất trên thế giới này theo một viễn tượng khác, chúng ta có thể nói được là “từ trên cao”: đó là đất của Abraham, của Isaac và Giacob; đất của cuộc xuất hành và từ cuộc lưu đày trở về quê hương; đất của Đền thờ và các Tiên tri; đất mà trong đó Người Con Độc Nhất đã được Đức Maria sinh ra, đã sống, đã chết và đã phục sinh; là cái nôi của Giáo Hội, được thiết lập để mang Tin Mừng của Đức Kitô đến tận cùng bờ cõi trái đất. Và chúng ta cũng thế, với tư cách là những tín hữu, chúng ta nhìn về Trung Đông cùng với cái nhìn này, trong viễn tượng của lịch sử ơn cứu độ. Chính cái lăng kính nội tâm này đã hướng dẫn tôi trong những chuyến Tông du đến Thổ Nhỉ Kỳ, đến Thánh địa – Giocđani, Israel, Palestin – và đến đảo Chypre, nơi mà tôi đã có thể biết được một cách rõ ràng những niềm vui và những mối bận tâm của các cộng đoàn Kitô giáo. Chính cũng vì lý do đó mà tôi đã vui vẻ đón nhận đề nghị của các Thượng phụ Giáo chủ và của các Giám mục muốn triệu tập một Đại hội Thượng hội đồng các Giám mục, để cùng nhau suy nghĩ, dưới ánh sáng của Kinh Thánh và của Truyền thống Giáo Hội, về hiện tại và tương lai của các tín hữu và của những dân tộc vùng Trung Đông.

Nhìn vùng đất của thế giới này trong viễn tượng của Thiên Chúa có nghĩa là nhìn nhận nó như một “cái nôi” của một chương trình cứu độ phổ quát trong tình yêu, một mầu nhiệm hiệp thông được thực hiện trong tự do, và do đó, đòi hỏi con người một lời đáp trả. Abraham, các Tiên tri, Đức Trinh Nữ Maria là những nhân vật chủ chốt của lời đáp trả này, tuy nhiên, lời đáp trả này chỉ được ứng nghiệm trong Đức Giêsu Kitô, là người con của chính mảnh đất này, nhưng Người lại đến từ trời cao. Từ Người, từ Quả tim của Người, và từ Thần Khí của Người, Giáo Hội đã được sinh ra, một Giáo Hội lữ hành trên trần gian này, thế nhưng lại thuộc về Người. Giáo Hội được cấu tạo để làm dấu hiệu và khí cụ của chương trình cứu độ duy nhất và phổ quát của Thiên Chúa ở giữa con người; Giáo Hội chu toàn sứ mệnh này khi là chính mình, nghĩa là “hiệp thông và chứng tá”, như chủ đề của Đại hội Thượng hội đồng khai mạc ngày hôm nay, và quy chiếu về định nghĩa tuyệt vời của Thánh Luca về cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã nhắc lại: “Các tín hữu đông đảo, nhưng chỉ có một lòng một trí” (Cv 4,32). Không có hiệp thông thì cũng chẳng có chứng tá: chứng tá lớn lao, chính là sự sống hiệp thông. Đức Giêsu đã nói đến điều này một cách rõ ràng: “Cứ dấu này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy: đó là các con yêu mến nhau” (Ga 13,35). Mối hiệp thông này là sự sống của chính Thiên Chúa là Đấng tự thông truyền trong Thánh Thần, nhờ Đức Giêsu Kitô. Như thế, đây là một món quà Chúa ban, chứ không phải là một cái gì do chúng ta xây dựng trước tiên bằng sức riêng của mình. Và chính vì lý do đó mà mối hiệp thông này chất vấn sự tự do của chúng ta, và mong đợi chúng ta đáp trả: sự hiệp thông luôn đòi buộc sự hoán cải, cũng như ơn Chúa luôn đòi buộc ta phải đón nhận và thực hiện. Những Kitô hữu đầu tiên tại Giêrusalem không đông đúc là bao. Không ai có thể tưởng tượng ra cái gì sẽ được thực hiện sau đó. Và Giáo Hội cũng vẫn sống nhờ chính sức mạnh đã làm cho Giáo Hội bắt đầu và tăng trưởng. Ngày lễ Ngũ tuần là biến cố khơi nguồn, nhưng cũng là một năng lượng trường tồn, và Thượng hội đồng các Giám mục là một thời gian ưu việt, mà trong đó, ơn của ngày Lễ Hiện xuống có thể được đổi mới trong lòng Giáo Hội trên bước đường lữ thứ, để cho Tin Mừng được công khai loan báo và được mọi dân tộc đón nhận.

Do đó, mục tiêu của Đại hội Thượng hội đồng này chủ yếu là mục vụ. Trong khi ta không thể không quan tâm đến tình hình xã hội và chính trị tế nhị và đôi khi bi thảm của một vài quốc gia, những vị Mục tử của những Giáo Hội tại vùng Trung Đông muốn đặt trọng tâm vào những khía cạnh trong sứ mệnh riêng biệt của mình. Về điểm này, Tài liệu làm việc, được soạn thảo bởi Uỷ ban tiền Thượng hội đồng mà nhân đây tôi hết lòng cám ơn các thành viên đã hoàn thành tốt công việc, nhấn mạnh đến mục đích tính mang màu sắc Giáo Hội của Đại hội, khi làm nổi bật ý hướng của Thượng hội đồng, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, là khơi dậy sự hiệp thông của Giáo hội Công giáo tại Trung Đông. Tiên vàn, trong lòng mỗi Giáo Hội, trong các thành viên của mỗi Giáo Hội: Thượng phụ Giáo chủ, Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân sống đời tận hiến và giáo dân. Và sau đó, trong những tương giao với các Giáo Hội khác. Đời sống của Giáo Hội, được kiên vững như thế, sẽ chứng kiến những thành quả được phát triển một cách hết sức tích cực trên con đường đại kết với những Giáo Hội khác và những Cộng đoàn Giáo Hội đang hiện diện tại Trung Đông. Đây cũng là dịp thuận lợi để tiếp tục cách tích cực cuộc đối thoại với những người Do Thái, mà chúng ta đã được liên kết bằng một mối dây bất khả phân ly và một lịch sử lâu dài của Giao Ước, cũng như cuộc đối thoại với những người Hồi giáo.

Ngoài ra, công việc của Đại hội Thượng hội đồng cũng hướng về chứng tá của những Kitô hữu trên bình diện cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đòi hỏi ta phải củng cố căn tính của Kitô hữu nhờ Lời Chúa và các Bí tích. Chúng ta cầu mong cho các tín hữu cảm nghiệm niềm vui được sống tại Thánh địa là vùng đất được sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô và mầu nhiệm vượt qua vinh hiển của Người chúc phúc. Theo dòng thời gian, những Địa điểm này đã lôi kéo vô số khách hành hương, cũng như các cộng đoàn tu sĩ nam nữ xem như một đặc ân lớn lao là được sống và làm chứng tại mảnh Đất của Đức Giêsu. Dầu cho khó khăn, các Kitô hữu tại Thánh địa vẫn được mời gọi khơi lại ý thức mình là những viên đá sống động của Giáo Hội tại Trung Đông, tại những Địa điểm thánh nói lên ơn cứu độ của chúng ta. Nhưng sống một cuộc sống xứng đáng tại quê hương mình tiên vàn là một quyền cơ bản của con người: chính vì thế, ta phải cổ vũ những điều kiện hoà bình và công lý rất cần cho sự phát triển hài hoà của mọi người dân sống trong vùng. Như thế, tất cả mọi người đều được mời gọi đóng góp phần mình: cộng đoàn quốc tế hỗ trợ một con đường khả tín, trung thực và mang tính xây dựng hoà bình; các tôn giáo đa số đang hiện diện trong vùng xúc tiến những giá trị thiêng liêng và văn hoá liên kết mọi người và loại bỏ mọi hình thái bạo lực. Các Kitô hữu sẽ tiếp tục đóng góp phần mình bằng những công việc thăng tiến xã hội, chẳng hạn những cơ sở giáo dục và y tế, nhưng nhất là bằng tinh thần Bát phúc của Tin Mừng, một tinh thần thôi thúc việc tha thứ và giao hoà. Với sự cam kết này, họ sẽ luôn nhận được sự nâng đỡ của toàn thể Giáo Hội, điều này đã được long trọng xác nhận qua sự hiện diện của nhiều đại biểu đến từ các Hội đồng Giám mục của các lục địa khác.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy dâng việc làm của Đại hội Thượng hội đồng Giám mục vùng Trung Đông cho các vị Thánh nam nữ của mảnh đất được chúc phúc này; chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc luôn bảo vệ Đại hội, cho những ngày kinh nguyện, suy nghĩ và hiệp thông huynh đệ mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho hiện tại và tương lai của những dân tộc thân thương tại Trung Đông. Với hết cả tâm hồn, chúng ta gửi đến họ lời cầu chúc sau đây: “Xin chào bạn, chào gia đình của bạn, chào tất cả những gì thuộc về bạn”.